Để người Việt trở nên tốt đẹp hơn: những gợi ý từ giáo dục

Đặng Hoàng Giang (Đại học Phan Châu Trinh - Hội An)

clip_image001

1. Thói hư, tật xấu không phải là sản phẩm riêng của một giống người hay một cộng đồng cụ thể, mà là một biểu hiện tự nhiên, phổ biến của con người nói chung

Tuy nhiên, khi chúng xuất hiện quá nhiều trong đời sống và góp phần tạo nên các định kiến của người bên ngoài đối với người Việt như hiện nay, thì vấn đề cần phải được phân tích, mổ xẻ một cách trung thực hơn, rốt ráo hơn, trách nhiệm hơn. Những thói xấu thường gặp trong cuộc sống hiện tại phản ánh một thực tế: đạo đức người Việt đang suy đồi nghiêm trọng.

Cho đến nay, thật đáng buồn khi phải thừa nhận rằng: về cơ bản, ấn tượng về người Việt vẫn là một ấn tượng mang sắc thái tiêu cực. Đó là hình ảnh người tiểu nông nhỏ nhen, đồng bóng, dễ dàng tha hóa, manh động trước sức ép của vật chất, quyền lực, đám đông... Mặc dù đã trải qua rất nhiều cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa tốn kém, ồn ào, người Việt còn xa mới đạt đến tư cách công dân - vốn là một chuẩn mực, một thuộc tính không thể thiếu của người công dân trong bất cứ xã hội hiện đại nào.

2. Đạo đức, lối sống được tác thành bởi nhiều yếu tố. Cùng với truyền thống văn hóa, đạo đức và hành vi của con người bị chi phối sâu sắc bởi các định chế xã hội. Khái niệm định chế được hiểu là một hệ thống các khuôn mẫu xã hội đã được xác lập ổn định theo thời gian, rồi dần dần biến thành tập quán, và cuối cùng trở thành những chuẩn mực mà mọi thành viên đều thừa nhận và tuân thủ.

Theo các nhà xã hội học, có bốn loại định chế cơ bản: các định chế chính trị (liên quan tới việc phân bố và sử dụng quyền lực trong xã hội), các định chế kinh tế (liên quan tới các quá trình sản xuất và phân phối các của cải và dịch vụ), các định chế thân tộc (như hôn nhân, gia đình), và các định chế văn hóa (như giáo dục, tôn giáo, phong tục, văn chương, nghệ thuật, truyền thông đại chúng...).

Các định chế vừa nêu có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và cùng chịu trách nhiệm trong sự suy đồi đạo đức của người Việt. Tuy nhiên, định chế giáo dục có trách nhiệm trực tiếp hơn cả vì chức năng quan trọng nhất của giáo dục là “trồng người”: truyền thụ các giá trị đạo đức và các kiến thức, kĩ năng cần thiết để giúp mỗi cá thể thích ứng, tồn tại thành công trong cộng đồng văn hóa mà anh ta thuộc về. Vì vậy, muốn vun trồng một nền tảng đạo đức lành mạnh, trước hết, phải tìm cứu cánh trong bản thân hệ thống giáo dục.

3. Lịch sử Việt Nam trong thế kỷ vừa qua đã để lại nhiều kinh nghiệm và bài học vô cùng thiết thực, sống động về những khả năng mà một nền giáo dục có thể làm được nhằm hoán cải các giá trị đạo đức dân tộc theo hướng nhân bản, hiện đại. Đó là hệ thống giáo dục thời Pháp thuộc được áp dụng trên toàn quốc từ năm 1917-1945 và hệ thống giáo dục được áp dụng ở miền Nam từ sau năm 1959-1975.

Như nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh, cả hai hệ thống giáo dục này đã trực tiếp thúc đẩy sự hình thành tư cách công dân, ý thức công dân của một bộ phận đông đảo trí thức, thanh niên, thị dân trong xã hội đương thời - những lực lượng mà về sau sẽ đóng vai trò quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa đất nước. Đây là điều chưa từng có trong nền giáo dục quân chủ Nho giáo ngàn năm trước đó.

Cũng cần nói thêm rằng, trong điều kiện hiện nay, ba nguyên tắc cơ bản của hệ thống giáo dục ở miền Nam trước đây: nhân bản, dân tộc và khai phóng không phải không còn ý nghĩa thời sự, thực tiễn. Kinh nghiệm lịch sử nói lên rằng: kể cả trong những điều kiện chính trị và kinh tế ngặt nghèo (xã hội thuộc địa, kinh tế nghèo nàn và lạc hậu, chiến tranh triền miên...), nếu biết dựa trên một triết lý thực sự phù hợp và nhân văn, nếu được vận hành bởi một cơ chế tự chủ và minh bạch, hệ thống giáo dục hoàn toàn có thể khắc phục những nhược điểm cố hữu, vun bồi những giá trị chuẩn mực, bổ sung những thuộc tính mới cho nền văn hóa dân tộc để làm cho nó trở nên hiện đại hơn, mới mẻ hơn trong một thế giới không ngừng vận động và biến đổi. Lịch sử Nhật Bản và các nước công nghiệp mới nổi ở châu Á trong thế kỷ 20 cũng chia sẻ những kinh nghiệm tương tự.

Vậy nên, trong khi vẫn chưa tìm ra một triết lý và mô hình cho riêng mình, việc thực tâm tham khảo, nghiên cứu, vận dụng các hệ thống giáo dục đã có trên đất nước mình là một phương án khả thi mà chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến và sớm thực hiện. Đó còn là bước chuẩn bị cho sự phục hưng, đổi mới văn hóa, đạo đức dân tộc trong hiện tại và tương lai.

Đ.H.G. 

Nguồn: thesaigontimes.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn