CÓ NÊN ĐẶT VẤN ĐỀ THOÁT TRUNG?

Nguyễn Thanh Giang

Với người Việt, thoát Trung là câu chuyện cũ. Thì một phần của lịch sử nước ta chẳng là lịch sử thoát Trung thì là gì? Cho nên, có lẽ không cần phải quá bận tâm thoát hay không, thoát những gì… bởi một khi cái bóng khổng lồ Trung Quốc còn đè nặng thì ý thức thoát Trung còn tồn tại, như là bản năng sinh tồn của người Việt vậy. Thoát Trung là câu chuyện chương hồi nhiều tập còn lâu mới có hồi kết, nội dung của nó cũng mênh mông như đất nước Trung Hoa vậy. Thoát Trung không phải là cạch mặt hẳn ông hàng xóm xấu chơi, hễ dấu chân Tàu dẫm đến đâu thì xúc đất đến đấy, đổ đi (“ghét xúc đất đổ đi” – thành ngữ). Thoát mà không thoát, không thoát mà thoát, tự cô lập hoàn toàn là tự sát. Vậy khi nào chúng ta “thoát Trung”? Khi chúng ta là con người độc lập, tự do, tự chọn cho mình con đường phát triển. Muốn thế, ta phải có sức mạnh hiểu theo nghĩa rộng nhất.

Nhật Bản đã thoát Trung một cách ngoạn mục từ thời Minh Trị giữa thế kỷ XIX, họ chính là tấm gương lớn để chúng ta soi. Phan Châu Trinh cũng là một tấm gương thoát Trung kiên định và sáng suốt, không những thoát Trung mà còn dứt khoát "thoát Á" để đi thẳng tới phương Tây tự do dân chủ.

Tác giả Nguyễn Thanh Giang đã trình bày quan điểm của mình nhân cuộc hội thảo “Thoát Trung” vừa qua ở Hà Nội mà điểm cốt lõi của ông là tư tưởng “Khuynh Tây”.

Cuộc tranh luận thoát Trung đã thu hút đông đảo người tham gia với rất nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, đây chỉ là màn dạo đầu, các ý kiến chỉ mới dừng lại ở tính chất gợi mở. Bauxite Việt Nam rất mong muốn tiếp tục nhận được những bài viết chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ngõ hầu giúp bạn đọc có một cái nhìn rộng lớn hơn, sâu sắc hơn, và tiến gần hơn tới chân lý.

Bauxite Việt Nam

Tôi không muốn nghe hai chữ “thoát Trung” vì nó đau lòng quá khi bị gợi lên cảm giác tủi buồn, yếm thế của sự trốn chạy.

Thật vậy. Thoát là gì? Từ điển Tiếng Việt giải nghĩa; Thoát là “ra khỏi nơi kìm hãm, nguy hiểm thoát chết trong gang tấc”. Thoát, muốn dịch ra tiếng Pháp phải dùng chữ sortir hoặc échapper. Muốn dịch ra tiếng Anh phải dùng một trong các chữ: to escape, to exit, to quit.

Thực tế, đã bao giờ chúng ta nhập vào đâu mà phải hò nhau thoát ra, đã bao giờ entrer đâu mà phải xin sortir. Và, việc gì mà phải escape.

Ông Hoàng Cao Khải chắc chắn không đúng khi nói: “Dân tộc Nam ta là Hán tộc không còn nghi ngờ gì nữa”.

Cũng không thể đồng ý với GS Nguyễn Văn Tuấn (Australia) trong bài “Một phiên bản của Tàu”:

Nói “tương đồng” thì có vẻ oai, chứ Tàu nó chỉ xem Việt Nam chỉ là một phiên bản của họ. Chính vì thế mà các quan chức Tàu có thể hống hách và ngổ ngáo trong các tuyên bố như là lời phán của cha mẹ dành cho con. Việt Nam có vùng vẫy hay suy nghĩ gì thì Tàu cũng đoán trước được, vì Việt Nam chỉ học từ Tàu thôi, và đâu có thầy nào (nhất là thầy Tàu) mà dạy cho trò 100% sở trường. Sự lệ thuộc ngoại bang nó ghê gớm ở chỗ làm cho dân tộc không còn tự chủ và độc lập trong suy nghĩ, và người ngoài nhìn vào với ánh mắt khinh thường”.

Hãy nghe Nguyễn Trãi dõng dạc tuyên cáo:

Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương

Nguyễn Du thì từng dè bỉu Trung Quốc khi ông đi sứ ở bên ấy:

Hồn ơi! Hồn ơi! sao chẳng về?

Đông tây nam bắc không nơi tựa.

Lên trời xuống đất đều không ổn,

Đất Yên đất Dĩnh về làm chi?

Thành quách chẳng khác xưa nhưng lòng dân đã khác,

Bụi nhiều nhuốm bẩn dơ quần áo.

Đi ra thì xe ngựa, ở nhà thì vênh váo,

Ngồi bàn tán chuyện ông Quì ông Cao.

Không hề để lộ nanh vuốt ác độc.

Nhưng cắn xé người ngọt như đường!

Hồn có thấy cả trăm châu vùng Hồ Nam,

Toàn người gầy ốm có ai mập đâu.

(Bản dịch bài Phản chiêu hồn)

Nguyễn Trường Tộ cũng khẳng định:

Nước ta trên cũng có trời che, tức thiên văn, dưới cũng có đất chở, tức địa lý. Trong khoảng trời đất, nước ta cũng là một đất nước tốt lành hẳn hoi, đâu phải một miền phụ dung của Tàu” (Bản tấu Về việc học thực dụng).

Cha ông ta chưa bao giờ chịu là một miền phụ dung, một phiên bản của Trung Quốc bởi vấn đề thoát Trung đã được đặt ra từ rất lâu. Không chỉ thoát mà còn chống, còn đánh. Không chỉ đánh cho …cút, đánh cho …nhào mà “Đánh một trận sạch sanh kình ngạc”, “Đánh cho dài tóc, đánh cho đen răng”. Đánh bằng quân sự, đánh bằng văn hóa. Mặt trận nào cũng quyết liệt, cũng dữ dội. Có thế ta mới còn được “Bốn ngàn năm ta lại là ta” ít nhất cho đến trước năm 1945 chứ. Chỉ tiếc rằng, do cần đạt mục tiêu giành quyền thống trị, những người cộng sản Việt Nam đã rước ảnh mấy ông Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông về treo lên bên trên cả bàn thờ Tổ quốc. Càng đáng căm giận hơn là, cho đến bây giờ, trong những người lãnh đạo còn có những kẻ do lú lẫn hay do cần nơi nương tựa vẫn dùng quyền hành cố ấn sâu đất nước vào vòng đô hộ của Trung Quốc!

Bây giờ đặt vấn đề “Thoát Trung” thì nghĩa là thoát cái gì?

Đọc một số bài viết, dự mấy buổi Hội thảo thấy ý kiến lộn xộn, ngổn ngang quá. Người thì cho rằng “Thoát Trung” chủ yếu phải là thoát về chính trị, về tư tưởng. Người lại bảo “Thoát Trung” về chính trị thật ra cũng là “Thoát Trung” về văn hóa, văn hóa quỳ lạy, văn hóa thảo dân, văn hóa giả dối … Người bảo muốn “Thoát Trung” phải diệt Cộng, người bảo muốn “Thoát Trung”, trước hết phải đổi tên Đảng …. Rồi hàng loạt câu hỏi nêu ra: “Thoát Trung” hay thoát Mác – Lênin?, “Thoát Trung” hay thoát Khổng Mạnh?, “Thoát Trung” hay thoát Hoa?, hay thoát Á?, hay là “giải Hán hóa”? vv…

Loanh quanh luẩn quẩn một hồi, có ý kiến như là tổng kết: “Rút cuộc, Thoát Trung là phải tự thoát” (Nguyễn Ngọc Lanh).

Tôi thì tôi nghĩ rằng, không nên hô hào thoát cái gì cả.

Thoát Trung ư?

Nhà nghiên cứu Đinh Bá Anh nêu nhận xét mà tôi rất tán thưởng: “Trên nhiều phương diện, Trung Quốc còn “thoát Trung” một cách chủ động hơn, nhanh và xa hơn Việt Nam”; “cả tư duy và tầm nhìn của giới lãnh đạo lẫn ý thức của người dân về quyền và trách nhiệm ở Trung Quốc đều cao hơn ở Việt Nam” (Bài Việt Nam có cơ hội thoát Trung?).

Thoát Mác-Lenin ư?

Chủ nghĩa Mác-Lenin có cái phần xác rất thối tha với những đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản … nhưng có phần hồn khả dĩ thơm tho với những mộng tưởng; xóa áp bức, bất công, san sẻ tư bản về cho vô sản, thiết lập công bằng xã hội …

Thoát Khổng- Mạnh ư?

Đạo Nho đâu chỉ dạy “Trung quân” mà còn khẳng định “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Đạo Nho đâu chỉ có “Tam cương” mà còn có “Ngũ thường”. Trong Ngũ thường thì đứng đầu là chữ nhân. Chữ lễ chỉ ở vị trí thứ ba: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Bản thân chữ Nho được giải thích là do chữ Nhân ghép với chữ Nhu mà chữ Nhu ở đây nghĩa là hội ý. Xem vậy đủ thấy trong chữ Nho cũng có hàm chứa yếu tố dân chủ đấy chứ.

Chủ nghĩa Mác-Lenin cũng như Đạo Nho, Đạo Phật, Đạo Gia tô, Đạo Hồi … đều có mặt sáng, mặt tối, yếu tố dương, yếu tố âm. Vấn đề là ta cần tiếp thu những gì và nên né tránh những gì trong đó chứ không nên phủi bỏ toàn bộ.

Xã hội Mỹ sở dĩ bền vững lâu dài và phát triển rực rỡ vì không cưỡng bức “thoát” cái gì cả mà tất cả các đạo đều được trân trọng. Đảng Cộng sản Mỹ vẫn hoạt động công khai, có trụ sở treo ảnh Mác, Lênin trang trọng, có cơ quan ngôn luận đàng hoàng (Daily Worker, People’s World). Nền văn hóa Mỹ không có bản sắc riêng nhưng là tích hợp của nhiều nền văn hóa. Mọi nền văn hóa đều được góp những bông hoa đẹp của mình trên cái nền cỏ xanh dân chủ nhân quyền bất diệt.

Lịch sử nhân loại từng có những trang đau thương do những kẻ hoạt đầu lợi dụng yếu tố này, yếu tố kia trong các đạo để trị vì những cộng đồng dân tộc bằng độc tài, chuyên chế. ĐCSVN cũng vậy, đã lợi dụng chủ nghĩa Mác-Lenin để huy động xương máu nhân dân cướp chính quyền rồi lại tiếp tục lợi dụng chủ nghĩa Mác-Lenin để duy trì ách thống trị hà khắc trên đầu nhân dân Việt Nam.

Mục tiêu “Thoát Trung” đặt ra có lẽ quá rộng, quá sâu nên mông lung không biết nhằm vào đâu, không biết thực hiện thế nào.

Có quá nhiều mục tiêu, nhiệm vụ cần đặt ra cho tình hình hiện nay: chống tham nhũng, chống lãng phí, chống độc tài đảng trị, chống cường quyền … nhưng khẩn thiết hơn cả phải là chống Đại Hán bành trướng, chống ách đô hộ từ xa của Trung Quốc, chống âm mưu xâm lăng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Tuy nhiên, đặt vấn đề “Thoát Trung” e không cụ thể.

Thay vì vận động “Thoát Trung” xin đề nghị nêu cao khẩu hiệu “Hãy cảnh giác với Bắc Triều”

Hãy khắc ghi vào tâm trí chúng ta khẩu hiệu “Hãy cảnh giác với Bắc Triều” bằng chỉ thị, nghị quyết, bằng thường xuyên nêu trong mục kiểm điểm ở các chi bộ Đảng, các buổi hội họp của các tổ chức dân sự, bằng thơ văn, nhạc, họa …

”Cảnh giác với Bắc Triều” thì các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười không dại dột ký Thỏa ước Thành Đô 1990.

“Cảnh giác với Bắc Triều” thì Lê Khả Phiêu không mắc điều tiếng là đã bị chúng đưa gái ra nhử để rồi phải dâng tặng Ải Nam Quan, Vịnh Bắc Bộ ….

“Cảnh giác với Bắc Triều” thì Nông Đức Mạnh không ngu ngơ mời Trung Quốc vào khai thác Bauxite Tây Nguyên.

“Cảnh giác với Bắc Triều” thì Nguyễn Phú Trọng không tệ hại đến mức tạo tiền đề mở rộng cửa đón Trung Quốc và công an của họ tràn vào toàn bộ lãnh thổ Việt Nam (Xin mời đọc bài “Mấy nghi vấn đối với tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc do ông Nguyễn Phú Trọng ký kết” trong trang web www. nguyenthanhgiang.com).

“Cảnh giác với Bắc Triều” thì các tỉnh không “vô tư” bán nhiều khu rừng đầu nguồn trọng yếu, không cho thiết lập những Vũng Áng, Nghĩa Hưng ….

“Cảnh giác với Bắc Triều” thì các nhà quản lý không để Trung Quốc dễ dàng thắng thầu tới 90% các dự án kinh tế quan trọng.

“Cảnh giác với Bắc Triều” thì nhân dân không nhẹ dạ nghe thương lái Trung Quốc đào rễ hồi, trộn chè bẩn, bóc móng trâu, nuôi đỉa, nuôi ốc bươu vàng …

Thay vì chủ trương “Thoát Trung”, đề nghị hãy vận động mạnh mẽ cho xu hướng “Khuynh Tây”.

“Khuynh Tây” để tiếp thu sâu sắc những giá trị cơ bản của nhân loại tiến bộ, trong đó có dân chủ, nhân quyền.

“Khuynh Tây” để có nền giáo dục đào tạo nên những con người tài năng có tinh thần độc lập, ý chí sáng tạo, bản lãnh tự chủ.

“Khuynh Tây” để có nền hành chính phục vụ nhân dân đắc lực.

“Khuynh Tây” để nhanh chóng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

“Khuynh Tây” sẽ mặc nhiên đạt được mục tiêu “Thoát Trung”. Do “Khuynh Tây” mà ta thấy đấy, giới trẻ đã mặc nhiên “Thoát Trung” trong lĩnh vực ca vũ nhạc một cách ngoạn mục. Họ sống rất mạnh mẽ sôi động với những pop ballad, jaz, heavy metal, hip hop, dance sport, break dance… chứ còn ai chịu “hái chè bắt bướm” với “Lương Sơn Bá, Trúc Anh Đài” nữa đâu.

Niềm trông đợi rất tha thiết của “Khuynh Tây” trước mắt là để nhanh chóng thiết lập được Liên Minh Việt Mỹ đặng giữ lấy Biển Đông và tạo cơ hội đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa.

Trước tình hình một bộ phận trong giới lãnh đạo vẫn chủ trương tiếp tục coi Trung Quốc là bạn “4 tốt” “16 chữ vàng”, Mỹ là kẻ thù truyền thống; trước những nghi vấn xã hội: liệu Hoa Kỳ có thực tâm muốn liên minh với ta không, cần tổ chức nhiều cuộc Hội thảo, Tọa đàm nhằm giải quyết những vấn đề tư tưởng ấy. Từ đấy tạo sức ép để lãnh đạo phải từ bỏ ý đồ “ỷ Trung bảo toàn Đảng”, để vì dân vì nước mà “Khuynh Tây” và chủ động nỗ lực thiết lập liên minh với Hoa Kỳ.

Hà Nội 20 tháng 8 năm 2014

N.T.G

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn