Australia: Qua vụ bắn rơi máy bay Malaysia, cần ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc

Cầu Nhật Tân

Dưới tiêu đề MH17 là thời điểm để Australia định hình chính sách phản ứng toàn cầu, tờ báo hàng đầu Sydney Morning Herald của Australia đưa ra những lo ngại về nhiều nguy cơ gây bất ổn đối với trật tự thế giới trong đó họ không ngần ngại chỉ ra rằng nguy cơ to lớn hơn cả là sự hung hăng của Trung Quốc không bị ngăn chặn. Bài báo được đăng giữa lúc Australia mất 28 công dân trong vụ MH17. Chính quyền Australia có phản ứng cứng rắn nhất đối với Nga: triệu tập đại sứ Nga tại Canberra. Thủ tướng T. Abbott họp báo quy trách nhiệm liên đới cho Nga và ám chỉ trách nhiệm cá nhân Putin trong vụ này, yêu cầu Nga không cản trở một cuộc điều tra quốc tế, độc lập.

Vụ bắn rơi máy bay MH17 là bằng chứng cho Australia thấy thời đại toàn cầu hóa không phải là mảnh vườn đầy niềm vui để ta bước vào.

Sự phụ thuộc lẫn nhau trong thế giới hiện đại có nghĩa rằng sự bất ổn ở một nơi có thể đem thiệt hại đến những nơi khác.

Chúng ta đều biết nội chiến tại Syria và Nga xâm lược Ukraine là rất nghiêm trọng nhưng chúng ta đã không quan tâm vì cho rằng không bị ảnh hưởng.

Lò lửa Syria hoành hành trong 3 năm qua làm chết 170.000 người.

Cuộc chiến ở Ukraine giết chết 478 người trước khi máy bay Malaysia bị nhắm bắn. Bốn máy bay khác đã bị bắn rơi chỉ trong 4 tuần.

Người Australia không bao giờ tưởng tượng được rằng danh sách chết chóc vô danh kia lại có sự liên hệ mật thiết với tình hình trong nước (Australia).

Người Nhật có ngạn ngữ: vấn đề của người khác là đống lửa bên kia sông. Chúng ta vừa phát hiện ra rằng nó không bao giờ ở bên kia sông cả.

Những bối cảnh và sự vụ trên đòi hỏi  Australia phải làm một cái gì đó mạnh mẽ hơn.

Australia giữ ghế trong Hội đồng Bảo an LHQ, đương nhiên không phải là nơi để quan chức thực hành việc ghi chép và kiểm tra email. Australia có tiếng nói trong các diễn đàn thượng đỉnh tại châu Á – Thái Bình Dương. Australia cũng có lợi thế với vai trò là đối tác thương mại lớn và giữ những mạng lưới gây ảnh hưởng khác.

Chính quyền liên bang cần nắm bắt cơ hội này để định hình chính sách toàn cầu, mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn những nguy cơ và việc làm nguy hiểm.

Một thế giới sực tỉnh mộng cần xem xét sự leo thang xâm lược của Nga một cách nghiêm túc. Putin phải thấy rằng thế giới không bao giờ dung thứ những hành vi phạm pháp liên tục này của Nga.

Nói như trên vẫn chưa đủ. Việc Trung Quốc hung hăng xâm chiếm lãnh thổ sẽ gây ra những vẫn đề nghiêm trọng hơn hiều trong tương lai nếu những hành vi của nước này thách thức trật tự thế giới không bị ngăn chặn.

Mặc dù thương mại 2 chiều giữa Australia với Trung Quốc vượt con số 150 tỉ dollar trong năm qua và dự tính sẽ lên tới 180-200 tỉ dollar trong năm 2014, bằng tổng kim ngạch thương mại giữa nước này với Hoa Kỳ, Anh Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc gộp lại, nhưng Australia vẫn coi Trung Quốc là nguy cơ lớn nhất và nhận thấy rõ nhu cầu củng cố đồng minh quân sự với Hoa Kỳ, thiết lập quan hệ chiến lược mọi mặt với Nhật Bản.

Ngoài thương mại, quan hệ chiến lược quốc phòng với Nhật Bản và Hoa Kỳ không ngừng được củng cố. Lần đầu tiên, Australia nhập khẩu trang thiết bị quốc phòng từ Nhật Bản, nhập máy bay tiêm kích hiện đại nhất của Hoa Kỳ, máy bay do thám không người lái, máy bay săn ngầm và cảnh báo sớm thế hệ mới nhằm tăng cường kiểm soát an ninh biển. Năng lực hải quân Hoàng gia không ngừng được tăng cường. Hàng loạt các căn cứ hải quân gần bờ và ngoài khơi được nâng cấp, đón nhận sự hiện diện lớn hơn của Hải quân Hoa Kỳ.

Tuần trước, Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng T. Abbott đã ký kết Hiệp định Quốc phòng – Thương Mại lịch sử giữa Nhật và Australia mở đường cho các hoạt động liên minh quân sự với Nhật Bản. Chính sách “diễn giải lại hiến pháp” của Nhật mà Shinzo Abe đưa ra nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của Hoa Kỳ và Australia. Tuy nhiên, Bắc Kinh không chậm chễ chỉ trích Australia về quan hệ này, tức tối bới ra cớ hơn 70 năm trước Nhật Bản đã gây chiến và tàn sát tại Trung Quốc.

Gần đây, bà đầm thép Julie Bishop (Ngoại trưởng) đã không ngần ngại chỉ trích gay gắt Nga và Trung Quốc, bà là người lên án rất mạnh mẽ sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Với riêng Putin bà còn dọa sẽ không hoan nghênh ông này dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức tại Australia tháng 11 tới.

Tại Đối thoại Shangri-La vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston cùng Hoa Kỳ, Nhật Bản mạnh mẽ tố cáo, lên án Trung Quốc leo thang xâm lược trên Biển Đông, gây mất ổn định khu vực và thế giới. Song song với vai trò chủ động hơn đương đầu với Trung Quốc, Australia sẽ tiến hành hỗ trợ những nước có xung đột lãnh hải với Trung Quốc tại Đông Nam Á, bắt đầu bằng việc tăng cường khả năng, trang thiết bị cho lực lượng chấp pháp trên biển của các nước này.

Trái với những hoạt động định hình lại chính sách chiến lược và củng cố liên minh đang diễn ra quanh mình trong tình hình mới, Việt Nam vẫn kiên định lập trường truyền thống, kiên định “16 vàng 4 tốt” với Bắc Kinh. Ngay tại Đối thoại Shangri-La 2014 vừa qua, Phùng đại tướng, thay mặt Quân ủy và Bộ Chính trị, đanh thép khẳng định quan hệ Việt Nam – Trung Quốc về mọi mặt vẫn tốt và ví von với quan hệ nội bộ gia đình, khiến toàn bộ các đoàn tham dự (trừ đoàn Trung Quốc) thật sự ngỡ ngàng.

Đại sứ một nước đã và đang hỗ trợ Hà Nội về nhiều mặt cũng phải thốt lên: chẳng lẽ Việt Nam không cảm thấy nỗi đau mà hàm răng Trung Quốc đang hàng ngày gặm nhấm trên cơ thể (của VN), chẳng lẽ Việt Nam không biết đến thế giới xung quanh, trong khi các nước đang giang tay liên kết chặt chẽ hơn với nhau thì các ngài đang ngày càng tự cô lập trước hiểm họa Trung Quốc. Bài phát biểu (của Phùng đại tướng) đã làm khó cho chính Bộ Ngoại giao nước tôi vì không biết phải bảo vệ chính sách tăng cường hỗ trợ Việt Nam ra sao trước Nghị viện tại nước nhà.

Nguồn: caunhattan.wordpress.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn