Hiệp định “123” về Luật Năng lượng nguyên tử giữa Hoa Kỳ và Việt Nam - thiệt hư ra sao?

Nguyễn Hùng, Trần Hoài Nam

Điều khoản số 123 của Luật Năng lượng nguyên tử Hoa Kỳ là gì mà các nước có nhà máy điện nguyên tử đều cần phải thương thảo với chính phủ Hoa Kỳ để đạt được hiệp định “123” về năng lượng nguyên tử với Hoa Kỳ?

Điều khoản số “123” của Luật năng lượng nguyên tử Hoa Kỳ yêu cầu các nước đạt được một thỏa thuận cụ thể về việc chuyển giao vật liệu hạt nhân, thiết bị, hoặc các cơ phần từ Hoa Kỳ đến một quốc gia khác. Hiệp định về tuân thủ Điều khoản số “123” của Luật năng lượng nguyên tử của Hoa Kỳ là công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy các nguyên tắc về phổ biến hạt nhân của Mỹ. Những Hiệp định này kết hợp với các công cụ phổ biến hạt nhân khác, đặc biệt là Hiệp ước không phổ biến hạt nhân, tác động đến sự thiết lập khuôn khổ pháp lý cho chương trình hợp tác hạt nhân quan trọng giữa Hoa Kỳ với các nước khác. Hơn nữa, Hiệp định cho phép hợp tác trong các lĩnh vực khác liên quan đến nguyên tử , chẳng hạn như trao đổi kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, và thảo luận biện pháp bảo vệ an toàn hạt nhân. Để cho một quốc gia được phép tham gia vào Hiệp định này với Hoa Kỳ, quốc gia đó phải cam kết tôn trọng và bắt buộc phải tuân hành những tiêu chuẩn không phổ biến vũ khí hạt nhân của Hoa kỳ.

Hoa Kỳ đã ký kết thỏa thuận với hầu hết những nước và tổ chức cộng đồng các nước như cộng đồng Âu Châu có chương trình nguyên tử phục vụ dân sự. Việt Nam là quốc gia mới nhất vừa được Tổng thống hoa Kỳ ông Obama phê chuẩn Hiệp định “123”.

Điều khoản số 123 của Luật năng lượng nguyên tử thực chất là nhằm ngăn chặn việc các nước phát triển vũ khí hạt nhân qua chương trình điện nguyên tử của họ.

Việc một nước cùng ký với Hoa Kỳ Hiệp định “123”, như Tổng thống Obama vừa thông qua bản thỏa thuận Hiệp định “123” với Việt Nam, không có nghĩa là Hoa Kỳ ủng hộ dự án điện nguyên tử của đảng và nhà nước Việt Nam như báo chí trong nước đưa tin. Thí dụ báo Người Lao Động ngày 02/03/2014 đã đưa tin với tựa rất giật gân” “Việt Nam mua lò phản ứng hạt nhân của Mỹ” trong khi dự án này bây giờ vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức tuyên bố sẽ hoãn triển khai cho đến sớm nhất năm 2020 và có nhiều triển vọng sẽ vĩnh viễn ngừng dự án điện hạt nhân trên toàn cõi Việt Nam.

Chi tiết của Hiệp định “123” được Hoa Kỳ ký với các nước đều khác nhau. Có nước với nhiều điều kiện thật khắc khe, có nước dể dãi. Ngay cả Nam Hàn, nước đồng minh thân thiết nhất của Hoa Kỳ và được Hoa Kỳ bảo vệ chống lại nước cộng sản cực đoan cha truyền con nối Bắc Triều Tiên - nước đồng chí thân thiết của đảng cộng sản Việt Nam, không được phép tự tinh chế làm giàu chất uranium từ những thanh nhiên liệu hạt nhân sau khi sử dụng; trong khi đó Nhật được toàn quyền tinh chế những thanh nhiên liệu hạt nhân sau khi sử dụng.

Chi tiết của hiệp định mà Hoa Kỳ và chính phủ không mấy thân thiện với Hoa Kỳ - nhà nước độc tài chuyên chế Việt Nam - đạt được sau nhiều năm thương thảo tuy chưa được công bố và đang chờ Quốc hội Hoa Kỳ phê duyệt chính thức, nhưng chắc chắn hiệp định này sẽ bao gồm những điều kiện gắt gao hơn là hiệp định “123” ký kết giữa Hoa Kỳ và nước đồng minh Nam Hàn có thể chế đa đảng tôn trọng nhân quyền và quyền tự do dân chủ thật sự.

Thật ra chính quyền Việt Nam bắt buộc phải thương lượng với Hoa Kỳ để đạt được Hiệp định “123”. Nếu không ký được Hiệp định “123” thì dự án điện hạt nhân của Việt Nam không thể thực hiện được, dù cho họ có ngoan cố làm bất chấp những lời can ngăn phản đối của rất nhiều trí thức và chuyên gia trong ngoài nước. Vì luật của Hoa Kỳ rất gắt, cấm các công ty có gốc từ Hoa Kỳ không được phép mua bán các thiết bị dùng cho nhà máy điện hạt nhân, hay mua bán vật liệu nguyên tử, hay chuyển giao kỹ thuật hạt nhân có nguồn gốc từ các công ty Hoa Kỳ. Tuy dự án nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận 1 có kế hoạch sẽ do Nga cho vay và xây dựng, còn Ninh Thuận 2 sẽ do Nhật cho vay và xây dựng, nhưng nhiều bộ phận quan trọng của các thiết bị dùng trong các lò phản ứng nguyên tử cần phải dùng kỹ thuật hạt nhân hiện đại xuất phát từ các công ty của Hoa Kỳ.

Sự thật là với Hiệp định “123” liên quan đến hạt nhân/nguyên tử, Việt Nam đã được Hoa Kỳ tặng cho cặp còng số 8 mà chìa khóa mở hay khoá còng do Hoa Kỳ nắm trong tay hơn là những củ cà rốt. Việt Nam từ đây luôn luôn phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Hoa Kỳ về chương trình điện nguyên tử của mình. Việt Nam phải chấp hành đòi hỏi của Hoa Kỳ về các vấn đề liên quan đến hạt nhân. Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam không thể cải chày về Hiệp định “123” như họ luôn lật lọng trong những hiệp định mà họ đã đặt bút ký với quốc tế liên quan đến quyền con người và những quyền tự do dân chủ khác.

Ngày 06/03/2014

N.H – T.H.N.

Tham khảo:

Section 123 Agreement

http://en.wikipedia.org/wiki/Section_123_Agreement

The U.S. Atomic Energy Act Section 123 At a Glance

http://www.armscontrol.org/factsheets/AEASection123

TT Obama phê chuẩn thỏa thuận hợp tác hạt nhân với Việt Nam

http://www.voatiengviet.com/content/tt-obama-phe-chuan-thoa-thuan-hop-tac-hat-nhan-voi-vietnam/1858657.html

Báo Người Lao Động: Việt Nam mua lò phản ứng hạt nhân của Mỹ

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/viet-nam-mua-lo-phan-ung-hat-nhan-cua-my-20140302214634221.htm

http://www.voatiengviet.com/content/tt-obama-phe-chuan-thoa-thuan-hop-tac-hat-nhan-voi-vietnam/1858657.html

Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng: Hoãn khởi công nhà máy điện nguyên tử tới năm 2020

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/590402/hoan-khoi-cong-nha-may-dien-nguyen-tu-toi-nam-2020.html

GS Phạm Duy Hiển : « Hoãn dự án hạt nhân sẽ là quyết định sáng suốt »

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140203-gs-pham-duy-hien-%C2%AB-hoan-xay-nha-may-hat-nhan-se-la-quyet-dinh-sang-suot-%C2%BB

http://baovetoquoc.blogspot.com.au/2014_01_01_archive.html

Các tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn