Thể chế và nhóm lợi ích

 

Trần Văn Tùng

Nhóm lợi ích theo tôi được chia làm hai loại nhóm lợi ích tốt và nhóm lợi ích xấu. Nhóm lợi ích tốt hoạt động theo pháp luật vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ngược lại, nhóm lợi ích xấu là nhóm một số người có chức vụ cao trong cơ quan đảng CSVN và cơ quan nhà nước kết hợp với những người có thế lực kinh tế, chính trị đứng trên pháp luật, hoạt động vì lợi ích cá nhân, tham nhũng, bẻ lái các chính sách kinh tế xã hội có lợi cho họ, gây nên bất ổn về kinh tế xã hội an ninh, quốc phòng.

Nhóm lợi ích có thể được tạo ra nhờ truyền thống văn hóa, thí dụ các Tù trưởng tại Trung Đông-Bắc Phi chiếm nhiều đất đai, dưới lòng đất lại có dầu khí. Các vị đó có nhiều vợ (theo luật Hồi giáo được lấy 4 vợ) và sinh ra hàng chục người con, dĩ nhiên con cháu được thừa hưởng rất nhiều tài sản. Chế độ phong kiến Việt Nam trước đây cũng vậy. Tại Trung Đông-Bắc Phi truyền thống văn hóa kết hợp với thể chế không dân chủ đã dẫn tới Mùa xuân Ả Rập. Tuy nhiên, ngày nay nhóm lợi ích xấu hình thành và phát triển chủ yếu là do thể chế không dân chủ hổ trợ.

Tham nhũng tại Việt Nam được xem là quốc nạn. Tại sao hết cuộc vận động này đến cuộc vận động khác lại không thể dẹp bỏ được tình trạng này?

Một nhà nước pháp quyền thì cần quản lý dựa pháp trị, hệ thống luật pháp chứ không phải dựa vào cách quản lý theo kiểu nhân trị học tập đạo đức ông này ông nọ (phong kiến). Thiếu các thiết chế dân chủ, không công khai, không minh bạch, chế tài luật pháp không có hiệu lực, quyền của công dân không được coi trọng, nhà nước không lắng nghe dân thì tham nhũng sẽ xảy ra tràn lan ở mọi cấp, lợi ích theo nhóm tiếp tục phát triển. Tham nhũng của người có chức quyền tăng nhanh. Vinashin, Vinalines, bất động sản, điện lực, dầu khí… đã không những tạo ra hậu quả xã hội xấu, mà còn để lại khoản nợ khổng lồ đang đè nặng lên vai mỗi người dân, làm suy kiệt nền kinh tế. Thiệt hại của nhà nước nhân dân rất lớn vì một bộ phận quan chức năng lực yếu kém, đạo đức suy đồi, ít quan tâm tới ý thức hệ chính trị, coi thường nguyện vọng người dân, chỉ mưu cầu lợi ích cá nhân họ được lại đảng CSVN, chính phủ giao trọng trách rồi đứng trên pháp luật, hiến pháp và vẫn không bị loại bỏ. Tại sao nhóm lợi ích nở rộ thời gian qua? Một số người đổ lỗi cho kinh tế thị trường, con người tham lam, ích kỷ, muốn giàu có nhanh bằng mọi thủ đoạn. Điều đó chỉ đúng một phần. Theo tôi, lợi ích nhóm xấu do:

1) Kinh tế thị trường định hướng XHCN , một đảng lãnh đạo tự cho mình đi từ thành công này tới thành công khác, nhưng không chịu thừa nhận đang mất dần lòng tin ở mọi tầng lớp nhân dân đã góp phần quan trọng tạo ra các nhóm lợi ích.

2) Quản lý xã hội theo nghị quyết của đảng lả bảo vệ đặc quyền của đảng và đảng viên. Một người giữ chức vụ cao trong đảng CSVN khi có biểu hiện tham nhũng, quá trình khởi tố rất khó.

3) Quản lý xã hội theo luật pháp nhưng không chấp nhận tam quyền phân lập theo quan điểm phổ quát. Không phải rỗi hơi mà các nhà khai sáng Pháp đề xướng ra tam quyền phân lập, quốc hội Hoa Kỳ vô cớ đề ra cơ chế kiểm soát quyền lực.

4) Luật do các bộ xây dựng có lợi cho bộ quản lý một ngành nào đó thì luật pháp chỉ tạo cơ hội cho các nhóm lợi ích trong các ngành nảy sinh, kẻ xấu trong và ngoài đảng thoát tội, làm cho các thành phần kinh tế không thể phát triển bình đẳng lành mạnh được. Việt Nam rất ít những đại biểu Quốc hội hiểu biết về luật. Họ cứ bấm nút thông qua mà không hiểu các điều khoản của luật . Nên hiệu lực của luật rất yếu, vừa thông qua đã lại phải sửa đổi. Cho nên trộm cắp vài triệu đồng bị tù giam , tham nhũng hàng chục tỷ đồng , thất thoát hàng trăm tỷ đồng lại xử nhẹ, có trường hợp cho hưởng án treo, người phụ trách ngành không hề bị truy cứu trách nhiệm , không chịu từ chức.

Hậu quả là thể chế kinh tế định hướng XHCN đã tạo ra hệ thống luật pháp như đất đai, đấu thầu, đầu tư, ngân hàng, luật tạo ưu đãi cho các doanh nghiêp nhà nước, tư nhân (có quan hệ về lợi ích với một số lãnh đạo cao cấp của đảng và nhà nước) trong một số lĩnh vực kinh doanh… giúp cho các nhóm lợi ích chiếm đoạt tài sản nhà nước, nhân dân, ngang nhiên độc quyền kinh doanh những lĩnh vực lợi tức cao lại được nhà nước bảo hộ.

Cuối cùng để tạo ra sự đồng thuận xã hội, xác định tính đúng đắn của các tiêu chuẩn và nội dung cải cách thể chế, cần có các tổ chức, cá nhân kiểm định. Ai là người kiểm định tính đúng dắn của một chương trình cải cách được một chính phủ đề ra? Một xã hội dân chủ thì tính đúng đắn của chương trình cải cách được kiểm định bởi lực lượng tiến bộ xã hội, tức là tầng lớp tri thức đích thực. Họ là những người luôn có các ý kiến độc lập, có khi là đối lập với ý kiến của nhà cầm quyền, hoặc luôn tìm thấy những khiếm khuyết trong chương trình cải cách của chính phủ. Do đó, cần mở rộng các hoạt động phản biện độc lập có thể thông qua các tổ chức, cá nhân. Một quốc gia chỉ dùng trí thức để minh hoạ chính sách của nhà nước hay chủ trương của đảng cầm quyền, ngăn chặn các ý kiến phản biện trái chiều mang tính xây dựng thì chính phủ đó chắc chắn không được người dân tín nhiệm, đội ngũ tri thức chỉ làm đẹp chế độ mà thôi. Làm sao để có tầng lớp tri thức đích thực không phải chỉ có danh (bằng cấp, học hàm)? Theo tôi phải cải cách giáo dục theo lối khác, cách tốt nhất là cung cấp cho người học tri thức để cho họ nhận biết đúng sai, nhận biết được xu thế phát triển của thời đại, trên cơ sở đó có tư duy và tiếng nói độc lập phục vụ cho mục tiêu phát triển, chứ giáo dục không phải tạo ra các thế hệ nối tiếp nhau chấp nhận máy móc một ý thức hệ chính trị nào đó, để tiếp tục làm theo, nói theo.

Trong xu thế hội nhập người lãnh đạo cần có chuyên môn, không được học hành tử tế lại có chức vụ quá cao thường đưa ra các quyết định sai lầm có hại cho đất nước. Rất tiếc họ có sai lầm nhưng lại không chịu từ chức. Muốn vậy các vị lãnh đạo của Việt Nam cần có thái độ học hỏi nghiêm túc, từ bỏ lối tư duy theo nhiệm kỳ , ngắn hạn, cần có thái độ khoan dung và đối thoại với những ý kiến trái chiều có tính xây dựng, tiếp tục trào lưu đổi mới. Mặt khác Việt Nam cũng phải có luật buộc những người phụ trách lĩnh vực có sai lầm phải thôi chức. Cần đối chứng và luôn so sánh các chính sách phát triển của Việt Nam với các nước đi trước, những nước cùng điều kiện hoàn cảnh sau chiến tranh để tránh sai lầm. Quan chức Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc người thân của họ bị phát hiên dính dáng tới vụ việc tiêu cực thì họ xin từ chức ngay. Muốn loại bỏ nhóm lợi ích cần phải: (1)Chưa thể đa đảng thì đa nguyên chính trị là đòi hỏi khách quan để tạo ra các cơ chế kiểm soát quyền lực, cần thay đổi một số điều cơ bản trong Hiến pháp 1992 tiến tới nền chính trị dân chủ . (2) Chuyển sang thể chế kinh tế thị trường tự do, giá cả do thị trường quyết định, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng. (3) Hệ thống luật pháp thay đổi có lợi cho đại đa số dân chúng chứ không phục vụ lợi ích một nhóm nhỏ đặc quyền đặc lợi. (4) Cần phải lắng nghe người dân thông qua trưng cầu dân ý.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hayek, F. A (editor) (1935). Collectivist Economic Planning – Critical Studies on the Possibilities of Socialism. G. Routledge, London.

2. Landes, David (1998). The Wealth and The Poor of Nations: Why Some Are So Rich and Some So Poor. W. W. Norton & Company, New York.

3. Sen, Amatya (2002). Phát triển là quyền tự do. Nhà xuất bản Thống Kê, Hà Nội.

4. Nguyễn Trọng Hậu, Trần Văn Tùng (2007). Chất lượng thể chế và tăng trưởng. Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 6.

5. Vũ Đức Thanh, Trần Văn Tùng (2011). Thể chế yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

6. Nguyễn Trần Bạt (2007). Suy tưởng. Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn