Suy nghĩ về bài viết "Suy nghĩ"

Đoàn Hưng Quốc

Bài viết "Suy nghĩ" của ông Lê Hiếu Đằng đã khuấy động lên một làn sóng tranh cãi và chất vấn đối với nhà cầm quyền về tính cách hợp pháp để thành hình một đảng chính trị tại Việt Nam - kết quả dù chưa biết thế nào nhưng tự việc làm đã là một bước đột phá trong tiến trình dân chủ hoá đất nước.

Người viết xin nhập đề rất thẳng thắn: các ông Lê Hiếu Đằng, Hồ Ngọc Nhuận tuổi đã cao, sức khoẻ yếu kém nên không thể xây dựng và điều hướng một đảng chính trị lớn mạnh trong thời buổi năng động hiện tại; các ông không phải là các đảng viên cao cấp và nòng cốt trong hệ thống; quá khứ của các ông cũng đã lấm bùn nên không thu hút được quảng đại quần chúng; thành phần đảng viên mà ông quen biết và kêu gọi có lẽ đa số thuộc cùng thế hệ, vì ít nhất theo ghi nhận của người viết vốn đang ở nước ngoài thì ông cũng không thu hút được nhiều đảng viên cộng sản ở lớp tuổi trẻ hơn.

Vậy chúng ta đang tiến dần đến mấu chốt của vấn đề: lịch sử đang qua trang, và tương lai của đất nước tuỳ thuộc vào các nhà dân chủ gồm bậc "đàn anh và chị" như Điếu Cày, Luật sư Nguyễn Văn Đài, cô Nguyễn Thanh Nghiên cho đến lớp thanh niên rất trẻ như Phương Uyên, Nguyên Kha cùng các gương mặt đại diện trong Mạng Lưới Blogger Việt Nam - tức là thế hệ không bị ám ảnh bởi quá khứ 1945, 1954, 1963, 1968, 1972, 1975...

Công việc của các ông Lê Hiếu Đằng, Hồ Ngọc Nhuận là đặt nền móng cho lớp người sau tranh đấu, bởi vì với tuổi đảng của mình các ông có thể dấy lên một cuộc tranh luận với hy vọng tránh bị nhà cầm quyền bóp nghẹt ngay từ đầu các tiếng nói và tư duy độc lập (chỉ là hy vọng thôi, vì dù các ông đã bệnh hoạn lớn tuổi không cần phải bắt giam, nhưng nhà cầm quyền vẫn có nhiều cách đe doạ hay cô lập với gia đình và hàng xóm xung quanh).

Chúng ta hãy nhìn lại lịch sử: Chiến tranh lạnh khó chấm dứt mà không có sự tàn phá nếu Tổng thống Ronald Reagan chẳng đối thoại với Bí thư Đảng Cộng sản Mikhail Gorbachev; chế độ kỳ thị chủng tộc tại Nam Phi khó thay đổi mà không đổ máu nếu người tù da đen Nelson Mandela chống thoả hiệp với Tổng thống Nam Phi De Klerk; tiến trình dân chủ tại Miến Điện không thể thuận lợi nếu bà Aung San Suu Kyi dứt khoát chẳng hợp tác với Tổng thống Thein Sein. Những vị này xoay chuyển lịch sử vì dám từ bỏ thái độ chính trị "an toàn" để vượt ra ngoài khuôn khổ định kiến; riêng đối với ông Mandela và bà Aung San Suu Kyi, còn thêm vào nhiều mất mát trù dập cho chính cá nhân.

Nhưng chúng ta cũng phải thực tế cho tình cảnh Việt Nam: thượng tầng lãnh đạo có tranh quyền thì cũng chỉ giống như Tập Cận Bình - Bạc Hy Lai chớ không hề manh nha ý định đột phá để dân chủ hoá đất nước. Các ông như Lê Hiếu Đằng chỉ là một tiếng nói đóng góp trong tiến trình dân chủ, tuy quan trọng nhưng không đủ năng lực đột phá.

Viết thẳng thắn như vậy vì người viết mong mỏi người ở hải ngoại không quá khắt khe nghi ngại rằng các ông thuộc cánh "đối lập cuội", "cứu đảng", hay nhằm vực dậy "đệ tam đệ tứ", v.v. - giả sử ý đồ có đi chăng nữa thì các ông cũng không đủ khả năng thực hiện.

Nhưng viết như trên cũng không phải nhằm đánh giá thấp việc làm của các ông: đây là thái độ can đảm của những người đang nặng lòng với quê hương - cho dù quá khứ còn nhiều trách nhiệm chưa "tính sổ" - nhưng là bước lót đường cho trang sử mới.

Bởi vì đất nước may mắn có một thế hệ kế tiếp như Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, Luật sư Lê Quốc Quân, Luật sư Lê Thị Công Nhân, v.v. vốn có thành tích đấu tranh, uy tín và trình độ hiểu biết không kém nhiều nhân vật lỗi lạc quốc tế - họ sẽ mượn các bước đi trước để xây dựng không những nền dân chủ trên quê hương mà còn xoá mờ các vết tỵ hiềm của một quá khứ đau thương từ 1945 đến 1975.

Đ.H.Q.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn