Những bài thơ yêu nước được sáng tác trong tù

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

clip_image001

Luật sư Lê Quốc Quân tham gia biểu tình chống Trung Quốc hôm 8 tháng 7 năm 2012 tại Hà Nội. AFP

Việt Nam có lẽ là đất nước có những bài thơ yêu nước được sáng tác trong tù nhiều nhất so với nền văn học thế giới. Nhà tù thời đại nào cũng là nơi giúp người hoạt động cách mạng có cơ hội suy nghĩ, gợi nhớ và nuôi duỡng ngọn lửa yêu nước bên trong bốn bức tường câm nín của trại giam. Bóng tối nhà tù kỳ diệu thay lại làm bùng vỡ ánh sáng trên dòng thơ của những con tim chói chang niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn cho đất nước, xã hội. Nguyễn Chí Thiện là một điển hình như thế.

Nếu thơ của Nguyễn Chí Thiện bay ra ngoài Việt Nam một cách khó khăn với nhiều câu hỏi về tính xác thực của tác giả thì những bài thơ yêu nước trong nhà tù hôm nay lại tiếp cận được với người đọc, người nghe nhanh chóng và căn cước của tác giả không ai có thể nghi ngờ, ngay cả khi tác giả những bài thơ ấy còn ngồi trong bốn bức tường tăm tối của nhà tù chờ ngày ra tòa xét xử.

Trường hợp thứ hai rơi vào luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân, đang bị giam giữ tại nhà giam Hỏa Lò Hà Nội.

Nằm trong trại giam người luật sư ấy làm nên những câu thơ bén và âm ỉ cháy trong lòng người được đọc nó. Lê Quốc Quân làm thơ không để nổi tiếng vì với ông sự nổi tiếng từ thơ có lẽ là điều khôi hài vì con đường dẫn tới công lý, sự thật mà ông đang đi còn lắm chông gai. Thơ không thể thay thế chiếc giày êm ái mà chỉ bằng niềm tin vào tổ quốc mới có thể giúp ông vượt qua con đường khổ nạn.

Cảm hứng đến với thơ của ông không bằng cái lay động của gió, của cỏ cây hay tình tự của những yêu đương thường thấy. Thơ của ông quằn quại với sóng nước Biển Đông cùng những giòng máu đỏ mà quê hương đang chảy. Những giòng máu bất kể từ ngư dân hay người chiến sĩ, đối với tác giả, đều mặn như nhau và từ cái mặn nồng tươi rói ấy Lê Quốc Quân sáng bừng ra tình yêu nước tự nhiên của một công dân đối với non sông của mình.

Ngồi trong tù, Quân nghe rất rõ tiếng vỗ uất ức của những ngọn sóng Việt Nam. Cái âm thanh ấy làm thành thơ, thành hơi thở nặng nhọc của người tù Hỏa Lò vào ngày 25 tháng 3 năm 2013, cùng lúc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng Tập Cận Bình và chiếc tàu của ngư dân Việt bị Trung Quốc bắn cháy cabin!

Hỏa lò vọng sóng Biển Đông

Đọc vội trên ngay báo Nhân Dân của Đảng đủ làm dậy sóng lòng tôi.

Đêm nay!

Sóng biển đông uất ức vỗ vào nghềnh đá

Tha thiết gọi tên anh tên tôi.

Đêm nay!

Có đôi tay bất lực ghì vào song sắt

Da diết gọi Hoàng Sa-Trường Sa

Âm vang mãi của sóng giọng của người tù

Rơi vào khoảng không vô vọng!

Lũ giặc cướp tung hoành trên biển đông

Chúng lập tam sa xây nhà tù trên đảo.

Bắn giết hải quân cầm tù ngư phủ

Chúng cắt thông tin xua bình minh trên biển

Xô đổ cả hoàng hôn duyên hải

Đem đêm tối kinh hồn cho vợ con xóm nhỏ.

Biển đảo ta đây!

Tổ quốc ta đây, bao đời ông cha gìn giữ sao chỉ phản đối nước đôi?

Bởi lãnh đạo bị bao vây tứ phía

Chúng lấy học thuyết Tam vô làm vòng kim cô cầm tù não bộ.

Chúng lấy đại cục, phân mảnh lòng người.

Chia chác tài nguyên cướp con cá biển trong bữa cơm chiều con trẻ việt.

Chúng lấy tình môi-răng, căng mình giữ ghế tham quyền cố vị, vơ vét tài nguyên, bỏ đói cả tương lai dân tộc.

Ôi! Tây nguyên, biên giới, cà mau, thanh hóa

Vũng áng, thái bình nhan nhản dấu chân tàu

Hoa quả, gia cầm đồ dùng thức uống

Văn hóa phi trường, tràn ngập tiếng hoa.

Quê hương tôi đã mất thật rồi ư?

Không?

Sóng đã nổi từ trong ngục tối

Nơi anh em nhắm mắt biểu tình

Và lắng nghe tiếng đồng bào cùng bước

Hào khí đông A ngập tràn khóe mắt

Tiếng hô vạng dội một góc trời

Đứng lên đi như ông cha từng đã quét sạch bóng thù nước Việt vững ngàn thu!

Hoả Lò ngày 25 tháng 3 năm 2013

Trong cái nhà tù nổi tiếng ấy, người cha Lê Quốc Quân không thể không chạnh thương đối với những đứa con bé bỏng của mình. An, Thái, và Việt là tên gọi thương yêu, là niềm tin của người cha vào tương lai của gia đình cũng như những ước mơ thầm kín thể hiện qua cái tên của từng mái đầu nhỏ bé, trong bài An Thái Việt ông nhắn nhủ:

Có tên khắc khoải trong tim óc

Dẫu rất bình yên An-Thái-Việt

Có đêm thao thức lòng đau tức

Ai nghĩ về ai nước mắt nhòa

An Hà năm nay lên lớp 6

Cha chưa về được để dạy thêm

Nghe lời bà dặn ngoan con nhé

Học giỏi chơi vui giúp mẹ Hiền

Thái Hà con ơi Cha nhớ lắm

Không biết bây giờ ai đón đưa

Nhớ khi cha con cùng đến lớp

Hay chốn vườn quê mãi sức đùa

Việt Hà con ơi cha vẫn thấy

Đôi chân công chính đang tập bước

Dẫu sớm đau thương có sá gì

Trên đường thiên lý bóng con đi

Cuộc đời vẫn thế đầy giông bão

Các con gắng sức trước gian lao

Giờ hãy ngủ đi bình an nhé!

Mai sớm cùng cha đón bình minh

Hỏa lò, xuân Quý Tỵ

Người tù sống nhờ vào bạn tù. Họ chia sẻ cho nhau từng hạt cơm, miếng giẻ cũng như các mẩu chuyện vui buồn. Lê Quốc Quân chia sẻ cái nhìn, niềm trăn trở của nhà thơ về một vấn đề lớn hơn mà khó một người tù hình sự nào để ý tới: Vấn đề tự do dân chủ. Trong bài Tặng người bạn tù ông viết:

Bài thơ này tôi viết tặng anh

Người bạn tù chung manh chiếu rách

Sau song sắt đêm chúng mình tâm sự

Anh có nghe quá khứ vinh quang

Của nước Việt ngàn năm trung dũng

Khi giặc già lăm le bờ cõi

Hội nghị Diên hồng ông cha quyết đánh

Bến Bình than tướng trẻ bóp nát cam

Đại cáo bình Ngô vang dội trời nam

Bỗng tiền nhân như ngọc sáng dọi về

Tôi kể anh nghe hiện tại đau thương

Thời một đảng úp trùm toàn dân tộc

Nhân dân lầm than đói khổ đủ đường

Độc lập đó còn tự do không có

Tham nhũng thành quốc nạn tràn lan

Quyền tự do dân chủ không còn

Người tranh đấu bị giam vào ngục tối

Ta kể nhau nghe về tương lai tươi đẹp

Của Việt Nam trong hòa nhập toàn cầu

Dân chủ có mà nhân quyền cũng có

Và tự do cho tất cả mọi người

Đến lúc đó nước Việt của chúng ta

Không thua kém láng giềng xung quanh

Mà từ hôm nay đến đó còn xa

Còn nhiều việc chúng ta cần làm nốt

Chúng mình cùng gánh vác nghe anh!

clip_image002

Luật sư Lê Quốc Quân, anh Paulus Lê Sơn cùng một số người khác bị bắt giam khi đang đứng bên ngoài Tòa án Hà Nội hôm xử TS luật Cù Huy Hà Vũ 04-04-2011. Courtesy Anhbasam.

Là một luật sư, Lê Quốc Quân hiểu rõ thế nào là luật pháp. Hiểu rõ và tin tưởng vào những gì mình được học, được bồi dưỡng kiến thức tại nước ngoài. Người luật sư ấy tiếc thay lại không chịu bẻ mình uốn theo những gì mà tòa án Việt Nam muốn với những bản án bỏ túi xử theo chỉ thị chứ không theo pháp luật. Là một luật sư trẻ và mang nhiều hoài bão, Lê Quốc Quân dùng kíên thức luật pháp của mình để lên tiếng chống lại những sai trái của hệ thống tư pháp Việt Nam, hệ quả là cả hệ thống quay ngược lại tấn công ông và cuối cùng thì ông bị tước đi mảnh bằng mà bao nhiêu năm từng theo đuổi.

Những gai góc bất công trong chế độ không thể làm cho người tù Lê Quốc Quân khuất phục mà ngược lại chúng làm ông lớn lên, cứng cáp hơn trứơc những thử thách mà hệ thống tư pháp cộng sản muốn ông nhận lãnh.

Chí người ngục sỹ

Lúc lặng lẽ ngồi trong ngục tối

Là khi ta mưu sự cơ đồ

Đôi mắt nhắm mà lòng cuộn sóng

Chí bừng lên vang dội trăm miền

Ý chí ta vực thẳm núi cao

Trải rộng khắp bình nguyên đại mạc

Chí là hướng lung linh tâm bão

Bão lòng người thổi giữa nhân gian

Chí là hoa nở trong máu đỏ

Máu anh hùng chảy mãi thiên thu

Chí đã chín lòng ta đã quyết

Quyết đứng lên tranh đấu một phen

Vì nhân dân cơ cực bần hàn

Ý chí đó ngàn đời không đổi

Hỏa lò 4/2013

Không ít người cho rằng luật sư Lê Quốc Quân bị bắt vì chống Trung Quốc. Nếu nghĩ thật cặn kẽ, có người Việt Nam hiểu biết lịch sử nào mà lại không chống Trung Quốc, hay nói đúng hơn là chống tư tưởng Đại hán, bá quyền. Lê Quốc Quân có chống Trung Quốc cũng không phải là một ngoại lệ. Trước khi bị bắt ông đã có những bài thơ hùng tráng như bài Tổ Quốc Gọi Tên do chính ông tự đọc sau đây:

Đêm qua tôi nghe tổ quốc gọi tên mình.

Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa vang dội vào ghềnh đá

Tiếng tổ quốc vọng về từ biển cả

Nên bão tố dập dồn chăng lưới bủa vây

Tổ quốc của tôi. Tổ quốc của tôi

Bốn ngàn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ, thắp lên ngọn đuốc hòa bình

Bao người đã ngã, máu của người nhuộm mặn sóng biển đông

Ngày hôm nay kẻ lạ mặt rập rình, chúng ngang nhiên chia cắt tôi và tổ quốc

Chúng dẫm đạp lên dáng hình đất nước

Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau

Sóng chập vào bình yên dẫn lối những con tàu

Sóng cuộn đỏ máu những người đã mất

Sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc

Chín muơi triệu môi người thao thức tiếng Việt Nam

Chín muơi triệu người lấy thân mình che tổ quốc linh thiêng

Để giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố

Ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa

Tôi lắng nghe tổ quốc gọi tên mình.

Người tù trẻ tuổi và đầy chí khí ấy sẽ ra tòa vào ngày 9 tháng Bảy này. Hầu như những người biết chuyện đều nhìn vào cái ngày xử án ấy với tâm lý chờ đợi một diễn biến khác với vụ xử của blogger nổi tiếng Điếu Cày với cùng tội danh trốn thuế. Lê Quốc Quân rất kinh nghiệm đối với chính quyền Việt Nam khi đã chuẩn bị sẵn cho mình tư thế trước tòa và tư thế trước công luận. Ông gửi một thư ngỏ ghi âm tiếng nói của mình để tránh trước những đòn thù dưới thắt lưng mà chính quyền có thể dành cho ông nếu không thể kết án ông một cách hợp pháp.

Thư ngỏ

Là một công dân Việt Nam luôn tha thiết với sự lớn mạnh của đất nước và dân tộc mình, tôi tin rằng chỉ có tự do dân chủ mới giải phóng con người đem lại sức mạnh Việt Nam phát triển.

Là một luật sư bất đồng chính kiến tôi có thể gặp những khó khăn hoặc bị tù đày. Bởi vậy tôi viết thư ngỏ này trình bày những điều phòng sau khi mình không được tự do thì sẽ có nhiều thông tin không chính xác.

Thứ nhất, với sự hiểu biết về pháp luật của mình tôi khẳng định rằng những hoạt động tranh đấu, những bài viết, những lời nói của mình là tốt đẹp và hoàn toàn vô tội theo pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Thứ hai, tôi không hoạt động vì quyền lợi của quốc gia nào khác ngoài tổ quốc Việt Nam. Tôi hoạt động để góp phần xây dựng xã hội dân sự. Tạo phong trào dân sự rộng rãi nhằm thực hiện nguyện vọng của nhân dân, thông qua cơ chế dân chủ và bằng phương pháp bất bạo động.

Thứ ba, tôi đã nhiều lần bày tỏ quan điểm và lập trường của mình về những vấn đề tự do dân chủ và nhân quyền. Tôi nỗ lực tối đa để bảo vệ nó trong mọi hoàn cảnh, tuy nhiên, nếu khi tôi không còn được tự do mà có những thông tin đi ngược lại với lý tuởng đấu tranh của mình thì cần được coi là không phản ảnh đúng với ý chí và lý trí của tôi. Những chứng cứ đó là hoàn toàn vô giá trị.

Thứ tư, tôi xin đón nhận mọi khó khăn như những món quà mà tổ quốc đã trao tặng cho mình. Tôi chịu trách nhiệm cá nhân về những hành vi của mình. Tôi sẵn sàng xin lỗi về những thiếu sót, nếu có, đối với anh em bạn bè. Nhưng việc sử dụng các hành vi của tôi để buộc tội, hoặc làm bằng chứng chống lại bất cứ ai đều là vô hiệu. Tôi phủ nhận hoàn toàn mọi bằng chứng liên quan làm phương hại đến các anh em khác đang tranh dấu vì một Việt Nam đổi mới, dân chủ, phát triển và giàu mạnh.

Cá nhân tôi luôn tin vào khát vọng và nỗ lực của chính nhân dân Việt Nam. Tôi tin rằng một ngày không xa chúng ta sẽ có được tự do dân chủ thực sự. Mọi người dân Việt Nam đều có thể bày tỏ quan điểm của mình một cách công khai. Có quyền mưu cầu hạnh phúc và thành công ngay trên chính quê hương Việt Nam yêu dấu này.

Trân trọng kính thư.

Tôi, luật sư Lê Quốc Quân xin cám ơn.

Những ngày gần đây Luật sư Quân đã gặp khá nhiều sách nhiễu trong nhà tù nhưng với ông có lẽ những sách nhiễu ấy không thề sánh bằng tình cảm người thương yêu ông dành cho một con người ái quốc. Vợ ông kể lại những diễn tiến mới nhất khi luật sư của ông kể lại cho bà biết ông sẽ tịch cốc một tuần lễ để tỏ lòng biết ơn những người thương yêu ủng hộ ông, bà nói:

“Hiện tại anh Quân vẫn trong điều kiện khắc nghiệt trong tù vì bị phân biệt đối xử. Tin mới nhất hôm nay do luật sư cho biết anh Quân quyết định sẽ tịnh cốc từ ngày 23 tới ngày 30 tháng 6, anh sẽ chỉ uống nước và không phải là tuyệt thực, anh tịnh cốc thì chỉ uống nước lọc. Anh muốn chia sẻ với những người đang gặp khó khăn và muốn thực sự bày tỏ lòng cám ơn với mọi người đã ủng hộ, lên tiếng cho anh và cho gia đình”.

Người tù nhân dũng cảm ấy đã chọn cho mình một hướng đi trung thực, không phản lại với công lý, với lương tâm và nhất là lòng ái quốc của một kẻ sĩ. Thơ của ông diễn tả tâm trạng khắc khoải của một người đi làm cách mạng, cuộc cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh như những người dân Nghệ An quê hương ông từng làm.

M.L.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn