Rối, mà không loạn

(Vài suy nghĩ sau thắng lợi của Đảng Cộng hòa Mỹ)

Vũ Duy Phú

Đảng nào, Cộng hòa hay Dân chủ, họ vẫn chú ý đến những vấn đề chung của đất nước, đến ý nguyện của nhân dân. Song đồng thời đảng nào cũng vẫn phải đảm bảo lợi nhuận tối đa của các Nhóm lợi ích của đảng mình, và nghị sĩ nào cũng phải nghĩ đến bản thân, gia đình mình. Chính đó là chỗ phân rẽ ý kiến giữa hai đảng, hay ngay giữa các nghị sĩ trong cùng một đảng, bởi đương nhiên khu vực quyền lợi của hai tập đoàn này không thể là song trùng, bởi nếu song trùng thì chẳng hóa ra họ là một ? Vậy sự mâu thuẫn, chia rẽ giữa hai chính đảng của Mỹ không phải là đương nhiên, nhưng dễ hiểu. Chúng ta hãy chú ý mấy khía cạnh cụ thể khác sau đây:

Một là, khi nào thì quyền lợi của các Nhóm lợi ích của đảng Cộng hòa cùng chiều với lợi ích chung của nhân dân Mỹ, khi nào chuyện trùng hợp đó xẩy ra với đảng Dân chủ.

Hai là, khi nào quyền lợi trước mắt của nhân dân (tức là của cả nước Mỹ) trùng với quyền lợi lâu dài của nước này, và bao nhiêu người dân Mỹ thiên về quyền lợi trước mắt, bao nhiêu tính được đến chuyện lâu dài ? Điều này rõ ràng phụ thuộc trình độ dân trí và khả năng điều kiện nắm bắt thông tin.

Ba là, khi nào quyền lợi của nước Mỹ trùng với quyền lợi của các đồng minh, và không quá đối kháng với quyền lợi của đối thủ, địch thủ , , ,v. v. . .

Bốn là, quyền lợi của nước Mỹ còn có thể phụ thuộc hay thay đổi theo những khía cạnh, những nhân tố khác, như sự phát triển theo quy luật và những sự kiện ngẫu nhiên trong nước và trên thế giới (KHKT, môi trường, khí hậu, tài nguyên, luật lệ. thiên tai, địch họa, v. v . . .)

Như vậy khi tổng hợp lại sẽ hình thành một ma trận các kết quả. Ma trận càng lớn, nếu ta đưa vào khảo sát càng nhiều nhân tố kể trên. Nếu ai chưa nghĩ kỹ thì đương nhiên cho là “loạn”, hay rối bời. Cái khó là ở chỗ cần biết cách chọn đáp án tối ưu nhất cho từng vấn đề, đối tượng, từng thời điểm, thậm chí cho từng địa phương, từng bang. Nói rộng dài, chọn lời giải tối ưu cho nước Mỹ vào bất cứ giai đoạn nào, sự kiện nào đều phụ thuộc trình độ dân trí, quan trí và đảng trí của Hoa Kỳ, còn lâu Tổng thống mới được quyết định hết, nhất là ở một nước lại Tự do Dân chủ Nhân quyền, luật pháp chặt chẽ văn minh và – cũng “ghê gớm” - vào loại nhất thế giới như nước này.

Chúng ta rất muốn và cần nghe thêm bình luận, phân tích của các nhà chính trị, kinh tế , pháp luật và ngoại giao... để bổ sung thêm cho những suy tư chưa đầy đủ của bản thân. Cần nói thêm, có một điều còn tổng quát - chi tiết hơn nữa mà Đức Phật đã nói: “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”. Nghĩa là còn yếu tố lịch sử, hậu quả của những người đi trước để lại, nhiều khi người ta (trên thế giới) quên mất điều này mà không đưa nó vào ma trận để tính toán, nên đôi khi rất “ngạc nhiên”, lạc quan tếu hay thậm chí bực tức quy kết căm giận vô lối.

Ngẫm ra, ở nước ta cũng không ngoài câu chuyện tương tự. Vì vậy mọi người cũng rất nên bình tĩnh thiện tâm “đoàn kết lại, trân trọng, liên kết hợp tác với những khác biệt, kể cả đối lập” (*) để góp phần tích cực xây dựng và bảo vệ Đất nước theo khả năng cao nhất của mình.

(*) Trích lời dậy của một lãnh tụ thiên tài

Hà Nội, ngày 9 tháng 11, 2014

V.D.P

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn