Thế giới hậu Hoa Kỳ

Đoàn Hưng Quốc

Từ đầu thế kỷ 21 với sự trỗi dậy của các nước tân hưng (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ…) trong lúc Mỹ bị sa lầy trong hai cuộc chiến Iraq-Aghanistan, còn nền kinh tế rơi vào Đại Khủng Hoảng (2007), nhiều nhà bình luận đã nói đến một thế giới hậu Hoa Kỳ (Post-American World), nơi đó Mỹ không còn nắm giữ vai trò siêu cường duy nhất để bảo vệ trật tự quốc tế và nền an ninh toàn cầu. Những lời tiên đoán đó nay đang trở thành sự thật với nhiều sự kiện dồn dập xảy ra kể từ năm 2013, khiến thế giới ngày càng thấy rõ những thách thức cho nền trật tự mới:

1. Quân đội Ai Cập đảo chánh và nắm chính quyền, thay thế Tổng thống Hồi Giáo Mohamed Morsi (tháng 07-2013).

2. Tổng Thống Obama quyết định không dội bom Syria (09-2013) một trong các nguyên nhân chính là vì Hoa Kỳ không thể can thiệp sâu vào chiến cuộc trong khi không có giải pháp trước mắt.

3. Tháng 02-2014 Ukraine lật đổ Tổng Thống Yanukovich vì ông này muốn xích lại gần với Nga. Tổng Thống Putin đã trả đũa mạnh mẽ và sáp nhập bán đảo Crimea vào nước Nga

4. Tháng 04-2014 Trung Cộng di chuyển giàn khoan HD 981 vào hải phận Việt Nam tạo ra khủng hoảng nặng nề nhất giữa hai quốc gia kể từ 1988.

5. Tình hình Iraq bất ngờ sôi động khi lực lượng Hồi giáo cực đoan ISIS chiếm nhiều thành phố lớn và đe dọa cả thủ đô Baghdad (tháng 06-2014). ISIS sau đó tuyên bố thành lập quốc gia Hồi giáo bao gồm nhiều vùng đất ở Trung Đông

6. Chiến sự tại dải Gaza bộc phát giữa Do Thái và nhóm Hamah kể từ tháng 07-2014

7. Gần đây nhất là vụ máy bay dân sự Mã Lai MH17 bị bắn hạ nơi vùng chiến sự tại Ukraine khiến 298 thường dân vô tội thiệt mạng.

Mỗi cuộc tranh chấp tuy chỉ trong phạm vi khu vực nhưng lan tràn từ Trung Đông đến Âu Châu sang Á Châu cho thấy trật tự toàn cầu từ sau Chiến tranh lạnh đang thay đổi. Hoa Kỳ tuy nắm vai trò quan trọng hàng đầu nhưng không còn có thể quyết định đơn phương hay huy động các đồng minh cho một giải pháp như đã từng xảy ra tại Kosovo, Afghanistan và Iraq. Thách thức rất nghiêm trọng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát tránh cho một cuộc đối đầu quân sự giữa các cường quốc. Dù ảnh hưởng của Mỹ đang suy yếu dần trong từng khu vực nhưng các bên liên hệ vẫn còn cần đến sự hiện diện của Hoa Kỳ để ngăn chặn không cho nổ bùng như một thùng thuốc súng. Tuy quân sự luôn là một lá bài nhưng lúc này Mỹ không hề có ý định đem quân đội trực tiếp can thiệp vào những tranh chấp nói trên.

Kỷ nguyên hậu Hoa Kỳ dẫn đến nhiều liên minh không chính thức và bất ngờ để đối phó với các thách thức mới: Mỹ-Iran (để đối đầu với ISIS); Nhật-Úc; Nhật-Phi-Việt (để đối phó với Trung Quốc). Nhiều liên minh đang có được củng cố (Mỹ-Nhật, Mỹ-Ba Lan) nhưng liên minh quan trọng nhất là NATO lại không đủ khả năng đáp ứng với thách thức vì quyền lợi chia rẽ. Cho nên trong tương lai cả Hoa Kỳ lẫn các nước đối tác đều rất thận trọng để thành hình các hình thức liên minh khác nhau, trước hết cân nhắc giữa quyền lợi kinh tế và an ninh có tương đồng hay không đồng thời đánh giá lẫn nhau về thực lực và ý chí để thực hiện các lời cam kết.

Nếu giai đoạn 1988-2010 là cao trào của phong trào dân chủ thì nay đang là thoái trào của mô hình này. Trung Quốc và Nga chọn lựa củng cố chính quyền trung ương. Ai Cập và Thái Lan để quân đội nắm giữ nhà nước. Các nền dân chủ mong manh tại Trung Đông, Iraq và Aghanistan có thể bị sụp đổ bất cứ giờ phút nào, trong khi chính Miến Điện cũng đang gặp nhiều thử thách bởi tranh chấp giữa Phật giáo và Hồi giáo. Nhưng nếu các biến chuyển chính trị không thuận lợi thì ngược lại ý thức và nguyện vọng dân chủ vẫn tăng lên như tại Ukraine, Việt Nam và Hồng Kông trong giai đoạn gần đây. Vai trò của khủng hoảng kinh tế và địa chính trị sẽ khiến trào lưu dân chủ bộc phát hay suy thoái theo từng khu vực thay vì trên bình diện quốc tế như trước đây.

Nếu còn một điểm mà Hoa Kỳ vẫn nắm vai trò chủ động toàn cầu, thì đó là sức mạnh của đồng đô-la, nhờ vào đó Mỹ có thể phong tỏa trừng phạt các nước như Nga, Iran và Bắc Hàn. Riêng với đối thủ tiềm năng chính là Trung Quốc thì Hoa Kỳ không đủ khả năng bao vây kinh tế được nữa. Năm nước chính trong khối tân hưng là BRICS (Brazil-Russia-India-China-South America) từ lâu muốn thoát ra khỏi sự kiềm tỏa của đồng đô-la và những định chế tài chánh Tây Phương, đến tháng 7-2014 đã đồng ý hùn vốn 100 tỷ USD thành lập một ngân hàng chung trong mục tiêu này. Nhưng do tâm trạng đa nghi và hệ thống quản lý yếu kém ngay trong khối BRICS nên vai trò của đồng đô-la có thể sẽ vững mạnh trong 20-30 năm tới đây.

Lịch sử không là một đường thẳng mà đầy những khúc quanh bất ngờ. Trung Quốc và Nga có thể rơi vào khủng hoảng kinh tế hay chính trị khiến những toan tính bị đảo lộn. Ngược lại nền kinh tế của Hoa Kỳ có thể chậm lại đáng kể làm ảnh hưởng đến cả đồng đô-la và những cam kết trên toàn thế giới. Mốc điểm thời gian có thể chỉ trong ba năm nữa, vào cuối nhiệm kỳ của Obama, khi bắt đầu một Tổng thống mới. Lúc đó người ta sẽ đánh giá liệu kỷ nguyên hậu Hoa Kỳ đã kết thúc và thế giới đi vào một thời kỳ vốn đầy rủi ro và tranh chấp cho một trật tự mới hay không?

Đ.H.Q

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn