“CHÁY NHÀ”… MÌNH, KHÔNG THỂ “BÌNH CHÂN NHƯ VẠI” ĐƯỢC?

Thường Dân

Hơn một tuần sau khi giàn khoan khủng của Trung Quốc cắm ở Biển Đông lãnh đạo cao nhất nước, “tứ trụ Triều đình” vẫn “chưa có ý kiến” gì. Tất cả 16 vị BCT và hình như cả số đông hơn là UVBCHTƯ (?) chẳng ai nói với dân câu nào. Chắc các vị họp hành căng thẳng lắm? Vẫn chưa có “lối ra”ư? Trong lúc “nước sôi lửa bỏng” tại Hà Nội có tổ chức họp báo phản đối Trung Quốc (ở cấp tương đối thấp), có Hội nghị TƯ lần thứ 9 bàn về văn hóa!… Gần đây nhất, sau “bạo loạn” ở Bình Dương, Hà Tĩnh, v.v. có thông báo: ngày 18-5 cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh “không nên/được biểu tình” chống Trung Quốc nữa? Những kẻ chủ mưu bạo loạn đang được điều tra và tống giam. Lãnh đạo địa phương thì “không sao cả”?

Đến nay (19.5.2014), đã gần ngót 20 ngày, sau biết bao cuộc xuống đường sôi sục của Dân Việt khắp nơi trong nước và trên thế giới; sau những phát biểu của “bạn bè” khắp năm châu phản đối hành động khiêu khích nguy hiểm của bè lũ Bắc Kinh, giờ đã có thể “tổng kết sơ bộ” được rồi… Ai đã im lặng, ai phản đối. Im lặng ra sao, phản đối thế nào và vì sao(?)… chúng ta đều biết.

Qua tất cả những gì đã (và đang) xảy ra chúng ta có thể rút ra những kết luận gì cho bước đi sắp tới?

1- Về ”đánh giá tình hình”

Câu hỏi đầu tiên: Vì sao nhà cầm quyền Bắc Kinh hành động như vậy vào lúc này?

Đã có rất nhiều phân tích. Nổi bật là:

- Việt Nam, cụ thể Biển Đông của VN, là “khâu yếu nhất” mà, với tham vọng bành trướng, Trung Quốc có thể “gây sự” (so với láng giềng Nga, Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Ấn Độ,…). Vì VN đang yếu cả thế lẫn lực. Vì giới lãnh đạo VN đang được ru ngủ bằng “4 tốt, 16 chữ vàng” và “tình đồng chí hữu hảo”. Vì xâm lấn trên biển Trung Quốc phát huy thế thượng phong về vũ khí. Vì mặt trận chính trị, mặt trận kinh tế…

- Tình hình thế giới hiện nay đã, đang diễn ra các biến động chưa từng thấy: Nga – Ucraina-EU, Nga-Trung Quốc sắp tập trận chung, tổng thống Putin thăm Trung Quốc, Hoa Kỳ đối phó nhiều nơi, vẫn cố xoay trục qua châu Á, Ấn độ - bầu cử, … những “liên kết lỏng lẻo” trong khối ASEAN, Thái Lan biến động chính trường, Campuchia đã “ngả”, Lào đang “nghiêng” (vào Trung Quốc?), v.v.

- Với việc khiêu khích VN, Bắc Kinh hướng dư luận dân Trung Quốc ra ngoài để giải tỏa những mâu thuẫn nội bộ: Khu tự trị Tân Cương, Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, biểu tình nhiều nơi, mâu thuẫn nội bộ của giới lãnh đạo chóp bu trong cuộc chống tham nhũng, các vấn đề kinh tế do phát triển quá nóng, ô nhiễm môi trường, nguy cơ khan hiếm nhiên liệu, v.v.

- …

2- Cách giải quyết của VN:

Có nhiều đề xuất các đối sách khác nhau tùy vào “chỗ đứng” của người đánh giá, có thể tóm tắt ba “PHƯƠNG ÁN” đối phó Trung Quốc, thể hiện 3 quan điểm nhìn thấy trên công luận:

Thứ nhất, tạm gọi là phương án “quyết liệt”nhất:

Trong nước:

- Phải phản ứng quyết liệt nhất có thể, tổ chức Hội nghị Diên Hồng mới, đoàn kết toàn dân, chuẩn bị mọi mặt (quân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa, …) cho một cuộc chiến đấu sống mái với kẻ xâm lược.

- Nhân cơ hội này tiến hành “đổi mới triệt để” ngay lập tức thể chế chính trị đất nước theo hướng dân chủ, xây dựng xã hội dân sự, nhà nước Pháp quyền, thực thi kinh tế thị trường đích thực, đi trước cộng sản Trung Hoa một bước theo con đường dân chủ hóa Xã hội,…

Quốc tế:

- Tìm cách nhanh chóng liên kết toàn diện (kể cả về quân sự) với các nước lớn khác (Mỹ, Nhật,…), dựa hẳn vào Mỹ và phương Tây để “chống kẻ thù truyền kiếp” phương Bắc…

- Đưa ngay ra “công luận quốc tế”, LHQ, kiện ra tòa án Quốc tế hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc,… Tất cả nhằm làm kẻ thù phải chùn tay, nhụt chí.

Thứ hai, tạm gọi là“quyết liệt vừa” hay Xu thế ứng xử “có tầm nhìn”:

Cân bằng nhiệt huyết của lòng yêu nước với sự tỉnh táo, bình tĩnh và kiên nhẫn nhằm giành lẽ phải về mình, vì hòa bình, ổn định. Cả về đối nội và đối ngoại cần vạch ra những lộ trình thích hợp. Tùy thuộc vào sự phát triển của tình hình mà ứng phó linh hoạt. Đồng thời, thực thi những công việc chuẩn bị tích cực chủ động cho những phương án xấu nhất có thể xảy ra. Tin Dân, phổ biến cho toàn dân, toàn đảng, toàn quân về những con đường, biện pháp, bước đi sắp tới để “dập lửa” nếu kẻ thù “châm ngòi”. Với một tầm nhìn xa hơn: Từng bước mở rộng dân chủ, xây dựng xã hội dân sự, tháo gỡ các “rào cản” nhằm phát huy sức sáng tạo mạnh mẽ trong dân nhằm chấn hưng kinh tế đất nước, xây dựng nội lực quốc gia…

Liên kết rộng rãi với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và quốc tế.

Trung Quốc thích song phương thì ta phải lấy đa phương để chọi lại. Chủ động xây dựng từng bước quan hệ đồng minh chiến lược với các nước lớn trên thế giới (Nhật, Mỹ, Ấn Độ, v.v.) để tạo “sức mạnh tổng hợp” của thời đại, của “toàn cầu hóa” để chống xâm lược (nếu có) của cường quốc số 2 thế giớiđầy tham vọng.

Thứ ba, là cách ứng xử tạm coi là gần nhất với “sự im lặng đáng sợ”. Như đã nói ở phần đầu bài viết này. Những người đang ở vị trí lãnh đạo cao nhất của đất nước suốt cả 1 tuần lễ đã “không nói nên lời”. Trong khi kẻ xâm lăng ngày càng hung hãn: số tàu bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc ngày càng tăng và hung dữ, lại có trang bị tên lửa, máy bay quần thảo đe dọa,…

Công luận vẫn biết sau đó Thủ tướng CP VN đã có phát biểu phản đối Trung Quốc tại hội nghị cấp cao ASEAN, Chủ tịch nước đã nói những gì khi tiếp xúc với dân, phó thủ tướng Vũ Đức Đam có những lời nói tâm huyết thế nào, v.v., nhưng tất cả dường như quá chậm, quá “mềm yếu” và quá ít khiến cho người viết bài này đành phải đưa vào xu thế thứ ba. Tất cả đều chỉ dừng ở ‘đánh giá’ tình hình, chưa thấy nêu biện pháp, hoặc nếu có thì vẫn chung chung, quyền lợi dân tộc là tối thượng, quí hơn cả vàng, v.v. Người viết bài này tự hỏi: Hay là tất cả đang “trong vòng bí mật”? Vẫn là: tất cả “đã có Đảng và Nhà nước lo”? Hay ”Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “của dân, do dân, vì dân” mãi chỉ là khẩu hiệu?

Nói quá đi một chút là dường như vẫn“bình chân như vại”? Vậy có biến thì dân đứng ở đâu, lãnh đạo ở đâu? Và ai đi đánh giặc đây?Đội hình trong nước đã thế.Thế giới thì sao? Ai là Bạn chí cốt? Ai giúp ta và giúp thế nào? Cần có thời gian, nhưng là thời gian của sự chuẩn bị hết sức khẩn trương, ráo riết.

Thái độ và cách đối phó ra sao phần quan trọng là do đánh giá tình hình thế nào.

Cho dù có “ung dung tự tại” đến đâu, “bình tĩnh, kiên nhẫn” đến mấy thì điều sau đây không thể nhầm lẫn: BẢN CHẤT BÀNH TRƯỚNG CỦA TẬP ĐOÀN LÃNH ĐẠO Ở TRUNG NAM HẢI – NAY DO TẬP CẬN BÌNH CẦM ĐẦU - KHÔNG HỀ THAY ĐỔI! VỚI HỌ: KHỐNG CHẾ, NÔ DỊCH VIỆT NAM VẪN LÀ MỘT MỤC TIÊU, MỘT BƯỚC ĐI QUAN TRỌNG NHẰM THỰC HIỆN “GIẤC MỘNG TRUNG HOA” trong thời đại mới.

Và không được quên: Nhân dân Việt nam, toàn thể Dân tộc Việt nam, chứ không phải ai khác, luôn là người quyết định cuối cùng trong việc Xây dựng và Bảo vệ toàn vẹn Đất nước Việt nam!

Đánh Việt Nam Trung Quốc sẽ thay đổi nghiêm trọng, cục diện thế giới sẽ thay đổi to lớn. Và trong trận chiến đấu không mong muốn và” không cân sức” đó Việt Nam sẽ lại chiến thắng!

T.D.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn