Bàn thêm về Màu “đồng chí”

Khi chủ nghĩa cộng sản phát triển, người ta có một niềm tin ngây thơ về thế giới đại đồng, các quốc gia cùng ý thức hệ sẽ chung một mái nhà, rằng tình đồng chí là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội…  Điều này có vẻ đúng trong nửa đầu thế kỷ 20, khi đó “màu đồng chí” thường là màu đỏ”.

Vâng, vào thời ấy đa số những người đi theo Đảng đều “có một niềm tin ngây thơ”, nhưng hình như trên chóp bu thì không phải vậy. Họ có tin, có bị “màu đỏ tình đồng chí” chi phối – chi phối mạnh nữa là khác – nhưng cũng có cả sự tính toán từng nước cờ lợi hại cho mình. Chả thế mà sang đầu thập kỷ 50 của thế kỷ XX, khi Mao và Xít cố ép chúng ta làm “thổ cải” thì chúng ta đã phải ngoan ngoãn vâng lời các vị cố vấn Tàu thực hiện răm rắp kể từ năm 1953, làm cho máu của 150.000 sinh mạng người Việt chảy đỏ thắm trên khắp làng mạc ruộng đồng một nửa đất nước. Ấy là lúc đang cần viện trợ mạnh hơn cho cuộc chiến chống Pháp? Hay cũng là lúc lượng biến thành chất, con dao “bạo lực” của học thuyết do “hai đồng chí anh” giáo huấn bắt đầu được phát huy “một cách biện chứng” trong nội bộ Đảng Việt Nam, thò hẳn lưỡi ra cắm sâu vào lưng dân tộc, đánh dấu khởi điểm của sự phân rẽ, suy yếu sức mạnh cộng đồng từ đây, để đến nay, sau hơn 60 năm, với bao nhiêu vụ việc tương tự hoặc tồi tệ hơn, hễ nói đến “đồng chí” người ta đều kinh hoàng thất sắc? Có cả hai.

Màu “đồng chí” phai hay thắm là do đâu? Hãy nhìn vào gương mặt thánh thiện của một người vì quá tin ở “tình đồng chí” mà hiến dâng hết cơ nghiệp, tài sản, cả con cái, bị đẩy vào cái chết tức tưởi với câu nói ráo hoảnh nghĩa tình của CB trên báo Nhân dân “Địa chủ ác ghê!” – gương mặt bà Nguyễn Thị Năm Cát Hanh Long – rồi chịu khó chiêm nghiệm một chút, hẳn sẽ thấy hai chữ “đồng chí” quyết không phải chỉ là một từ đầu môi chót lưỡi. Nó chứa đựng bên trong một bản chất khủng khiếp và phổ quát hơn thế nhiều: một sự tha hóa con người không thể cưỡng dẫn đến xóa bỏ triệt để phẩm chất người – và có thể còn hệ lụy đến cả phẩm chất dân tộc – khi anh đã đặt chân vào trong một phe đảng gọi là “cộng sản”. Bản thân khái niệm "đồng chí" chứa đựng giá trị của một quan hệ triệt tiêu tính người nên thực chất của quan hệ ấy là phản – Thắm hay phai, hay đúng hơn là thắm để phai, vì trước sau bao giờ cũng phai, chính bắt nguồn từ đấy.

  clip_image001
 

Bà Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm, một gương mặt toát lên sự thánh thiện, đã nhận lấy cái chết tức tưởi vào năm 1953, đến nay chắc dưới suối vàng hồn oan chưa thể siêu thoát.

   

Theo chúng tôi, đó mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến chủ nghĩa cộng sản cuối cùng sụp đổ trên phạm vi toàn thế giới. Và có lẽ chính nó cũng là nguyên nhân cho những khó khăn chồng chất vô phương của Việt Nam trong hiện tại, khi ai đấy muốn nhân danh Đảng để kêu gọi toàn dân chống xâm lược Tàu. Cứ xem đến nay, người đứng đầu đảng đã “há miệng” được đâu! “Há miệng mắc quai” chẳng phải là một minh chứng hùng hồn sao!

Tuy nhiên, khi nói phẩm tính “đồng chí” có thể hệ lụy đến phẩm tính dân tộc trong mỗi con người thì cũng cần cân nhắc soi xem vào thực tế lịch sử. Như ông Lê Duẩn, người đứng đầu Đảng CS cách đây từ hơn 50 năm, ông ấy đã kiên quyết chống Tàu để bảo vệ độc lập dân tộc. Vì sao ông Lê Duẩn lại có bản lĩnh khác hẳn những người cầm chịch cơ quan Đảng hôm nay? Phải chăng các vị cầm chịch hôm nay đứng trước nguy cơ mất Đảng cận kề – mà Liên Xô và Đông Âu là cơn ác mộng còn làm giật mình thon thót – nên trong quan hệ với “ông anh đồng chí” phương Bắc, tuy dư biết họ vừa là ăn cướp vừa là anh em vẫn cứ đành chịu quẩn quanh nơi phạm trù “ý thức hệ” để ứng xử lúng túng như gà mắc tóc mà không có một đột phá nào trong nhãn lực, nhìn ra chính Trung Cộng từ lâu đã bỏ chủ nghĩa cộng sản về mặt kinh tế, chỉ còn giữ lại ở bộ máy thượng tầng, nghĩa là thực chất chẳng còn là cộng sản theo đúng lý thuyết của ông Marx nữa rồi? Trung Cộng duy trì chế độ hiện tại chẳng qua chỉ để phục vụ nhóm lợi ích nomenkratura của họ mà thôi? Chưa hẳn thế! Nói điều đó ở thời ông Nguyễn Văn Linh thì còn khả dĩ chứ với hiện nay chắc chắn là sai. Nhìn vào cận cảnh, so sánh đường đi nước bước của hai “đảng anh em”, ta có thể xác chứng đây là chuyện “lòng vả cũng như lòng sung”, thành công trước mắt của Trung Cộng đã làm chóa mắt các vị chóp bu trong Đảng Việt Nam (tạm tính từ hội nghị Thành Đô tăng cấp dần đến nay), buộc họ phải nghĩ Trung Cộng là mô hình lý tưởng, là chỗ dựa – gần như duy nhất – bởi lãnh đạo Đảng Việt Nam muốn duy trì bộ máy thượng tầng trong khi không thể không theo chủ nghĩa tư bản về kinh tế, cũng chỉ vì muốn phục vụ lợi ích con ông cháu cha của họ, đâu có khác gì Trung Cộng. Đây là điều thời ông Lê Duẩn chưa thể có. Thời Lê Duẩn ít nhiều còn thành thực tin vào chủ nghĩa cộng sản và cho rằng áp dụng chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam là vì lợi ích quốc gia, hay là chủ nghĩa quốc tế là luôn luôn thống nhất và phải lấy chủ nghĩa quốc gia làm nền tảng. Tóm lại, chính lợi ích nhóm đẩy Việt Nam hôm nay vào quỹ đạo của cộng sản Tàu chứ xét cho cùng cũng chẳng phải lý do “ý thức hệ” gì sất, nói thế e có sang trọng quá chăng.

Mà cũng chính vì sự giằng mắc “đồng chí anh em” giữa thời buổi lợi ích nhóm đan cài phức tạp trong từng chủ trương chính sách như hôm nay, nên hiện tượng “ngậm miệng” trong trường hợp nói ở đây có vẻ như còn báo hiệu một suy tính rất... không lành, nghĩa là chưa chắc đã hay ho gì cho đại cục Việt Nam. Chẳng hạn, biết đâu rồi đây, khi Giàn khoan Hải Dương 981 được rút đi, người ta lại chẳng sẵn sàng lặp lại những khẩu hiệu “4 tốt” và “16 chữ vàng” mà hiện họ đang nín câm vì biết rằng toàn dân đều ghê tởm những câu chữ mình tự “rước” về cho dân cho nước ấy? Lặp lại để chứng minh “tình đồng chí là không suy suyển”, dù anh có là tên cướp đã xông vào nhà tôi cướp của cải, chặn huyết lộ của tôi? Lúc ấy, liệu ông Xuân Dương có phải tự mình “chỉnh sửa” những lý lẽ sau đây của ông hay không: “Kinh Dịch của người Trung Quốc coi số chẵn là số tử, đặc biệt là số 4 ứng với bước tử trong tiến trình “sinh, lão, bệnh, tử”, vì lẽ đó người ta không làm bậc cầu thang chia hết cho 2 hoặc cho 4. Quan hệ đối ngoại Việt Nam - Trung Quốc từng dựa vào “16 chữ vàng” và “4 tốt”, xem ra cả hai con số này đều rơi vào bước tử, chúng ta chẳng trông mong được gì vào cái khẩu hiệu mà người ta vẽ ra nhằm che mắt kẻ khờ. Nếu cần phải chọn, hãy chọn số 9, đó là nơi thượng đế ngự trị (9 tầng mây) đó chính là 9 từ trong lời dạy của Cụ Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do””.

Dù không biết gì về Kinh Dịch, hẳn người yêu nước nào cũng phải tán đồng với ý kiến của ông Xuân Dương. Vậy nhưng, cũng xin thú thực, nếu chỉ chờ mong ở Đảng để chấn hưng vận nước thì mọi sự phải trái đến giờ này vẫn đang còn treo lơ lửng. Lo lắm thay!

Bauxite Việt Nam

Màu “đồng chí”

Xuân Dương

(GDVN) - “Màu đồng chí” không đơn thuần chỉ là màu đỏ trên lá cờ mà còn là màu đỏ của máu hàng vạn người dân Việt Nam.

Trong thế giới động vật, kỳ nhông được xem là bậc thầy về biến đổi màu sắc cơ thể. Trong các khoa học mà loài người nghiên cứu, chỉ có "Lịch sử" là luôn thay đổi màu sắc, chẳng thế mà người ta hay nói: “trang sử chói lọi của dân tộc” hay “thời kỳ đen tối của lịch sử” hay “thời hoàng kim của lịch sử”…

Không phải là thực dụng khi người ta nói: “Không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có chủ quyền quốc gia, dân tộc là vĩnh viễn”. Một khi chủ quyền quốc gia là tối thượng thì quan hệ bạn bè, đồng chí phải xếp vào hàng thứ yếu, những sự kiện đang xảy ra trên biển Đông khiến người ta phải hỏi: “Phải chăng quan hệ đồng chí trong con mắt giới lãnh đạo Trung Quốc cũng thay đổi màu sắc như kỳ nhông?”

Gần hai ngàn năm trước, sau khi đem binh hùng tướng mạnh nhà Hán sang đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Mã Viện đã tịch thu trống đồng của người Việt để đúc lên chiếc cột đồng với lời tuyên bố láo xược “đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (cột đồng mà đổ thì Giao Chỉ (Việt Nam cổ) sẽ bị diệt vong).

clip_image002

Các chiến sỹ trên tàu Cảnh sát biển 8001 chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ ở Biển Đông.

Thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hàng nghìn năm tưởng chừng đã xóa tên nước Việt khỏi bản đồ thế giới, thế nhưng với bao cuộc khởi nghĩa bị dìm trong bể máu, với ý chí độc lập không gì ngăn cản được, người Việt và nước Việt vẫn tồn tại và ngày càng mạnh mẽ. Hàng trăm bộ tộc Việt ở phía Nam sông Dương Tử, kể cả nước Việt của Việt vương Câu Tiễn rốt cuộc cũng bị người Hán đồng hóa, chỉ còn lại hai bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt lập nên nước Âu Lạc tức Việt Nam ngày nay. 

Theo triết lý của đạo Phật: “Trong sắc có không, trong không có sắc”, dù bị người Hán tìm đủ cách đồng hóa, người Việt trong đêm dài nô lệ vẫn âm ỉ ngọn lửa hồng của niềm tin vào một ngày đất nước sạch bóng ngoại bang. Lòng yêu nước, ý chí tự cường là di sản mà tổ tiên để lại đã thấm vào máu người Việt từ thủa khai sơn, lập quốc.

Khi vua Minh Chu Do Kiểm (tức Sùng Trinh) ngạo mạn ra vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng đến giờ rêu vẫn mọc xanh) với phái bộ sứ thần nước Việt thì Thám hoa Giang Văn Minh, dẫn đầu phái bộ đã kiêu hãnh đáp: "Đằng Giang tự cổ huyết do hồng" (Sông Bạch Đằng từ xưa  máu vẫn loang đỏ).

Điểm lại đôi nét lịch sử giữa hai quốc gia Việt Nam - Trung Quốc để thấy, vấn đề xuyên suốt mấy nghìn năm qua là Trung Quốc luôn muốn bành trướng xuống phía Nam, luôn muốn Việt Nam trở thành quận huyện của Trung Quốc, chí ít cũng trở thành chư hầu nghe theo lời chỉ bảo của Trung Quốc.

Khi chủ nghĩa cộng sản phát triển, người ta có một niềm tin ngây thơ về thế giới đại đồng, các quốc gia cùng ý thức hệ sẽ chung một mái nhà, rằng tình đồng chí là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi hoạt chính trị, kinh tế, xã hội…  Điều này có vẻ đúng trong nửa đầu thế kỷ 20, khi đó “màu đồng chí” thường là màu đỏ.

Trong cái đỏ nhiệt huyết, đỏ cách mạng, người ta vẫn thấy cái vằn đỏ trong ánh mắt của “đồng chí” phương Bắc, “màu đồng chí” không đơn thuần chỉ là màu đỏ trên lá cờ mà còn là màu đỏ của máu hàng vạn người dân Việt ở biên giới Tây Nam do bọn Pôn Pốt gây ra dưới sự giật dây của “đồng chí”, là máu của hàng vạn chiến sĩ chúng ta đã đổ trong cuộc chiến chống xâm lược năm 1979 mà các “đồng chí” khoe là “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Sau năm 1979, màu “đồng chí” lúc vàng lúc xanh, vàng vì hàng ngày, hàng giờ khắp núi rừng biên giới không lúc nào bình yên, hết cột mốc bị dịch chuyển, đến tung tiền mua rễ cây, lá cây  khiến cây vàng lá chết lụi. Xanh vì hàng trăm hecta rừng biên giới được thuê làm gì không biết, xanh vì những lồng bè rình rập trên sóng biển Nha Trang khi bị phát hiện thì “đồng chí” vội bỏ chạy về nước.

Cho đến hôm nay, màu “đồng chí” không đỏ vàng hay xanh, nó đã trở thành màu đen, màu của dầu mỏ ngoài biển Đông, màu của lòng tham, của sự dối trá, thói hợm hĩnh của kẻ giàu và coi thường đạo lý.

Ông Tập Cận Bình, lãnh đạo Trung Quốc cho rằng “người Trung quốc không có gen xâm lược”? Quả đúng như vậy, tập hợp toàn bộ tinh hoa của nhân loại để phân tích bản đồ gen người cũng không tìm được “gen xâm lược”. Thế mới thấy sự thâm trầm của người mà ta ngộ nhận là “đồng chí”. Ông Tập Cận Bình không dại gì mà nói rằng Trung Quốc không hề mang quân đi xâm lược nước khác, nói thế thiên hạ không cười trước mặt thì cũng cười sau lưng.

Người ta không khỏi thắc mắc Tôn Tử viết binh pháp để làm gì? Phải chăng binh pháp Tôn Tử chỉ để dành cho người Hoa đánh lẫn nhau? Những đạo quân Trung Quốc từ đời Hán, Đường đến đời “đồng chí” tấn công Việt Nam không với mục đích xâm lược thì vì mục đích gì?

Trong số 10 vị nguyên soái khai quốc công thần của Trung Quốc, chín người đã nhận cái chết một cách buồn thảm chưa kể Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ. Đối đãi với đồng chí trong nước còn như thế thì người ta còn ngại gì với các “đồng chí” nước ngoài?

Suy cho cùng, sự thị uy, ra oai của các con thú to với bầy thú nhỏ cũng là điều bình thường trong thế giới động vật. Những loài nhỏ bé cần có vũ khí tự vệ để không bị tiêu diệt, quan trọng không phải là sức mạnh, loài gấu to là thế chỉ bị vài con ong bé tẹo đốt là phải bỏ chạy. 

Trong thế kỷ 20, không có bất kỳ dân tộc nào như người Việt đã phải cầm súng chiến đấu với bốn kẻ địch mạnh nhất thế giới là Pháp, Mỹ, Nhật, Trung Quốc. Sự tôi luyện trong chiến tranh khiến người Việt không biết sợ bọn xâm lược, tuy nhiên sự cảnh giác không bao giờ thừa. Các nước lớn luôn có những thỏa thuận trên lưng nước nhỏ; trước kia người ta mong chúng ta cứ đánh nhau với Mỹ càng lâu càng tốt, ngày nay nhiều nước lại muốn chúng ta đánh nhau với Trung Quốc. Những lời hứa, những sự mách nước đều xuất phát từ quyền lợi của chính họ, nếu chiến tranh nổ ra bên thứ ba mới là kẻ hưởng lợi.

clip_image003

Tổng thống Nixon (phải) bắt tay Chủ tịch TQ Mao Trạch Đông ngày 29/2/1972. Năm 1972 cũng chính là thời điểm Trung Quốc đã bán đứng Việt Nam cho Mỹ bằng Thông cáo Thượng Hải ra ngày 27/2/1972, tức là 10 ngày sau khi Tổng thống R. Nixon rời Mỹ đến Bắc Kinh.Với bản Thông cáo này, Trung Quốc buộc Mỹ chấp nhận chính sách “một Trung Quốc”, mở đường cho việc đẩy Đài Loan ra khỏi Liên Hiệp Quốc, để nhường chỗ cho Trung Quốc lục địa. Đổi lại Mỹ cần Trung Quốc giúp giải quyết chiến tranh Việt Nam. Và Trung Quốc đáp ứng.

Người Việt cần một trái tim nóng trong cái đầu lạnh, chỉ cần Biển Đông không yên ổn, dòng hàng hóa bị tắc nghẽn thì nhiều nền kinh tế sẽ rơi vào khủng hoảng, đó mới là điều mà chúng ta cần quan tâm để bảo vệ Tổ quốc. Những biểu hiện quá khích không phải là điều kẻ mạnh theo đuổi.

Chúng ta không nhằm vào những người Trung Quốc làm ăn trên đất Việt nếu họ là người lao động bình thường, tuân thủ pháp luật Việt Nam, chúng ta cũng không vơ đũa cả nắm như người nào đó rằng “người Trung Quốc không có gen xâm lược”. Đa số người dân lao động Trung Quốc cũng đang bị lừa bịp, bị nhồi sọ bởi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, họ không đáng bị ghét, đương nhiên bọn do thám, gián điệp, bọn làm ăn phi pháp thì phải nghiêm trị.

Kinh Dịch của người Trung Quốc coi số chẵn là số tử, đặc biệt là số 4 ứng với bước tử trong tiến trình “sinh, lão, bệnh, tử”, vì lẽ đó người ta không làm bậc cầu thang chia hết cho 2 hoặc cho 4. Quan hệ đối ngoại Việt Nam - Trung Quốc từng dựa vào “16 chữ vàng” và “4 tốt”, xem ra cả hai con số này đều rơi vào bước tử, chúng ta chẳng trông mong được gì vào cái khẩu hiệu mà người ta vẽ ra nhằm che mắt kẻ khờ. Nếu cần phải chọn, hãy chọn số 9, đó là nơi thượng đế ngự trị (9 tầng mây) đó chính là 9 từ trong lời dạy của Cụ Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Đã đến lúc, chúng ta nên tự hỏi sau màu đen, màu “đồng chí” sẽ là màu gì? Hãy sòng phẳng với họ và cũng sòng phẳng với dân để tránh ảo tưởng về một người bạn đang thủ dao găm trong túi.

Nếu phải đối đầu trong cuộc chiến, người Việt sẽ không rút gươm trước kẻ thù nhưng sẽ là người tra gươm vào vỏ sau cùng./.

X.D.

Nguồn: giaoduc.net.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn