Một số thủ đoạn trái pháp luật khi lấy lời khai, hỏi tại tòa

Luật sư Hà Huy Sơn

Trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự các các cơ quan tiến hành tố tụng thường thực hiện việc lấy lời khai (giai đoạn điều tra), hỏi tại tòa (xét xử). Các hành vi tra tấn, nhục hình, bức cung đã bị pháp luật cấm tại các văn bản quy phạm pháp luật như:

Hiến pháp năm 2013, quy định:

“Điều 20.

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.”

Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2011, quy định:

“Điều 298. Tội dùng nhục hình

1. Người nào dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.”

“Điều 299. Tội bức cung

1. Người nào tiến hành điều tra, truy tố, xét xử mà bằng các thủ đoạn trái pháp luật buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.”

Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị 1966, Việt Nam tham gia năm 1982, điểm g khoản 3 điều 14, quy định:

“3. Trong các vụ hình sự, tất cả các bị cáo đều được hưởng đồng đều những bảo đảm tối thiểu sau đây:

g. Được quyền không khai, để khỏi phải tự buộc tội mình, hay khỏi phải thú nhận tội trạng.”

Nhưng hiện tượng tra tấn, truy bức, nhục hình đối với người bị bắt vẫn xảy ra. Ngoài ra, hiện tượng bức cung, mớm cung, dụ cung, lừa cung xảy ra khá phổ biến khi điều tra và khi xét xử tại tòa. Trách nhiệm của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán trước khi lấy cung hoặc hỏi tại tòa đối với bị can, bị cáo phải phổ biến, giải thích cho họ biết quyền của mình và đặc biệt là quyền “không khai, để khỏi phải tự buộc tội mình, hay khỏi phải thú nhận tội trạng”. Thế nhưng, hầu như những người tham gia tiến hành tố tụng không phổ biến, giải thích rõ ràng, đầy đủ cho họ về các quyền của bị can, bị cáo. Ngược lại:

- Điều tra viên, thẩm phán nói rằng khi hỏi thì bị can, bị cáo phải trả lời.

- Điều tra viên, thẩm phán ám chỉ, đe dọa, dùng mọi lời lẽ, thủ đoạn để bị can, bị cáo trả lời theo ý của mình.

- Lừa dối, dụ dỗ, thông tin sai sự thật để lấy lời khai của bị can, bị cáo.

- Lợi dụng sự trung thực, danh dự, phẩm giá, đức tin tôn giáo của bị can, bị cáo để họ khai theo ý muốn của điều tra viên, thẩm phán.

Những hành vi này diễn ra khá phổ biến trong các vụ án hình sự bởi sự làm ngơ của kiểm sát viên và sự yếu kém, thiếu trách nhiệm của các luật sư. Còn một nguyên nhân khác đó là những thủ đoạn trái pháp luật như “mớm cung, dụ cung, lừa cung” lại được một số cơ quan tiến hành tố tụng, sai lầm cho rằng đây là “kỹ thuật, nghiệp vụ”, “chuyên môn, kỹ xảo nghề nghiệp” và là căn cứ cất nhắc, đề bạt cán bộ.

H.H.S

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn