Có nên làm thêm sân bay nữa ở Quảng Ninh?

Đình Kính

Chiều 29 tháng 7 năm 2014, trong buổi làm việc với Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng tuyên bố: Trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, Chính phủ hết sức quan tâm, mong muốn lắng nghe được nhiều ý kiến tư vấn phản biện từ xã hội, các nhà khoa học, giới trí thức trên tinh thần dân chủ, khách quan, khoa học. Chính phủ cho rằng phản biện khoa học, tranh luận, thảo luận dân chủ là những cách thức để đi đến chân lý, là cơ sở cho những quyết sách khoa học và đúng đắn.

Ở đây không bàn đến việc giữa lời nói và việc làm của các nhà cầm quyền Việt Nam có vênh nhau hay không, mà trên tinh thần ông Thủ tướng vừa tuyên bố, là một công dân, người viết bài này xin có ý kiến nhỏ bắt đầu từ quyết định khác của ông Thủ tướng.

Tin các báo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa đồng ý triển khai thực hiện Dự án xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh tại huyện Vân Đồn, với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Cảng hàng không này sẽ có sân bay quốc tế tiêu chuẩn 4E, công suất 5 triệu hành khách/năm.

Thường thì, nghe tin sắp xây dựng một công trình nào đó cho đất nước, đáng ra phải vui, nhưng không phải vậy.

Nước ta diện tích không lớn, lại chia ra đến 64 tỉnh thành, nên diện tích mỗi tỉnh càng nhỏ. Từ thủ phủ tỉnh này đến thủ phủ tỉnh kia, chỉ trên dưới có 100 cây số, vậy cớ gì phải xây dựng lắm sân bay thế, cớ gì cứ mỗi tỉnh phải có một sân bay? Nhiều sân bay đang đắp chiếu, vì không có khách. Vậy mà Chính phủ lại tiếp tục cho xây dựng thêm một sân bay nữa tại Quảng Ninh. Tiền dân đâu phải lá tre!

Khít vách Quảng Ninh, đã có sân bay Cát Bi của Hải Phòng. Sân bay Cát Bi cách trung tâm Quảng Ninh chỉ 60 cây số. Với các nước tiên tiến, phát triển ở châu Âu và Bắc Mỹ, từ nhà ở đến chỗ làm, cách nhau 60 cây số, thậm chí 80 cây, hoặc một trăm cây là chuyện thường. Vậy với một khoảng cách ngắn đó, có nên thêm một sân bay nữa không?

Để tiện phục vụ người nước ngoại đến làm ăn, tham quan và du lịch ở Quảng Ninh, tôi đề nghị như sau. Một, dùng một phần số tiền hơn 5000 tỷ để xây dựng sân bay ở Quảng Ninh (mà tôi chắc là sẽ đội lên rất nhiều trong quá trình xây dựng, nước ta vốn thế) để nâng cấp sân bay Cát Bi, mở nhiều đường bay quốc tế. Hai, mở rộng, nâng cấp đường từ Hải Phòng đến Quảng Ninh. Ba, nhằm tạo dựng thương hiệu vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên của thế giới, và thu hút khách, đổi tên sân bay Cát Bi thành sân bay Hạ Long. Tin rằng, với cách làm đó, với tư duy tất cả vì cái chung đó, khách quốc tế sẽ đổ xuống sân bay Hạ Long ( tức Cát Bi ) ngày mỗi đông. Từ Hải Phòng có đường bộ, đường sông, đường biển đi Quảng Ninh rất tiện.

Đương nhiên, nghe tin ấy, Quảng Ninh và Hải Phong, với tư duy manh mún và cục bộ rất khó chấp thuận. Nhưng thực ra, không tỉnh nào mất gì cả, thậm chí Hải Phòng có lợi, Quảng Ninh có lợi và quan trọng hơn, đất nước có lợi. Trong quảng cáo về lịch sử sân bay Hạ Long, sẽ không quên ghi rằng sân bay này vốn có tên là Cát Bi và trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây quân dân Hải Phòng đã từng ghi nhiều chiến công oanh liệt, phá hủy nhiều máy bay giặc Pháp, góp phần vào chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ.

Quá khứ sẽ không nói lên điều gì nếu hiện tại và tương lai không nói lên điều gì!

Sau giải phóng miền Nam, với sự kiêu ngạo của kẻ chiến thắng và với một tầm nhìn ngắn, tư duy cò con, đất đai quanh sân bay Tân Sơn Nhất được cắt lô, chia cho cán bộ, bộ đôi làm nhà, đến nỗi phố len cả vào sân bay nên bây giờ muốn nâng cấp, mở rộng là điều không thể, đành nghĩ đến việc xây dựng sân bay Long Thành (dự kiến những 5 tỷ đô la). Và nữa, vì những lý do A, B, C (có trời biết), người ta lại định xây dựng một sân bay quốc tế tại vùng đồng chua heo hút Tiên Lãng, Hải Phòng… Nhắc lại như vậy để thấy rằng, chữ ký của lãnh đạo càng nhẹ, hậu quả của nó đè lên đôi vai gầy của người dân càng nặng .

Đ. K.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn