Nhân lễ Giáng sinh, đôi điều về sự lợi dụng lòng tốt...

TK Tran

Ở phương Tây lễ Giáng Sinh không những chỉ là một ngày lễ tôn giáo mà còn là một dịp quan trọng nhất trong năm cho mọi gia đình xum họp. Trong những ngày này, tình cảm cho những người thân được vui đắp và cũng là dịp để tấm lòng và cả hầu bao rộng mở cho việc từ thiện. Ngoài đường phố có nhiều bích chương kêu gọi quyên góp cho những người tị nạn khốn cùng ở Syrien ở Irak và những nơi khác. Trên truyền hình Đức, chương trình "Một Trái Tim Cho Trẻ Em" quyên được hàng chục triệu Euro cho trẻ em kém may mắn. Ở đó đã có người ẩn danh trả giá 2 triệu Euro cho 1 chiếc giầy của cầu thủ Götze - chiếc giầy đá quả bóng đã đưa đôi tuyển Đức đạt vô địch bóng đá thế giới 2014 - để đóng góp vào chương trình từ thiện giúp trẻ em xấu số này.

Không hẳn là chỉ có trong dịp Giáng Sinh mà thường xuyên trong năm, nhiều người Việt Nam, sống trong xã hội bảo đảm và an bình ở nước ngoài, không khỏi không nghĩ tới những người nghèo khó ở Việt Nam và tham gia vào các chương trình từ thiện giúp đỡ họ. Họ đóng góp tiền của vào những chương trình giúp đỡ trẻ em, nâng cao dân trí, cải thiện sức khỏe hay phát triển con người. Song có ai tự hỏi, những số tiền họ chắt chiu để giúp đỡ đó được sử dụng như thế nào. Ai được hưởng lợi từ những số tiền đó?

Từ trải nghiệm riêng tư về một con sâu làm rầu nồi canh?....

Khi nói tới tham nhũng trong lớp học, thì ắt có người ngạc nhiên; không lý cô giáo tham nhũng vài cục phấn viết bảng? Nhưng không phải vậy. Tham nhũng trong lớp học có nhiều dạng, mà một dạng được trình bày ở đây:

Chúng tôi đã trở về Việt Nam nhiều lần. Những trải nghiệm ở Việt Nam trong các chuyến đi đó chỉ làm đau lòng mỗi ngày một nhiều vì sự băng hoại trong xã hội, vì sự xuống dốc của nền tảng đạo đức truyền thống. Từ đó, chúng tôi mới nẩy ý tưởng là góp sức nâng cao ý thức về lòng tốt, về tính nhân bản, về sự hướng thiện của con người, bắt đầu bằng giáo dục cho trẻ em tiểu học. Chúng tôi mơ ước tạo dựng được một phong trào "Mỗi ngày em làm một việc có ý nghĩa" cho thiếu nhi, tạo cho các em tham gia một sinh hoạt phấn khởi, vừa tập luyện viết văn, vừa trau dồi lễ nghĩa, để các em ý thức và làm quen với điều lành điều tốt, để sau này khi các em lớn lên sẽ xây dựng một xã hội đàng hoàng hơn. Ý tưởng là làm sao đưa vào thực hiện ở một trường tiểu học làm thí điểm, rồi nhân lên nhiều lần ở nhiều trường học khắp nơi, tạo thành phong trào.

Qua giới thiệu của một người thân trong gia đình họ hàng, chúng tôi bắt liên lạc được với cô giáo T, hiệu trưởng một trường tiểu học ở một quận nội thành Hà Nội, trình bày với cô, về ý kiến này. Cô T bằng lòng ngay và nói với chúng tôi là sẽ thực hiện chương trình sau khi xin phép cấp trên. Tháng 8/2013 cô giáo T viết cho chúng tôi: (trích)... cháu sẽ triển khai việc thưởng cho các cháu học sinh có những bài văn hay viết về những việc làm có ích của bản thân mình. Hàng tháng các cháu viết lại những việc làm đó. Cháu sẽ tổ chức ban chấm bài và xét thưởng. Chúng cháu sẽ có 5 đợt trao giải như Trung thu, ngày 20/11, ngày 22/12, Tết cổ truyền, ngày 8/3. Những bài văn đó sẽ được đóng thành tập bài, lưu tại Thư viện để các bạn học sinh có thể vào thư viện đọc như một cuốn sách về quà tặng cuộc sống... (hết trích)

Chúng tôi gửi trao tay cho cô giáo hiệu trưởng 5 triệu đồng VN làm giải thưởng cho các em. Đề nghị có 3 giải: nhất nhì và ba, các em sẽ được thưởng bằng tiền mặt và hiện vật. Ngoài ra còn có thêm 3 triệu làm thù lao trả cho các cô giáo làm giám khảo chấm bài.

Sau một thời gian im ắng, cuối niên khóa 2013-2014 chúng tôi nhận được vài tập photocopy có bài luận của nhiều em học sinh kể về những việc làm tốt của các em trong gia đình, ngoài xã hội. Các bài làm không ghi tên học sinh viết. Hỏi lại cô giáo T là các em viết mỗi tháng? cô giáo trả lời là các em chỉ viết một bài trong năm. Hỏi cô giáo: ai là giám khảo? - không có ban giám khảo để chấm điểm cho các em. Hỏi cô giáo: làm sao xếp hạng các em? - không có xếp hạng các bài văn viết hay. Hỏi thêm cô giáo: không có xếp hạng thì tiền thưởng như thế nào? Cô giáo T trả lời là trong quĩ không còn tiền. Hỏi cô giáo tiền cho chương trình này về đâu? cô giáo trả lời: tiền đã chia đều cho tất cả các em. Hỏi xin cô giáo tên và địa chỉ các em đã được nhận tiền. Cô giáo trả lời, đó là bí mật nội bộ của trường, không thể cho người ngoài biết được.

Khi cô giáo chỉ trả lời mơ hồ về những việc làm không minh bạch, thì chúng ta, ai cũng có thể suy luận được là tiền đã vào túi ai.

Đến những tiêu cực trong nền giáo dục, nhiều như những bầy sâu lúc nhúc....

Đó có phải là một trường hợp cá biệt? Một cô giáo, lẽ ra phải dạy cho trẻ em trong trắng những điều thiện, điều ngay, lẽ phải, thì lại làm gương xấu, bòn rút các món tiền thưởng của các em, hành xử ngược lại với những lời rao giảng về đạo đức hàng ngày của chính mình. Một tình cờ trớ trêu là ngay chính tại trường học này, cách đây 11 năm, cô hiệu trưởng tiền nhiệm của cô giáo T đã bị công an bắt giữ vì tham nhũng.

Không cần phải tìm kiếm đâu xa, cứ đọc những thông tin của báo chí lề phải, vốn chịu sự giám sát của nhà nước, cũng tìm thấy nhan nhản những tin tức về những dạng tiêu cực, nhiều như những bầy sâu lúc nhúc trong nền giáo dục và suy đồi trong trường học. Nơi đây, hiệu trưởng trường biểu thủ lương giáo viên, nơi nọ cô giáo bạo hành, đánh hàng loạt học trò. Ở đây cô bảo mẫu hành hạ trẻ mẫu giáo, ở đó học trò và thầy giáo đánh nhau giữa lớp học. Chỗ này thầy giáo đòi nữ sinh, chuyện người lớn, chỗ kia bà mẹ "chiều" người quyền thế để con gái được tuyển vào đại học. Chuyện bỏ tiền mua bằng cấp, mua một chỗ học đại học hay thầy giáo phải hối lộ để có việc làm, nhiều đến nỗi nhàm chán, khi phải đề cập tới.

Một hiện tượng tiêu cực rất phổ thông trong học đường là tình trạng gây sức ép, buộc các em, ngoài giờ học trong lớp ra, phải theo những lớp học thêm của riêng cô giáo thầy giáo tổ chức vào sáng sớm hay buổi tối hay trong ngày nghỉ. Thực chất của việc học thêm là cách các thầy cô moi móc tiền bạc (học phí) của cha mẹ, nếu họ không muốn con cái bị thầy cô đối xử bất công trong lớp. Vô hình chung, là ăn cắp tuổi thơ các em, khi các em không còn thì giờ cho vui chơi giải trí nữa. Không có gì phải ngạc nhiên, khi những khảo sát PISA cho thấy là trong 68 quốc gia được phân tích, thì Việt Nam nằm trong "top" 5 quốc gia, nơi trẻ em phải học thêm nhiều nhất, và cũng là nơi mà 95% trẻ em không thích đến trường.

0O0

Trở lại chuyện gửi tiền về Việt Nam làm việc thiện. Thống kê của nhà nước cho biết là những số tiền mà hàng năm kiều dân Việt Nam ở nước ngoài chính thức gửi về Việt Nam lên đến nhiều tỷ đồng USD, trong đó phải kể tới những số tiền cho những chương trình từ thiện vô vị lợi. Số ngoại tệ đó đã trở thành một trong số cột trụ chống đỡ nền kinh tế Việt Nam.

Hầu hết những chương trình từ thiện có chút qui mô ở Việt Nam đều phải cộng tác với một cơ quan của nhà nước trong một chừng mực nào đó. Có thể đó là chính sách của họ nhằm kiểm soát các hoạt động của người nước ngoài. Cũng có thể là một cách "mượn hoa cúng Phật" để được tạo chút "uy tín" cho nhà nước đối với dân chúng là họ cũng tham gia việc giúp đỡ. Nhưng đó cũng là cơ hội tham nhũng chấm mút tiền của, lẽ ra dành cho những người dân khốn cùng, cần giúp đỡ.

Việc có nên hay không nên gửi tiền về Việt Nam cũng đã được thảo luận nhiều lần trong giới người Việt ở nước ngoài. Có người chủ trương là không gửi tiền. Họ lý luận rằng gửi tiền về là giúp nhà nước không phải lo việc dân sinh, dành nguồn lực ngân sách cho công an cảnh sát bảo vệ chế độ. Nhưng cũng có rất nhiều người không đành tâm khoanh tay bất động nhìn những cảnh đời khốn khó đầy rẫy, nên sẵn lòng chia xẻ ít nhiều thu nhập của mình cho người cùng khổ ở quê nhà, mặc dù biết rằng một phần số tiền đó sẽ vào tay ai đó.

Làm việc nghĩa hay không làm việc nghĩa?

Sẽ không có câu trả lời dứt khoát cho tất cả mọi người, cho mọi trường hợp. Mỗi người trong chúng ta phải tự quyết định cho cách hành xử thích hợp cho cách suy nghĩ và lương tâm của chính mình. Nếu quyết định là vẫn phải tham dự các chương trình từ thiện, thì cần quan tâm kỹ lưỡng hơn nữa về những biện pháp giảm thiểu tham nhũng. Những quan hệ thân quen người trong nước không bảo đảm sự trong sáng của việc thực thi chương trình từ thiện.

Tham nhũng có muôn hình vạn trạng. Song ở đây, điều nghịch lý thô bạo nhất trong câu chuyện này là việc cô giáo hàng ngày rao giảng đạo đức lại tham nhũng tiền thưởng dành cho các học sinh bé bỏng về việc làm tốt của các em. Phải chăng đây là triệu chứng của một xã hội đã bị băng hoại tận gốc, mọi giá trị đạo đức không còn chỗ đứng?

T.K.T.

Tác giả gửi BVN

Phụ lục

Bài làm của học sinh lớp 5

clip_image002

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn