Sẽ bảo tồn trọn vẹn cầu Long Biên bằng tư duy tiến sĩ!

Tiến sỹ Trần Đình Bá

Hội Kinh tế & Vận tải đường sắt Việt Nam - Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Sau đề xuất phá cầu Chương Dương gây sốc tới mức nguyên Phó Thủ Tướng Đồng Sĩ Nguyên phải lên tiếng ngăn chặn thì nay các Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải lại đưa ra 3 phương án tháo dỡ cầu Long Biên. Giữa lúc giao thông nối hai bờ sông Hồng còn nan giải thì ý tưởng xóa sổ cầu Long Biên đưa ra lúc này thật lạc lõng vô cảm cần được xem xét cân nhắc một cách cẩn trọng.

Có một cây cầu đặc biệt như thế!

Cầu Long Biên bắc qua con sông rộng và hung dữ, đi qua ba thế kỷ đầy biến động với những cuộc đụng đầu lịch sử mang tầm thời đại. Việt Nam đang tự hào đã sở hữu một cây cầu đặc biệt nhất thế giới về giá trị vật thể, phi vật thể, và cả công năng sử dụng.

Lấy cảm hứng về truyền thuyết huyền thoại “Thăng Long”, các kiến trúc sư và kỹ nghệ gia hãng Daydé & Pillé của Pháp chọn hình tượng con rồng bơi qua nhẹ nhàng qua sông Hồng với chiều dài 2290m qua sông và 896m cầu dẫn phụ trợ giành kỷ lục là cầu thép dài nhất thế giới có kiến trúc độc đáo của thế kỷ XX. Nằm trong dự án trọng điểm thời đó đích thân Thống sứ Bắc Kỳ được cử làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định để chọn ra dự án tối ưu. Cầu mang tên của toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, tác giả siêu dự án đường sắt xuyên Đông Dương và xuyên Việt đã đứng ra thuyết phục Quốc hội Pháp chi một khoản tiền rất lớn cho cả Cầu Long Biên và hệ thống đường sắt.

Ông đã kêu gọi các kỹ nghệ gia tài giỏi của nước Pháp đưa cây cầu kim loại đầu tiên vào Việt Nam, giữa lúc việc trị thủy ở sông Hồng là rất khó khăn vì độ hung dữ của nó.Công ty Eiffel có danh tiếng được chọn thầu thiết kế và xây dựng cây cầu. Vì thế, cầu Long Biên ngang bằng về thời gian và giá trị về biểu tượng công nghệ xây dựng với tháp Eiffel nổi tiếng ở kinh đô Paris vì tính duy nhất “có một không hai” của nó.

Cầu đường sắt dài nhất cho tuyến xuyên Việt, trở thành kỳ tích gắn với cầu Đà Rằng, đường sắt răng cưa Phan Rang Đà Lạt, hầm vượt đèo Hải Vân… tạo nên kỳ quan của đường sắt quốc gia. Thời đó Pháp là nước có công nghệ xây dựng và kỹ nghệ luyện sắt thép rất cao, phải dùng tới 5600 tấn thép cán, 137 tấn gang, 165 tấn sắt, 7 tấn chì phối hợp nhuần nhuyễn đạt đến đỉnh cao kỹ nghệ vật liệu. Thép có hàm lượng cacbon phù hợp nên vừa đảm bảo cường độ chịu lực vừa “nhiệt đới hóa” chống ăn mòn, trên 110 năm ở môi trường xâm thực rất cao mà các dầm thép vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Cùng thời và cùng vật liệu với tháp Eiffel, có thể coi đây là một bảo tàng sống về vật liệu thép của thế kỷ 19 mà các kỹ nghệ gia về thép thời nay vẫn đang tìm kiếm nghiên cứu.

Xin đừng phạm sai lầm theo kiểu “qua cầu rút ván”!

Vội vàng phá bỏ tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt, mang đầu máy qua bán tại Thụy Sỹ, chặt bỏ các tuyến đường sắt nối với các hải cảng, phá bỏ toàn bộ hệ thống tàu điện Thủ đô, rồi những ý tưởng tháo bỏ đường sắt đi qua cầu Long Biên để chỉ dành cho đường bộ… thật xót xa. Cái giá phải trả là quá đắt để nay muốn tìm lại cũng không thể nào có được trong khi đó ảo tưởng mơ hồ về hàng trăm dự án tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, tàu điện mặt đất tuyến số 1, 2, 3, 4… rồi dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM… nay lại di dời vị trí cầu, vạch lại tuyến đường sắt quốc gia…

Trong khi Hà Nội đang rất cần rất nhiều cây cầu để giải tỏa giao thông chống ùn tắc, trong khi đang thiếu vốn cho rất nhiều dự án giao thông công cộng, trong khi cầu Long Biên là cây cầu huyết mạch cho Thủ đô, là linh hồn của tuyến đường sắt xuyên Việt… thì cả 3 phương án mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra hối thúc gấp gáp lúc này thật phản cảm, lạc loài vì chưa làm thêm được gì cho cộng đồng mà cứ đòi phá để mưu cầu cho lợi ích nhóm của những dự án đầy tham vọng nhưng cũng đầy viển vông. Đạo lý dân tộc luôn khuyên con người tối kỵ chuyện “ lấp giếng phá cầu” thì ý tưởng đưa ra lúc này không khác một việc làm “qua cầu rút ván”.

Long Biên từ lâu đã trở thành công trình kiến trúc biểu tượng Thủ đô giống như nhìn cầu Tower Bridge là biết ngay Luân Đôn, nhìn cầu Vanshu là biết ngay thành phố Riga, nhìn tháp Eiffel là biết ngay Paris, nhìn tháp đồng hồ Bến Thành là biết ngay TP HCM…. Cầu đã oằn mình chịu đựng hàng trăm trận bom, chứng kiến trái tim người Hà Nội cảm tử ôm súng phục trên cầu sẵn sàng đánh trả những máy bay tiêm kích tầm thấp hòng liều mạng lao vào phá cầu, qua những trận thử sức của thiên nhiên với những trận lũ lịch sử như 1971… chứng tỏ sức sống Long Biên vẫn là “vô biên”.

Bảo tồn cầu Long Biên bằng “Phương án thứ tư”, tại sao không!?

Đúng như một tổng kết giản dị: “Phá thì dễ, làm được thì khó, nhưng bảo tồn càng khó hơn”. Cầu Long Biên cũng vậy, tháo dỡ di dời có lẽ chỉ cần một tháng…; làm được để có như hiện tại đã là không dễ, nhưng muốn bảo tồn cần có những tư duy, những tấm lòng của cả triệu con người…

Bảo tồn toàn bộ những giá trị về công năng, về lịch sử, về văn hóa nghệ thuật cho cầu Long Biên sẽ rất khó nhưng không phải là “không thể”. Khoa học không có giới hạn, “không có gì là không thể” và những tư tưởng nhân văn trong nước và quốc tế có thể bảo toàn những giá trị của cầu Long Biên ngăn không để phạm tiếp những sai lầm mà “Bộ Đường sắt” suốt ba thập kỷ qua đã gây nên.

Kết cấu của cầu Long Biên, đó là hệ dàn thép chịu lực đặt trên 20 gối đỡ. Các thanh thép làm việc theo chức năng phần tử “combo” chịu kéo hoặc chịu nén thuần túy nên dễ dàng thay thế và gia cố. Bài viết này có mục đích công bố một phương án thứ 4 bảo tồn cho cầu bằng việc nâng sức chịu tải cho cầu không chỉ ngang với thiết kế ban đầu mà còn tăng thêm 10-20 % khả năng chịu tải bằng cáp dự ứng lực cường độ cao. Đây là giải pháp phối hợp vật liệu để bảo tồn và năng cấp những công trình kiến trúc theo ý muốn của con người chống lại sự xâm thực do thời gian và môi trường.Việc làm này sẽ không làm ảnh hưởng đến hình dạng kiến trúc đặc biệt của cầu và bảo tồn mang tính bền vững.

Bảo tồn cầu Long Biên đã được thống nhất giữa Pháp và Việt Nam cách đây hơn 10 năm. Nay không thể quay lưng áp đặt số phận cầu Long Biên trong 3 phương án thô thiển. Chính phủ Pháp đã từng đề xuất tài trợ 60 triệu euro tương đương 1800 tỷ đồng để cải tạo nguyên trạng cây cầu, nay Việt Nam và Pháp đã ký hiệp định về Đối tác chiến lược sẽ là cơ sở cho việc bảo tồn nguyên vẹn cầu Long Biên theo phương án 4. Pháp là nước có kỹ nghệ sắt thép tiên tiến, có công nghệ đường sắt hàng đầu thế giới với hệ thống đường sắt cao tốc TGV nhất thế giới và có 100% đường sắt quốc gia khổ 1,453m phủ khắp toàn quốc và nối mạng quốc tế sẽ là thuận lợi giúp ta trong việc bảo tồn cầu Long Biên, và mở rộng đường sắt quốc gia khổ 1,453m hòa mạng quốc tế.

Cầu Long Biên là một hạng mục đặc biệt tối quan trọng tạo nên đường sắt quốc gia, là “linh hồn” của đường sắt Việt Nam mang giá trị sử dụng, giá trị lịch sử và văn hóa. Số phận của cầu Long Biên gắn liền với sự nghiệp hiện đại đường sắt Việt Nam, khi đó tàu hỏa sẽ được điện khí hóa đi trên đường ray 1,435m công nghệ mối nối hàn cứng sẽ không bị chao lắc có lợi cho độ bền và an toàn của cầu. Bảo tồn cầu thiêng Long Biên là trách nhiệm của hơn 2000 “cái đầu” giáo sư tiến sĩ Giao thông Vận tải, Xây dựng, Kiến trúc, Văn hóa… trước nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước!

T. Đ. B.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn