Thủ tướng Việt Nam thăm Vatican

Radio Vatican

Phan Thành Đạt dịch

clip_image002

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thăm Vatican. Ông sẽ được Đức Giáo Hoàng François đón tiếp tại Tòa thánh ngày 18 tháng 10. Đức cha Federico Lombardi, phụ trách về báo chí của Vatican đã nhận xét rằng cuộc gặp này nhằm tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam và Tòa thánh. Tháng tám vừa qua, trong chuyến thăm Nam Triều Tiên, Đức Giáo Hoàng François đã bày tỏ mong muốn có đối thoại thân thiện giữa Giáo hội công giáo với nhiều nước châu Á chưa có quan hệ ngoại giao với Tòa thánh. Lời gợi ý của ngài nhằm ám chỉ Việt Nam và Trung Quốc.

Réégis Anouil, tổng biên tập báo Giáo hội ở châu Á (Églises d’Asie) giải thích về các chuyến viếng thăm Vatican của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Mấy năm qua, các nhà lãnh đạo đảng và Nhà nước Việt Nam tăng cường các chuyến thăm Vatican, đã có những bước tiến quan trọng trong quan hệ giữa hai nước:

Từ vài năm trở lại đây, các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Việt Nam đến Vatican được duy trì thường xuyên: Chủ tịch nước, Thủ tướng đã đến thăm Giáo hội công giáo năm 2007, rồi Tổng bí thư đảng cộng sản, nhân vật chính trị quan trọng bậc nhất của Việt Nam cũng đã đến Roma. Các chuyến thăm ở mức độ cấp quốc gia của giới lãnh đạo Việt Nam với mong muốn được hội kiến với Đức giáo hoàng và Quốc vụ khanh của Vatican đã thể hiện lo lắng của phía Việt Nam nhằm bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Vatican. Cũng cần phải nhắc lại rằng Việt Nam là một nước cộng sản, trước đây là đồng minh thân cận của Liên Xô. Từ khi quốc gia này sụp đổ, Việt Nam luôn tìm kiếm các liên minh mới, hơn nữa Việt Nam mong muốn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho các chính sách kinh tế chính trị của mình. Việt Nam cũng là láng giềng của cộng sản Trung Quốc. Quốc gia này vừa là hàng xóm vừa là đối tác không thể tách rời với Việt Nam. Nhưng người hàng xóm này lại là kẻ xâm lược. Chúng ta biết rằng giữa Việt Nam và Trung Quốc có xung đột về lãnh thổ và vẫn tồn tại một số vấn đề bất đồng. Hà Nội tìm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Có thể coi là hiện tượng hay là điều lí thú khi quan sát mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng trở nên thân thiết hơn. Mới đây, Việt Nam thông báo muốn mua vũ khí phòng vệ của cựu thù này. Điều này thể hiện mong muốn nhất quán của Việt Nam là tìm kiếm sự ủng hộ từ bên ngoài và nếu có sự hậu thuẫn của Vatican cũng là điều cần thiết.

Đây không phải là lần đầu Thủ tướng Việt Nam hội kiến với Đức giáo hoàng. Liệu chúng ta có thể nói đến một bước tiến mới hay không?

Dù sao chúng ta có thể nói đến một bước tiến, bước tiến trong quan hệ giữa Việt Nam và Giáo hội Roma được duy trì và tăng cường hơn trước. Quan hệ song phương đã được xác định từ năm 2009. Năm nào cũng có một cuộc gặp gỡ giữa Việt Nam và Vatican. Trao đổi giữa hai bên được tổ chức qua một nhóm làm việc hỗn hợp, nhóm này thường họp hàng năm. Ngày 10 và 11 tháng 9 vừa qua, nhóm hỗn hợp đã được tổ chức lần thứ 5 tại Tòa thánh Vatican. Hai bên có thói quen đối thoại trong tinh thần cởi mở và lịch sự để giải quyết những vấn đề còn tồn tại. Nhưng đây không phải là quan hệ ngoại giao bởi vì chủ đề này phức tạp hơn nhiều. Hiện giờ không có quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vatican. Từ 2010, Một đại diện của Giáo hội đã có mặt ở Việt Nam, nhưng không lưu trú tại đó. Điều này nghĩa là gì? Đơn giản là một đại diện của hội đồng giáo hội được ủy nhiệm đến Việt Nam, nhân vật này lại sống ở Singapour. Người đó không phải là đại sứ của Tòa thánh ở Việt Nam, tuy nhiên lại thay mặt Giáo hội Roma. Ông thường đến Việt Nam để thăm các giáo phận công giáo.

Liệu chúng ta có thể khẳng định là có những tiến triển trong quan hệ giữa Việt Nam và Giáo hội Roma?

Quan hệ giữa hai nước có nhiều điểm trái ngược. Có những điểm rất tích cực như thông báo trong tháng 7 vừa qua về kế hoạch thành lập một trường đại học công giáo ở Sài Gòn. Cũng nên nhớ rằng năm 1954 ở miền Bắc và năm 1975 ở miền Nam, các hoạt động xã hội, giáo dục và thiện nguyện của Giáo hội công giáo bị cản trở. Nhà thờ buộc phải sống khép mình và phải đương đầu với đàn áp và ngăn cấm. Nhiệm vụ chính của Nhà thờ công giáo chỉ còn là sự nghiệp rao giảng đời sống phúc âm.

Tình trạng này thực sự không có gì thay đổi. Nhà thờ không được phép có mặt trong lĩnh vực giáo dục. Nhà thờ không có quyền sáng lập hay điều hành các trường học. Nhà thờ cũng không có quyền tham gia vào lĩnh vực y tế. Trong khi xã hội với những khía cạnh đa dạng cần có sự đóng góp của Nhà thờ. Việc thiết lập trường đại học công giáo ở Sài Gòn, trường này lại là đối tác với Viện công giáo Paris và các cơ sở khác, đây được coi là một bước tiến đáng hoan nghênh bởi vì nó đó đánh dấu sự trở lại của Nhà thờ trong lĩnh vực giáo dục. Đây là một điểm rất tích cực.

Còn có những điểm nào được cho là nhạy cảm?

Việt Nam đương nhiên không phải là nước dân chủ tự do. Tự do báo chí không được đảm bảo. Chính vì vậy, những người viết blog thường bày tỏ chính kiến của mình trên mạng. Trong thời gian vừa qua, một số bloggeur công giáo bị bắt, bị xét xử và bị kết án nhiều năm tù. Một số người trong số họ đã được thả tự do. Nhưng tình hình không khá hơn. Nhà nước vẫn mạnh tay trấn áp những người công giáo bày tỏ chính kiến. Hơn nữa, việc trấn áp không chỉ áp dụng cho những người công giáo. Mới đây, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc phụ trách tự do tôn giáo trên thế giới đã có một bản báo cáo tường trình về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Báo cáo phê bình các chính sách đối với tôn giáo của Việt Nam, báo cáo này cũng nhấn mạnh những vi phạm tự do tôn giáo dựa trên các tiêu chuẩn khác nhau và các cộng đồng khác nhau. Vì thế có điểm tương phản khi bình thường hóa quan hệ lại cần gắn với việc Nhà thờ có một không gian tự do càng ngày càng được mở rộng. Nhưng mọi thứ vẫn trong khuôn khổ Nhà nước cho phép và Nhà thờ buộc phải xin phép.

Còn số lượng giáo dân là bao nhiêu?

Giáo hội công giáo Việt Nam rất năng động và có sức sống. Người công giáo ở Việt Nam thuộc về thiểu số, có khoảng 7 đến 8 % số người Việt Nam theo công giáo nhưng đây là một cộng đồng thống nhất, đoàn kết, tập hợp bên cạnh các linh mục và giám mục. Vì lẽ đó cộng đồng này khiến chính quyền lo ngại, cho nên xã hội dân sự luôn bị giám sát và theo dõi rất gắt gao theo sự chỉ đạo của đảng và Nhà nước. Các tổ chức tôn giáo trong số đó là giáo hội công giáo là một cấu trúc duy nhất, riêng biệt và có ảnh hưởng quan trọng. Các cấu trúc xã hội này có quyền được tồn tại và không chịu sự quản lí của đảng. Tôi muốn đưa ra một bằng chứng cho tính độc lập của tôn giáo với chính quyền, đó là cách đây 2 năm, các vị chức sắc trong Hội đồng giám mục đã thành lập Ủy ban công lý và hòa bình. Ủy ban này có mặt khắp nơi trên thế giới, nó được sáng lập trong các hội nghị của các giám mục. Đây là một điểm mới đối với Giáo hội công giáo Việt Nam. Các bản báo cáo mà Ủy ban công lý và hòa bình đưa ra rất rõ ràng và cụ thể. Chúng tố cáo những thiếu sót, cũng như những nỗi khổ của các tổ chức dân sự dưới sức ép mạnh mẽ của chính quyền. Điều đó được ghi trong Hiến pháp. Nhà nước dưới sự lãnh đạo của đảng. Đảng lại không để bất kì không gian tự do nào cho các tổ chức dân sự trong xã hội.

Còn những vấn đề liên quan đến Trung Quốc thì thế nào?

Đây là một câu hỏi gắn với vấn đề tương tự như Việt Nam. Chúng ta biết rằng giữa Bắc Kinh và Tòa thánh Roma không có quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên Đức giáo hoàng đã thể hiện thiện chí cải thiện quan hệ song phương. Vì vậy, phía Giáo hội có mong muốn cải thiện mối quan hệ vốn rất khó khăn với nước này. Mối quan hệ đó không đạt mức độ như trường hợp với Việt Nam. Chắc chắn đảng cộng sản Trung Quốc rất chú ý đến những gì đang diễn ra giữa Việt Nam và Vatican. Hai đảng cộng sản có mối liên hệ chặt chẽ với nhau nhưng tình hình về tôn giáo và tổ chức của các hội đồng giáo sĩ có nhiều điều khác biệt giữa Việt Nam và nước láng giềng này. Giáo hội ở Trung Quốc hầu như không có ảnh hưởng gì trong đời sống xã hội, chỉ có 1,2 đến 3 % người theo công giáo. Số lượng này lại chia rẽ theo các "màu sắc" khác nhau giữa những người được chính quyền công nhận và được phép tham gia tôn giáo và những người phải thực hành tôn giáo lén lút. Các giám mục buộc phải im lặng. Ỏ Trung Quốc, không ai nhắc đến việc các giám mục phát biểu ý kiến của mình về các vấn đề xã hội bằng văn bản hay qua các buổi tranh luận. Trong khi ở Việt Nam, người ta đã bắt đầu nhận thấy điều này. Vì vậy, Trung Quốc và Việt Nam có những điều khác biệt.

Bài viết theo đường link dưới đây:

http://fr.radiovaticana.va/news/2014/10/17/le_premier_ministre_vietnamien_en_visite_au_vatican/1108838

http://fr.radiovaticana.va/news/2014/10/18/le_premier_ministre_vietnamien_au_vatican,_une_premi%C3%A8re_depuis_2007/1108922

Dịch giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn