Nhà cầm quyền dần công nhận sự hiện diện của các tổ chức Xã hội dân sự

Những cuộc gặp mặt thường kỳ mỗi tháng một lần giữa các nhóm XHDS sẽ diễn ra với hình thức hội thảo chuyên đề. Chủ đề sắp tới có thể là chủ đề "Tự vỡ của Đảng" dựa theo một bài viết kỳ công của ông Lê Hồng Hà nguyên Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Bộ Nội vụ (ông bị tù trong vụ án Xét lại chống Đảng). Mỗi người sẽ tự chuẩn bị cho mình những vấn đề liên quan đến chủ đề và sẽ trình bày tại hội thảo. Cuộc hội thảo sẽ được ghi lại và tiếp tục đưa lên truyền thông. Tiếp sau cuộc hội thảo này sẽ là hội thảo với chủ đề "Quyền tư hữu đất đai".

clip_image002

PV.CTNLT | 6/4/2014

Trong cuộc họp mặt lần II của các tổ chức XHDS ở chùa Liên Trì Sài Gòn ngày 6/4/2014, tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã có những ý kiến nổi bật và những thông tin liên quan đến động thái của nhà cầm quyền trong công tác đối nội, đối ngoại.

Cuộc họp mặt lần này có sự tham gia của Hội Cựu tù nhân lương tâm, Phụ nữ nhân quyền, Dân oan Việt Nam và có cá nhân thuộc Diễn đàn xã hội dân sự tham gia. Phát biểu mở đầu, điều phối viên của Hội CTNLT, anh Phạm Bá Hải đã thông tin về tình hình của Hội thời gian qua, các công tác từ thiện mà Hội đã làm để giúp các cựu tù nhân lương tâm và gia đình của Hội.

Đoàn kết các nhóm Xã hội dân sự

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chủ tịch Hội CTLT, bác sĩ Nguyễn Đan Quế cho biết:

‘Trang web thông tin của Hội ở địa chỉ cuutunhanluongtam.org chỉ xuất hiện hơn một tháng nhưng đã làm rất tốt công việc truyền tải thông tin đến các độc giả ngoài sự mong đợi của mọi người. Điều này rất đáng quý, vì ngoài các trang thiết bị còn khó khăn, còn có sự o ép của nhà cầm quyền. Thời gian tới cần đề phòng sự tấn công của hacker, đánh cắp dữ liệu, gây gián đoạn thông tin của công cuộc bảo vệ nhân quyền.’

clip_image004

Bác sĩ Quế nhận định:

Trong mấy chục năm qua, các hoạt động dân sự, biểu tình chưa bao giờ lại sôi động như hiện nay, từ các tỉnh phía Bắc cho đến mũi Cà Mau, lòng dân đâu đâu cũng sục sôi, từ các cuộc biểu tình của dân oan mất đất, đến các cuộc biểu tình của công nhân đòi quyền lợi, hay ở Ninh Thuận vừa qua là phản ứng của người dân với dự án khai thác titan gây ô nhiễm môi trường. Nhiệm vụ chính của chúng ta trong thời điểm này là kết hợp lại với nhau, không phải là kết hợp giữa các đoàn thể, tôn giáo thành một… Mà chúng ta kết hợp lại vì một “đường lối” chung là tự do, dân chủ, nhân quyền cho đất nước, để cùng làm việc cho đất nước Việt Nam.

Nông dân làm ra hạt gạo thì nông dân có quyền bán cho ai theo giá thị trường là quyền của họ, nhà nước muốn mua lại thì phải đàm phán sòng phẳng với nông dân. Đặc biệt đối có một vấn đề khá lớn mà ít ai đề cập đến đó là sự đe dọa sống còn đến nguồn nước, nguồn lợi thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long. Khoảng 60 triệu người dân ở miền Tây sẽ ảnh hưởng trực tiếp khi các đập thủy điện ở phía thượng nguồn là Trung Quốc, Campuchia và Lào thi công. Tôi có thể tóm tắt  rằng: nhà cầm quyền Hà Nội tranh đấu cho các quyền lợi của Việt Nam khá yếu, mặc dù Việt Nam có lên tiếng nhưng các nước khác không coi ra gì và vẫn tiếp tục các hoạt động của họ. Sắp tới, nhân dân Việt Nam đứng trên lập trường dân tộc sẽ đứng ra để tranh đấu, bảo vệ các quyền con người, cũng như lợi ích của chính mình.’

Biểu tình ôn hòa – Điều kiện tiên quyết

clip_image006

‘Quyền biểu tình được ghi trong điều 69 của Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam, và Liên hợp quốc vừa thông qua nghị quyết về Cổ xúy và Bảo vệ Nhân quyền khi Biểu tình Ôn hòa. Nhấn mạnh tới chữ Ôn Hòa, bất bạo động để đòi quyền con người mà Việt Nam vừa là một thành viên mới của Hội đồng nhân quyền (HĐNQ) Liên Hợp Quốc. Nghị quyết thông qua ngày 28/3/2014 của HĐNQ với 31 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 7 phiếu trắng. Nghị quyết kêu gọi:

- Các nước thành viên phải tạo không gian để người dân bày tỏ thông qua các cuộc biểu tình ôn hòa.

- Yêu cầu nhà nước không dùng vũ lực với người biểu tình ôn hòa, và buộc phải điều tra những trường hợp người dân bị đánh đập trong quá trình ngày hôm đó.

- Phải đảm bảo an toàn cho những người lấy tin về cuộc biểu tình ôn hòa, vì người đó đưa các tin về phạm trù bảo vệ nhân quyền.

Nếu làm đúng nguyên tắc là biểu tình ôn hòa và kêu gọi thực thi quyền con người mà bị tấn công thì LHQ sẽ lên tiếng, và Hội CTNLT sẽ dựa vào các nguyên tắc này để thu thập các báo cáo vi phạm nhân quyền gởi tới các tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế, cũng như HĐNQ LHQ.’

- Anh Phạm Bá Hải, điều phối viên xác tín lại một lần nữa.

Đối nội, đối ngoại của nhà nước Việt Nam

clip_image007

Về mặt đối ngoại của nhà nước, tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói: ‘Cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ lần I diễn ra vào tháng 04/2013 tại Hà Nội, tái khởi động cho các bước quan hệ giữa 2 nước. Cuối tháng 4 này sẽ diễn ra Cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ lần II, cũng tại Hà Nội, và đây là một sự kiện quan trọng. Chắc chắn khi tham dự cuộc đối thoại này, người Mỹ sẽ đặt lên bàn làm việc Bản phúc trình nhân quyền VN năm 2013. Trong bản phúc trình này có các vấn đề liên quan đến tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do đi lại, các tù nhân lương tâm và họ sẽ đưa lại các danh sách các TNLT cần thả, đó là một thuận lợi của các phong trào XHDS trong thời gian tới.

Đầu tháng 3 vừa qua có một chuyến đi của bà nữ Ngoại trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, sau đó có thông tin ông Cù Huy Hà Vũ được qua Hoa Kỳ để chữa bệnh (nhưng chưa thấy) và sau đó có 2 trường hợp được đặc xá liên tiếp là ông Nguyễn Hữu Cầu và ông Đinh Đăng Định. Tôi cho đó là nét mở, mặc dù đó chưa phải là một sự chuyển biến lớn.

Cuối tháng 4 năm 2014 này sẽ có một chuyến đi công du Châu Á của tổng thống Mỹ Barack Obama, sang các nước Malaysia, Philippines và Nhật Bản. Mặc dù không sang VN, nhưng giới chức VN cũng đặc biệt bị tác động khi họ mong chờ ông Obama có thể đến thăm Việt Nam và mang sang các hợp đồng kinh tế, thương mại… Đó là sự tương quan của nhà nước hiện nay và khối Xã hội dân sự.’

Ông cho biết thêm:

‘Trong tháng 3 xuất hiện các phong trào tự phát với 6 cuộc biểu tình, khởi đầu từ Ninh Thuận sau đó lan ra tới Dương Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh và Sài Gòn. Lần đầu tiên diễn ra các cuộc biểu tình với tần suất cao, và tôi thấy có sự kết nối, thông tin giữa các thành viên tham gia với nhau và giữa các cuộc biểu tình.

Thứ hai là mức độ phản kháng của người dân trong các cuộc biểu tình ngày càng gia tăng về độ ác liệt, đã có đổ máu, xung đột ở Ninh Thuận với 2 CSCĐ phải nhập viện.

Thứ ba là về mặt số lượng, ngoài sự kiện Thái Bình năm 1997, thì từ năm 1975 đến nay chưa bao giờ xảy ra một chuỗi biểu tình ở các tỉnh khác nhau và ở giữa các vùng miền khác nhau như vậy. Năm 2013, ở Tư Nghĩa Quảng Ngãi, nhân dân chặn xe, chặn đường quốc lộ với gần 1000 người; Vĩnh Yên, Nghệ An hơn 1000 người, thì vừa qua tại Nghệ An, Hà Tĩnh là từ 3 đến 4000 người dẫn đến sự việc là công an không dám đánh đập, bắt người biểu tình.’

Ông dự đoán:

‘Khả năng làn sóng biểu tình tự phát sẽ dần dần diễn ra, tập kết và bùng nổ vào các năm 2015, 2016 khi nhà nước không thay đổi các chính sách không phù hợp của mình với nhân dân.’

Vấn đề hỗ trợ nhân đạo

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đề nghị:

‘Đã đến lúc các nhóm hội phải tập hợp sâu sắc hơn nữa về vấn đề quyên góp hỗ trợ không chỉ cho các Cựu tù nhân lương tâm, TNLT và gia đình của họ mà còn cho dân oan và môi trường. Thậm chí trong thời gian sắp tới còn có thể hỗ trợ cho các công nhân. Vừa rồi có cuộc biểu tình ở Bình Dương với 2000 người, bình quân một năm có trên 100 cuộc đình công đòi quyền lợi của công nhân diễn ra.

Các tổ chức XHDS có thể hỗ trợ, tư vấn về mặt pháp luật cho những người biểu tình để họ hiểu rõ hơn như thế nào là một cuộc biểu tình ôn hòa đòi quyền con người phù hợp với các Công ước quốc tế và Nghị quyết về cổ súy biểu tình ôn hòa vừa qua của HĐNQ LHQ.’

Nhà cầm quyền dần công nhận sự hiện diện của các tổ chức Xã hội dân sự

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đặc biệt lưu ý:

Quan điểm của nhà nước về Xã hội dân sự đã có sự chuyển biến rõ rệt.

Năm 2012, nhà nước xem XHDS là một trong những thủ đoạn “Diễn biến hòa bình”.

Sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt Mỹ tháng 4 năm 2013, thì nhà nước im lặng, hoàn toàn không nhắc tới vấn đề XHDS nữa.

Tháng 7, năm 2013 sau khi ông Trương Tấn Sang qua Washington thăm Barack OBama thì người ta bắt đầu nhắc tới khái niệm “Xã hội dân sự mang tính chất phản biện”

Cuối năm 2013, người ta đặt ra vấn đề là tiếng nói đóng góp của XHDS và XHDS theo kiểu của Việt Nam, và người đấu tranh bắt đầu thành lập các tổ chức, hội nhóm mà không bị dập tắt.

Gần đây có thêm một luận điểm nữa là Xã hội dân sự không chỉ tồn tại trong chủ nghĩa tư bản mà còn tồn tại trong chủ nghĩa xã hội. Một luận điểm hoàn toàn mới mà trong các giáo trình các sách dạy về CNXH hoàn toàn chưa thấy nhắc đến.’

Định hướng các cuộc họp mặt sắp tới

Những cuộc gặp mặt thường kỳ mỗi tháng một lần giữa các nhóm XHDS sẽ diễn ra với hình thức hội thảo chuyên đề. Chủ đề sắp tới có thể là chủ đề “Tự vỡ của đảng” dựa theo một bài viết kỳ công của ông Lê Hồng Hà nguyên Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ tổng hợp Bộ Nội vụ (ông bị tù trong vụ án Xét lại chống Đảng). Mỗi người sẽ tự chuẩn bị cho mình những vấn đề liên quan đến chủ đề và sẽ trình bày tại hội thảo. Cuộc hội thảo sẽ được ghi lại và tiếp tục đưa lên truyền thông. Tiếp sau cuộc hội thảo này sẽ là hội thảo với chủ đề “Quyền tư hữu đất đai”.

Đại diện cho Hội Cựu tù nhân lương tâm, Hòa thượng Thích Không Tánh đã cảm ơn các nhóm hội đã về chùa Liên Trì để tham dự và các đề xuất, ý kiến mới sẽ được Ban điều hành thảo luận biểu quyết sau. Cuộc gặp của các nhóm XHDS lần II kết thúc tốt đẹp và mọi người cùng đi qua Dòng Chúa Cứu Thế để viếng thành viên sáng lập của Hội CTNLT đó là thầy Đinh Đăng Định đang được quàn tại nhà thờ Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, số 38 Kỳ Đồng, quận 3.

PV. CTNLT

Nguồn: fvpoc.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn