Năm năm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về thử nghiệm bauxite Tây Nguyên

TS. Nguyễn Thành Sơn

Giám đốc BQL các dự án Than ĐBSH- Vinacomin

UV BCH Hội KHCN Nhiệt VN- VUSTA

Thông báo 245-TB/TW ngày 24/4/2009 đã nêu kết luận của Bộ Chính trị (BCT) về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô xít giai đoạn 2007-2015.

Đến nay, thời gian triển khai thực tế của 2 dự án bauxite thử nghiệm đã 5 năm, đủ để kiểm điểm chi tiết việc thực hiện những ý kiến chỉ đạo của BCT trong Thông báo nêu trên.

Mặc dù, các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập nhiều đến diễn biến của hai dự án thử nghiệm, nhưng các thông tin cần thiết vẫn chưa được công khai và minh bạch. Thực tế đã cho thấy, còn rất nhiều tồn tại trong thực hiện ý kiến chỉ đạo của BCT về các dự án bauxite Tây Nguyên như sau:

1. Về quy hoạch

BCT đã chỉ đạo: “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của cả nước và khu vực Tây Nguyên trong từng thời kỳ; gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế để đạt hiệu quả toàn diện”.

Sau 2 năm “hiệu chỉnh” và qua nhiều lần hội thảo, Bộ Công Thương đã trình Thường trực Chính phủ dự thảo Quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác chế biến bauxite đến năm 2020 dự báo đến 2030. Quy hoạch sẽ được trình lên BCT để xin ý kiến chỉ đạo, sau đó Thủ tướng CP mới xem xét phê duyệt.

Theo dự thảo Quy hoạch: đến 2015 có 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ được thử nghiệm; đến năm 2020, nếu thử nghiệm thành công, và nếu cơ sở hạ tầng cho phép, sẽ mở rộng 2 dự án này; sau 2020, nếu đầu tư được hệ thống đường sắt và hạ tầng đảm bảo, sẽ đầu tư các dự án khác với quy mô 2÷3 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, Quy hoạch bauxite (như dự thảo đã được “trình làng”) có chất lượng đáng lo ngại (nhiều “không”): không đánh giá tình hình thực tế; không nêu rõ lý do phải điều chỉnh; không cập nhật các yếu tố tác động; không tính nhu cầu sản phẩm; không đúng quy hoạch thăm dò; không phân tích lựa chọn công nghệ; không đúng quy hoạch khai thác; không đúng quy hoạch chế biến; không tính đúng tổn thất tài nguyên; không có quy hoạch mặt bằng sân công nghiệp; không cân đối về nguồn điện, nguồn nước và về vận tải; không đúng quy hoạch nguồn nhân lực; không tính đủ vốn đầu tư; không tính đúng hiệu quả kinh tế v.v.

Việc tiệm cận Quy hoạch trên thực tế cũng không nghiêm túc. Các đối tác nước ngoài và trong nước dự kiến tham gia theo kiểu “tay không bắt giặc”: Trước đây, công ty Atlantic của Úc, vốn chủ sở hữu chỉ có 79 triệu đô la Úc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 4, không có chuyên môm về bauxite, đường sắt và cảng biển, nhưng cũng được “hướng dẫn” để trình cho phía VN một dự án chiến lược có tên gọi “Mỏ-Đường sắt-Cảng: Chiến lược phát triển cho ngành công nghiệp khai thác và chế biến bô xít tại Tây Nguyên, VN” với vốn đầu tư nhiều tỷ U$. Gần đây, một công ty bất động sản của VN có tổng tài sản vài triệu U$ cũng được đăng ký triển khai dự án điện phân nhôm có vốn gần nửa tỷ U$ trên Tây Nguyên v.v. Câu hỏi đằng sau những “sự quan tâm” kiểu như thế này là ai? mục đích gì? cần có câu trả lời.

2. Đánh giá chung về 2 dự án thử nghiệm

BCT đã lưu ý: “kế hoạch triển khai các dự án phải trên cơ sở hiệu quả tổng thể, bao gồm cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội; trong đó, chú ý đúng mức đến việc tiết kiệm tài nguyên, nhu cầu thị trường, sản phẩm phải có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới...” và đã chỉ đạo: phát triển ngành công nghiệp khai thác bô-xít, chế biến alumin, nhôm phải bảo đảm lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của đất nước; có bước đi thích hợp, từ nhỏ đến lớn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh, quốc phòng”.

Thực tế cho thấy:

1/ Tính chất thử nghiệm không đúng: Mặc dù, BCT chỉ đạo “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, nhưng TKV đã đồng thời thử nghiệm 2 dự án theo kiểu “5 trong 1” (công nghệ, qui mô, nhà thầu, đầu vào, đầu ra là 1).

2/ Qui mô thử nghiệm không phù hợp: Mặc dù, BCT đã chỉ đạo thử nghiệm “từ nhỏ đến lớn” và “có bước đi thích hợp”, nhưng qui mô thử nghiệm được TKV đẩy lên tới 1,26 triệu tấn/năm (gấp 10 lần nhu cầu trong nước, và gấp 4 lần so với khuyến cáo của Pechiney) với lý do “càng lớn càng rẻ”. Thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tế của cả 2 dự án thử nghiệm đều không phụ thuộc vào qui mô (tính kinh tế của qui mô không có). Việc lựa chọn qui mô thực chất theo gợi ý của nhà thầu TQ (đang rất thiếu quặng alumina cho ngành luyện nhôm đứng thứ 4 trên thế giới).

3/ Kết quả thử nghiệm không đạt yêu cầu

(i) Lựa chọn sai nhà thầu: TKV chỉ định cho 1 nhà thầu “thắng” cả 2 dự án với lý do để giảm giá trúng thầu. Thực tế cho thấy, giá trúng thầu của dự án sau (Nhân Cơ - 499,2tr.U$) lại cao hơn dự án trước (Tân Rai- 466 tr.U$) mặc dù, nhờ triển khai 2 dự án giống nhau, nhà thầu đã giảm được ít nhất 15% giá dự thầu (thiết kế kỹ thuật và quản lý dự án).

(ii) Tổ chức quản lý dự án sai qui định: Luật VN qui định có 2 hình thức quản lý dự án: thuê tư vấn độc lập, hoặc chủ đầu tư tự tổ chức quản lý dự án. Mặc dù chưa có kinh nghiệm về alumina, nhưng TKV vẫn triển khai quản lý cả 2 dự án theo hình thức “chủ đầu tư tự quản lý dự án”. Ban quản lý được thành lập từ các cán bộ của ngành than và các sinh viên mới ra trường. Vì vậy, chủ đầu tư đã không lường trước được rủi ro, “quên” nhiều hạng mục, không kiểm soát được nhà thầu v.v.

(iii) Tổ chức triển khai còn lúng túng: Mặt bằng của dự án Nhân Cơ được san gạt khi chưa có thiết kế được phê duyệt. Nhiều khu vực đã được san gạt, phải lấp lại gây lãng phí. Các hạng mục ngoài hàng rào triển khai chậm. Các hạng mục “nội địa hóa” còn nhiều vướng mắc và đắt.

(iv) Thời gian xây dựng kéo dài: Dự án Tân Rai (Hợp đồng số 1/TKV-CHALIECO ký ngày 14/7/2008), có thời gian thực hiện 24 tháng (xây dựng 21 tháng + vận hành chạy thử 3 tháng). Thực tế, sau hơn 5 năm dự án vẫn chưa được bàn giao chính thức. Dự án Nhân Cơ cũng đang bị chậm tiến độ. Hậu quả làm tăng khoản mục “lãi suất trong quá trình xây dựng” (IDC) trong tổng vốn đầu tư mỗi dự án hàng chục triệu U$.

(v) Không kiểm soát được vốn đầu tư: Theo thông báo của TKV (5/2013), vốn đầu tư của dự án Tân Rai từ 9/2009 đến 3/2013 đã tăng 33,2% (b/q tăng 1,008%/tháng, tương đương 93,5 tỷ đ/tháng); vốn đầu tư của dự án Nhân Cơ từ 2/2010 đến 3/2013 đã tăng 37,8% (b/q tăng 1,013%/tháng, tương đương 140,9 tỷ đ/tháng).

Lý do tăng vốn đầu tư theo báo cáo của TKV được tổng hợp như sau:

No

Lý do tăng vốn đầu tư (tỷ đồng)

Tân Rai

Nhân Cơ

I

Nguyên nhân khách quan

2783.4

3567.61

1

Tăng chi phí đền bù GPMB

631.4

1149.6

2

Tỷ giá tăng

884.2

926.07

3

Lãi vay tăng

972

119.51

4

Trượt giá và điều chỉnh kết cấu công trình

176.5

870.21

5

Thuế GTGT tăng

119.3

502.22

II

Nguyên nhân chủ quan

981.3

826.19

1

Tăng các phần chi phí khác chưa tính đến

813.7

632.73

a

Chi phí thu xếp vốn

321.9

362.2

b

Chi phí vật tư nguyên vật liệu chạy thử

491.8

270.53

2

Tăng chi phí khác (QLDA, Tư vấn)

265.3

262.31

3

Giảm chi phí dự phòng

-97.7

-68.85

 

Tổng cộng

3764.7

4393.8

(vi) Thị trường tiêu thụ alumina bị ràng buộc: Thị trường alumina trên thế giới là thị trường mở. Thực tế, có nhiều khách hàng “quốc tế” mua alumina, nhưng người sử dụng cuối cùng (End-User) vẫn chỉ là TQ. Còn Marubeni của Nhật lại gắn giá mua với khoản cho dự án vay 300 tr.U$ không rẻ.

3. Về công nghệ

BCT đã lưu ý: “Việc lựa chọn công nghệ là một nội dung quan trọng; yêu cầu là phải sử dụng thiết bị và công nghệ hiện đại trên thế giới”.

Thực tế cho thấy: TKV đã mắc vào “cái bẫy giá rẻ” khi chọn công nghệ lạc hậu của nhà thầu TQ và đang phải trả giá rất đắt:

1/ Nhà thầu không có công nghệ nguồn: Nhà thầu TQ được chọn không có kinh nghiệm làm alumina từ bauxite dạng Gibsite như của Tây Nguyên (khó làm), chỉ có kinh nghiệm về bauxite loại Diaspore (dễ làm). Vì vậy, nhà thầu đã phải “vừa làm vừa học”, “rút kinh nghiệm Tân Rai để làm Nhân Cơ”, và thời hạn triển khai cả hai dự án đều phải kéo dài.

2/ Thiết kế định hướng (Concept Design) ấu trĩ: Công nghệ sản xuất alumina cần được cung cấp nhiều nhiệt dưới dạng hơi nóng. Lợi dụng vấn đề này, nhà thầu đã đưa ra giải pháp xây dựng luôn cả một nhà máy phát điện chạy than 30MW trong mỗi dự án. Giải pháp “kép” này đã dẫn đến ấu trĩ “trio”: (i) Phải chở than ngược từ dưới biển lên và phải tiêu dùng rất nhiều nước cho khâu phát điện trên Tây Nguyên, trong khi trên Tây Nguyên rất khan hiếm nước và hệ thống lưới điện quốc gia đã phủ khắp nơi; (ii) Làm tăng tổng mức đầu tư (khoảng 15 tr.U$); và, (iii) Làm tăng chi phí vận hành (tăng khoản mục năng lượng điện, và nước công nghiệp).

3/ Bố trí tổng mặt bằng (General Layout) ấu trĩ: Trên Tây Nguyên việc bố trí tổng mặt bằng rất thuận lợi (đất rộng, người thưa, trênh lệch cao trình nhỏ). Mặc dù vạy, do Concept Design ấu trĩ, việc bố trí tổng mặt bằng ở cả 2 dự án có quá nhiều bất cập: (i) Nhà máy alumina và và nhà máy tuyển bauxite nằm ở 2 sân công nghiệp khác nhau và cách nhau gần 5km (không tận dụng được các hạng mục công trình hạ tầng, làm tăng chi phí vận chuyển quặng tinh); (ii) Cả hai nhà máy chính đều không nằm ở trung tâm của vùng nguyên liệu bauxite (làm tăng chi phí vận tải quặng nguyên khai); (iii) Cả hai dự án đều có diện tích chiếm đất quá lớn (tăng chi phí đền bù, san gạt mặt bằng); (iv) Các hồ bùn đỏ chiếm nhiều đất canh tác và nằm trên các “đường tụ thủy” (vừa lãng phí đất vừa rủi ro gây ô nhiễm);

4/ Công nghệ thải bùn đỏ lạc hậu và nguy hiểm

Tất cả các dự án alumina mới của TG đã từ lâu không áp dụng công nghệ “ướt” để thải bùn đỏ (nguy hiểm/độc hại). Sự cố hồ bùn đỏ ở Hungary thấy, cần phải chuyển sang công nghệ thải “khô” và chi phí để chuyển từ “ướt” sang “khô” không lớn. Cả hai dự án alumina trên Tây Nguyên vẫn áp dụng công nghệ thải “ướt”. Các bể chứa bùn đỏ vẫn được thiết kế theo tiêu chuẩn lạc hậu của TQ (GB18598-2001) đòi hỏi chiếm rất nhiều diện tích đất nông nghiệp “bờ xôi, ruộng mật”. Với công nghệ “thải ướt, chờ khô” như hiện nay, hồ bùn đỏ trong suốt quá trình vận hành luôn bị ướt (luôn nguy hiểm và độc hại).

5/ Công nghệ sản xuất chính: tổn thất tài nguyên lớn, tiêu hao nhiều vật tư

Quặng bauxite nguyên khai có hàm lượng Al2O3=35÷39%. Quặng bauxite tinh (sau tuyển) đưa vào sản xuất alumina (được TKV cam kết để nhà thầu TQ thiết kế) có hàm lượng Al2O3=47,11%. Sản phẩm alumin được nhà thầu TQ thiết kế có hàm lượng Al2O3 là 98,6%. Tỷ lệ bauxite nguyên khai/bauxite tinh theo dự tính của TKV là 2/1, và tiêu hao bauxite tinh đầu vào để sản xuất 1 tấn alumina theo cam kết của nhà thầu TQ là 2,737 tấn. Như vậy, tỷ lệ tổn thất quặng trong khâu tuyển bauxite là 36,33% và trong khâu sản xuất alumina là 23,53%. Chỉ tính riêng ở 2 khâu, tỷ lệ tổn thất tài nguyên đã lên tới 51,32% (chưa tính khâu khai thác- khoảng 10÷20% nữa).

Tỷ lệ tổn thất tài nguyên đồng nghĩa với tỷ lệ giảm trữ lượng/tiềm năng thật của bauxite. Ngoài ra, tổn thất tài nguyên lớn sẽ làm cho diện tích chiếm đất để khai thác bauxite sẽ tăng lên nhanh hơn.

Theo cam kết của nhà thầu, để sản xuất 1 tấn alumina cần dùng: 679kg than (cám 4b); 74kg xút (100% NaOH); 49,26kg vôi; 7m3 nước v.v. Chỉ riêng lượng than cấp cho dự án Tân Rai (khoảng 0,428 tr.t/năm) đủ để sản xuất khoảng 1 tỷ kWh/năm (tương đương với doanh thu 1000 tỷ đ./năm). Chi phí than (giá tại Quảng Ninh hơn 2 tr.đ/tấn+vận chuyển vào cảng Gò Dầu 0,334 tr.đ/tấn+vận chuyển từ Gò Dầu lên Tân Rai 0,460 tr.đ/tấn ≈ 150U$/tấn) và vật tư nguyên liệu khác chiếm hơn 25% tổng chi phí.

6/ Công nghệ phụ trợ tốn kém và cũng rất lạc hậu: (i) Công nghệ phát điện tầng sôi tuần hoàn (CFB) được áp dụng trên Tây Nguyên theo kiểu “phong trào”. Ưu thế của CFB cho phép sử dụng hiệu quả các loại than chất lượng thấp. Tuy nhiên, vì phải vận chuyển ngược than từ vùng xuôi lên vùng núi để phát điện, công nghệ CFB phải dùng than chất lượng cao. Điều này đã dẫn tới tăng vốn đầu tư nhà máy điện (25%); (ii) Công nghệ khí hoá than được áp dụng ở Tân Rai thuộc loại lạc hậu (hơn ½ thế kỷ), phải dùng than tốt, kém hiệu quả và có nhiều rủi ro về cháy nổ;

7/ Nhu cầu nước rất lớn: Theo cam kết của nhà thầu, tiêu hao nước cho khâu alumina (sau tuần hoàn) lên tới 7m3/tấn (cao hơn 1,4 lần so với mức cao nhất của thế giới). Tiêu hao nước cho khâu tuyển bauxite (đã tính đến tái sử dụng 60%) lên tới 4 m3/tấn quặng tinh, hay 11m3/tấn alumina. Như vậy, chưa kể nước cho các nhu cầu khác, chỉ tính ở 2 khâu (tuyển bauxite và sản xuất alumina) để sản xuất ra 1 tấn alumina, đòi hỏi phải cấp bổ sung 18 m3 nước (1399,5m3/h). Nhu cầu này đã vượt xa “tính toán” của TKV trước đây, cao hơn khả năng đáp ứng hiện nay, và sẽ khó được đảm bảo về mùa khô.

8/ Chất lượng sản phẩm chưa được kiểm soát: Alumina dùng cho điện phân nhôm đòi hỏi độ ẩm <0,5%, nếu được người mua chấp nhận, độ ẩm tối đa cũng phải <1%. Chỉ tiêu rất quan trọng này không được nhà thầu cam kết. Chỉ tiêu “dưới cỡ” cao làm tăng tổn thất trong khâu sử dụng vì vậy, làm giảm giá bán. Chỉ tiêu về hàm lượng a-Al2O3 được nhà thầu cam kết, nhưng không trang bị dụng cụ để xác định.

4. Về hiệu quả kinh tế-tài chính

Trong 5 năm qua, cơ quan quản lý (Bộ CT) và chủ đầu tư (TKV) đã lần lượt công bố về hiệu quả kinh tế của cả 2 dự án như sau:

Thời điểm tính/công bố

5/2009

9/2009

2/2010

5/2013

Cơ quan công bố

Bộ CT

TKV

TKV

TKV

Nơi công bố

Quốc hội

VUSTA

VUSTA

VUSTA

Số liệu công bố:

       

Tân Rai: NPV, tỷ đồng

1.477

4.417

 

2.171

IRR, %/năm

11,4

12,5

 

8,21

Nhân Cơ: NPV, tỷ đồng

1.010

 

2.044

1.406

IRR, %/năm

10,6

 

8,24

7,62

Các số liệu trên cho thấy: (i) Càng về sau, hiệu quả kinh tế càng giảm; (ii) Chỉ trong thời gian 4 tháng, Bộ CT và TKV đưa ra các con số khác nhau về hiệu quả kinh tế của dự án Tân Rai (TKV đã “đẩy” hiệu quả lên rất cao); (iii) Số liệu tính của TKV rất mâu thuẫn, thiếu khoa học dẫn đến không trung thực.

Trước đây, VUSTA đã sơ bộ đánh giá, nếu chạy hết công suất, mỗi dự án sẽ lỗ khoảng 50÷100 tr.U$/năm. Sau 5 năm, dựa trên số liệu cụ thể của TKV, hiệu quả kinh tế của cả 2 dự án cần được đánh giá lại như sau:

1/ Dự báo giá nhôm kim loại (theo số liệu của LME): Giá nhôm kim loại trong 25 năm qua (1989-2014) diễn biến như sau:

Đồ thị trên cho thấy, giá nhôm b/q 25 năm qua là 1752,6 U$/tấn (min=1139,4; max= 2638,4). Mức độ giao động theo năm rất lớn- 2,32 lần.

Giá nhôm kim loại tính theo ngày (1303 ngày, từ 2/1/2009 đến 15///2014) diễn biến như sau:

Đồ thị trên cho thấy, giá nhôm b/q trong 1303 ngày qua là 2031,1 U$/tấn (min=1288,5; max=2770,0). Mức độ giao động theo ngày- 2,15 lần.

Sử dụng các số liệu thống kê trên và áp dụng phương pháp dự báo theo dẫy số thời gian, gốc (i=1) từ năm 1989, mô hình dự báo được thiết lập (phương trình hồi quy bậc 1- tuyến tính) cho giai đoạn 50 năm (đến năm 2063) được biểu diễn bằng đồ thị sau:

Mô hình trên cho thấy, giá nhôm kim loại sẽ tiếp tục tăng b/q 1,26%/năm (Bộ Công Thương tính 1,21%/năm).

2/ Phân tích hiệu quả kinh tế-tài chính của 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ

- Việc phân tích dựa trên các cơ sở sau:

· Giá xuất khẩu alumina của TKV cũng tăng theo giá nhôm kim loại (1,26%/năm) theo qui luật chung của thị trường;

· Các số liệu của TKV công bố (5/2013) được tổng hợp trong bảng sau:

No

Các thông số chủ yếu do TKV công bố

đ/v

Tân Rai

Nhân Cơ

1

Tổng vốn đầu tư chưa tính VAT và giá trị thu hồi chạy thử

tỷ đ.

15172472

15451986

1.1

Vốn đầu tư chưa có IDC

tỷ đ.

13378435

14018939

 

Trong đó: Vốn chủ sở hữu

tỷ đ.

3227692

3504735

 

Vay trong nước

tỷ đ.

2766587

1443333

 

Vay nước ngoài

tỷ đ.

7384156

9070871

1.2

IDC

tỷ đ.

1794037

1433047

2

Giá bình quân gia quyền của vốn

%/năm

6.86%

6.81%

 

Trong đó: Vốn chủ sở hữu

%/năm

9.00%

9.00%

 

Vay trong nước

%/năm

10.00%

10.00%

 

Vay nước ngoài

%/năm

4.75%

5.45%

3

Sản lượng alumina tiêu thụ hàng năm

tr.t/năm

0.63

0.63

4

Sản lượng bauxite qua tuyển

tr.t/năm

1.724

1.724

5

Sản lượng bauxite nguyên khai

tr.t/năm

3.500

3.500

6

Chi phí khai thác bauxite nguyên khai

đ/t

140000

140000

7

Chi phí tuyển bauxite tinh

đ/t

100000

100000

8

Tổng số lao động của nhà máy Alumina

người

750

750

9

Giá than cám

đ/t

2413500

2463500

10

Giá than cục

đ/t

4834200

4884200

11

Giá xút

đ/t

13348364

13398364

12

Tổng chi phí các VT, NVL khác

đ/t

636566

647488

13

Tiêu hao than cám

t/năm

314370

314370

14

Tiêu hao than cục

t/năm

118440

118440

15

Tiêu hao xút

t/năm

46620

46620

16

Lương bình quân tháng/người

tr.đ

7

7

17

Thời gian khấu hao (tạm tính)

năm

20

20

18

Giá trị TS của alumina/tổng mức đầu tư

%

0.7

0.7

19

Chi phi quản lý n/m alumina /tổng quĩ lương

%

10%

10%

20

Thuế Tài nguyên tính trên chi phí khai thác

%

12%

12%

21

Phí môi trường tính theo bauxite nguyên khai

đ/t

30000

30000

22

Thuế xuất khẩu tính trên giá bán

%

0.00%

0.00%

23

Chi phí vận chuyển, bốc rót tại cảng alumina

đ/tấn

478500

528500

24

Giá hối đoái tại cùng thời điểm tính (năm 2013)

đ/U$

20100

20100

25

Mức tăng giá XK alumina b/q

%/năm

1.26%

1.26%

26

Mức tăng giá than+xút b/q

%/năm

0.63%

0.63%

- Các thông số trung gian từ các cố liệu của TKV được tổng hợp như sau:

No

Giá thành của Alumina xuất khẩu, đ/tấn

Tân Rai

Nhân Cơ

 

Tổng giá thành alumina theo công đoạn sản xuất

6480405

6594905

1

Khai thác bauxite

186800

186800

1,1

Khoan, nổ, bốc xúc, vận tải bauxite nguyên khai

140000

140000

1,2

Thuế tài nguyên bauxite

16800

16800

1,3

Phí môi trường

30000

30000

2

Tuyển bauxite

100000

100000

3

Sản xuất alumina

4690427

4754928

3,1

Tổng chi phí nhiên liệu, vật tư

3737512

3786484

 

Trong đó: than cám

1204337

1229287

 

than cục

908830

918230

 

xút (NaOH)

987779

991479

 

vật tư khác

636566

647488

3,2

Lương

100000

100000

3,3

Khấu hao

842915

858444

3,4

Chi phí quản lý nhà máy

10000

10000

4

Vận chuyển, tiêu thụ alumina

478500

528500

5

Thuế xuất khẩu tính trên giá bán alumina

0

0

- Kết quả phân tích theo kịch bản thuận lợi nhất đối với cả 2 dự án và lý tưởng nhất đối với TKV (giá nhôm tăng liên tục 1,26%/năm, thuế xuất khẩu =0%, vốn đầu tư không tăng, chi phí khác tính như TKV, cả hai dự án vận hành liên tục 365 ngày/năm và liên tục đạt công suất thiết kế 0,63 tr.t/năm) được tổng hợp như trong bảng sau:

Kết quả tính

đ/v tính

Tân Rai

Nhân Cơ

Giá xuất khẩu alumina năm 2013

U$/t

320

320

Giá xuất khẩu alumina năm 2065

U$/t

614

614

Giá xuất khẩu alumina b/q cả đời dự án (50 năm)

U$/t

448

459

Tổng lợi ích cả đời dự án (B)

tỷ đ

283394

290580

Tổng chi phí cả đời dự án (C)

tỷ đ

236947

241039

NPV (+ Initial_investment)

tỷ.đ

-5.935

-5.423

IRR

%/năm

5%

5%

Kết quả trên cho thấy, trong điều kiện lý tưởng, cả 2 dự án vẫn không có hiệu quả kinh tế (NPV<0); không có khả năng thanh toán (IRR= 5%<6,81%); thời điểm hoàn vốn của dự án Tân Rai- năm 2039, của dự án Nhân Cơ- năm 2041, xem đồ thị sau:

Về dòng tiền (Cash Flow): dự án Tân Rai có giá trị B-C liên tục âm (<0) đến năm 2029, xem đồ thị sau:

Trên thực tế, nhà máy Tân Rai đã không thể vận hành liên tục ở mức công suất thiết kế và TKV cũng không thể tiêu thụ được 100% sản phẩm ở mức giá bán cần thiết.

Phân tích trên cho thấy, các dự án không có hiệu quả kinh tế-tài chính chủ yếu là do các giải pháp công nghệ bất cập và bản thân công nghệ rất lạc hậu.

5. Về hiệu quả kinh tế-xã hội & hiệu quả kinh tế-môi trường

Hiệu quả kinh tế-xã hội và hiệu quả kinh tế-môi trường gắn với điều kiện sinh tồn- không gian sống của cư dân. Thực tế hơn 1 năm qua đã cho thấy, mặc dù kinh doanh trong lĩnh vực khai khoáng, hơn 95% sản phẩm được xuất khẩu, nhưng, ngoài các loại phí, ngân sách không thu được 1 đồng thuế nào để phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao mức sống của cư dân.

Trong khi đó, việc khai thác bauxite (do đặc thù xâm hại đến cân bằng tự nhiên) là quá trình không thể đảo ngược và không thể bền vững. Rừng là cội nguồn sống và cội nguồn tâm linh của đồng bào Tây Nguyên. Trước đây, việc di dân ồ ạt lên Tây Nguyên và việc phát triển rầm rộ các dự án thủy điện đã làm cho rừng tự nhiên- không gian sinh tồn của đồng bào bị phá hủy. Ngày nay, việc khai thác bauxite đã và đang tiếp tục làm cho không gian sinh tồn ngày càng thu hẹp và biến đổi trầm trọng.

Trong khi đó, các tuyên bố về “sinh kế cộng đồng”, “phát triển xanh”, hay những cam kết “nộp ngân sách” (LĐ 1600 tỷ/năm, ĐN 2000 tỷ/năm) được TKV đưa ra trước đây, sau 5 năm chỉ tồn tại trên giấy. Trên thực tế, ở Tân Rai và Nhân Cơ, người dân tộc tại chỗ đã bị gạt ra ngoài cuộc; còn ở Hà Nội, các cơ quan quản lý đang tích cực “giải trình” để không đóng thuế xuất khẩu tài nguyên, giảm chi phí môi trường (để 2 dự án bauxite thử nghiệm có hiệu quả, Bộ CT đã đề xuất giảm chi phí đền bù đất nông nghiệp xuống gần 4 lần, từ 800÷1000 tr.đ/ha xuống còn 250 tr.đ/ha, và giảm phí môi trường 6 lần, từ 30.000 đ/t xuống còn 5.000 đ/t).

Coi nhẹ và tự lừa dối về vấn đề dân tộc là một trong những nguyên nhân chính dẫn đễn sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết và tan dã của ĐCS Liên Xô.

6. Về cơ sở hạ tầng của bauxite

BCT đã lưu ý: “Kết cấu hạ tầng Tây Nguyên còn thấp kém, nguồn nước và nguồn điện hạn chế, nên cần phải đẩy mạnh phát triển để vừa đáp ứng yêu cầu khai thác bô-xít, sản xuất alumin, vừa đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội vùng này”.

Thực tế cho thấy:

- Về giao thông vận tải: Cả hai dự án đã được triển khai hơn 5 năm, nhưng vấn đề vận tải vẫn chưa được giải quyết. Nhiều phương án được đưa ra, nhưng các phương án đều không khả thi về mặt kỹ thuật (đường dốc, quanh co, hẹp) và không khả thi về mặt kinh tế (vốn đầu tư lớn và chi phí vận tải cao). Dự án cảng biển Kê Gà đã mắc 2 sai lầm nghiêm trọng về lựa chọn địa điểm và qui mô đầu tư. Việc cải tạo tuyến đường bộ để vận chuyển alumina của Tân Rai mặc dù được chỉ đạo triển khai từ 2011, đến nay mới đang nâng cấp các tỉnh lộ 725 và 769, còn quốc lộ 20 (Lộc Sơn-Dầu Dây, dài 110km, vốn khoảng 4.600 tỷ đồng) do Tổng cục Đường bộ làm chủ đầu tư vẫn đang chờ vốn.

Đổi với dự án Nhân Cơ sắp đưa vào hoạt động, phương án sử dụng cảng Gò Dầu (thay cảng Kê Gà) hiện vẫn đang bế tắc: Để vận chuyển alumina từ Nhân Cơ về Gò Dầu phải đầu tư thêm ít nhất 2.000 tỷ đ. (600 tỷ cho 40km đường nối QL14 với QL28 từ Nhân Cơ đến Quảng Sơn; 400 tỷ để nâng cấp đường công vụ hiện có của thủy điện Đồng Nai 4 về Bảo Lâm; và 1.000 tỷ làm đường tránh phía tây Bảo Lộc). Nếu cân đối được 30% vốn ngân sách (như đường tránh phía tây Bảo Lộc), TKV phải “xã hội hóa” thêm được 70 tr.U$ cho khâu vận tải tiêu thụ alumina của Nhân Cơ.

- Về cấp nước: Cả 2 dự án chỉ xây đập để “cân đối” nước, nhưng nguồn nước vẫn không được “đẩy mạnh phát triển” thêm. Vì vậy, vẫn ảnh hưởng đến việc cấp nước cho các lĩnh vực khác.

- Về cấp điện: TKV đang tích cực triển khai thủy điện Đồng Nai 5. Nhưng, với công suất 150MW cũng chỉ đủ cho điện phân khoảng 30 nghìn tấn nhôm.

7. Về bảo vệ môi trường

BCT đã lưu ý: “Khai thác bô-xít, sản xuất alumin có tác động lớn đến môi trường từ khâu khai thác, chế biến, vận chuyển đến xử lý chất thải, nếu không được quản lý tốt, không tính hết đến tác động môi trường thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng mà việc khắc phục phải mất nhiều năm với chi phí tốn kém lớn”.

Thực tế cho thấy:

- Nguy cơ về bùn đỏ giống ở Hungary vẫn hiện hữu, vì cả 2 dự án vẫn được áp dụng công nghệ “ướt” để thải bùn đỏ (như trên đã nêu).

- Ô nhiễm nguồn nước chưa xẩy ra, nhưng vấn đề cạn kiệt nguồn nước của Tây Nguyên và hạ lưu là không tránh khỏi. Tiêu hao nước của cả 2 dự án đều lớn hơn dự tính ban đầu và đều nằm trong cân đối chung của cả vùng. Trong khi đó, Tây Nguyên vẫn đang phải đối mặt với thiếu nước trầm trọng.

- Ô nhiễm môi trường đất đang diễn ra nguy hiểm hơn dự kiến ban đầu: Thực tế ở Tân Rai đã chứng minh, diện tích chứa quặng bauxite giảm đi rất nhiều, bauxite chỉ tập chung ở các sườn đồi. Ở phần đỉnh đồi quặng bauxite bị phong hóa- chủ yếu là ô xít sắt (không có giá trị), phần chân đồi quặng bauxite bị rửa trôi- chỉ còn lại đất sét (có thể canh tác). Qui trình khai thác đang được áp dụng hoàn toàn không thể “cuốn chiếu” (không thể khai thác đến đâu hoàn thổ đến đó) như TKV đã công bố. Thực tế, qui trình này (giống như làm đường bộ ở vùng đồi núi) chỉ san gạt bốc xúc ở sườn đồi, phải để lại đỉnh đồi (chủ yếu là sắt), và lớp đất phủ từ sườn đồi sẽ bị trôi xuống lấp phần chân đồi (không có bãi thải- vi phạm kỹ thuật). Việc hoàn thổ không thực hiện được (5 năm, TKV vẫn chưa hoàn thổ được m2 nào). Khu vực trồng cây thực nghiệm sau khai thác không thể trồng lại cây công nghiệp, chỉ có thể trồng keo.

- Ô nhiễm môi trường không khí: chưa có giải pháp khắc phục bụi.

8. Kết luận

Bộ Chính trị đã có ý kiến chỉ đạo cụ thể và kịp thời về phát triển bauxite Tây Nguyên. Tuy nhiên, từ khâu lập quy hoạch, tiệm cận quy hoạch, triển khai các dự án bauxite thử nghiệm còn quá nhiều bất cập:

1/ Quy hoạch chưa đủ điều kiện để được Thủ tướng CP phê duyệt;

2/ Cả hai dự án bauxite thử nghiệm đã được triển khai ở quy mô công nghiệp rất lớn, và triển khai không đúng tính chất thử nghiệm;

3/ Chủ đầu tư đã lựa chọn nhà thầu không có kinh nghiệm, đã chấp nhận nhiều giải pháp kỹ thuật sai lầm, đã áp dụng các công nghệ lạc hậu, đã không kiểm soát được vốn đầu tư. Nhà thầu đã kéo dài thời gian thi công. Vì vậy, cả hai dự án đều không có hiệu quả kinh tế-tài chính;

4/ Việc ngân sách nhà nước đã không thu được thuế xuất khẩu và sẽ không thu được thuế doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã phải liên tục xin giảm phí môi trường, phí đề bù, phí tài nguyên v.v. cho thấy, cả hai dự án đều không mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội và hiệu quả kinh tế-môi trường;

5/ Vấn đề môi trường đã không giải quyết được. Bùn đỏ vẫn được thải bằng công nghệ “ướt”. Việc hoàn thổ không thể thực hiện được như dự kiến. Đất canh tác bị chiếm dụng và bị ảnh hưởng nhiều hơn. Nước cho cây công nghiệp vẫn bị mất cân đối ngày càng trầm trọng hơn.

9. Khuyến nghị

Cách đây gần 25 năm, Tạp chí Năng lượng- cơ quan ngôn luận của Bộ Năng lượng (số 11/1989) đã kiến nghị “Loại bô xít ra khỏi tiềm năng kinh tế Tây Nguyên”. Kiến nghị đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Thực tế 5 năm qua, việc triển khai các dự án bauxite thử nghiệm đã cho phép đưa ra các khuyến nghị/khuyến cáo tiếp theo như sau:

1/ Về ứng xử với Tây Nguyên

Tây Nguyên cần được ứng xử thực sự như nóc nhà của Đông Dương, cần ưu tiên các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật (đường, điện, nước) và hạ tầng xã hội (giáo dục, văn hóa, y tế). Cần chấm dứt việc triển khai các dự án theo “qui trình ngược” trên “nóc nhà”; phải cương quyết thu hồi giấy phép của các dự án kinh doanh khi chưa giải quyết được vấn đề vận tải, cấp điện và cấp nước vốn còn đang mất cân đối ở Tây Nguyên.

Tây Nguyên cần đóng vai trò quan trọng, làm chỗ dựa vững chắc để giải quyết 2 vấn đề sống còn của VN trong tương lai, đó là nguy cơ nước biển dâng và an ninh nước ngọt:

Nguy cơ nước biển dâng: Hiện nay, ở các vùng duyên hải, nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền có nơi tới 60km. Về lâu dài, VN cần tính đến khả năng phải di cư tiếp hàng chục triệu dân từ đồng bằng Nam Bộ lên Tây Nguyên để sinh sống. Việc khai thác bauxite đã và sẽ phá hủy môi trường sống tự nhiên trên Tây Nguyên. Nếu 2 nhà máy Nhân Cơ và Tân Rai hoạt động đủ công suất, rừng và đa dạng sinh học trên Tây Nguyên bị đe dọa nghiêm trọng. Thực tế đang cho thấy, việc khai thác bauxite đã chiếm nhiều diện tích rừng tự nhiên và diện tích nông nghiệp- nguồn sinh kế chính hiện nay và trong tương lai của người dân trên Tây Nguyên.

An ninh nước ngọt: VN đang và sẽ gặp nhiều rủi ro về nguồn cung cấp nước ngọt cho phát triển kinh tế. Ngoài hai hệ thống sông Hồng và sông Cửu Long (phụ thuộc vào TQ), các hệ thống sông suối trên Tây Nguyên mới là nguồn nước “nội địa” của VN. Việc khai thác bauxite sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống sông suối này (làm giảm lưu vực của các sông Đồng Nai, Xêrêpốc, Thu Bồn, Trà Khúc v.v.), làm giảm lượng nước cần cho canh tác lúa và tăng nguy cơ thiếu nước ngọt cho hạ lưu (TP. HCM có nguy cơ thiếu nước sạch).

2/ Về tư duy phát triển

Trong phát triển, với tình trạng thiếu vốn, thừa nợ công, VN cần chuyển từ tư duy “đầu tư để tăng trưởng” sang tư duy “đầu tư để thu lãi”.

Khi nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, việc đầu tư (chi tiền) phải theo công thức của Các Mác đã dạy: T-H-T’ (tiền-hàng-tiền nhiều hơn). Các dự án đầu tư kinh doanh, trước hết, phải đảm bảo có hiệu quả kinh tế-tài chính để có được hiệu quả kinh tế-xã hội và hiệu quả kinh tế-môi trường. Dự án không có hiệu quả (T’không lớn hơn T) sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội và nợ khó trả của quốc gia.

Các dự án đầu tư phải được quyết định trên cơ sở kinh tế, so sánh chính xác chi phí bỏ ra (tiền, thời gian, tài nguyên v.v.) và lợi ích mang lại (việc làm, thu nhập, thuế v.v.). Trong mỗi dự án cần xác định rõ chi phí cơ hội (Opportunity Cost) của việc đầu tư. Trong 5 năm qua, 2 dự án alumina đã được đầu tư 1,5 tỷ U$, nhưng VN không thu được thuế xuất khẩu. Hai dự án này chỉ để cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp nhôm của TQ. Trong khi đó, sau 39 năm, trên Tây Nguyên chưa có chương trình nào trị giá tỷ U$ để xóa đói, giảm nghèo, tận dụng đất bazan phát triển các cây công nghiệp. Số vốn gần 1,5 tỷ U$ đầu tư vào bauxite (chỉ tạo ra 1500 việc làm), nếu được đầu tư cho nguồn nhân lực, bảo vệ rừng, phát triển cây công nghiệp, phát triển hạ tầng v.v. đã có thể tạo ra hàng triệu việc làm, nâng cao được mức sống của 6 triệu người trên Tây Nguyên, và ngân sách có thể thu thêm nhiều thuế XK (có hiệu quả kinh tế-tài chính, hiệu quả kinh tế-xã hội và hiệu quả kinh tế-môi trường lớn hơn rất nhiều).

3/ Về quản lý phát triển

Thực tế thử nghiệm bauxite 5 năm qua cho thấy, nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý vĩ mô đang đòi hỏi phải được đánh giá khách quan và rút ra các bài học thực sự:

Cần tiếp cận các vấn đề một cách khoa học và biện chứng: Lịch sử phát triển của loài người đã chứng minh: phát triển kinh tế dựa vào khai thác TNKS là không ổn định và không bền vững (các nước trung Đông, trung Á, nam Mỹ, Nga, là những ví dụ). Ngược lại, các nền kinh tế của Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, Phần Lan, Thụy điển, Hà Lan v.v. đã vượt qua “lời nguyền khoáng sản” để phát triển ổn định, có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Ở VN hiện nay, trừ than đá, dầu khí, nước ngọt và cát, đá sỏi, việc khai thác hầu hết các TNKS khác đều không có hiệu quả kinh tế-xã hội và hiệu quả kinh tế-môi trường.

Cần kiểm soát các hành vi của doanh nghiệp nhà nước thông qua công khai và minh bạch. Việc triển khai các dự án bauxite nếu được kiểm soát ngay từ đầu, đã không dẫn đến tình trạng hiện nay. Ngay khi BCT đã có ý kiến (Thông báo 245), các thông tin về thử nghiệm bauxite vẫn được coi là “nhạy cảm”. Các quyết định có liên quan đến bauxite của TKV và Bộ Công Thương vẫn không tính đến các ý kiến phản biện và dư luận xã hội, vẫn được che đậy bằng “chủ trương lớn” của Đảng và Nhà nước.

Cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu: Trước đây, mặc dù tuyên bố “5 ăn, 5 thua” nhưng TKV vẫn quyết tâm triển khai thử nghiệm cả 2 dự án. Thực tế, ngân sách nhà nước đã “thua”, những người chịu trách nhiệm đã hạ cánh an toàn. Hiện nay, mặc dù trên thế giới, chưa có quốc gia nào chế tạo được sắt xốp từ bùn đỏ ở qui mô công nghiệp, nhưng các nhà quản lý cơ hội vẫn tiếp tục đưa “sắt xốp” ra để “cân đối” lãi cho các dự án bauxite. Trong khi đó, hơn 40 năm qua, dự án sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) do Bộ CT chủ trì thực tế vẫn nằm trên giấy chờ đóng góp của các nhóm lợi ích.

Cần sửa chữa kịp thời các sai lầm: Trước đây, TKV “quyết liệt” triển khai cảng Kê Gà theo kiểu “làm ăn lớn” đã mắc “bệnh ấu trĩ tả khuynh của người cộng sản” (được Lê Nin chỉ ra cách đây 100 năm). Rất may, Thủ tướng đã kịp thời hủy dự án này theo tinh thần lời dậy của Bác Hồ: không sợ sai lầm, chỉ sợ không nhận ra sai lầm và khi nhận ra sai lầm rồi không chịu sửa. Hiện nay, các nhà quản lý đang sửa chữa sai lầm ở dự án Nhân Cơ bằng một sai lầm khác lớn hơn: thay vì phải đầu tư hạ tầng (đường, điện, nước) để phát triển bền vững, Bộ CT đang “đăng cai” triển khai dự án điện phân nhôm để làm trầm trọng hơn việc thiếu điện cho cả nền kinh tế. Đề xuất này của Bộ CT cần được xem xét kịp thời để không giống như việc đăng cai ASIAD 18.

10. Thay lời kết

Với tư duy biện chứng và lịch sử của chủ nghĩa duy vật, những gì đã diễn ra trong 5 năm qua trên thực tế đang đặt ra câu hỏi: việc phát triển bauxite Tây Nguyên có nên tiếp tục như một chủ trương lớn của đảng và nhà nước?./.

N.T.S.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn