Kevin Rudd – thủ tướng mới của Úc

Nguyễn Văn Tuấn

Thế là Kevin Rudd lại trở thành thủ tướng Úc. Một cuộc bầu cử trong nội bộ Đảng Lao Động (đảng cầm quyền) 10 phút trước đây đã hạ bệ đương kim thủ tướng Julia Gillard và bầu Kevin Rudd làm thủ tướng. Tôi ít khi nào nói về chính trường Úc, nhưng lần này thì tôi theo dõi sự việc rất sát, nên có vài dòng nhật kí về một nhân vật hết sức đặc biệt, Kevin Rudd. Sự trở lại của Rudd còn là một bài học tuyệt vời của một thể chế dân chủ.

Cuộc đời và sự nghiệp chính trị của Kevin Rudd đúng như câu “lên voi xuống chó” của người Việt chúng ta. Sinh năm 1957 trong một gia đình lao động thuộc bang Queensland (miền Bắc nước Úc). Tốt nghiệp từ trường Đại học Quốc gia Úc (ANU) với bằng cử nhân hạng ưu, chuyên về lịch sử và ngôn ngữ Hoa. Đáng chú ý là trong thời gian theo học cử nhân, ông làm nghề cleaner (quét dọn nhà) cho nhà báo Laurie Oakes. Năm 1989, Rudd tiếp tục theo học tiếng Hoa tại Đại học Quốc gia Đài Loan (NTU). Ông nói và viết thành thạo tiếng Hoa. Năm 1981, ông được bổ nhiệm làm tham tán cho Bộ Ngoại giao Úc ở nước ngoài. Năm 1988 ông và vợ về Úc, và ông tham gia Đảng Lao Động với nhiều vị trí phụ tá cho thủ hiến bang Queensland lúc đó là Wayne Goss. Năm 1998 ông trở thành dân biểu Quốc hội, và sau đó trở thành lãnh tụ đối lập. Những năm sau đó thì bắt đầu sóng gió...

Năm 2007 trong kì bầu cử liên bang, ông đánh bại John Howard (thuộc đảng bảo thủ gọi là “Liberal” – không thể dịch là “Tự do”) và trở thành Thủ tướng Úc. Trong kì bầu cử này, John Howard thất bại thảm hại, thảm hại đến nổi ông không giữ được ghế dân biểu của chính mình! Những năm sau khi thắng cử, Kevin Rudd được người dân yêu mến, lúc nào cũng ở vị trí cao tưởng như không ai hạ nổi. Ấy thế mà đến 2010, khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra, thì uy tín của ông dần dần suy giảm. Nhất là chính sách đánh thuế kỹ nghệ hầm mỏ làm cho ông trở thành kẻ thù của những tay đại gia hầm mỏ của Úc. Tình hình nguy kịch, và Đảng Lao Động phải có hành động: họ tổ chức bầu cử nội bộ đảng. Kết quả bầu cử là Kevin Rudd bị mất phiếu, và người phó của ông là Julia Gillard đắc cử. Bà Gillard trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Úc.

Thất cử thủ tướng, Rudd buồn lắm, và đệ đơn từ chức. Nhưng sau khi đắc cử thủ tướng, bà Gillard bổ nhiệm Rudd (tức sếp cũ của bà) làm Bộ trưởng Ngoại giao. Rudd xuất sắc trong vai trò này. Trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Rudd có lần thăm Việt Nam (Rudd là người thích chơi với châu Á). Nhưng tình hình chính trị rối ren, Đảng Lao Động dưới sự lãnh đạo của Gillard cũng dần dần mất uy tín. Thế là những tay “kingmakers” trong Đảng Lao Động đề cử Rudd tranh chức lãnh tụ với bà Gillard. Đầu năm 2010, trong một cuộc bầu cử nội bộ Đảng, Rudd thất bại, và Gillard vẫn hiên ngang làm thủ tướng. Rudd buồn lắm, và nhất định rời chính trường về quê Queensland giúp vợ quản lý doanh nghiệp. Ông tuyên bố nhiều câu chắc nịch, như “không bao giờ tranh cử nữa”, “không bao giờ làm chính trị nữa”, v.v.

Nhưng như trong phim James Bond, “never say never again” (không bao giờ nói ‘không bao giờ’ lần nữa), và dòng đời đưa đẩy, Rudd lại xuất hiện. Mấy tháng gần đây, dân tình ta thán bà Gillard quá. Bà bọ người dân tố là nói dóc, là thủ phạm làm cho nền kinh tế suy yếu, là hèn với Tàu, v.v. và v.v. Người ta nói đến một cuộc bầu cử mới để đưa Kevin Rudd trở lại chính trường, nhưng người ta cũng ngại là bà Gillard vẫn còn có số đông. Nhưng sự kiên nhẫn của Đảng Lao Động cũng đến độ tối đa, nên hôm nay, Đảng tổ chức bầu cử nội bộ. Khoảng 5 phút trước, kết quả cho thấy Rudd được 57 phiếu, và Gillard được 45 phiếu. Thế là sau vài tháng ẩn danh, Rudd lại trở thành thủ tướng Úc. Đúng là một sự nghiệp đầy thăng trầm của một chính khách.

Với cá nhân tôi, nếu chọn giữa hai người, Gillard và Rudd, thì tôi thích Rudd hơn. Tuy cả hai đều học giỏi và có tài hùng biện, nhưng Rudd là người lịch lãm hơn, nho nhã hơn, và worldly hơn Gillard. Rudd là người hỗ trợ cho giáo dục, khoa học và y tế rất nhiều. Chính ông là tác giả của chương trình broadband internet cho toàn nước Úc, và người tuyên bố mỗi học sinh trung học từ lớp 9 trở lên sẽ được cấp một cái laptop (và ông nói là làm). Còn bà Gillard, từ ngày bà làm thủ tướng, ngân sách cho giáo dục và khoa học Úc càng ngày sụt giảm. Do đó, tôi càng có lí do không ưa bà Gillard, nhưng chưa có dịp bầu cử để tống khứ bà ấy thì nay có Kevin quay lại. Tôi phải chúc mừng Rudd.

Kevin Rudd còn có một mối liên quan xa với người Việt. Anh ruột của Rudd có một người con nuôi gốc Việt tên là Van Thanh Rudd. Do đó, Thanh gọi Kevin Rudd bằng chú. Nếu tôi nhớ không lầm, Thanh là một hoạ sĩ, nhưng không theo Đảng của chú, mà tham gia Đảng Xã hội. Vài năm trước, Thanh gây tranh cãi làm nhức đầu ông chú. Anh ta mặc đồng phục KKK để phản đối những cuộc hành hung sinh viên Ấn Độ, tố cáo chính phủ liên bang là “diệt chủng” (mấy anh nghệ sĩ thường nói… quá), và thế là bị cảnh sát bắt và phạt tiền (Nếu ở Việt Nam không chừng anh ta đã vào tù!). Khi báo chí hỏi về hành động của người cháu, Kevin Rudd nói ông không ủng hộ cái đồng phục và phát ngôn, nhưng ông ủng hộ quyền tự do ngôn luận của cháu ông. Rudd nói như Voltaire nói vậy.

Sự trở lại của Kevin Rudd là một bài học của sự đổi thay và dân chủ. Nếu đảng viên thấy lãnh tụ của họ không còn xứng đáng hay đang làm phương hại đến quốc gia, thì họ thay lãnh tụ. Và, họ thay rất nhanh. Từ lúc kêu gọi bầu cử nội bộ (ở Úc gọi là “challenge”) đến lúc bầu cử và có kết quả không đầy một tuần! Yếu tố thời gian rất quan trọng trong chính trị, không thể để một kẻ bất tài (hay mất tín nhiệm) tại chức lâu ngày trong khi con thuyền của đảng sắp chìm. Điều này rất khác với nước ta, nơi mà lá phiếu tín nhiệm của Quốc hội hình như chẳng có hiệu lực thực tế gì đáng kể, và quan chức thì thoải mái ngồi cho đến ngày nghỉ hưu (Đó là chưa nói đến cách bỏ phiếu và thang điểm tín nhiệm không giống ai).

Sự việc diễn ra theo các nguyên tắc dân chủ. Thiểu số phục tùng đa số. Chỉ có thể chế dân chủ mới có một sự chuyển giao quyền lực một cách nhẹ nhàng như tôi vừa mô tả trên. Cái hay của một thể chế dân chủ trưởng thành là người đắc cử và người thất cử đều chấp nhận số phận chính trị của mình qua lá phiếu của đồng nghiệp. Người đắc cử đưa tay nâng đỡ người thất cử, như bà Gillard bổ nhiệm sếp Kevin Rudd làm bộ trưởng ngoại giao. Vài tuần tới, tôi chắc rằng Kevin Rudd sẽ bổ nhiệm bà Julia Gillard một chức vụ nào đó trong nội các.

Phải nói rằng chính trường trong các thể chế dân chủ rất… sinh động. Tất cả đều diễn ra một cách minh bạch, trước ống kính của giới truyền thông và của tất cả người dân. Người dân hào hứng theo dõi từng phút, chẳng khác gì một trận đá bóng. Bạn bè tôi nhắn tin qua lại về số phiếu, người thì vui mừng khi thấy bà Gillard bị thất cử, kẻ thì buồn cho bà (chắc là cảm tình viên của Gillard). Các cơ sở bán vé đua ngựa chó cũng cá cược về Rudd và Gillard trên màn ảnh tivi. Họ xem cuộc bầu cử cũng như một trò chơi đua ngựa, đua chó! Nhưng tôi nghĩ đó là một thể chế chính trị trưởng thành, vì tất cả người dân đều tham gia vào chính trường một cách hào hứng. Ước gì Việt Nam mình cũng có một chính trường vui tươi như Úc, để mọi người có thể tham gia mà không bị ám ảnh bởi một nỗi sợ vô hình. Nhưng dĩ nhiên tôi biết “ước mơ cũng chỉ là ước mơ thôi”.

N.V.T.

Nguồn: facebook.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn