Kẻ bức tử Hồ Tây

1. Hà Nội là thành phố của những con hồ, dường như phường nào, phố nào, quận nào cũng dính dáng đến ao hồ, sông nước. Hồ là bản sắc của Hà Nội. Đến Hà Nội mà không đi dạo hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây là coi như chưa đến Hà Nội, cũng như đến Paris mà không biết sông Xen thì coi như chưa đến Paris. Hà Nội là thành phố của ao hồ nhưng mẹ của các con hồ Hà Nội lại chính là Hồ Tây. Không chỉ vì rộng nhất đẹp nhất mà vì nó chính là một phần của lịch sử, văn hóa của Hà Nội, của Việt Nam. Hơn cả một địa chỉ văn hóa, Hồ Tây là một thứ quốc hồn quốc túy của Thăng Long Đông Đô Hà Nội. Hồ Tây là long mạch, là tử huyệt của Hà Nội. Ấy vậy mà sau giải phóng thủ đô, đặc biệt là sau đổi mới người ta đua nhau dùng bất kỳ thứ phế thải nào đổ xuống hồ, lấn chiếm, lấp cạn long mạch. Người ta đang bức tử Hồ Tây, và việc bức tử ấy cho đến ngày hôm nay vẫn tiếp tục trước sự vô cảm của mọi người từ anh thứ dân cho đến các vị lãnh đạo hàng đầu của thành phố.

2. Hồ Tây không phải là ví dụ duy nhất về cung cách quản lý XHCN. Sự xâm hại, bức tử các di sản văn hóa đã trở thành một căn bệnh phổ biến từ sau hòa bình lập lại, nhất là ở bắc miền Trung, sau cải cách ruộng đất người ta đã đập phá vô tội vạ các đình chùa, miếu mạo hoặc dùng chúng làm nhà kho chứa phân bón, thuốc trừ sâu. Còn ngay cạnh Hồ Tây, mới đây thôi, cầu Long Biên, một tháp Ép phen nằm ngang suýt bị xử trảm, biến thành đồ đồng nát. Rất may là Tổng thống Pháp đã phải ra tay can thiệp, tháp Ép phen nằm ngang mới tránh được thảm họa. Vụ nóng bỏng nhất là vụ Thương xá Tax. Tax được đánh giả là một công trình thương mại lâu đời lớn nhất và đẹp nhất Sài Gòn. Cùng với nhà thờ Đức Bà, nhà Bưu điện, chợ Bến thành, trụ sở UBND thành phố, Tax chính là hồn cốt của Sài Gòn. Mất Tax, tức là mất một phần bản sắc Sài Gòn mà không bao giờ có thể tìm lại được. Ấy vậy mà chỉ vài hôm nữa thôi, người ta sẽ đập nó thế vào một cao ốc 40 tầng mới toanh, hiện đại. Sau thương xá Tax sẽ đến lượt di sản nào đây?

3. Việc bức tử Hồ Tây, ý định biến tháp Ép phen nằm ngang thành đồ đồng nát, việc phá bỏ thương xá Tax diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, ai cũng thấy, ai cũng biết mà không ai ngăn chặn được? Vậy ai chịu trách nhiệm? Câu trả lời rất đơn giản: Kẻ được hưởng lợi từ việc bức tử Hồ Tây. Quyền lợi là một thứ ma túy. Ngay cả loài vật cũng rất “mê” quyền lợi. Loài chó sói đánh dấu lãnh địa của mình bằng nước đái. Nếu con sói nào xâm phạm lãnh địa mà sói đã đánh dấu, lập tức một cuộc huyết chiến sẽ nổ ra. Tương tự như vậy, không có tấc đất nào ở thành phố này không có chủ. Khi Ủy ban nhân dân phường Quảng An và phường Nhật Tân nói rằng họ không biết, không quản lý một vùng mặt nước nào đó của Hồ Tây thì có nghĩa là ai đó có quyền to hơn họ quản lý và đương nhiên các nhà quản lý đó được hưởng lợi từ việc kinh doanh nhà hàng khách sạn hay việc phóng uế thẳng xuống Hồ Tây.

Một khi không có một cơ chế đa nguyên để giám sát quyền lực, một khi chế độ độc đảng còn tồn tại thì không chỉ Hồ Tây, thương xá Tax bị bức tử, mà số phận của các công trình văn hóa nói chung, còn bị đe dọa.

Bauxite Việt Nam

Hà Nội: Ngăn ao, lập đảo băm nát hồ Tây để thu lợi

(Dân trí) - Lòng Hồ Tây đang bị nhóm người ngang nhiên chiếm dụng để mở nhà hàng kinh doanh trái phép đe dọa nghiêm trọng đối với vấn đề vệ sinh nguồn nước.

Lê Tú

Một thời gian dài gần đây, nhiều người dân sinh sống quanh khu vực Hồ Tây phản ánh việc nhiều nhà hàng ngang nhiên mọc lên tiến hành kinh doanh ăn uống, dịch vụ ở Hồ Tây mà không hề có sự đồng ý của các cấp chính quyền. Các nhà hàng này đang là hiểm họa giết chết môi trường trong lành của nguồn nước Hồ Tây.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, tuyến đường kè vòng quanh Hồ Tây có chiều dài gần 20km. Theo đó, diện tích lòng hồ sẽ được “bảo vệ” tuyệt đối bằng hệ thống đường kè.

Tuy nhiên, hiện tại phía bên trong lòng hồ vẫn còn bị chia cắt bởi những “chiếc ao nhỏ” do các đường bê tông chia cắt tạo thành. Chính trong các khu vực này hiện đang mọc lên các quán cà phê, nhà hàng hải sản, hoạt động tấp nập cả ngày lẫn đêm.

clip_image001
Nhà hàng chưng biển kinh doanh trái phép ở Hồ Tây

Tại khu vực Hồ Tây thuộc địa bàn phường Quảng An, một nhà hàng trưng biển to đùng với cái tên “thủy sản đảo sen” dựng hàng loạt các lều lán bằng gỗ để kinh doanh, chiếm gọn hẳn một vùng.

clip_image002
Những nhà hàng này đang đe dọa vệ sinh nguồn nước ở Hồ Tây

Đi vào tận bên trong khu vực kinh doanh của nhà hàng, theo ghi nhận của phóng viên, khu nhà vệ sinh dành cho khách đến nhà hàng đặt ngay trên một chiếc thuyền tôn được thiết kế trông như một ngôi nhà nhỏ giữa hồ. Khu nấu ăn của nhà hàng cũng ở trên chiếc thuyền tôn này. Một đường ống dẫn nước thải từ chiếc thuyền này đâm thẳng xuống Hồ Tây.

clip_image003

clip_image004
Cả một con đường bờ kè trong lòng Hồ Tây bằng bê tông bị chiếm dụng để mở quán kinh doanh

Ở khu vực Hồ Tây đang bị “xà xẻo” này, nhiều năm trước, một số người có ý định trục lợi đã xây một chiếc lầu bát giác rộng gần trăm mét vuông giữa hồ sen trước đình Quảng An, nằm liền kề khách sạn Công đoàn Quảng An. Nền móng bê tông cốt thép đã thành hình. Một chiếc cầu bán nguyệt đã được nối từ bờ hồ ra giữa ao sen.

Được biết, chính quyền phường Quảng An đã kịp thời ngăn chặn dự án dịch vụ giải trí hồ này lại, nhưng không hiểu vì lý do gì mà cho đến nay những tấm bê tông trơ lõi sắt vẫn nằm “trơ gan” chưa được cho tháo bỏ trả lại không gian phẳng lặng cho Hồ Tây.

Bên cạnh nhà hàng thủy sản này, một quán cà phê tồn tại hàng chục năm giữa con đường đất được kè kiên cố bằng bê-tông, hai bên mép đã chia cắt Hồ Tây ở khúc này thành một chiếc "ao" nhỏ khác để mặc sức kinh doanh.

Một người dân sống ở khu vực này cho biết, trước đây chiếc “ao” này có tên là hồ Cá Đẻ - được nối thông với Hồ Tây bằng cửa cống rộng. Thế nhưng, đến nay bờ đất dọc theo quán cà phê này đã tách một phần Hồ Tây thành một chiếc… ao con.

Chính quyền phường Quảng An cho phóng viên hay rằng, những nhà hàng này đều không có phép để kinh doanh, tồn tại đã nhiều năm nhưng không hiểu vì lý do gì vẫn không bị dẹp bỏ.

clip_image005
Nhà hàng "xà xẻo" Hồ Tây ở khu vực phường Nhật Tân chưa hề có giấy phép

clip_image006
Nhà hàng này nằm trong khu dự án cấp thoát nước giai đoạn 2 của thành phố Hà Nội

Chưa dừng lại ở đó, tại địa bàn phường Nhật Tân, vừa mới đây lại nổi lên một khu ăn uống vui chơi với cái tên nhà hàng Hải Long. Chủ của khu kinh doanh này cũng trưng biển to, dựng nhiều nhà gỗ cỡ lớn “băm nát” lòng hồ để kinh doanh mà không hề có giấy phép.

Lãnh đạo phường Nhật Tân khẳng định chưa hề nhận được bất cứ giấy phép nào của khu kinh doanh mới nổi này ở Hồ Tây và cũng thường xuyên kiểm tra khu vực kinh doanh này. “Nhà hàng này nằm trong khu vực được thành phố Hà Nội giao cho Công ty Phú Điền làm cấp thoát nước giai đoạn 2 nên phường không quản lý”, lãnh đạo phường Nhật Tân cho biết.

Hồ Tây vốn là nét văn hóa của Hà Nội, là không gian cộng đồng chung nhưng lại bị một nhóm người “xà xẻo” để thu lợi. Không những thế, ai đảm bảo những nhà không phép kia không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước của Hồ Tây.

L. T

Nguồn: dantri.com.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn