LAI RAI THẬT VÀ GIẢ, NÓI VÀ LÀM

Phạm Ngọc Luật

Chuyện này có lẽ phải viết kiểu lai rai, viết đến đâu thì viết, dừng ở đâu thì dừng. Viết mà chả biết nó ngắn dài thế nào vì sự thực nó quá nhiều nên phải tìm đến cái “bút pháp lai rai”, viết tựa như hởi thở, như ăn uống, như tiêu hóa, vệ sinh… diễn ra hàng ngày hàng giờ với cả đời người, với bất cứ ai.

Chuyện gì vậy. Chuyện thật và giả, nói và làm thời nay ấy mà. Nhiều lắm. Nhiều khủng khiếp. Nhiều đến mức thật hư dễ lẫn lộn kiểu “Lộng giả thành chân”, có khi giật mình như đã thành miễn dịch với xã hội. Vậy nên vừa tự răn vừa khuyên nhủ ai đó: Dám nhìn cái xấu để sửa mình hay là tự sướng đề ru ngủ mình đó là tùy theo cách nhìn của mỗi công dân, mỗi chế độ, mỗi chính quyền… có trách nhiệm với quốc gia, dân tộc.

Ông Hoàng Tùng, một thời là quan to, lúc to nhất lúc to nhì, nắm tư tưởng và báo chí. Mấy năm trước khi qua đời, ông nói trên báo Gia đình và Xã hội: “Không đau xót tôi không còn là đảng viên… Nói mãi về đạo đức, ngày nào chả nói về đạo đức nhưng đạo đức vẫn hỏng… Tôi có nói, muốn biết một chế độ cai trị tốt hay không thì hãy xem nhà tù nhiều hay ít. Một xã hội tốt, cai trị tốt thì người ta ít phạm tội. Bây giờ xã hội giầu hơn trước kia rất nhiều, ít thiếu đói mà tại sao tai họa lại nghịch chiều, con người xấu lại cứ phát triển. Bảo tại kinh tế thị trường, nhưng kinh tế thị trường có từ lâu rồi cơ mà, có phải cứ có kinh tế thị trường thì đẻ ra tội ác đâu… Con người xấu hay tốt là do hoàn cảnh sống, do giáo dục mà nên”. Cùng cỡ, cùng chất quan đầu ngành văn hóa tư tưởng như ông Tùng, ông Nguyễn Khoa Điềm than thở và bức xúc không kém về sự suy thoái đạo đức xã hội, về những cách bức, ác cảm giữa nhân dân với các cơ quan công quyền. Hậu duệ của ông Tùng, ông Điềm đang ở ngay Ban Tuyên huấn ấy, ông Phó trưởng ban Vũ Ngọc Hoàng trong Hội thảo 45 thực hiện Di chúc của Bác đã ngậm ngùi, bi phẫn, than rằng: Thanh niên giờ không muốn vào Đảng; xưa gọi “đồng chí” là thân thiết, giờ gọi thế là cáu nhau; có Bác có Đảng anh minh vĩ đại thế mà sao dân vẫn bất an, khốn khó; và đặc biệt ông so sánh 40-50 năm trước nước ta và Hàn Quốc phát triển ngang nhau, giờ thì 9 vạn người mình sang đó làm ôsin, còn cũng 9 vạn người họ sang mình làm sếp. Những điều các ông nói đều quá đúng. Nhân dân nói còn đúng và hay hơn kia. Chỉ hiềm là tiếng nói của họ như rơi vào không trung. Buồn là ở nước mình, các vị có chức sắc thi nhau nói, nói như một “đặc sản”, còn làm là chuyện của ải ai. Vạch tội kiểu phiếm chỉ thì mãi mãi chỉ có cái “chúng ta” mà không có cái “tôi” nào.

Ngày trước nói nhân dân theo Đảng làm cách mạng là cách nói nôm na và thật. Bây giờ có còn nói “theo” vậy được không khi mà giờ này thật khó để chỉ ra nhân dân học được những cái gì từ người lãnh đạo mình là Đảng. Nhân dân không tham nhũng như người trong Đảng. Nhân dân càng không bao giờ bán nước, phản bội dân tộc, Tổ quốc mình. Còn Đảng, còn chính quyền, còn chế độ thì lịch sử xa và lịch sử gần đã và đang ghi lại. Đấy, thực - hư, thật - giả có cái mập mờ, có cái minh định sáng trưng như thế.

Năm ngoái, khi đưa mấy người họ hàng ở quê vào Lăng viếng Bác Hồ, sau hôm đó, trong lòng tôi cứ nhói lên một mong muốn, sau 45 năm rồi, giờ hãy nhanh chóng đưa Bác trở về yên nghỉ đúng với mong muốn của Bác trong Di chúc là đốt xác, đưa tro cốt về ba miền Bắc - Trung - Nam đặt dưới ngôi mộ giản dị để nhân dân đến viếng. Về y học thì tôi chẳng biết gì (chỉ nghe người ta phân tích và nhìn Bác trong tủ kính mà… đoán thôi). Về kinh tế thì giữ gìn, trông coi Bác như thế chắc tốn khá nhiều tiền (nước ta lại đang còn nghèo). Tiền bỏ vào đó mà giành cho y tế, giáo dục, đặc biệt cho người nghèo thì chắc Bác phải vùng dậy mà khen, dẫu có chậm còn hơn là không. Về văn hóa tâm linh thì lòng tôi thật không yên. Ai cũng vậy thôi các bậc sinh thành ra mình mong dặn điều gì trước lúc nhắm mắt xuôi tay mà mình không làm được, không làm đúng, cả đời mình ân hận chứ! Mồ mả không yên, nâng lên đặt xuống, bảo dưỡng thì bất ổn lắm. Mong ước của Bác là thật. Đấy là tầm cỡ của một bậc minh triết - hiền nhân. Làm được thật như Bác mong (Di chúc) tôi tin rằng nhân dân sẽ đồng tình ủng hộ. Tôi và nhân dân chỉ bất bình như hồi vừa đây có nhóm Pháp luân công nào đó mang búa đến đập phá Lăng Bác. Đừng ngụy biện gì cả, cứ tin đi, nhân dân mình thánh thiện lắm. Không cần ai tổ chức, bầy đặt, họ vẫn tự tôn thờ vô cùng thiêng liêng và trân trọng các bậc vĩ nhân ở trong lòng họ, chứ có cần lăng tẩm gì đâu. Đám tang cụ Giáp và phần mộ cụ ở rất xa Thủ đô nói cho điều gì nếu không phải là sự kính trọng và tôn thờ của nhân dân. Nghi thức hay lòng dân? Chuyện Di chúc của Bác là thế. Và thực tế là thế… Đừng nên giải mã lòng vòng gì hết. Còn bao nhiêu những câu nói của Bác về đạo đức, đặc biệt về tự do, dân chủ, pháp luật, pháp quyền vv… hay và đúng hơn cả chân lý, nhưng người ta chỉ phát động “học” thôi chứ “hành” thì không thích. Người ta là ai? Đương nhiên là cán bộ đảng viên càng to càng thế, vì ông A, bà B và nhóm lợi ích của ông bà làm như Bác thì ăn gì, tất nhiên cũng ăn nhưng không được thỏa thích. Mượn Bác để làm nhiều trò ma mãnh, đấy cũng là câu chuyện thực - hư, thật - giả, nói và làm đấy mà.

Có phải không, đã vài chục năm nay, không có một cuộc họp, hội nghị nào không có một ông bà nào đó từ to đến nhỏ rặt nói một khuôn sáo mòn: Biểu dương, đánh giá cao, địa phương (hoặc ban, ngành) có truyền thống lịch sử, có tiềm năng, đạt nhiều thành tích, có tiến bộ nhất định, có bước phát triển đáng kể… tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số yếu kém, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi đề ra… Thế rồi sau đó, hàng loạt các động từ hành động (có lẽ là nhiều nhất thế giới) được đưa ra theo tinh thần chỉ đạo: tháo gỡ, xúc tiến, mở rộng, phối hợp, cần phải, không được, vào cuộc, xử lý (mà bao giờ cũng là xử lý nghiêm), giám sát, quán triệt, yêu cầu, không được để, chỉ đạo (thì phải sát sao), kiên quyết vv… trong khi đã có bao nhiêu Nghị quyết, chỉ thị, pháp luật, pháp lệnh của Đảng và Nhà nước được ban ra về các lĩnh vực đó. Người dự hội nghị, nghe huấn thị, chỉ đạo, mỗi người một cuốn sổ, một ngòi bút, ghi chép chăm chú có vẻ tập trung lắm rồi lại đầu voi đuôi chuột, nói thì quan điểm lập trường… cứng, làm thì lại quan điểm lập trường… mềm. Nhà văn Văn Biển thuật chuyện “Tìm người phiên dịch giỏi tiếng Việt” (báo Văn nghệ - 2006), chuyện thế này: Chủ tịch tỉnh họp quán triệt bao nhiêu lần mà các ngành bên dưới không thực hiện, cứ như là họ quên hay không hiểu tiếng mẹ đẻ ra họ. Lập tức có người gà, có lẽ phải tìm phiên dịch giỏi tiếng Việt để phiên dịch cho mọi người hiểu lãnh đạo muốn nói gì với họ. Chủ tịch tỉnh liền giao cho viên thư ký tuyển người. Viên thư ký thấy lạ vì tỉnh nhà đâu có chuyên gia nước ngoài. Vị này liền giải thích cho Chủ tịch tỉnh là: Tất cả đều hiểu tiếng Việt mình cả thôi. Chẳng qua lâu nay họ có thói quen nghe cấp trên nói, họ nghe như thuộc nằm lòng, nhưng còn chuyện làm ăn thì họ lại thích làm theo kiểu con cái các vị ấy, hoặc bản thân các vị ấy. Câu chuyện văn nghệ này nằm trong số vô vàn những chuyện vui ở nước ta nói cho cái điều chí lý như trong câu nói của nhà bác học vật lý nguyên tử người Bỉ, Nis Bo rằng “Có những điều rất nghiêm chỉnh mà không tìm được cách gì diễn đạt đắc dụng hơn là một cách diễn đạt khôi hài”. Khôi hài là cái vỏ để cười cho sự xót đắng bên trong về thật - giả. Có cười và đắng đót không thì nghe hai cụ già nói chuyện: “- Ở nước mình nhiều thứ lên nhanh xuống chậm cụ ạ. - Xin cụ cho ví dụ - Quan chức và xăng dầu và điện… he he - Ở tuổi mình mà được thế thì khoái cụ nhỉ? - Thì vưỡn…”.. Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc có một câu chí lý là “Tư duy nhiệm kỳ”, là: “đừng để sau mỗi lần sửa chữa sai lầm lại ngộ nhận đó là đổi mới”. Chí lý vì nó thật quá. Nhà thơ Trần Nhương cũng rất thật nhưng bằng những câu thơ khôi hài “Chức tước như mỳ ăn liền. Nhiệm kỳ tranh thủ móc tiền, rồi bai” “Thời gian thấm thoát thoi đưa. Hứa suông đôi bận cũng vừa về hưu”. Thế là bỗng làm tôi nhớ đến câu hát nhại lời một bài hát về Hà Nội: “Hà Nội mùa này nước thiếu hơn bia” để nói cho cái sự chỉ trong mấy tháng mà có đến 9 lần vỡ đường ống cấp nước từ sông Đà cho mấy quận Hà Nội. Kinh thật, mùa hè mà hàng nghìn hộ dân, cả chung cư cao tầng không có nước dùng tuần này tuần khác. Nước cấp thì vậy, còn nước thoát, lại có câu ca: “Hà Nội mùa này phố biến thành sông” mà nhìn ảnh chụp mới thấy ghê. Cứ mưa chỉ vừa vừa là ngập tứ tung. Gần 6 năm rồi, sau cái trận lũ lụt kinh hoàng cuối năm 2008, thành phố hứa hẹn đầu tư bao nhiêu tiền cho giai đoạn 1, 2, 3 làm hồ, làm cống để giải quyết triệt để úng ngập nội thành. Cứ nói, cứ hứa (họ Hứa)… Có gì thì lại giải trình với thanh tra vào cuộc, mà vào rất lâu. Vào càng lâu càng dễ đi đêm với nhau. Tư duy nhiệm kỳ. Sợ gì! Khi tổng kết ngành, địa phương lại: môi trường được cải thiện đáng kể; Đời sống mọi mặt của nhân dân được nâng lên một bước. Cứ chung chung với những từ ngữ mỹ miều, không định tính và định lượng cụ thể thì thực và hư, thật và giả, nói và làm lại đèn cù, quay đến lần sau, y thế.

Hà Nội, vẫn là Hà Nội, mà chả riêng Hà Nội, vài năm trước đã cùng Bộ Văn hóa rộn nóng lên quy định cưới hỏi theo nếp sống mới cho văn minh, tiết kiệm. Trước hết cho các gia đình cán bộ, viên chức, đảng viên. Đại loại là chỉ được tổ chức ở nhà hàng, khách sạn loại nào, hạn chế bao nhiêu mâm (nhưng không thấy đưa ra mâm ngồi mấy người, mâm bao nhiêu tiền vv…). Lúc đầu nêu lên, nghe xôm trò, tân tiến lắm. Đến giờ thì tất cả về “mo”, lại còn kém hơn “mo”. Trên cả nước, ma chay cưới xin bây giờ là nỗi kinh hoàng cho những gia đình nghèo, ít tiền (mà số này là phổ biến) bị lao vào kiểu “Cuốn theo chiều gió”. Còn các vị càng làm to thì đây là dịp cho các mối quan hệ “tỏ thái độ”. Những câu nói thật, nôm na như thế này, người lãnh đạo có tư chất biết làm văn hóa sẽ phải suy nghĩ, đó là: Làm văn hóa đâu phải chỉ là cờ - đèn - kèn - trống, vẽ - cắt - gián - treo với bưng - bê - kê - đặt. Không cứ mãi bàn về ngắn, hở, lộ hàng, xuyên thấu, nhép, rồi mại dâm, giấy phép, hồ sơ xin công nhận di tích vv… mà rất ít bàn luận thấu đáo về lối sống. Từ chỗ phá bỏ đình chùa miếu mạo cho là nơi thờ cúng mê tín đến chỗ một năm cả nước có khoảng 8000 lễ hội thì văn hóa lại thụt lùi vì ở đó kinh doanh thu tiền là mục đích tối thượng. Văn hóa ứng xử con người với con người, con người với môi trường mới là cốt lõi thì lại làm qua loa, hời hợt để đến giờ đạo đức xã hội xuống cấp ngày càng trầm trọng, thống trị trên hết là đồng tiền. Văn hóa nước ta chỉ quen (hoặc chỉ thích) với văn hóa sân khấu, văn hóa diễn xướng, văn hóa sắc màu, đặc biệt là vô thiên lủng các cuộc thi. Cái văn hóa đó, người lao động, đặc biệt công nhân và nông dân, liệu có được 0,5% có tiền vài trăm, vài triệu mua vé vào xem? Vai trò nhân dân lao động vẫn chỉ được tôn vinh trên đầu lưỡi. Thực - hư, thật - giả, nói và làm cứ bề bề ra đó các vị ơi! Nhìn thấy người Nhật hành xử mà thèm. Miễn dịch với xấu hổ thì không còn gì là văn hóa nữa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói: “chi 1 USD cho công tác tư tưởng, bằng 10 USD cho quốc phòng”. Còn tôi, tôi lại nghĩ chi 1 USD cho văn hóa thì… vì tôi nghĩ văn hóa mới là điều cơ bản lớn lao bao trùm lên hết thảy. Văn hóa, nhân văn là chuyện của muôn đời, còn tư tưởng là chuyện của thịnh - suy, mất - còn theo thể chế

Nếu có được những nghị quyết, chỉ thị của cấp to nhất nước như Quốc hội, Bộ Chính trị về những vấn đề rất cụ thể, sát sườn như ma chay, cưới xin, ma túy, đặc biệt là nỗi lo ngay ngáy về chất độc hại từ đồ ăn, đồ uống hàng ngày hàng giờ vào miệng người dân thì thực tế biết bao hơn là cứ hô hào kiểu khẩu hiệu kiểu lộng ngữ chung chung như “Tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc; Đạo đức cách mạng; Con người mới XHCN; Vì sự phát triển thể chất và tâm hồn Việt; Quận Ba Đình thân thiện với khách bốn phương; Tỉnh A; Tỉnh B kính chào quý khách vv… Khẩu hiệu là một dạng nói mang tính hô hào, biểu thị khí phách, quanh năm suốt tháng treo đầy đường. Nhà thơ, dịch giả Thái Bá Tân nói bằng thơ, nghe có vẻ cực đoan nhưng tinh thần của nó thì thật đáng để suy nghĩ: “Nước mà nhiều khẩu hiệu. Là nước chẳng có gì”. Thực tình mà nói, dân họ không nghĩ và làm từ khẩu hiệu đâu. Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân là quá hay, quá đúng, trụ sở công an nào chả treo trang trọng trên tường nhưng quan hệ giữa dân với công an, công an với dân có phải càng ngày càng lạnh nhạt và ác cảm. Hơn thế nữa, tôi đã nghe rất nhiều người bày tỏ nỗi đau xót nhất trong những đau xót, nỗi uất hận nhất trong những uất hận là, ngày càng nhiều vụ việc người dân bị chết thảm thương vì bức cung tra tấn trong đồn công an… Chỉ một lần của tháng 4 vừa rồi, nghe rồi nhìn những vết thương trên người anh Ngô Thanh Kiều bị đánh chết ở trong đồn Công an Phú Yên mà tôi đã lưng lựng khóc thật lâu. Buồn lắm. Buồn vì nhiều cái chết kiểu này quá. Vụ nọ chưa qua, vụ kia đã đến. Mà công an điều tra công an thì lâu lắm. Buồn vì người thực thi pháp luật. Buồn cho nhân tình thế thái. Cũng từ con em lao động lương thiện mà ra, bồi dưỡng giáo dục thế nào mà giờ họ khác thế? Đảng của tôi ơi, xin Đảng vì dân mà xem lại mối quan hệ này. Và Bác Hồ kính mến ơi, Bác nói về tự do, dân chủ, về đạo đức mọi thứ đều quá đúng quá hay, cụ thể, nôm na, dễ hiểu, nhưng còn ai làm và làm như thế nào thì câu chuyện không còn nằm trong tay Bác nữa. Sự trì trệ, tụt hậu hay dân tộc bật lên được để có phúc đức, tương lai, cũng nằm cả ở câu chuyện thực - hư, thật - giả, nói và làm kiểu thế này.

Không bi quan. Nhưng mà buồn. Buồn nhất là cứ toàn thực - hư, thật - giả giữa người mình, nước mình với nhau. Lãnh đạo Trung Quốc họ giả dối đã là bệnh kinh niên mãn tính lâu rồi. Bạn cũng đểu mà đồng chí lại càng đểu. Có những tính từ nào xấu nhất giành cho họ đều đúng cả. Ta cứ thật lòng tin dân, đặt Tổ quốc và dân tộc trên hết thì không sợ gì đâu các ông, các bà ạ. Cứ nghĩ mà xem, người dân yêu nước muốn tỏ thái độ phản đối Trung Quốc bành trướng, ngang ngược trên đất liền, ngoài biển đảo thì làm thế nào nhỉ? Tự nguyện hay phát động ủng hộ biển đảo thì dân ủng hộ nhiệt tình. Xung phong đi bộ đội hay thanh niên xung phong thì giờ này chưa cần đến. Giữ kín trong lòng thì ai biết được và kẻ thù nào sợ, và sao gọi là đoàn kết để thành sức mạnh? Chỉ còn cách hội họp hoặc xuống đường giương khẩu hiệu, hô khẩu hiệu một cách ôn hòa thì bị quy kết là gây rối trật tự an ninh và kẻ thù xúi giục với lợi dụng. Chả nhẽ chỉ mãi ngồi vỉa hè, bàn nhậu, quán nước, vườn hoa… mà nói đủ điều về lãnh đạo, về chế độ, về xã hội thì đã hay gì? Chỉ như xả súp-páp thôi. Mà bọn phản động nào xúi giục, lợi dụng, kích động nhỉ? Bọn đó tên tuổi là gì, ai cầm đầu, tổ chức hoạt động ở đâu, phải bắt để trị tội chết thôi. Còn nếu nhiều bọn phản động thế, nhiều thế lực thù địch thế mà công an lớn mạnh thế, đông đảo thế, nhiều tướng tá thế mà không điều tra bắt được thì phải xem lại năng lực chứ! Thành thử trong nước mình mà cứ mờ ảo, nghi hoặc, thật giả chả biết thế nào mà lần. Suốt 25, 26 năm im hơi lặng tiếng như không có chuyện gì xẩy ra, bỗng dưng một ngày cuối tháng 7-2014, trên tivi vang vọng, du dương cả một trời nóng hót với những chữ sơn son thiếp vàng về 64 chiến sĩ hải quân hy sinh ở Gạc Ma - Trường Sa vì quân Trung Quốc. Nhìn cảnh dựng lại súng đạn nổ với mấy cụ già (chưa chết) ôm di ảnh con, ôm mộ con, mà thấy thật bi hài. Mà khởi xướng việc tri ân các liệt sĩ này, tố cáo Trung Quốc chiếm đảo lại là những người tiêu biểu hôm qua họ xuống đường đấy chứ! Họ chỉ có mỗi tội là tiên phong đi trước. Tội thật, tội tầy đình thuộc về nhóm thế lực, nhóm lợi ích đi đêm với Trung Quốc, thần phục Trung Quốc. Còn những người làm phim, làm truyền hình hôm nay hào sảng và bi phẫn kia, xét ra họ cũng chỉ là một quân cờ trên bàn cờ lợi ích. Còn hàng nghìn chiến sĩ hy sinh trên biên giới Bắc, xin gia đình các anh cứ chờ đến hồi sau khi bề trên và thiên triều… gật. Vậy nên, đáng nhẽ lòng yêu nước cần phải được tôn vinh, đề cao hơn hết thảy thì nhà thơ Thành Thảo lại phải viết câu thơ quá đắng đót: “Yêu Tổ quốc chỉ còn nghe ú ớ”. Và vẫn biết, công an mình có rất nhiều thành tích chống tội phạm, hình sự, kinh tế vv… nhưng thành tích của công an, ngay đằng sau đó là một điều gì thật buồn cho xã hội. Chả khác gì ý ông Hoàng Tùng như ở trên đã nói về nhà tù và chế độ. Hồi trước là vụ Năm Cam. Gần đây là vụ Minh “sâm”. Câu hỏi, hàng chục năm qua, bọn họ hoạt động “hoành tráng” vậy, công an ở đâu, có biết không? Câu hỏi cũng là câu trả lời. Nếu tội phạm và chính quyền dựa vào nhau thì nhân dân đúng nghĩa là con sâu cái kiến. Xã hội đen khủng khiếp quá. Nhiều quá. Đã lộ và chưa lộ. Chưa cho lộ. Công an lớn mạnh và đông đảo thế cơ mà? Câu hỏi - Trời ơi buồn nẫu.

Không biết có phải vì “lai rai” trong tháng cô hồn hay không mà tuy không chọn, tôi vẫn cứ ngoái nhớ nhiều đến những người đã mất. Sau Bác Hồ, là cụ Giáp. Giờ tôi lại nghĩ đến ông Kiệt, Võ Văn Kiệt. Ông nói giải phóng miền Nam, thống nhất nhất nước nếu có một triệu người vui thì cũng có một triệu người buồn. Ông đau đớn, xót xa chiến tranh đã đi qua mấy chục năm rồi mà vẫn chưa giải quyết được vấn đề hòa giải, hòa nhập dân tộc. Người ta mặc sức bàn về những điều ông nói nhưng không ai có thể phủ nhận được ông là một người cộng sản nòi mà cực kỳ vì nước vì dân. Thủ tướng hành động vì dân và Thủ tướng tư duy cho dân như ông cũng là số 1. Khi còn làm việc, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nói: Về bản lĩnh tôi không thể so được với đồng chí Võ Văn Kiệt. Cũng như Bác Hồ, những điều ông nói và ông ông mong rất thực và rất thật đấy, nhưng giờ ai làm và làm như thế nào, lại không còn nằm trong tay ông nữa. Tôi thật không bao giờ quên được thần thái, hình ảnh những năm cuối đời của ông đại tá, nhà văn, Chính ủy Trung đoàn Thủ đô, Giám đốc Nxb Văn học, Hà Minh Tuân, sau cú nã đại bác, đánh hội đồng vào tiểu thuyết Vào đời những năm 60 thế kỷ trước, ông thành người vờ vật, hãi chột, sau thành mất trí, có lúc gia đình phải nhốt sau cửa sắt ở một gian gác thật tối trong ngõ phố Hàng Buồm. Ông nhìn ra ngoài mà không biết là mình nhìn. Mở sổ tang trong đám tang ông ở trụ sở Hội LH VHNT Việt Nam 51 - Trần Hưng Đạo, tôi chú ý tới những lời đánh giá rất cao của ông Vũ Oanh (lúc đó như đang là Ủy viên Bộ Chính trị hay Bí thư Trung ương Đảng) - những lời ca ngợi ca, biểu dương tài năng, đức độ, khí chất cộng sản của nhà văn tai nạn này. Giá ông nghe được trước khi nhắm mắt tắt thở thì hay hơn nhỉ. “Giá như” là niềm mong, có khi là một sám hối vì, thực và hư, thật và giả, nói và làm vẫn vẫn còn là khoảng cách, nhiều khi là khoảng cách vời vợi với đất nước mình. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện lại là một “ca” nông nỗi khác. Ông là người có nhiều “nhà” trong một nhà văn hóa lớn. Tài năng thế nhưng viết lách, in ấn không được trơn tru, cuộc đời không xuôi chèo mát mái do những kiến nghị mạnh bạo của ông gửi Trung ương. Người ta không dám bỏ ông đi nhưng dùng ông thì cũng đầy thận trọng. Tiếc lắm chứ! Hơn 30 năm, từ khi ở Pháp trở về nước, ông đã hoàn thành một khối lượng công việc mà ông Hoàng Tùng nguyên Bí thư Trung ương Đảng đánh giả là “Những di sản đồ sộ”. Nhà nghiên cứu được tiếng là rất “đỏ” Mai Quốc Liên thì gọi đó là một kỳ công của thế kỷ”. Nếu ông không chết thì mọi thứ cứ lằng nhằng thế rồi cũng quen, cứ thế trôi đi. Nhưng rồi già yếu (cắt một lá phổi từ năm hai mấy tuổi), ông cũng phải chết. Em ông, nhà văn Nguyễn Khắc Phê cho biết: “Ngày 16/5/1997, tang lễ tiễn đưa bác sĩ Nguyễn Khắc Viện về nơi yên nghỉ cuối cùng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười đã viết vào sổ tang: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Khắc Viện, người đảng viên Cộng sản giàu nghị lực, một nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng. Đồng chí đã góp phần công lao xứng đáng cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của Tổ quốc và làm hết sức mình cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục của Việt Nam”. Hình như cái gì cũng rất thật nhưng sao cứ thấy ngậm ngùi, tiếc, giá như… Ở đời, chậm trễ quá, sai lầm quá, đặc biệt là chậm trễ và sai lầm liên quan đến vận mệnh con người, đặc biệt là vận mệnh quốc gia, đó là tội lớn. Thế rồi lại lấp ló câu an ủi: Thôi có còn hơn không. Và đang còn vô số cái đang “không” cơ mà! Thật - giả, nói - làm, sao nó cứ biến hóa như xiếc vậy. Nhưng mà, không phải tất cả như vậy đâu. Vẫn có rất nhiều, rất nhiều những nhìn nhận, đánh giá kịp thời và thỏa đáng, tiếc rằng nó chưa có điều kiện để lộ sáng. Chẳng hạn, nhà phê bình văn hóa, văn học Vương Trí Nhàn đã có một câu về ông Tố Hữu: “Lẽ đời là vậy, lúc được được quá cái đáng được, thì lúc mất lại mất quá cái đáng mất”. Chẳng hạn như với nhà thơ Trần Dần - một thời dài ở phía bên kia chiến tuyến với ông Tố Hữu - đã được thi sĩ Trịnh Thanh Sơn tạc họa bằng hai câu thơ xuất thần đúng và hay như không thể đúng và hay hơn thế: “Bao nhiêu năm thân chìm vào bóng. Thân về trời, bóng vẫn ngồi im”. Chẳng hạn vừa đây ông Trần Trọng Tân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa TW qua đời, theo nguyện vọng của ông, gia đình ông đã tặng toàn bộ số tiền phúng viếng 1,2 tỷ đồng vào quỹ từ thiện của thành phố. Một việc làm quá tốt. Chợt nghĩ, các ông có chức quyền to ở nước mình, tiền của có được bao nhiêu thì không biết, nhưng nếu để ủng hộ quê hương hay địa phương nghèo, vùng thiên tai lụt lội hay để xây bệnh viện, trường học thì có bỏ ra vài ba tỉ chắc cũng không khó khăn gì. Nhưng khốn nỗi, bậc lương thì chỉ có thế (lương Thủ tướng hình như cũng chưa được 20 triệu), dù có lòng ưu tư (mà chắc là có các ông, các bà như thế chứ) muốn giúp nhưng lại lăn tăn câu hỏi tiền đó lấy đâu ra? Thành thử ở đây vẫn có chuyện đu đưa thật và giả. Cái cơ chế, hoàn cảnh nó làm cho con người phải giả dối hoặc ít ra là không được sống thật với lòng mình. Và còn nhiều lắm, nhiều lắm những “chẳng hạn” - đó là những phản biện quý hơn vàng của những đầu óc trác việt và tấm lòng tất cả vì dân vì nước, vì dân tộc trên hết.

Đã qua rồi, mấy chục năm sau cải cách ruộng đất, sau Nhân văn Giai phẩm mà tôi vẫn chưa thấy có một văn bản bằng giấy trắng mực đen chính thức nào nói cho rành rõ đúng sai để cho mọi người, đặc biệt là giới viết lách, làm công tác văn hóa - tư tưởng biết mà làm việc cho dễ, chứ cứ làm việc theo kiểu tư duy “nhạy cảm”, tư duy “vận dụng”, tư duy “có nên không” vv… của từng người, từng lúc, từng nơi, từng nhiệm kỳ vv… thì thực - hư, thật - giả cứ mãi như đèn cù, không muốn rồi nó cũng… đến.

Chết nhưng chưa hết là thế đấy! Nhưng mấy chuyện về mấy người đã chết như trên, thực ra lại là chuyện về người đang sống.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương, dạo trước, khi trả lời phỏng vấn báo Gia đình và xã hội, đã nói: “Phải làm sao việc từ chức trở thành nếp” “Phải làm sao”- đó là mong đợi. Mong đợi ngậm ngùi. “Phải làm sao” - đó là việc làm của ông Chủ tịch, của các vị lãnh đạo từ to đến nhỏ, chứ nhân dân có gì mà từ chức.

Thủ tướng Phan Văn Khải, trong hội nghị gặp mặt doanh nghiệp đã thốt lên: “Điều canh cánh của tôi là sự hư hỏng của bộ máy” (báo Gia đình và xã hội ngày 14-11-2004).

Ông cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nổi tiếng với câu hỏi và phân tích: “Chúng ta mắc lỗi hệ thống”. Rồi, trên báo Tiền Phong tháng 3-2007 ông lại nói: “Dân là gốc, thuộc phạm trù vĩnh viễn. Đảng và Nhà nước thuộc phạm trù lịch sử”. Vậy, nếu ông nói đúng thì khẩu hiệu: “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm” có còn đúng nữa không?

Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đầu năm 2014 nói với cử tri Hà Nội là: không biết đến cuối thế kỷ 21 này, chúng ta (hay nước ta) đã đạt được mục tiêu xây dựng CNXH chưa? Một câu nói thực đến vậy lại làm tôi và rất nhiều người thấy buồn và hoang mang vì rằng vậy thì đến mấy đời con, cháu, chắt, chút, chít của mình, anh em mình, họ hàng mình, làng quê, đất nước mình khổ dài quá, hay nói đúng hơn là chậm được sướng quá trong khi từ nhiều năm nay, nhiều nước trên thế giới, ngay Đông Nam Á gần ta thôi, họ đã sướng lắm rồi. Họ theo chế độ gì mà sướng vậy? Các ông các bà to, nhỏ đi nhiều chắc quá biết. Con cháu các ông bà, vừa biết vừa mê thích. Chúng ta đang nói cật sức, và làm cật lực, nhưng tiếc rằng hình như đang cho cái mục tiêu thực - hư và thật - giả. Thế là tôi chợt nhớ đến nhà văn Hoàng Lại Giang khi ông phân biệt yêu nước mà không yêu chế độ, phân biệt “chính kiến” với “chính thống”, ông khẳng định “Diễn biến hòa bình” là đại phúc cho nhân dân, chứ có gì mà phải sợ, và dẫu có sợ cũng không được, ông khẳng định “Ý thức hệ đã đẩy chủ nghĩa nhân văn ra khỏi tầm với của nền văn hóa có từ ngàn xưa”.

Và, rất gần đây thôi, vào những ngày cuối tháng 8-2014, ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có bài viết : “Chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ”. Chưa đọc hết bài viết đó, nhưng cái đầu đề bài làm tôi thích. Đấy là ông nói, ông viết. Còn nếu muốn biết thì ông có thể làm một đôi cuộc vi hành mi ni vào dân chúng, tựa như đi bộ tập thể dục, hay như phu nhân ông có lần đi ăn cơm bụi bình dân ngoài phố, nhưng ông phải vi hành rất tự nhiên cơ, tự nhiên bất ngờ như Bác Hồ ngày trước, chứ còn vi hành kiểu sắp đặt, tạo dựng, lập trình như các ông đi tiếp xúc cử tri thì kết quả lại rưa rứa như ODA các tỉnh mà Thủ tướng cho rằng không tin được. Đi kiểu ấy thì giỏi lắm cũng chỉ như một thứ massage tự sướng. Nếu làm được thế, chắc ông sẽ có được câu trả lời niềm tin của nhân dân còn hay mất, mất nhiều hay mất hết. Và khi biết rồi thì thiết thực gấp triệu triệu lần là “làm” để không còn điều “sợ”.

Nói và làm luôn là khắc tinh của thực - hư, thật - giả.

Nói và làm. Thì đây ngẫm và xem, làm quan chức nước mình không dễ nhất thì cũng là sướng nhất bởi lẽ phần “bổng”, phần “lậu” chắc phải hơn phần “lương” vạn vạn lần vì nếu không thì sao phải chạy chức ghê thế, rồi dư luận và chất vấn ở Quốc hội rát mặt thế nhưng không ai từ chức. Như Tổng thống BilClintơn, về hưu đi diễn thuyết, dậy đại học, viết hồi ký… mà tiền chắc gì đã bằng các vị, còn phải đóng thuế thu nhập, nhưng mọi thứ rất đàng hoàng, bạch hóa. Sướng bởi lẽ các vị cứ nói mạnh hứa mạnh nghe cho khoái, cho hạ nhiệt, rồi việc nóng nọ chưa qua thì việc nóng kia lại đến, đè lên nhau, người ta lo làm ăn bao nhiêu thứ cũng dễ chép miệng cho qua, còn làm thì các vị giải trình khách quan ư, chủ quan ư, bão lũ thiên tai, khủng hoảng tài chính thế giới vv…, có lấy phiếu tín nhiệm mấy bước cũng chỉ như “rung cây dọa khỉ” cho vui rồi một hai nhiệm kỳ cũng qua nhanh như ông thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, rồi trên ông Truyền ở cấp rất to, có dễ thanh tra không nhỉ, rồi công an điều tra vào cuộc nhưng ai vào cuộc điều tra công an? rồi Đảng lãnh đạo toàn diện và trên hết nhưng có cơ chế pháp luật nào kiểm soát Đảng?; Và bởi lẽ nữa sướng (nhỏ thôi) là… các vị đi đâu không phải đội cái mũ bảo hiểm trên đầu bức bối khó chịu lắm, ở cơ quan, ở nhà, đi ô tô, máy bay, đi nước trong nước ngoài hầu như hoàn toàn là mát mẻ như Đà Lạt, có mấy vị vi hành tay vo ngoài trời mà biết đến nắng mùa hè 400, đến bụi và hôi thối của sông hồ? Chưa phải là lý tưởng, nhưng được như anh Thăng (Đinh La Thăng - Bộ trưởng Giao thông vận tải) vừa là chính khách loại trẻ vừa sôi sục, đôn đáo như một đốc công, thế cũng là quý lắm!.

Với đường sá, vườn hoa công viên, nhà cao tầng… Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác đẹp lên nhiều chứ! Nhưng mất điểm vô cùng là hệ thống dây cột điện nhằng nhịt quá trời. Người nước ngoài khoái chụp ảnh khoản này lắm. Hàng ngày nhìn thấy “nó” nhiều rồi, dễ thành quen, thành trơ lỳ, nhưng khi thấy những hình ảnh kinh khủng như con quái vật đó trên ảnh mạng, lại kèm chú thích độc đáo của Bill Gates “đặc sản độc quyền của Việt Nam”, tôi vừa buồn cười vừa thấy có gì bị tổn thương ghê gớm lắm. Chỉ còn 5 năm nữa là đến năm 2020. Hình như đó là mốc thời gian ta đặt ra từ dăm mười năm trước trong cương lĩnh hay đề cương của Đảng, đưa đất nước ta cơ bản phát triển trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có thể là nông cạn, chỉ bằng trực cảm, nhưng chỉ nhìn một hệ thống dây điện như bùi nhùi ấy, chỉ nhìn thấy toàn là xe đạp ngoại, chưa nói gì đến xe máy, ô tô vv… có lãng mạn mấy tôi cũng thật khó tin 5 năm nữa ta về tới đích. Nếu không đạt được mục tiêu thì cũng xin nhìn thẳng vào sự thật nói cho tỏ tường, rành rõ, đừng ngụy biện và giả trả, thế thôi.

Còn đang lửng lơ ở thành phố giữa muốn tin và khó tin thì nhà văn Nguyễn Quang Thiều đương kim Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, người luôn luôn yêu mến và đau đáu xót xa cho nông nghiệp, nông thôn quê anh và nước nhà, kéo tôi về với thực tại rộng lớn này, anh bảo “… Từ hiện thực mà tất cả chúng ta đang nhìn thấy, tôi, một nhà văn có biết một chút phép tu từ nên viết thành câu: “Họ đang đi theo một… vòng tròn” đấy là… Người nông dân đi sau đít con trâu mấy chục năm trước kia hiện ra trong ảnh đen trắng, còn người nông dân bây giờ vẫn đi sau đít con trâu nhưng là trong ảnh màu rực rỡ”. Nông thôn, nông nghiệp, nông dân rộng lớn và cần cù ơi, nơi “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” ơi, không thiếu những mỹ từ ngợi khen rồi Huân, huy chương, bằng khen… nhiều lắm rồi, nhưng đến giờ, đây vẫn là vùng khổ nhất. Rất nhiều người, từ nông thôn tròi ra thành phố kiếm ăn lại là những người khổ nhất trong những người đang quay cuồng mưu sinh giữa lòng thành phố. Cuộc sống thực với cuộc sống trên sân khấu trên tivi khác nhau nhiều lắm. Đến năm 2020, liệu anh Thiều có cái để viết: Họ đã biết đi theo đường thẳng!? Vậy nên, đừng tự ái, đừng sĩ diện, đừng vỗ ngực thắng - thua, ai nói không quan trọng bằng nội dung câu nói, khi ta biết Henri Ki Singer (cựu ngoại trưởng Mỹ) phát biểu: “Một chính sách được kiểm chứng không phải ở chỗ nó bắt đầu như thế nào mà ở chỗ nó kết thúc như thế nào”.

Lại có câu nói: người động viên, khen những việc làm tốt của ta là bạn ta. Người chỉ cho ta những cái xấu, chưa hay của ta là thầy ta. Viết mấy trang “lai rai” này hình như tôi ít nhiều cũng ảnh hưởng tinh thần câu nói đó. Và, không phải ít mà ảnh hưởng rất nhiều là từ câu nói của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trên báo SGGP Online dịp tết Quý Tỵ 2013 là “Từ trước đến nay, chúng ta có cái bệnh rất lớn là không dám nói lên sự thật”. Trước ông Sang hơn một năm, nhà văn Tạ Duy Anh cũng đã gan ruột như điều ông Chủ tịch nói: “Một dân tộc mà thiếu vắng những nhà phản biện là một dân tộc vô phúc. Một chính thể luôn luôn tuyệt đối hóa mình, đồng nghĩa mình với lẽ phải để từ đó coi mọi ý kiến không giống mình là sai trái, là một chính thể không có tương lai”.

Đến đây, chợt thấy có ba thứ liên quan trực tiếp đến con người là: Độc hại trong thực phẩm, rau quả ăn uống vào mồm (mà thủ phạm số 1 là từ Trung Quốc), là bệnh viện chữa bệnh và nhà trường giáo dục - đào tạo, trời ơi, cả ba cái đó đang là kinh khủng, kinh khủng nhất về thực - hư, thật - giả, nói và làm thì, tôi lại chưa nói được gì. Dư luận nóng quá lâu rồi. Nhân dân kêu quá trời rồi. Quốc hội chất vấn, nâng lên đặt xuống nhiều kỳ rồi. Bài viết này cũng dài rồi. Nên dừng ở đây thôi. Lần sau còn sức lại… “lai rai” tiếp./.

P.N.L

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn