TS Trần Đình Bá: Đề xuất đường bay song song là "sáng kiến" đi lùi

Nguyên Thảo

clip_image001

TS Trần Đình Bá

(GDVN) - Theo TS Trần Đình Bá, việc Cục Hàng không đề xuất thêm 2 đường bay thẳng một chiều cho chặng Hà Nội – TP.HCM và ngược lại là “sáng kiến” đi lùi.

Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về đường bay thẳng Hà Nội – TP.HCM sử dụng vùng trời Lào và Campuchia, trong đó kiến nghị cho phép triển khai xây dựng và khai thác đường bay thẳng song song một chiều Nội Bài – Tân Sơn Nhất và Tân Sơn Nhất - Nội Bài.

Theo Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh, sự khác biệt cơ bản nhất của đường bay đề xuất so với đường hiện tại là tạo ra một phân cách ngang để tách thành hai đường bay một chiều song song, khép kín. Trong khi đường bay hiện tại là đường hai chiều với phân cách dọc.

Ông Thanh cho biết: “Các đường bay một chiều như vậy sẽ tạo ra sự hợp lý hơn trong phương thức cất hạ cánh ở hai đầu sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất nên rút ngắn được thời gian…”.

Tuy nhiên, đánh giá đề xuất này của Cục Hàng không, TS Trần Đình Bá - Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, người theo đuổi dự án đường bay thẳng suốt những năm qua cho rằng, ý tưởng này không khả thi.

"Tôi coi đây là một “sáng kiến” đi lùi. Tôi đã từng nói trong lịch sử hàng không thế giới chưa bao giờ có loại đường bay song song hai chiều kiểu như đường sắt trên mặt đất. Đề xuất này sẽ tăng thêm đường bay, sẽ làm rối loạn bầu trời, gây khó cho điều hành không lưu. Đây là một ý tưởng không khả thi nằm trong học thuyết “bay vòng kinh tế hơn bay thẳng” gây lãng phí lớn về tiền của, thời gian của người dân, gây quá tải dễ xảy ra tai nạn giao thông", ông Trần Đình Bá thẳng thắn.

- Vậy số liệu thử nghiệm SIM chỉ tiết kiệm 5 phút, 86 km và 190 kg dầu… vừa qua có làm ông nản chí? Năm 2009, “Đường bay thẳng” bị chỉ định ngừng tranh luận, động lực nào thúc đẩy ông tiếp tục nghiên cứu và đề nghị bay thẳng?

TS Trần Đình Bá: Kết quả vụ thử SIM vừa rồi không ai được chứng kiến... Khoa học là phải định lượng – có công thức tính và phải chịu trách nhiệm hẳn hoi trước pháp luật theo pháp lệnh Kế toán – Thông kê, pháp lệnh Đo lường và pháp lệnh Sở hữu trí tuệ. Ai tính toán sai, cố tình làm sai lệch số liệu gây thiệt hại sẽ bị xử lý bằng pháp luật, không chỉ hành chính mà còn hình sự. Việc thuê tư vấn JICA thẩm định kết quả lại càng sai luật vì họ không có chức năng trọng tài để chịu trách nhiệm trước luật pháp Việt Nam.

Tôi vẫn tự tin với phương pháp tính và những số liệu công bố của tôi. Tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước pháp lệnh kế toán thống kê, đo lường và Sở hữu trí tuệ về cách tính của mình và chấp nhận chịu sự phản biện trước tất cả các nhà khoa học và cả thực nghiệm khoa học.

Tôi nghiên cứu vì lương tâm của một nhà khoa học, thấy thiệt hại rất lớn cho nhà nước mà mình không lên tiếng là có lỗi. Thấy các hãng hàng không thi nhau phá sản mà mình không lên tiếng là có lỗi. Hơn nữa để Hàng không tụt hậu gây áp lực lên đường bộ, gây thảm họa giao thông thì càng không thể.

Tôi từng bị “choáng” khi tính được hiệu quả kinh tế đường bay Hà Nội - TPHCM lãng phí đến 26,8%, tính ra lãng phí tới 26 phút bay, đường bay HN- Cần Thơ lãng phí tới  28.1% lãng phí 36 phút bay, đường bay Hà Nội- Phú Quốc lãng phí tới 38.7% lãng phí tới 56 phút bay. Bình quân các đường bay ở Việt Nam lãng phí mất 25% chi phí sản xuất.

Có nghĩa rằng chi phí sản xuất của hàng không mỗi năm là 1 tỷ USD thì đã đốt không trên bầu trời 250 triệu USD (mất 1/4 mà).  Theo công bố của Vietnam Airlines (VNA), doanh thu năm 2013 là 72,5 ngàn tỷ đồng, tương đương 3,4 tỷ USD thì sẽ lãng phí trên 800 triệu USD nên sẽ không thể nào có lợi nhuận được. Họ công bố lạc quan lợi nhuận đạt 533 tỷ đồng – tương đương 25 triệu USD cũng quá nhỏ bé, chỉ đạt 0.73% (chưa đủ 1% lợi nhận trên doanh thu) thua xa lãi ngân hàng ngắn hạn 5%/ năm, vì vậy VNA mới ngửa tay xin Chính phủ trợ cấp.

Con số lãng phí 25% là kinh khủng, là nguyên nhân gây thất bại thảm hại, số tiền đốt lãng phí 800 triệu USD cho thấy gấp hàng chục lần thất thoát và tham nhũng ở Vinashin, Vinalines. Tôi thực sự xót xa nên mới tích cực theo đuổi dự án đường bay thẳng.

clip_image002

Bảng tổng hợp sự lãng phí của các đường bay vòng tại VN “ Theo Phương pháp Trần Đình Bá “ cho thấy sự lãng phí rất lớn của hàng không nước ta bình quân trên 25% (Chữ màu xanh là những đường bay có tần suất cao nhất nhưng có tỷ lệ lãng phí lại lớn nhất).

Đường bay mà Cục Hàng không nắn chỉ kiểu nào tôi cũng tính được hiệu quả của nó bằng định lượng mà không cần thử nghiệm. Tôi sẵn sàng chứng minh trước Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam.

Tôi đã làm theo đúng tinh thần của GS Trần Phương - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam: “Hiệu quả kinh tế đường bay là đại lượng toán học phải được chứng minh”.

Người Việt Nam đủ trình độ để tính toán hiệu quả kinh tế đường bay mà không phải cứ đi thuê tư vấn nước ngoài làm thay mình.

- Hiện Cục Hàng không thành lập “nhóm nghiên cứu đặc nhiệm” nghiên cứu đường bay thẳng, theo ông có cần thiết không và có nên mời chuyên gia hàng không, nhất là những người hiến kế và tích cực đề xuất bay thẳng?

TS Trần Đình Bá: Tôi nghĩ chuyện lập “nhóm Đặc nhiệm…” hay gì đi nữa cũng nhắm tới mục đích tìm ra được “đại lượng” hiệu quả kinh tế đường bay. Việc mời hay không mời chuyên gia hàng không đó là quyền của Cục Hàng không nhưng tôi vẫn nghĩ Cục Hàng không phải tôn trọng người hiến kế theo “văn hóa hàng không”, “văn hóa giao thông”.

- Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhấn mạnh trong tháng 10 này sẽ đưa ra kết luận chính thức về đường bay thẳng, theo ông kết quả đường bay thẳng rồi sẽ thế nào?

TS Trần Đình Bá: Chắc chắn là phải bay. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo quyết liệt như thế mà không thành công sao được. Không chỉ đường bay Hà Nội – TP.HCM mà phải “cách mạng” tất cả các đường bay vòng hiện nay đang đốt tiền của Nhà nước và sức dân.

Bay thẳng sẽ là cú đột phá về công nghệ GTVT, đặc biệt là Hàng không. Vừa làm lợi cho hàng không, người tiêu dùng, lợi thuế cho nhà nước, lợi cho nguồn thu 2 nước bạn, giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tăng thị phần vận tải hàng không lên 25-40% tại sao lại không làm.

Bộ trưởng Thăng cũng vừa nhấn mạnh, “việc thực hiện đường bay thẳng không có sự ăn thua với cá nhân nào mà đây là trách nhiệm với đất nước, với người dân”.

- Xin cảm ơn ông!

N.T.

Nguồn: giaoduc.net.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn