Sự ngược đãi blogger Điếu Cày có yếu tố Trung Quốc?

Gò Cỏ May

Những ai quan tâm tới thời cuộc ở Việt Nam những ngày này, không thể bỏ qua sự kiện đang nóng! Blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải đã tuyệt thực được đúng 4 tuần. Câu hỏi được đặt ra, nguyên do nào khiến anh Hải phải tuyệt thực. Tại sao chuyện đó lại diễn ra vào thời điểm “nhạy cảm” trước chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang?

clip_image001

Blogger Điếu Cày biểu tình chống Trung Quốc trước cửa Nhà hát lớn TP Hồ CHí Minh

Dù chưa bao giờ giáp mặt cũng như chưa được đọc các bài viết của anh Điếu Cày nhưng khi được coi những hình ảnh hiên ngang của anh đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn Biển Đông của Việt Nam thì tôi rất có cảm tình với blogger yêu nước tuổi Thìn này.

Nhờ bác Google tìm giúp, chỉ cần gõ mấy chữ “vụ án điếu cày nguyễn văn hải” thôi, đã thấy hiện lên 2.120.000 kết quả trong vòng 0,12 giây. Vài nét tóm lược cơ bản nhất về nhân thân và các đánh giá đa chiều về vụ án nổi tiếng trên như sau.

Điếu Cày là ai?

Điếu Cày là tên của một blogger nổi tiếng (sau khi bị bắt tù) của Việt Nam có tên thật là Nguyễn Văn Hải. Sinh ngày 23/9/1952, quê ở Hải Hưng (Hải Dương – Hưng Yên), người Kinh, hiện đang sống tại 57/3-4 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh.

Anh Hải từng là thợ sửa chữa điện tử, chủ cửa hàng Video Camera Hoàng Hải, quận 3, TP Hồ Chí Minh.

Anh Nguyễn Văn Hải là con ông Nguyễn Văn Duy và bà Trần Thị Huệ. Vợ là Dương Thị Tân (SN: 1958, nay đã ly dị). Có hai con là: Nguyễn Thị Thu H­ương, Nguyễn Trí Dũng.

Cũng như hàng triệu thanh niên sinh ra và lớn lên trên miền Bắc XHCN, rời ghế nhà trường, Nguyễn Văn Hải nhập ngũ vào thời kỳ cuộc kháng chiến “Chống Mỹ cứu nước” ác liệt nhất (1971). Sau khi kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước (1976), anh Hải phục viên về làm việc tại Công ty Kim khí Hải Phòng. Sau đó anh chuyển vào TP Hồ Chí Minh học nghề sửa chữa điện tử và làm nghề sửa chữa điện tử tại Công ty Dịch vụ Th­ương mại Sài Gòn. Năng động và tháo vát, anh thợ điện tử Nguyễn Văn Hải còn tham gia một số công việc như tổ chức biểu diễn, mua bán bất động sản. Nhờ làm ăn thuận buồm xuôi gió, cuộc sống của gia đình anh khấm khá dần lên.

clip_image002

Nguyễn Văn Hải và chị Dương Thị Tân, thời làm ăn buôn bán may mắn ở Sài Gòn.

Nếu như Nguyễn Văn Hải chỉ dừng lại ở việc làm ăn buôn bán thuần túy, sẵn có mối quan hệ tốt với chính quyền ở cơ sở, rất có thể anh đã trở thành một doanh nhân thành đạt và biết đâu, có chân trong một tổ chức ngoại vi nào đó của chế độ. Nhưng do trăn trở với tương lai đất nước, vào tháng 9 năm 2007 anh cùng vài người bạn đã sáng lập ra tổ chức “Câu lạc bộ Nhà báo tự do” (CLBNBTD), công khai một tổ chức ngoài sự kiểm soát của chế độ, tuy chỉ là một tập hợp rất nhỏ nhưng không bao giờ được nhà nước hoan nghênh, cho dù trên hiến pháp có ghi rõ quyền tự do này. CLBNBTD dùng thế mạnh của công nghệ thông tin (Internet) để làm diễn đàn trao đổi những nội dung trái với “định hướng” của chính thống. Như chuyện kêu gọi đi biểu tình chống Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông của Việt Nam chẳng hạn. Là vô cùng “nhạy cảm” trong mối quan hệ Việt – Trung rất phức tạp trong bang giao quốc tế hiện nay.

Nguyễn Văn Hải đã bị bắt vào ngày Chủ nhật 20 tháng 4 năm 2008 (trước lễ “Rước đuốc…” chín ngày) tại thành phố Hồ Chí Minh, sau khi anh cùng một số thành viên của nhóm CLBNBTD biểu tình phản đối việc rước đuốc Olympic Bắc Kinh qua TP HCM theo lộ trình ác ý của Trung Nam Hải, các hình ảnh biểu ngữ của nhóm CLB Nhà Báo tự do đã được loan truyền trên nhiều diễn đàn mạng và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người Việt yêu nước ở khắp nơi. Đó chính là lý do khiến Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải bị gán vào tội danh “trốn thuế” và bị kêu án 30 tháng tù giam.

clip_image003

Blogger Điếu Cày (trái) và blogger Tạ Phong Tần tại phiên xử ở Tòa án Nhân dân TP HCM hôm 24 tháng 9 năm 2012

Sau khi chấp hành đầy đủ án phạt tù giam, Điếu Cày lại không được trả tự do mà tiếp tục bị câu lưu với cáo buộc mới ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ (theo Điều 88), trong hoàn cảnh bị ngược đãi, biệt giam bặt vô âm tín. Vào ngày 5/7/2011, bà Dương Thị Tân, vợ cũ của Điếu Cày còn nhận được hoang báo của một nhân viên công lực, ông Hải bị mất một cánh tay trong tù. Cùng với các blogger trong nhóm (Tạ Phong Tần, Anh Ba Sài Gòn - Phan Thanh Hải), qua hai phiên sơ và phúc thẩm vào tháng 9 và tháng 12 năm 2012, Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải bị kết án rất nặng với 12 năm tù giam (Tạ Phong Tần 10 năm, chỉ có Phan Thanh Hải được tuyên giảm từ 4 xuống 3 năm do “thành khẩn nhận tội”).

Theo các báo quốc doanh (như tờ Thanh Niên) đưa tin, CLBNBTD từ giữa tháng 9 năm 2007 tới tháng 10 năm 2010 bị cáo buộc là đăng 421 bài viết “bóp méo sự thật, nói xấu đảng và nhà nước”. Các ông Nguyễn Văn Hải và Phan Thanh Hải còn bị nghi ngờ tham dự một khóa đào tạo vào đầu năm 2008 được tổ chức bởi một tổ chức chính trị đối lập ở nước ngoài của Việt Nam, đảng Việt Tân.

Mặc dù vậy, Luật sư Hà Huy Sơn, người đại diện hợp pháp của Nguyễn Văn Hải, cho biết thân chủ của ông “không vi phạm pháp luật Việt Nam”.

Dư luận quốc tế trước bản án dành cho blogger Điếu Cày

clip_image004

Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải từng được vinh danh Giải thưởng Hellman/Hammett (năm 2009) của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch dành cho các ngòi bút can đảm cổ xúy cho dân chủ - nhân quyền, bất chấp đàn áp chính trị. Trường hợp của Điếu Cày được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, và các bản án Việt Nam dành cho anh bị thế giới cho là bằng chứng của sự vi phạm nhân quyền trầm trọng đối với các quyền căn bản của công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận và quyền tự do báo chí.

Blogger Điếu Cày từng được Tổng thống Mỹ Barack Obama vinh danh trong ngày Tự do Báo chí Thế giới (3/5/2012) khi nhắc tới những ngòi bút bị tù đày vì đã can đảm đấu tranh cho dân chủ-nhân quyền:

Chúng ta không được quên [các nhà báo] như blogger Điếu Cày, người bị bắt giữ năm 2008 trùng hợp với một khối lượng đàn áp báo chí công dân ở Việt Nam”.

Ngay khi kết thúc phiên xử vào ngày thứ sáu 28/12/2012, luật sư Hà Huy Sơn bảo vệ quyền lợi cho ông Nguyễn Văn Hải nói với BBC Tiếng Việt: “Bản án không ghi nhận, không phản án diễn tiến phiên tòa. Nhưng người ta cứ thực hiện theo thủ tục tố tụng… Đặc biệt là Hội đồng xét xử nói rằng [vụ này] không có tổ chức, và việc đi Thái Lan không phải là hành vi bị truy tố”.

Còn ông Phil Robertson, Giám đốc Khu vực Châu Á của Tổ chức theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch nói rằng:

Vụ xử kháng án của Điếu Cày và đồng nghiệp của ông được thực hiện vào đúng tuần lễ nghỉ phép nhằm tránh chỉ trích trong giới ngoại giao và Liên Hợp Quốc do vi phạm quyền tự do biểu lộ”.

Không ai trong số ba thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do – Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải (anhbasg) – đáng bị bắt giữ, họ không đáng bị xử tù vì thực thi quyền biểu lộ quan điểm dưới các hình thức khác nhau, kể cả trên trang blog cá nhân (Xem ở đây).

Tên của blogger Điếu Cày nằm trong danh sách các tù nhân lương tâm đang được giới bảo vệ nhân quyền và các nhà làm luật Hoa Kỳ thúc đẩy Tổng thống Obama yêu cầu Hà Nội phóng thích nhân chuyến công du của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tới Washington vào ngày 25/7 tới đây.

Yếu tố Trung Quốc trong Vụ án Điếu Cày

Những cáo buộc tòa đưa ra có liên quan tới một số bài viết chính trị của ba blogger trên trang mạng “Câu lạc bộ Nhà báo Tự do” và trên các trang blog cá nhân, chỉ trích tham nhũng, bất công và phê phán các chính sách đối ngoại của nhà nước là việc làm rất bình thường trong xu thế hội nhập hiện nay. Trên thực tế, ảnh hưởng của các bài viết của các thành viên trong CLBNBTD cũng khá mờ nhạt và ít gây được tiếng vang trong công luận. Trái lại những hình ảnh của blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải đi biểu tình chống chủ nghiã bành trướng Bắc Kinh ở Sài Gòn được lan truyền rất nhanh trên các trang mạng xã hội ở Việt Nam khiến anh “bạn vàng” 16/4 của ĐCSVN bầm gan tím ruột.

Trở lại sự kiện hơn 5 năm trước, dân chúng Việt Nam (Sài Gòn) không hào hứng mấy với màn trình diễn tốn kém “Rước đuốc Olympic Bắc Kinh” qua ngả TP Hồ Chí Minh vào ngày 29/4/2008. Cho dù tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của ĐCSVN số ra ngày 30/4/2008, trên trang nhất đã đăng một bài khá hoành tráng về Lễ rước đuốc Olympic ở TP.HCM. Với các ngôn từ biểu cảm như “xúc động”; “ngọn lửa thiêng” và tô vẽ những hình ảnh (tưởng tượng) như “sự cổ vũ đông đảo của nhân dân TP.HCM”. Lại dẫn cả lời ông Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Nguyễn Danh Thái: Kể từ hôm nay, TP. Hồ Chí Minh mãi mãi là một phần trong lịch sử Olympic hiện đại với tư cách là một điểm đến của ngọn lửa Olympic, biểu tượng của tinh thần Olympic”.

Việc này đã được một độc giả ở TP Hồ Chí Minh chứng kiến sự việc mô tả khá chân thực và đặt các câu hỏi như sau:

Ngày 29.4, ngày ngọn đuốc Olympic sẽ được rước tại TP.HCM, cảnh sát ken dày khắp các ngả đường từ rất sớm. Trước Nhà hát lớn ở trung tâm thành phố, một nhúm người Trung Quốc (thực ra là quân đặc nhiệm, nhìn kiểu tóc là biết liền) vẫy cờ, giương bản đồ và reo hò.

Trên bản đồ Trung Quốc mà họ trưng ra, phía bên dưới, chỗ quần đảo Hoàng Sa, có ba vạch gì đó rất khó hiểu.

Một kiểu ám chỉ chăng?

Ba vạch này cũng rất gần với cái gọi là TAM SA (三沙) phải không các bác?

(Tôi vừa nghĩ ra điều này: Phía bên dưới bản đồ phần lãnh thổ chính của TQ, có một vạch phía trên và ba vạch chụm vào nhau ở phía dưới. Đây có thể là cách biểu thị ý: Tam Sa sẽ được hợp (nhất – tức một vạch phía trên) vào Trung Quốc.

clip_image005

Người Trung Quốc đứng giữa Sài Gòn và công khai trương khẩu hiệu: “Kiên quyết duy trì tổ quốc thống (nhất)”. Nghĩa là sao? Trong khi người Việt không được phép nói hoặc trương biểu ngữ: “Hoàng Sa – Trường Sa của VN”.

Vậy đất nước này là của ai?

Đất nước này là của ai?

Câu hỏi đó cứ ray rứt tất cả những trái tim người Việt Nam yêu nước suốt nhiều năm qua. Ngay lối hành xử của chính quyền từ việc qui tội “trốn thuế” cho blogger Điếu Cày (thứ tội mà bất kỳ người Việt Nam thời làm ăn theo ”Kinh tế Thị trường” cũng đều vướng nếu chính quyền muốn). Nạn nhân chấp hành án xong lại bị truy tố tiếp với tội danh “Tuyên truyền chống phá nhà nước” (theo Điều 88 - Bộ luật Hình sự), với các điều khoản mà nhiều nhóm nhân quyền cho là “qui định chung chung và mơ hồ”.

clip_image006

Hình ảnh blogger Điếu Cày đầu năm 2013

Nay tưởng như vụ việc xử án (“bản án bỏ túi”) đối với Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải đã tạm lắng dịu đi phần nào. Thì ai đó lại như muốn khuấy động trở lại bằng việc phân biết đối xử, ngược đãi với đủ các thủ đoạn như đánh đập, biệt giam, cắt thăm nuôi, luân chuyển liên tục qua nhiều trại giam khác nhau gây khó dễ cho gia đình tới thăm nuôi. Cách đây hơn hai tháng, Điếu Cày còn bị di lý ra vùng thâm sơn cùng cốc ở xứ Nghệ. Tại Trại giam số 6 ở Thanh Chương Nghệ An, nơi hắc ám vào bậc nhất nước, những cai ngục cứ nhất mực bắt người “tù nhân lương tâm” Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải phải ký vào giấy nhận tội bằng không sẽ kỷ luật biệt giam 3 tháng – thứ quy tội dành cho những người mắc bệnh tâm thần, bệnh truyền nhiễm hay vi phạm nội quy chấp hành án nhiều lần. Dường như cơ quan thi hành án (Trại 6) muốn làm thay phần việc (đã xong) của tòa án? Việc này nếu không có chủ trương từ cấp trên thượng tầng, chắc Ban Giám thị Trại 6 dù có lộng hành tới đâu cũng khó mà mà cả gan tự tung tự tác như vậy.

Tóm lại, mặc dù Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải chả có tư thù với cá nhân ai trong hàng ngũ chóp bu nhưng với cách phân biệt đối xử quá ư bất thường như vậy khiến ta phải nghĩ tới yếu tố Trung Quốc đã thể hiện khá rõ trong vụ án tưởng như quá ư bình thường này.

Ai đã chỉ đạo việc ép blogger Điếu Cày phải ký vào bản nhận tội trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Việt-Mỹ ở thủ đô xứ Cờ Hoa vào hôm 25/7 tuần tới?

Nếu nói dại, Nguyễn Văn Hải bị thiệt mạng hay chịu nhún ký bừa vào cái bản nhận tội vô luân vô pháp kia, chắc chắn hậu qủa các hệ lụy đi kèm sẽ không nhỏ chút nào. Ai sẽ được hưởng lợi trong miếng võ bẩn sặc mùi tiểu nhân Tàu này?

Xin nhường có các bậc cao nhân kiến giải giùm!

G. C. M.

Nguồn: gocomay.wordpress.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn