Các tài liệu, thông tin điện tử không phải là chứng cứ để giải quyết vụ án

Hà Huy Sơn

1. Tính hợp pháp của chứng cứ:

Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác được pháp luật bảo vệ, quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật sau.

Hiến pháp năm 2013:

“Điều 21.

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”

Bộ luật Dân sự năm 2005:

“Điều 38. Quyền bí mật đời tư

1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

Nghị định 72/2013/NĐ-CP, khoản 2 điều 26:

“Điều 26. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội

Ngoài quyền và nghĩa vụ của người sử dụng Internet quy định tại Điều 10 Nghị định này, người sử dụng dịch vụ mạng xã hội còn có quyền và nghĩa vụ sau đây:

2. Được bảo vệ bí mật thông tin riêng và thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, việc kiểm soát đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép và phải tuân theo quy định của pháp luật. Hiện nay chưa có chế định pháp luật quy định rõ ràng cơ quan có thẩm quyền, thủ tục kiểm soát, phạm vi kiểm soát và sử dụng thông tin thu thập được.

Trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự mọi hành vi của các cơ quan tiến hành tố tụng đều chịu sự kiểm sát của viện kiểm sát có thẩm quyền. Hay việc kiểm soát đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư để phục vụ cho việc giải quyết vụ án phải có quyết định phê chuẩn của viện kiểm sát. Hoặc để hạn chế quyền cơ bản của công dân phải có quyết định có hiệu lực của tòa án. Mặt khác một trong các yêu cầu để chứng cứ được sử dụng trong tố tụng là phải bảo đảm chứng cứ đó thu thập hợp pháp, nếu không sẽ không phải là chứng cứ.

Tình trạng các cá nhân, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán, internet, viễn thông đã theo yêu cầu của cơ quan công an theo dõi, cung cấp các thông tin thư tín, điện thoại, điện tín…của khách hàng mà không có phê chuẩn của viện kiểm sát hoặc quyết định của tòa án diễn ra khá phổ biến. Hành vi này của các cá nhân, doanh nghiệp là bất hợp pháp và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Yêu cầu của cơ quan công an không phải trường nào cũng là pháp luật. Các chứng cứ thu thập không đảm bảo tính hợp pháp theo quy định đánh giá chứng cứ của điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 thì không thể sử dụng để giải quyết vụ án.

2. Tính xác thực của chứng cứ:

Các tài liệu, thông tin do các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ điện thoại, điện toán, viễn thông, internet… cung cấp cho cơ quan điều tra phải đảm bảo tính xác thực theo quy định của điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Hiện nay, thông tin đi kèm theo dữ liệu (văn bản, hình ảnh, video...) để xác định người chủ của dữ liệu đó được quy định bởi Luật giao dịch điện tử năm 2005 và các nghị định, thông tư hướng dẫn.

Nếu các tài liệu, thông tin của khách hàng do các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ điện thoại, điện toán, viễn thông, internet…cung cấp cho cơ quan điều tra chưa đăng ký tham gia giao dịch điện tử thì các tài liệu, thông tin đó không có căn cứ xác định họ là người chủ về mặt pháp lý. Các cơ quan điều tra muốn chứng minh các tài liệu, thông tin đó là của ai thì cần phải trưng cầu giám định.

Do vậy, việc các cơ quan điều tra căn cứ vào các tài liệu, thông tin do các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ điện thoại, điện toán, viễn thông, internet… làm chứng cứ để giải quyết vụ án là hoàn toàn trái pháp luật, vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng.

Hà Nội, ngày 10/11/2014.

H.H.S

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn