Tiếp tục thảo luận về sửa đổi Hiến pháp

Vũ Duy Phú

Để việc thảo luận tiếp về Hiến pháp có kết quả tốt hơn, tôi xin góp ý cho rõ một vấn đề cốt lõi. Ngay từ lời nói đầu các bản dự thảo Hiến pháp đã nói, Hiến pháp là sự “thể chế hoá Cương lĩnh của Đảng”. Như vậy có nghĩa Hiến pháp là bộ luật cao nhất của Đất nước, lại được soạn thảo căn cứ vào Cương lĩnh của Đảng (đã thay đổi qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng), là văn kiện chỉ do và chỉ của riêng mấy triệu đảng viên lập ra. Chúng ta đã biết, chưa có bản cương lĩnh nào của Đảng đã được đưa ra cho toàn dân bàn thảo góp ý và phê duyệt, tại sao lại yêu cầu toàn dân phải soạn thảo Hiến pháp tuân theo Cương lĩnh của Đảng? Như vậy có vi phạm đường lối “Dân làm chủ” hay không? Nếu Dân yêu cầu nước ta thay đổi đường lối từ “đấu tranh giai cấp” sang đại đoàn kết và hội nhập, không phân biệt “quốc doanh và tư doanh”… thì Đảng có thay đổi Cương lĩnh cũ cho phù hợp lòng Dân hay không?

Dù cương lĩnh của Đảng có đúng đến đâu, thì lôgic của việc đặt vấn đề như vậy là đã không hợp lý. (Cũng giống như nhân vật Tổng Bí thư rất quan trọng, có thể nói là theo thể chế cũ, là quan trọng nhất, song lại không được đem ra cho tất cả các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm!). Huống hồ, Đảng chỉ có nhiều trí tuệ và thành tích rất to lớn trong cách mạng cướp chính quyền, trong chiến tranh bảo vệ và thống nhất đất nước, nhưng trong xây dựng hoà bình, bên cạnh một số thành tích (cũng như sự phục hồi đương nhiên sau chiến tranh của mọi nước dù họ không có đảng cộng sản lãnh đạo), thì Đảng – do đặc điểm xuất xứ công nông và kiên trì đấu tranh giai cấp của mình – đã có rất nhiều sai lầm trong lãnh đạo xây dựng trong hoà bình mà ai cũng thấy, như tình hình đất nước ta hiện nay đang thể hiện rõ, và chính Đảng cũng đã thừa nhận. Nếu Đảng tài giỏi trong lãnh đạo xây dựng đất nước trong hoà bình thì tình hình kinh tế xã hội nước ta đã không tụt dần trong các xếp hạng quốc tế, còn Bộ Chính trị đã không phải thừa nhận khuyết điểm và xin chịu kỷ luật trước Đại hội Đảng như vừa rồi. Như vậy đặt vấn đề xây dựng một bản Hiến pháp quan trọng và đổi mới như vậy mà lại vẫn yêu cầu, và như một quán tính tự nhiên, giáo điều không nhận ra, phải dựa vào những nội dung cương lĩnh cũ và thậm chí rất cũ của Đảng là không thích hợp.

Tôi chỉ ví dụ một điều bất hợp lý trông thấy: Việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc là nhiệm vụ của toàn dân, dựa trên sức lực, tài sản và trí tuệ toàn dân tộc, không phân biệt bất kỳ công dân và người Việt Nam thuộc tầng lớp nào. Vậy mà chúng ta cứ nói dài dòng loanh quanh phân biệt mãi: “nền tảng là công nhân, nông dân và trí thức”, bây giờ có ý kiến lại nói cần bổ sưng thêm “tầng lớp doanh nhân”, “binh sĩ”, sau này có khi lại phải thêm “các người Việt Nam ở nước ngoài” nếu thấy đóng góp của các tầng lớp Việt kiều ngày sẽ trở nên rất quan trọng?! Vì vậy nhiều chỗ nhấn mạnh theo lôgíc cũ là không còn phù hợp!

Tóm lại, Hiến pháp là một văn kiện pháp luật gốc có tuổi thọ lâu dài, trong đó cần đảm bảo tính chặt chẽ, hợp lý, hợp lôgic, không nên nêu các thành tích và giải thích dài dòng, càng không nên dựa vào những tư duy đã lỗi thời tồn tại từ giai đoạn đấu tranh giai cấp “một mất, một còn”, chiến đấu vũ trang và giai cấp công nhân là lực lượng lãnh đạo duy nhất đất nước.

Vừa qua, ngoài rất nhiều ý kiến trên diễn đàn Quốc hội đã đổi mới, đi vào chi tiết cụ thể khá sáng suốt, nhưng chúng tôi thấy khá nhiều đại biểu Quốc hội vẫn bị hạn chế chưa thoát ra khỏi cái mâu thuẫn lôgic chung nói trên. Cũng có thể nói, hàng triệu công dân Việt Nam, tuy đã nhiệt tình, hăng hái ký đồng ý vào dự thảo số 1, số 2, nhưng do đã sống mấy chục năm dưới sự giáo dục thể chế chính trị cũ, nên họ không thể dễ dàng “tự giác ngộ” mà góp được những ý kiến đúng đắn đổi mới như các vị đại biểu Quốc hội và các Ủy viên Trung ương của chúng ta. Do đó, khi chuyển sang giai đoạn góp ý kiến mới sắp tới. nên chú ý tinh thần chung như trình bày ở trên.

Nói tóm lại, góp ý sửa đổi Hiến pháp không nên lệ thuộc nhiều vào Cương lĩnh cũ của Đảng, vì chính Đảng cũng đang rất cần đổi mới tư duy, đường lối. Thế giới văn minh cũng đang hoan nghênh chúng ta đổi mới như vậy. Chúng ta hãy vì sự tồn tại trong đổi mới và sáng tạo của chính Đảng ta mà suy nghĩ cho kỹ hơn. Hơn thế, chúng ta phải coi sự tồn tại, phát triển, tiến tới văn minh và hạnh phúc của toàn dân tộc là trên hết.

V. D. P.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn