Thêm một đoạn kết vào bài viết về sách Việt kiệu thư

Nguyễn Huệ Chi

Sau khi bài viết Sách “Việt kiệu thư” trong con mắt giới sử học đương đại của tôi đăng trên tạp chí Diễn đàn (xem tại đây), và trên BVN (xem tại đây), trong số bạn bè quen biết phản hồi bằng thư riêng, có TS Vũ Quang Việt vẫn còn đôi điều áy náy và nhắc nhở tôi nên cố gắng đối chiếu kỹ hơn để làm rõ thêm vì sao giữa Minh thái Tông thực lụcViệt kiệu thư lại có những ghi chép trái ngược nhau về cùng một sự kiện, như lệnh chỉ của Minh Thành Tổ bắt tiêu hủy (Việt kiệu thư) hay giữ lại (Minh thái Tông thực lục) sách vở của người Việt khi quân Minh tràn vào càn quét An Nam, mặc dù việc đốt phá chắc chắn có xảy ra.

Đề nghị ấy rất đúng đắn song cũng gần như một thách đố đối với tôi, buộc tôi phải rà soát lại toàn bộ những tìm kiếm của mình. Rốt cuộc hai đạo sắc mà Vũ Quang Việt băn khoăn đúng là “mắt xích” khiến cả chuỗi luận điểm tôi giải trình về cuốn sách của Lý Văn Phượng chưa thật gỡ ra hoàn toàn. Tôi bèn mở đạo sắc mà học giả Hồ Bạch Thảo đã dịch trong Minh Thái Tông thực lục ra xem xét kỹ lại, chợt nhận thấy một vài điều lý thú có thể là chìa khóa cho mọi mắc mớ còn vướng.

Nhận xét thứ nhất là có một sơ suất trong lời dịch của ông Hồ Bạch Thảo. Nguyên văn: “Sư nhập An Nam hạ quận ấp... 師入安南下郡邑”, nghĩa: “Quân lính vào An Nam đi xuống các quận ấp...”. Mấy chữ “đi xuống các quận ấp” đã bị ông Hồ Bạch Thảo bỏ qua. Có thể do sơ ý hoặc không cho là quan trọng mà ông bỏ qua thôi, nhưng ở đây, mấy chữ này lại làm cho hai văn bản giữa Minh Thái Tông thực lụcViệt kiệu thư xích gần nhau thêm một bước, vì lẽ, lệnh chỉ “thu thập được bản đồ quận ấp” 郡邑圖誌ở Việt kiệu thư và lệnh chỉ “đi xuống các quận ấp... thu thập được bản đồ” ở Minh Thái Tông thực lục thì chung quy cũng chỉ là một lệnh. Tôi linh cảm đó là một “chìa khóa” đầu tiên để mình lần tìm thêm.

Tôi lại đọc lại đạo sắc trong Minh Thái tông thực lục thêm một lần nữa và bỗng để ý đến hai chữ có vẻ đáng ngờ: hai chữ văn tịch文籍. Ông Hồ Bạch Thảo dịch “văn tịch” là “thư tịch”, nghĩa là sách vở nói chung: “Quân vào An Nam, phàm tịch thu được thư tịch, bản đồ, đều không được hủy” (Sư nhập An Nam hạ quận ấp phàm đắc văn tịch đồ chí giai bất hủy師入安南下郡邑凡得文籍圖志皆勿毁). Lời dịch sáng rõ, có lẽ ít người có cách hiểu khác. Song điều đáng đặt dấu hỏi là: Sao lệnh chỉ của vua Minh dùng hai chữ “văn tịch” mà không dùng “thư tịch” là từ vốn rất thường dùng? Tra tìm trong Từ nguyênTừ hải, bộ cũ cũng như bộ mới thì đều không có từ này. Chứng tỏ “văn tịch” không phải là một từ song âm tiết trong từ ngữ Hán cổ. Vậy đó chỉ có thể là từ ghép đẳng lập gồm hai từ song âm tiết hợp lại, và theo quy luật của ngôn ngữ thì mỗi một thành tố ghép vào đều có những bộ phận bị tỉnh lược đi.

Vì không sẵn các bộ từ điển khác trong tay, học giả An Chi đã giúp tôi tra thêm trong ba bộ từ điển mà ông có thì tìm ra đúng từ “văn tịch” thật, nhưng rất tiếc đấy cũng chỉ là những cuốn từ điển phổ thông nên cách giải nghĩa vẫn chung chung không khác gì lời dịch của ông Hồ Bạch Thảo: 1. Vương Vân Ngũ đại từ điển王云五大辭典 (1937): “văn tịch” là “đồ thư” 圖書 tức tranh, bản đồ và sách vở; 2. Mathews’ Chinese English Dictionary (1931): “văn tịch” là “books, documents” tức tài liệu, sách vở; 3. Hiện đại Hán ngữ từ điển现代汉语词典của Lý Quốc Viêm李国炎 (1956): “văn tịch” là “văn chương điển tịch, phiếm chỉ đồ thư”文章典籍,泛指图书 tức văn chương và điển tịch, chỉ chung tranh, bản đồ và sách vở(*).

Tôi biết những cách hiểu này đều chưa thỏa đáng vì chưa xuất phát từ phương thức cấu tạo gốc của từ “văn tịch”. Còn cần phải tìm tiếp ở những bộ từ điển chuyên sâu mới có được hàm nghĩa đầy đủ hơn. Sau cùng, tìm vào hai bộ Hán ngữ đại từ điển漢語大辭典 (hydcd.com) và Hán điển漢 典 (zdic.net) trên mạng, là hai bộ sách đồ sộ bậc nhất, tổng hợp nhiều bộ từ điển từng có trước nay, tôi đã thỏa mãn điều mình cần tìm. Cả hai bộ đại từ điển cho tôi lời giải chi tiết và hoàn toàn thống nhất về nghĩa từ ghép “văn tịch”, có dùng các câu văn cổ làm dẫn chứng, với ba cách lắp ghép khác nhau: 1. “Văn tịch” được ghép bởi “Văn tự thư tịch” 文字书籍, có nghĩa là sách vở văn tự; 2. “Văn tịch” được ghép bởi“Văn chương điển tịch” 文章典籍, có nghĩa là các loại sách văn chương và hiến chương, pháp điển; 3. “Văn tịch” được ghép bởi“Văn bạ trướng sách” 文簿帐册 nhưng thay đổi chữ “sách” sang “tịch” để khói nhầm với “văn sách”. “Văn bạ trướng sách” là gì? Cả Hán ngữ đại từ điểnHán điển đều giải thích y hệt nhau: “Văn bạ” là “văn sách bạ tịch” 文册簿籍, tức sổ ghi chép công văn, hộ khẩu; còn “trướng sách” tức “trướng bạ” 帐簿,là “ký tái ngân tiền hóa vật xuất nhập đích bạ sách” 记载银钱货物出入的簿册, tức sổ sách ghi chép việc xuất nhập tiền bạc của cải ở các kho. Kết quả tìm thấy thực không còn gì đáng phấn khởi hơn: hai chữ “văn tịch” đi liền với “đồ chí” trong đạo sắc chép ở Minh Thái Tông thực lục rõ ràng phải hiểu theo nghĩa thứ ba của Hán ngữ đại từ điểnHán điển thì mới đúng ngữ cảnh của nó. Và như thế, “cái khóa” hóc nhất đến đây đã được mở hoàn toàn. Đạo sắc ban bố ngày 2 tháng Bảy nhuận năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406) trong Minh Thái Tông thực lục rốt cuộc phải dịch như sau đây mới chính xác: “Sắc dụ quan Tổng binh chinh thảo An Nam Thành quốc công Chu Năng: “Quân vào An Nam, đi xuống các quận ấp, phàm tịch thu được sổ sách biên chép công văn, hộ khẩu, sổ sách biên chép của cải tiền bạc xuất nhập ở các kho, và bản đồ, thì đều không được tiêu hủy”.

Thế đấy. Giải mã cho cặn kẽ, thì hai đạo sắc có vẻ ngược nghĩa trong Minh Thái tông thực lục và trong Việt kiệu thư cũng lại là ... “một đồng một cốt”. Nói chính xác hơn, những thứ mà Minh Thành Tổ ra lệnh không được hủy chung quy vẫn là sổ ghi chép của cải trong các kho tàng, sổ hộ khẩu và bản đồ các quận ấp. Còn văn chương, văn hóa thì đốt tuốt.

Đủ thấy, người Tàu rất thâm về chữ nghĩa, nếu mình cạn hiểu và dịch vội nhất định mắc lỡm họ và trở thành thầy cãi không công cho những âm mưu nham hiểm của họ ngay.

Thảo nào mà ông Phó nghiên cứu viên Trần Văn ở Trường Đại học Kỵ Nam như tôi đã dẫn, trong khi không ngớt lời khen Minh Thành Tổ có công với văn hóa An Nam cũng không dám dùng đến đạo sắc trong Minh Thái Tông thực lục để bác bỏ hai đạo sắc hạ lệnh đốt phá sách vở bi ký của An Nam ghi trong Việt kiệu thư. Ông ta đã tra cứu để biết rõ cái nghĩa “thâm thúy” của hai chữ “văn tịch”.

Tôi mới thấy việc đào tạo một đội ngũ tinh thông chữ Hán cổ của chúng ta là cực kỳ quan trọng. Mặt khác dù có tinh thông đến đâu đi nữa, vẫn không ai có thể nói mạnh trong việc đọc thứ chữ nhiều “bẫy” khi đi vào kho sách vở rậm rịt của người láng giềng phương Bắc để tìm kiếm mối liên quan với văn hóa, chính trị lâu đời của nước ta. Làm được như học giả Hồ Bạch Thảo đã là một đóng góp rất đáng khích lệ.

28-10-2013

N.H.C.

(*) Người viết xin có lời cám ơn học giả An Chi.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn