Monica Macias, người đến từ Bình Nhưỡng

Phan Thành Đạt

Người phương Tây có câu: "Sự thật được nói ra từ miệng của những đứa trẻ", vì qua cách suy nghĩ và lời bình luận của trẻ em, người lớn sẽ hiểu thêm phần nào cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống của người dân Bắc Hàn, vì đất nước này được coi là nơi bí ẩn nhất thế giới, người dân ở đây không được tiếp xúc với người nước ngoài, không có điều kiện sử dụng Internet, ngoại trừ tầng lớp có lợi ích gắn kết với giới lãnh đạo. Người viết bài này xin nêu một số phát biểu của trẻ em để hiểu hơn về thực tế ở đất nước này:

Đầu bếp người Nhật Kenji Fujimoto phục vị cho gia đình họ Kim từ 1989 đến năm 2001, ông biết khá rõ Kim Jong Un từ khi nhân vật này còn là thiếu niên, Kim Jong Un học phổ thông tại Thụy Sĩ, nhưng đến dịp nghỉ hè thường về thăm gia đình. Cậu bé Kim Jong Un có lần nói với Kenji Fujimoto: "Ở Thụy Sỹ, các cửa hàng bán đủ mọi thứ, còn ở đây thì chẳng có gì".

Đoàn nghị sĩ Bỉ khi đến Bắc Triều Tiên được đưa đến thăm một trường mẫu giáo, các cô giáo mặc trang phục truyền thống cùng các em nhỏ khoanh tay đón đoàn, một em gái chơi đàn piano bài Quốc tế ca do tác giả Eugène Pottier, thành viên Công xã Paris 1871, sáng tác. Bản nhạc với những câu từ mạnh mẽ, thúc giục con người:

"Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian

Vùng lên hỡi ai cực khó bần hàn

Nhiệt huyết trong tim đầy chứa chan

Quyết phen này sống chết mà thôi"

Các em nhỏ ở trường mẫu giáo đều được nghe kể những câu chuyện về các nhà lãnh đạo Bắc Hàn, trong mỗi lời nói, các em đều thể hiện tình yêu và sự kính trọng lãnh tụ.

Kim Han Sol là cháu của nhà độc tài Kim Jong Il và Kim Jong Un, hiện đang theo học ngành khoa học chính trị ở Pháp, trước đây khi còn học phổ thông, có người đã hỏi nếu có quyền được chọn giữa độc tài và dân chủ, cậu sẽ có quyết định thế nào? Kim Han Sol không chút do dự, lựa chọn chế độ dân chủ. Đó là những nhận định của những đứa trẻ. Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi muốn giới thiệu về một người lớn, người lớn đó có một tuổi thơ đặc biệt vì hoàn cảnh gia đình có nhiều điều kì lạ. Người đó là Monica Macias, năm nay 41 tuổi, cô làm việc cho một công ty nhập khẩu các mặt hàng của Hàn Quốc đến thị trường Châu Âu và Châu Phi. Cô là con gái của cựu tổng thống Guinea Xích Đạo, Francisco Macias Nguema. Cha cô là một nhà độc tài và là nhà lãnh đạo đầu tiên của Guinea Xích Đạo sau khi nước này giành được độc lập từ tay người Tây Ban Nha. Dưới thời cai trị của Francisco Macias Nguema, từ 1968 đến 1979, đã có 50.000 người chết và 150.000 người khác phải di cư sang các nước khác sinh sống.

Francisco Macias Nguema cảm nhận được những nguy cơ xung đột có thể xảy ra bất cứ khi nào ở Guinea Xích Đạo, cũng như những nguy hiểm đe dọa gia đình mình. Nhà độc tài Châu Phi gửi con cho một nhà độc tài khác ở Châu Á chăm lo, vì ngưu tầm ngưu mã tầm mã, nên họ dễ gần và thông cảm hoàn cảnh của nhau hơn.

Monica Macias, cùng với anh trai Francisco và chị gái Maribelle được nuôi dạy và lớn lên ở Bình Nhưỡng, nhờ sự bảo trợ của lãnh tụ Kim Nhật Thành. Monica Macias đến Bắc Triều Tiên khi mới 7 tuổi, cô sống ở đó gần 16 năm, được đào tạo trong trường thiếu sinh quân và được học đại học. Cô rời Bắc Triều Tiên năm 1994 và sang sống với gia đình ở Tây Ban Nha. Monica Macias luôn nhớ Bắc Triều Tiên và lưu giữ những kỉ niệm tốt đẹp về đất nước và con người ở đây. Là người da đen có dòng máu Châu Phi, nhưng nói, viết và tư duy bằng tiếng Triều Tiên, Monica Macias luôn nhận mình là người Triều Tiên, cô cho rằng người dân hai miền Triều Tiên luôn mong muốn thống nhất đất nước, cho dù thể chế chính trị và mô hình kinh tế khác nhau, người dân Triều Tiên có cùng một nền văn hóa và ngôn ngữ và có cách thức suy nghĩ giống nhau, những yếu tố này sẽ góp phần vào sự nghiệp thống nhất. Monica Macias đã viết cuốn tự chuyện Tôi là Monica đến từ Bình Nhưỡng, cuốn sách vừa được xuất bản tại Nam Triều Tiên.

clip_image002

Monica Macias, tác giả cuốn sách Tôi là Monica, đến từ Bình Nhưỡng

Mối quan hệ thân thiết của hai nhà độc tài Guinea Xích Đạo và Bắc Triều Tiên đã tạo ra những bước ngoặt trong cuộc đời của Monica Macias, gia đình cô được nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành giúp đỡ (I) và ba anh em được đào tạo trong một môi trường đặc biệt (II), nhưng một số sự kiện ngẫu nhiên đã làm thay đổi cách suy nghĩ của Monica Macias (III).

I. Hai nhà độc tài tin tưởng và giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn

Trong thập kỉ 70, Bắc Triều Tiên là đồng minh của các nước xã hội chủ nghĩa, cũng như Việt Nam và các nước Đông Âu, quốc gia này chịu ảnh hưởng ý thức hệ cộng sản của Liên bang Xô viết và Trung Quốc, Bắc Triều Tiên gần như không có quan hệ với các nước tư bản và bị cô lập trên trường quốc tế, cho nên nước này mong muốn thiết lập ngoại giao với các nước không liên kết, đặc biệt là các nước Châu Phi mới giành được độc lập sau thời kì thuộc địa. Kim Nhật Thành có quan hệ thân thiết với các nhà lãnh đạo Châu Phi trong đó có Francisco Macias Nguema của Guinea Xích Đạo.

Francisco Macias Nguema trước khi trở thành tổng thống, đã từng là viên chức trong chế độ thực dân của Tây Ban Nha. Năm 1968 Guinea Xích Đạo giành được độc lập, ông trở thành tổng thống đầu tiên và nắm giữ chức vụ này trong suốt 11 năm, ông tự phong cho mình là tổng thống suốt đời, cũng giống như các nhà lãnh đạo độc tài Châu Phi khác như Amin Dada, Bokassa, Mobutu, Sékou Touré, ông là người ham quyền lực, cai trị đất nước bằng các biện pháp hà khắc, khi cần sẵn sàng thẳng tay đàn áp. 1/3 dân số Guinea Xích Đạo phải chịu khổ nạn dưới thời của Francisco Macias Nguema. Người cháu họ là Teodoro Obiang Nguema đã thỏa thuận ngầm với lực lượng quân đội để lật đổ nhà lãnh đạo này, sau đó Teodoro Obiang Nguema tiến hành xét xử Francisco Macias Nguema, kết quả ông bị xử bắn vì tội diệt chủng. Người cháu họ, tham gia đảo chính vẫn nắm giữ quyền lực ở Guinea Xích Đạo từ năm 1979 đến nay, nhờ các cuộc bầu cử với số phiều ủng hộ gần như tuyệt đối, (khiến nhiều người đặt câu hỏi nghi ngờ về mức độ chính xác của kết quả bầu cử tổng thống ở nước này nói riêng và ở nhiều nước Châu Phi nói chung).

Cảm nhận được những mối đe dọa có thể đến với người thân bất cứ lúc nào, Nguema đã yêu cầu sự giúp đỡ của Bắc Triều Tiên từ trước, Kim Nhật Thành đã đồng ý và hứa sẽ giúp đỡ. Cả gia đình của Nguema được gửi sang đó. Monica Macias trở thành người con của hai nhà độc tài.

Ba người con của Francisco Macias Nguema được học tại trường cách mạng Mangyongdae, đây là trường dành riêng cho con em các cán bộ lãnh đạo Bắc Triều Tiên, chủ tịch Kim Chính Nhật cũng theo học ở đây. Trường này được đánh giá là nôi đào tạo các lãnh đạo tương lai cho chế độ Bắc Hàn, và chỉ dành cho con trai. 3 anh em nhà Nguema được đặc cách học ở đây. Theo lệnh của Kim Nhật Thành, hai lớp đặc biệt dành cho các thiếu sinh quân là nữ đã được thành lập, tạo điều kiện cho Monica và chị gái có thể theo học.

II. Môi trường giáo dục đặc biệt của Monica Macias ở Bắc Hàn

Các thiếu sinh quân được học tại trường cách mạng Mangyongdae, sau này có nhiều cơ hội tiến thân, các em được đào tạo trong môi trường khắc nghiệt, được làm quen với cách thích nghi cuộc sống để tồn tại trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, các em được học cách tổ chức và sắp xếp mọi việc và biết xử lí trong mọi tình huống. (Điều này khiến chúng ta nghĩ đến cách thức huấn luyện các chiến binh của thành bang Sparte ngay từ khi còn nhỏ, để họ có thể trở thành những người lính dũng cảm nhất vào thời Hy Lạp cổ đại, cách ngày nay 2500 năm). Monica được phát thức ăn cho cả tuần và theo các bài tập luyện khắt khe để rèn luyện sức khỏe, nhưng chỉ 3 ngày sau cô đã ăn hết thức ăn, điều này buộc cô phải rút kinh nghiệm, để sắp xếp mọi thứ hợp lí hơn. Cô cũng được học cách tháo lắp súng AK, và biết cách sử dụng loại vũ khí này. Monica tâm sự:"Tôi được học bắn súng khi mới 14 tuổi, mỗi học viên nữ được nhận một khẩu súng AK để luyện tập, tôi học tháo súng, lau súng, sau đó lắp súng lại".

Thỉnh thoảng lãnh tụ Kim Nhật Thành đến thăm trường, ông đến lớp của Monica Macias, động viên cô và khuyên cô phải nghiêm túc, học tập thật giỏi và luôn cố gắng trở thành người tốt. Với những gì được chế độ ưu ái cho Monica Macias, cô luôn giữ những tình cảm tốt về Kim Nhật Thành, cho dù nhiều người nhận định ông là nhà độc tài, nhưng với cá nhân Monica, Kim Nhật Thành có sức hấp dẫn và là người biết giữ lời hứa. Còn đối với nhiều người Bắc Hàn, họ luôn coi ông là vị thánh. Monica được nuôi dưỡng như những đứa con của chế độ, cuộc sống của cô gắn với các hoạt động của trường học, các buổi picnic tập thể, các chuyến tham quan, dã ngoại, các cuộc gặp gỡ với người dân được báo cáo với cấp trên và được cho phép. Monica không hiểu nhiều về cuộc sống khốn khó thực sự của người dân Bắc Hàn, một phần vì cô sống trong giai đoạn kinh tế khá ổn định, xã hội có sự phát triển tích cực vì thời kì này Bắc Hàn được Liên bang Xô viết và Trung Quốc giúp đỡ nhiệt tình. Hơn nữa cô không có điều kiện tiếp xúc và khó biết được cuộc sống thực của người nông dân. Sau khi cô rời Bắc Hàn năm 1994, một giai đoạn đen tối bắt đầu diễn ra: Nạn đói năm 1994 cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người, chính sách phát triển vũ khí hạt nhân của Kim Chính Nhật khiến đất nước bị cô lập, tình trạng kinh tế yếu kém theo mô hình xã hội chủ nghĩa vẫn được duy trì làm đất nước kiệt quệ. Những nguyên nhân này khiến người dân Bắc Hàn ngày càng khổ sở, nhiều người tìm cách vượt biên sang Trung Quốc và Nam Triều Tiên.

Một số hình ảnh của Monica Macias ở Bắc Triều Tiên, ảnh được lấy từ trang http://www.france-guineeequatoriale.org/

clip_image004

Monica cụng ly với bà Kim Sung Ae, người vợ thứ 2 của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành

clip_image006

Monica cùng các bạn chụp ảnh với thầy cô giáo sau khi thi tốt nghiệp tiểu học năm 1981

clip_image008

Monica đứng cạnh một tấm biển cổ động trên đường Nampho, gần trường học, năm 1982

clip_image010

Monica chụp ảnh với hiệu trưởng trường cách mạng Manggyongdae, sau một buổi huấn luyện tập bắn súng, năm 1985.

clip_image012

Monica cùng anh trai và chị gái tại trường cách mạng Mangyongdae

Năm 1989, khi đang là sinh viên tại Đại học Công nghiệp ở Bình Nhưỡng, đây cũng là thời điểm diễn ra sự kiện Thiên An Môn gây chấn động dư luận thế giới, Monica cũng nghe phong thanh về vụ việc này nhưng không hiểu nguyên nhân và kết quả thế nào. Cô nhận thấy có nhiều sinh viên bàn luận kín đáo với nhau về sự kiện này bên hành lang giảng đường đại học. Các phương tiện truyền thông Bắc Hàn khi đó không đưa bất kì tin tức nào về sự kiện Thiên An Môn. Cuộc sống bình yên của Monica cứ thế trôi qua, tuy nhiên một số chuyện ngẫu nhiên đã làm thay đổi cuộc sống cũng như cách thức suy nghĩ đã thành thói quen vì được lập trình sẵn của cô.

III. Những sự kiện thay đổi cuộc sống và cách suy nghĩ của Monica Macias

Có nhiều việc ngẫu nhiên diễn ra, khiến Monica phải suy nghĩ. Chuyện rắc rối đầu tiên là khi cô nhìn thấy một sinh viên người Syria lấy một tờ báo ở trang nhất có hình lãnh tụ Kim Nhật Thành trải trên nền đất để ngồi. Monica cho rằng đây là hành động phạm thượng đến lãnh tụ Triều Tiên kính yêu, cô nổi giận, yêu cầu sinh viên đó đứng lên và không được phép làm như vậy. Người đó ngạc nhiên và hỏi xem cô có phải là người lớn lên ở Bắc Triều Tiên không, sau đó bỏ đi. Chuyện thứ hai liên quan đến chuyến đi của cô đến Trung Quốc để thăm người họ hàng đang làm việc tại sứ quán Guinea Xích Đạo, cô tiếp xúc với một người da trắng, và người này cho biết mình là người Mỹ. Monica đã sợ hãi bỏ chạy, người khách nước ngoài ngạc nhiên và không hiểu điều gì xảy ra với cô gái trẻ này. Ở trường Monica được giáo dục rằng người Mỹ là người xấu và độc ác, họ cùng với quân đội các nước tư bản xâm chiếm Triều Tiên, gây ra cái chết của hàng triệu người, vì thế Monica sợ người Mỹ. (Với cách truyền thông một chiều của Bắc Hàn, nhiều người dân không nắm được thông tin đều tỏ ra ghét Mỹ). Monica kể lại câu chuyện này với những người thân ở đại sứ quán, mọi người chế nhạo cô, khiến Monica suy nghĩ nhiều về những nhận định trước đây của mình. Khi trở lại Bắc Triều Tiên, cô quan sát kĩ hơn và suy nghĩ về các bức tranh cổ động, cô so sánh với tấm hình quảng cáo chụp một người mẫu giới thiệu các sản phẩm son môi mà cô đã có dịp nhìn thấy ở Trung Quốc. Từ căn phòng của mình, Monica nhìn qua cửa sổ và thấy bức tranh cổ động với câu khẩu hiệu quen thuộc "Đảng quyết định trước, cả nước theo sau", cô nghĩ ngợi về câu nói đó. Sau khi kết thúc khóa học tại Đại học Công nghiệp, Monica quyết định sang định cư với gia đình tại Madrid vì mẹ cô là người Tây Ban Nha. Cô phải mất ba tháng để thích ứng với cuộc sống trong xã hội tư bản, vì gặp phải muôn vàn khó khăn trong một xã hội tiêu thụ hoàn toàn khác với xã hội bao cấp, theo tem phiếu ở Bắc Triều Tiên. Trong xã hội mới, không ai khuyên cô phải làm việc này việc khác, cô phải tự lo lắng mọi chuyện, phải tự kiếm công việc, tự bảo đảm lợi ích cho bản thân. Trong khi đó ở Bắc Hàn, cô được mọi người giúp đỡ, khuyên bảo, mọi thứ đã được vạch sẵn, chỉ việc thực hiện. Monica muốn trở lại Bắc Hàn vì cô đã quen với cuộc sống như thế.

Tại Madrid, Monica có dịp tìm hiểu thêm về cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953, qua các cuốn sách được các học giả phương Tây viết. Cô khám phá ra một điều mấu chốt của cuộc chiến tranh đầu tiên giữa hai phe tư bản và xã hội chủ nghĩa. Không phải Mỹ và Đồng minh tiến đánh đầu tiên mà Bắc Triều Tiên với sự yểm trợ của quân tình nguyện Trung Quốc mở màn cuộc chiến. Điều này khác với những gì được học trước đây, Monica cảm thấy đổ vỡ, cô quyết định từ bỏ kế hoạch trở lại Bắc Hàn, thay vào đó, cô đi thăm Mỹ.

Ở lứa tuổi ngoài 40, Monica có dịp đi nhiều nơi, cô có gia đình ở Tây Ban Nha, do điều kiện công việc, cô có nhiều cơ hội đến Nam Hàn và Guinea Xích Đạo, cô luôn coi mình là người Triều Tiên, và coi tiếng Triều Tiên là ngôn ngữ mẹ đẻ. Monica luôn trân trọng những kỉ niệm tốt đẹp về Bắc Triều Tiên và mơ ước sớm được trở lại thăm đất nước này. Cô không hề hối tiếc về tuổi thơ của mình, cô phát biểu với báo chí: "Nếu có cơ hội được lựa chọn lần thứ 2, tôi sẽ vẫn chọn Bắc Triều Tiên, và tôi không bao giờ hối tiếc vì lựa chọn đó". Monica dẫu sao cũng có nhiều may mắn so với nhiều trẻ em ở Bắc Triều Tiên vì cô được chế độ đỡ đầu và được hưởng những điều kiện tốt. Cô chắc cũng hiểu ở khắp nơi, đều có những con người thân thiện và tốt tính, nhưng chế độ chính trị cùng cách thức giáo dục có thể chuyển hóa họ từ người tốt thành người xấu, từ người thông minh thành người bảo thủ, giáo điều và ngược lại.

Khi được hỏi về triển vọng của Bắc Triều Tiên, Monica nhận xét rằng người dân ở đó hiểu có nhiều điều không ổn và cần có sự thay đổi, nhưng không thể có những bước đột phá hay những chuyển biến tức thời mà cần có thời gian. Sự chuyển đổi cần tiến hành từng bước, Bắc Triều Tiên nên học Trung Quốc.

Các tờ báo phương Tây dự đoán: Với chính sách phát triển vũ khí hạt nhân kéo theo nền kinh tế kiệt quệ, khiến đời sống nhân dân khó khăn, cùng với sự đe dọa thường xuyên của nạn đói và sự bất đồng trong nội bộ lãnh đạo, đây sẽ là những nguyên nhân khiến đất nước này sớm sụp đổ. Những dự đoán này thiếu căn cứ vì hình ảnh các lãnh tụ Triều Tiên đã in đậm trong suy nghĩ của người dân do chính sách tuyên truyền quá lâu. Điều này khó có thể thay đổi được trong một sớm một chiều mà cần có thời gian. Hơn nữa có những chế độ độ tài còn sống dai hơn chế độ dân chủ.

P.T.Đ.

Tài liệu tham khảo

1. Les systèmes politiques africains, Daniel Bourmaud, faculté de droit et science politique, l’Université de Bordeaux.

2.http://www.franceinfo.fr/europe/le-recit-du-matin/monica-macias-l-africaine-de-pyongyang-fille-de-deux-dictateurs-1197211-2013-11-01

3.http://www.rfi.fr/afrique/20131004-monica-pyongyang-enfance-nord-coreenne-africaine-guinee

4.http://www.france-guineeequatoriale.org/moi-monica-de-pyongyang-la-fille-de-francisco-macias-nguema-raconte-son-exil-en-coree-du-nord-photos/

5.http://www.cronicapopular.es/2013/10/monica-macias-la-infancia-coreana-de-la-hija-de-un-dictador-africano/

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn