Bài viết về ông Nguyễn Lân trên Wikipedia nói lên điều gì?

Lê Hà

Quý vị độc giả từng đọc bài Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt đều biết rằng, ngay từ buổi sáng ngày 27/4/2005, khi bài này mới đăng trên báo Người Đại biểu Nhân dân (nay là báo Đại biểu Nhân dân) được một nửa đầu (lúc bấy giờ lấy tên là Những quyển từ điển có rất nhiều sai lầm), ông Nguyễn Lân Dũng đã tức tốc gọi điện thoại đến tòa soạn, tỏ ý cực lực phản đối bởi một lý do: bài báo này động chạm đến uy tín của thân phụ ông ta là GS Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân. Tòa soạn đã bác bỏ lời trách cứ của ông nghị này và trả lời, đại ý rằng: nhận thấy bài này được viết rất sáng sủa, lập luận chặt chẽ và rất cần thiết, rất bổ ích đối với mọi người nên chúng tôi đăng, còn nếu đồng chí Nguyễn Lân Dũng thấy có điều gì không đúng thì cứ viết bài phê phán, chúng tôi cũng sẽ đăng ngay.

Tưởng chừng như chỉ vài ngày sau sẽ có bài của ông Dũng vạch rõ những điều sai trái trong bài báo. Nhưng mãi cho tới hôm nay, đã gần 9 năm trôi qua, ông ta vẫn không thể làm được việc ấy, và cũng không thể nhờ cậy ai làm được việc ấy. Điều đó chính là sự khẳng định trước công luận về tính xác thực, tính đúng đắn của bài báo,

Tuy vậy, 5 năm sau đó, trên mạng cũng lưu truyền cũng mấy dòng đả kích tác giả bài báo này, với vài “lý lẽ” thô thiển. Mấy dòng đó còn được đăng lên trang Wikipedia tiếng Việt, trong bài Thảo Luận Nguyễn Lân (tìm trên Google, sẽ thấy ngay), như sau:

Phê phán

Tôi thấy có người bổ sung ý kiến nhận xét về GS Nguyễn Lân của ông Lê Mạnh Chiến (với đường dẫn tới talawas). Tôi nghi ngờ về uy tín của những lời nhận xét này. Vì nó không được phản biện, không được kiểm chứng, lại chỉ đăng trên một trang mạng mà tính chất công minh của nó còn nhiều điểm đáng ngờ. Tôi đã xem qua một số luận điểm trong bài viết trên và thấy nó còn đáng ngờ hơn. Ví dụ như bài viết cho rằng GS Nguyễn Lân không đọc được chữ Hán (???), nhưng trong phần tiểu sử có thể thấy Nguyễn Lân có tới 5 năm học tại Trung Quốc, vậy có thể có chuyện người học 5 năm tại Trung Quốc không đọc được chữ Hán không? Bản thân tác giả Lê Mạnh Chiến cũng khá là "vô danh" (sau khi tôi hỏi lại bác gúc xem danh tiếng ông này thế nào, gần 2400 hit, không một dòng tiểu sử, có lẽ "sự nghiệp" của ông này nổi bật nhất là bài phê phán GS Nguyễn Lân). Với những dư luận theo kiểu "thả bom" thế này thiết nghĩ không nên đưa vào một từ điển như wikipedia Kenshin top (thảo luận) 08:50, ngày 25 tháng 12 năm 2010 (UTC)

Khi đọc hai câu: “Tôi nghi ngờ về uy tín của những lời nhận xét này. Vì nó không được phản biện, không được kiểm chứng, lại chỉ đăng trên một trang mạng mà tính chất công minh của nó còn nhiều điểm đáng ngờ”, người ta phải thốt lên rằng: “ Kẻ viết những dòng kia không có trí óc hay sao mà không tự mình vạch ra những sai lầm của tác giả Lê Mạnh Chiến, lại phải chờ “được kiểm chứng”. Ai cũng biết rằng, khi một kẻ bị cáo và những người biện hộ cho bị cáo đành phải “cứng lưỡi”không chối cãi được những lời buộc tội cụ thể, rõ ràng thì điều đó đã quá đủ để khẳng định tính chính xác của lời buộc tội ấy. Lẽ nào phải lập một một hội đồng để “kiểm chứng” nữa hay sao? Đã có ở đâu làm cái việc quái đản như vậy chưa?” Trong trường hợp cụ thể ở đây thì không phải chỉ có ông Nguyễn Lân Dũng, mà có cả hàng triệu độc giả sẵn sàng phản bác, vạch rõ những sai lầm của tác giả bài báo Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt (nếu có), không phải chỉ để bênh vực ông Nguyễn Lân, mà lý do chủ yếu hơn, quan trọng hơn, là để bảo vệ tiếng Việt. Đương nhiên, muốn bênh vực ông Nguyễn Lân thì phải bác bỏ được trên 95% trong số hơn 200 sai lầm đã bị vạch ra ở một hai quyển từ điển kia và sau đó không ai tìm thấy những sai lầm khác. Nếu vẫn còn nhiều hơn 10 sai lầm, thậm chí chỉ dăm ba sai lầm nghiêm trọng thì người biên soạn từ điển kia vẫn có lỗi nặng, khó tha thứ. Cũng xin nói rằng, bài của tác giả Lê Mạnh Chiến viết về những sai phạm hết sức nghiêm trọng của ông Nguyễn Lân trong hai quyển từ điển kia đã được đăng trên các tạp chí Thế Giới Mới, Văn hóa Nghệ An, Nghiên cứu và Phát triển, và cả trên báo Người Đại biểu Nhân dân (nay là báo Đại biểu Nhân dân) của Quốc hội nước Việt Nam (mà chính ông Nguyễn Lân Dũng là một trong những người đọc đầu tiên), ở đâu cũng được hoan nghênh, và có thể ở một số tạp chí khác nữa chứ không phải “chỉ đăng trên một trang mạng mà tính chất công minh của nó còn nhiều điểm đáng ngờ”.

Buồn cười thay cái lý sự cùn: “Tôi đã xem qua một số luận điểm trong bài viết trên và thấy nó còn đáng ngờ hơn. Ví dụ như bài viết cho rằng GS Nguyễn Lân không đọc được chữ Hán (???), nhưng trong phần tiểu sử có thể thấy Nguyễn Lân có tới 5 năm học tại Trung Quốc, vậy có thể có chuyện người học 5 năm tại Trung Quốc không đọc được chữ Hán không?”. Không ít người nghĩ rằng, hay là anh chàng này giả vờ ngớ ngẩn để bêu xấu người biên soạn hai quyển từ điển kia? Bởi vì, tác giả Lê Mạnh Chiến khẳng định người biên soạn quyển từ điển kia không đọc được chữ Hán là căn cứ vào sự thật hiển nhiên trên giấy trắng mực đen: ông ấy đã giải thích rất nhiều chữ Hán một cách sai lạc, bậy bạ. Người biết chữ Hán thì phải giảng giải đúng, chữ nào chưa biết thì có thể tra cứu, không thể liều lĩnh dại dột trơ trẽn như thế. Hẳn là, người biên soạn hai quyển từ điển ấy hoàn toàn tin những điều mà mình viết ra. Việc người ấy học chữ Hán ở đâu, bao nhiêu năm, làm sao có thể che khuất những sai lầm lồ lộ, rành rành mà bất cứ ai cũng có thể kiểm chứng.

Sự thực thì người biên soạn hai quyển từ điển đầy sai lầm kia không đến nỗi học chữ Hán 5 năm tại Trung Quốc mà vẫn mù tịt, không biết chữ. Về việc học chữ Hán, trong Hồi ký giáo dục của mình, ông Nguyễn Lân đã viết:

Anh hai tôi, ông Nguyễn Văn Phượng và tôi được học chữ Hán ngay từ năm, sáu tuổi. Thầy dạy chữ Hán của tôi là cụ Đồ Cự ở làng Phù Lưu (cũng gọi là chợ Giàu), cách thị trấn Từ Sơn hơn một cây số. Sáng sớm mẹ tôi đánh thức tôi để cắp sách xuống Phù Lưu học.

Cụ Đồ Cự là một nhà nho không đỗ đạt gì, nhưng là một ông thầy rất đáng kính trọng. Sau này khi viết quyển Cậu bé nhà quê, tôi đã nghĩ đến cụ và phần nào đã tả lại cụ trong Nghè Nhân.

Học trò của cụ lúc bấy giờ chỉ là bọn lau nhau như tôi, ấy thế mà mỗi buổi sáng, khi từ nhà trên xuống nhà ngang là chỗ đặt lớp học, bao giờ cụ cũng chit khăn lượt và mặc áo the dài. Trên bàn trước mặt cụ có một cái roi dài, nhưng không phải để đánh học trò, mà để chỉ vào những trang sách của chúng tôi ngồi ở hai chiếc chiếu liền trải ở dưới nền nhà, trước mặt thầy. Cái ấn tượng đầu tiên của một người thầy hiền hậu, thương yêu học trò và coi trọng cái nghề của mình đã tác động sâu sắc đến cái tâm trí của tôi và đã khiến tôi ngay từ bé đã kính phục cái nghiệp giáo dục.

Tôi chỉ được học chữ Hán có hơn một năm rồi bố mẹ tôi cho về trường học Pháp – Việt đặt ngay bên cạnh phủ đường của Từ Sơn”

Cũng trong Hồi ký này, về việc sang Trung Quốc, ông Nguyễn Lân viết:

Đến năm 1951, Hồ Chủ tịch liên hệ với Chính phủ Trung Quốc, cho lập một Khu học xá ở tỉnh Quảng Tây, nhằm đào tạo nhân tài cho tương lai. Tôi cũng được cử sang dạy ở bên ấy và được phép, như những người khác, đem cả gia đình đi theo. Thế là chúng tôi phải xa nước trong mấy năm liền..........

Năm 1955, đa số cán bộ ở Khu học xá được về tham gia cải cách ruộng đất.

Tôi được cử làm đội viên ở huyện Quảng Oai (Sơn Tây), sống trong một nhà cố nông nghèo xơ xác. Gọi là nhà nhưng chỉ là một túp lều, gia đình có hai vợ chồng và một đứa con nhỏ...

... Đang lúc tôi tin tưởng mình sắp đến ngày tận số, thì một bức điện từ Trung ương gửi xuống yêu cầu cho tôi về ngay Khu Học xá, vì lúc đó ông Nho rồi đến ông Trứ đều về nước cả, không có người quản lý các trường bên ấy. Thật là hú vía! Tôi liền lấy xe đạp đạp ngày đêm về Hà Nội rồi sang ngay Trung Quốc, tưởng như mình mới chết mà được sống lại!

Khi ấy đa số giáo viên và học sinh Khu Học xá đã về nước rồi, chỉ còn mấy lớp khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và tiểu học đang học dở, phải ở lại để tiếp tục học tập. Tôi được phân công phụ trách chung và những lớp khoa học xã hội, ông Phạm Văn Hoàn phụ trách khối tự nhiên và ông Lung phụ trách các lớp tiểu học. Vì thế, mãi đến năm 1956, tôi mới được nhận về nước và được Bộ cho về dạy ở Trường Đại học Sư phạm mới thành lập.”

Như vậy, ông Nguyễn Lân chỉ học chữ Hán hơn một năm, khi mới 5-6 tuổi. sau đó thì bỏ hẳn. Trong Hồi ký giáo dục cũng không có chỗ nào nói đến việc học chữ Hán nữa. Việc học ngoại ngữ, dù học 5-6 năm mà không ôn luyện và không sử dụng thì chỉ sau vài năm, “chữ của thầy lại trả cho thầy”, quên hết hoàn toàn là điều rất bình thường, huống chi là kẻ chỉ học một năm, ở tuổi con nít. Nếu ai đó học dốt, không biết chữ Hán hay không biết ngoại ngữ thì cũng là điều bình thường, không có tội lỗi gì. Điều rất đáng xấu hổ và có tội là ở chỗ, người ấy lại dám biên soạn Từ điển từ và ngữ Hán-Việt (nhưng lại phải trốn tránh việc thể hiện chữ Hán trong sách vì không biết mặt chữ) nên đã nhiều lần tự bịa ra nghĩa của chữ Hán để giảng cho độc giả. Sự liều lĩnh như thế chẳng khác gì một anh chàng lang băm không hiều biết gì về y lý, về dược tính của các vị thuốc, nhưng lại dám “cắt thuốc” chữa bệnh hoặc viết sách thuốc. Đó là một biểu hiện của tính vô đạo đức nghiêm trọng. Việc giảng giải từ ngữ sai bét tuy không gây chết người nhưng lại làm cho tiếng Việt bị méo mó, gieo rắc sai lầm cho nhiều người, cho nhiều thế hệ, thì có nguy hiểm hay không? Có nên cảnh báo và lên án để tránh hay không?

Những câu tiếp theo trong đoạn “Phê phán” kia, với giọng điệu hằn học, với lý lẽ vu vơ, chẳng cần phài bàn luận làm gì.

Những lời “phê phán” vu vơ đối với tác giả bài Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt nhằm bênh vực người biên soạn lại thành ra sự bêu xấu ông ấy. Bởi vì, trên đời này có ai đã từng học chữ Hán bên Trung Quốc trong suốt 5 năm mà ‘thông minh“ đến nỗi không đọc được chữ Hán như vô số ví dụ cụ thể đã được nêu ra và đã công bố từ gần 9 năm qua?

Trong dân gian có câu: “khôn quá hóa dại”, và “giận quá mất khôn”. Thật chí lý lắm thay.

L.H.

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn