Hy vọng gì ở Thượng đỉnh ASEAN 25

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
12-11-2014

clip_image001

Lãnh đạo các Quốc gia Đông Nam Á chụp ảnh chung với tổng thống Thein Sein (giữa) trong lễ khai mạc của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 25 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Myanmar ở Naypyidaw vào ngày 12 Tháng 11, 2014. AFP

Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á- ASEAN lần thứ 25, cùng một số hội nghị cấp cao liên quan diễn ra trong hai ngày 12 và 13 tại thủ đô Naypyidaw của Miến Điện, nước chủ nhà năm nay của ASEAN.

Vấn đề tranh chấp tại khu vực Biển Đông được cho biết là một nội dung chính của thượng đỉnh ASEAN lần này. Liệu mong muốn có thể đạt được hướng giải quyết cho vấn đề tranh chấp Biển Đông tại lần gặp này với sự hiện diện nhiều vị nguyên thủ và lãnh đạo quốc gia như thế không?

Vấn đề tranh chấp và mong mỏi

Ngay trước khi thượng đỉnh ASEAN diễn ra, truyền thông quốc tế cho biết vấn đề tranh chấp chủ quyền tại khu vực Biển Đông mà phía Trung Quốc với những hành động quyết đoán khiến cho tình hình luôn căng thẳng tại đó sẽ là một trong những vấn đề được mang ra bàn thảo.

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, bà Susan Rice, được hãng thông tấn AFP trích dẫn nói rằng khi tổng thống Barack Obama gặp gỡ những lãnh đạo ASEAN tại Naypyidaw, ông này sẽ nêu rõ vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trong việc giải quyết những tranh chấp lãnh hải.

Chính những quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền tại khu vực Biển Đông với Trung Quốc như Việt Nam và Philippines luôn bày tỏ mong muốn được Hoa Kỳ và các nước khác hổ trợ. Thông tin cho biết tổng thống Philippines, Benigno Aquino sẽ gặp thủ tướng Nhật Bản và thủ tướng Australia bên lề Thượng đỉnh ASEAN để bàn về vấn đề Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Philippines.

Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt nam, cho biết mong mỏi của các nước trong khu vực tại kỳ thượng đỉnh ASEAN này về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông như sau:

Theo tôi nghĩ, các nước trong khu vực tập trung vào việc cố gắng làm thế nào đó giải quyết vấn đề tranh chấp trong khu vực Biển Đông một cách hòa bình để đảm bảo cho tình hình khu vực được ổn định, hợp tác và phát triển vì nền hòa bình khu vực và thế giới. Đó là mục tiêu và nguyện vọng tha thiết nhất của các nước trong khu vực, kể cả cộng đồng quốc tế nữa. Đó là nội dung chắc chắn người ta đề cập đến; nhưng theo tôi nghĩ vấn đề cụ thể về mặt chính trị sẽ kêu gọi các bên không nên gây ra những tranh chấp làm cho tình hình phức tạp thêm lên không thể kiểm soát được.

Giải pháp COC?

Giải pháp cho vấn đề nóng tranh chấp tại khu vực Biển Đông được nêu ra là phải đẩy mạnh tiến trình đàm phán giữa Trung Quốc và các nước có tranh chấp khác về Bản Quy tắc Ứng xử mang tính ràng buộc COC. Tuy nhiên theo giới quan sát thì phía Trung Quốc vẫn chưa tỏ rõ thiện chí về một bản qui tắc ứng xử như thế.

Chuyên gia Ian Storey thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á tại Singapore được trích dẫn cho biết tiến triển về đàm phán Bộ qui tắc ứng xử COC đã, đang và sẽ chậm vì Trung Quốc tìm cách kéo dài đàm phán càng lâu càng tốt.

Thạc sĩ Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu về tình hình Biển Đông, trong cuộc trả lời phỏng vấn chúng tôi vào tháng trước đưa ra nhận định của ông về khả năng đẩy nhanh tiến trình đàm phán COC như sau:

COC được thành lập giữa các nước ASEAN và Trung Quốc và COC đang khắc phục những lỗi của DOC, nên nhiều quốc gia đều kỳ vọng vào COC. Ngay cả ngoại trưởng Hoa Kỳ và các cường quốc trên thế giới vẫn luôn luôn mong mỏi ASEAN cùng với Trung Quốc sẽ ký kết và thông qua COC. Tuy nhiên cho đến bây giờ phía ASEAN cũng đã cho biết bản thân ASEAN đã nhất trí với nội dung của bản COC, nhưng phía quan trọng là Trung Quốc họ vẫn chưa chấp nhận tham gia vào COC này. Thậm chí cho đến bây giờ Trung Quốc mới chỉ khởi động việc là đàm phán có ngồi lại để xem xét nội dung của COC hay không. Chứ họ chưa nói họ xem xét và chấp thuận trong một tiến trình cụ thể sắp tới mà họ bỏ lửng là “trong thời gian cần thiết”. Do đó COC vẫn đang dậm chân tại chỗ, hy vọng rằng – hy vọng nhưng theo tôi nghĩ điều này rất khó xảy ra vì nếu Trung Quốc không bị sức ép lớn từ toàn thế giới, đặc biệt là các cường quốc cũng như các nước ASEAN thì Trung Quốc vẫn muốn theo cách nói của chúng ta là “câu giờ” chưa muốn tham gia COC. Chính vì sự không muốn tham gia của Trung Quốc nên COC vẫn chưa ra đời.

Âm mưu của Trung Quốc

Đối với Trung Quốc nhiều người vẫn không thể tin vào những tuyên bố muốn giải quyết tranh chấp lãnh hải tại khu vực Biển Đông. Lý do Trung Quốc vẫn kiên định với tuyên bố đến hơn 90% chủ quyền tại vùng biển này.

Tiến sĩ Trần Công Trục nói về âm mưu của Trung Quốc và sự bất nhất giữa lời nói và việc làm thực tế của họ:

Trung Quốc nói và làm khác nhau như thế nào thì trong thực tế cho đến nay theo tôi có những điểm hoàn toàn không thống nhất với nhau. Tôi nghĩ đó là những bước Trung Quốc tính toán để thực hiện và quyết tâm của họ trong ý muốn độc chiếm Biển Đông là không thay đổi. Vì vậy các nước đến lúc này không còn nghi ngờ gì nữa về chiến lược của Trung Quốc nên cần có biện pháp mạnh mẽ hơn, sự đoàn kết nhất trí cao hơn, có tiếng nói đồng tình mạnh mẽ hơn và có những quan tâm thực chất hơn, không phải là những tuyên bố có tính chất ngoại giao. Tôi nghĩ đó cũng là những điều rất thiện chí cho việc thúc đẩy các bên ngồi lại với nhau để giải quyết một cách thực chất, đặc biệt là phía Trung Quốc. Tôi tin rằng nếu có tiếng nói thống nhất trong khu vực và quốc tế thì câu chuyện có thể được giải quyết một cách hòa bình, và giúp cho loài người thoát được nguy cơ của cuộc đụng độ, cuộc chiến tranh mà không ai muốn cả.

Yêu cầu đoàn kết

Tại thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu- Thái Bình Dương APEC diễn ra tại Bắc Kinh trong hai ngày 10 và 11 vừa qua, Trung Quốc tỏ ra dịu giọng với những quốc gia có tranh chấp lãnh hải như khen ngợi chính sách ngoại giao của Malaysia mà theo họ là không đối đầu, lôi kéo quốc tế can dự. Chủ tịch Tập Cận Bình khi gặp tổng thống Philippines cũng bày tỏ có thể xử lý vấn đề tranh chấp lãnh hải một cách xây dựng.

Trong cuộc gặp Chủ tịch nước Việt Nam tại Bắc Kinh ở thượng đỉnh APEC, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cho rằng quan hệ Trung- Việt từ khi thiết lập luôn tiến triển mặc dù có những lúc thăng trầm. Hai bên đồng ý giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông thông qua đối thoại.

Tuy nhiên theo giới chuyên gia như tiến sỹ Trần Công Trục và thạc sĩ Hoàng Việt thì âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là rõ ràng và các nước cần phải có một tiếng nói chung, mạnh mẽ và đoàn kết chặt chẽ, biết tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia trên thế giới… thì mới có thể phá vỡ được mưu đồ của Trung Quốc, duy trì sự ổn định trong khu vực, giữ vững được chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

G.M

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/expec-n-sol-for-sea-disp-11122014052154.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn