Tuyên bố Sinaia về tự do học thuật và tự chủ đại học (Romania 1992)

Vụ luận văn Nhã Thuyên đang đặt ra cho giới đại học nhiều vấn đề cần suy nghĩ, trong đó có vấn đề tự do học thuật của các giảng viên và tự chủ của các trường đại học. Trong bối cảnh đó, đồng thời trước những yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, xin gửi đến mọi người bản dịch của tôi cho bản Tuyên bố Sinaia về tự do học thuật và tự chủ đại học tại Romania năm 1992, cách đây đã hơn hai thập niên.

Vũ Thị Phương Anh

-----------

Nguồn: unesco.org

1. Hội nghị quốc tế Sinaia về tự do học thuật và tự chủ đại học diễn ra tại một thời điểm có những thay đổi lớn. Tất cả các định chế xã hội, và đặc biệt là các trường đại học, đều bị ảnh hưởng bởi các biến động xã hội, chính trị và kinh tế xung quanh chúng. Trên thực tế, các trường đại học đang có một cơ hội hiếm có mà cũng là một nghĩa vụ để đóng góp vào sự phát triển của xã hội và đóng một vai trò tích cực trong việc hình thành các xã hội mà họ phục vụ.

Lịch sử đã chỉ ra rằng việc vi phạm tự do học thuật và quyền tự chủ của các trường sẽ gây ra những thiệt hại lớn vì sự tụt hậu về trí tuệ, sự tha hóa về xã hội và sự trì trệ về kinh tế. Trước những thay đổi xã hội sâu sắc và trước các yêu cầu mới đặt trên vai các trường đại học, cần phải tạo sự hiểu biết mới giữa các trường đại học và xã hội. Việc tái khẳng định và hồi phục các nguyên tắc tự do học thuật và tự chủ đại học là điều bắt buộc.

2. Đây không phải là lần đầu tiên các trường đại học phải đối mặt với những thách thức của sự thay đổi về xã hội, chính trị, kinh tế và văn hóa. Trong quá khứ, các trường đại học đã chứng minh khả năng thích ứng trong khi vẫn tiếp tục tôn trọng lời cam kết mang tính lịch sử của mình đối với việc lưu truyền kiến thức và giảng dạy. Để vừa duy trì các nhiệm vụ truyền thống vừa thích ứng với xã hội của thế kỷ 21, các trường đại học cần xem những thay đổi đang diễn ra như sự thách thức đối với trí tưởng tượng và sự linh hoạt thích nghi của các trường đại học chứ không phải là mối đe dọa đối với sứ mạng của mình. Những kiến ​​thức và năng lực của các trường đại học sẽ rất quan trọng trong việc giải quyết những thách thức mà xã hội đang phải đối mặt: phong trào ly khai cả về văn hóa lẫn dân tộc, việc bảo vệ môi trường, phát triển tiềm năng con người, đó chỉ là một vài ví dụ. Những vấn đề này sẽ không dễ giải quyết, và chắc chắn cũng không thể chỉ một mình các trường đại học mà giải quyết được. Nhưng các trường đại học có thể và nên đóng một vai trò quan trọng trong việc kiếm tìm giải pháp.

3. Đặc điểm của trường đại học là sự cam kết tìm tòi tri thức trong tinh thần cởi mở và độc lập. Đặc điểm này cũng phân biệt bản chất của các nghiên cứu trong trường đại học so với nghiên cứu của các đảng phái, đó là nó luôn tìm kiếm tri thức và sự hiểu biết một cách hoàn toàn không hạn chế. Nguyên tắc tìm tòi tri thức hoàn toàn tự do này cũng áp dụng cho việc giảng dạy và phổ biến kiến ​​thức. Cam kết theo đuổi chân lý cung cấp cho các trường đại học trên toàn thế giới những giá trị phổ quát và cho phép các trường tham gia vào những công việc quan trọng của hợp tác khu vực và quốc tế, một điều rất quan trọng vì nó tạo ra sức sống cho các trường đại học hiện đại.

4. Như một phần của sự hiểu biết về xã hội vừa được hồi phục này, các trường đại học nhận biết nghĩa vụ cần phải chứng minh giá trị nghề nghiệp của giới đại học chứng minh với những người ra quyết định và công chúng nói chung. Cụ thể, các trường đại học phải xây dựng cơ chế đánh giá có tính thuyết phục cao để chứng minh chất lượng và hiệu quả của các trường.

5. Các trường đại học có nghĩa vụ lên tiếng chống lại tất cả các loại hành vi hẹp hòi, kỳ thị. Nghĩa vụ này đặc biệt cấp thiết trong bối cảnh có các lực lượng mới xuất hiện ở châu Âu và các nơi khác trên thế giới. Tái khẳng định giá trị của lòng khoan dung và tính ưu việt của giải pháp hòa bình không phải là để bỏ qua tầm quan trọng của các truyền thống văn hóa khác nhau, nhưng để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và sự hợp tác. Nếu không có những điều này, chúng ta sẽ không thể có được cuộc sống văn minh, chứ đừng nói đến bất kỳ vai trò nào của các trường đại học.

KIẾN NGHỊ

Hội nghị quốc tế Sinaia về tự do học thuật và tự chủ đại học:

- Ý thức được tầm quan trọng quốc tế ngày càng tăng của giáo dục đại học và tác động của nó đối với xã hội;

- Công nhận các khái niệm tự do học thuật và tự chủ đại học là các yếu tố cần thiết cho việc thực hiện các nhiệm vụ của các trường đại học;

- Nhấn mạnh tầm quan trọng của các khái niệm giải trình và trách nhiệm xã hội của các trường đại học;

- Xét đến những nỗ lực phát triển sự hiểu biết quốc tế về tự do học thuật và tự chủ đại học như Tuyên bố Magna Charta của các trường đại học châu Âu (Bologna, 1988) các Tuyên bố Lima (1988), Kampala (1988) và Dar-es- Salam (1990), và kết quả của một số cuộc họp gần đây của các tổ chức khoa học quốc tế,

kêu gọi UNESCO quan tâm ở mức cao nhất đến các vấn đề tự do học thuật và tự chủ đại học và chuẩn bị một văn kiện quốc tế để bảo vệ và phát huy các giá trị trên.

Nguồn: ncgdvn.blogspot.kr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn