Không úp mở để dẹp nhiễu loạn thông tin

Thật hiếm có một bài phỏng vấn như bài này trên báo lề phải. Người hỏi biết xoáy vào vấn đề, mà người trả lời cũng không tránh né.

Thiên hạ kháo nhau ầm ầm rằng ngài Y ngài Z biệt thự này lâu đài nọ siêu xe kia. Ông Mai Liêm Trực mách cách giải quyết: “Các bên liên quan không nên im lặng khi xuất hiện thông tin thất thiệt, sai sự thật vì chỉ có thông tin mới giải tỏa được thông tin.” Ông tin chắc diệu kế của ông nhất định thành công vì “chúng ta có khoảng 800 cơ quan báo chí, hơn 18.000 nhà báo”. Nhưng vấn đề là, như người phỏng vấn huỵch toẹt, “phải nói sao cho thuyết phục chứ không phải nói lấy được”. Thuyết phục làm sao khi dân đen qua Internet ngày nào cũng được “thưởng lãm” những văn bản quý hiếm, những hình ảnh lộng lẫy chứng minh rành rành tài sản khổng lồ mà hẳn phi pháp là của quý ngài?! Ông Mai Liêm Trực quả quyết rằng nếu có những thông tin xuyên tạc về ông, thì “[T]ôi sẽ nói lại bằng cách chính thức hoặc không chính thức. Chắc chắn là tôi không thể im lặng.” Nhưng đó là ông Mai Liêm Trực, một người “Cây ngay không sợ chết đứng”. Chứ vô vàn những “đồng chí” của ông không phải là “cây ngay” thì đời nào họ nghe lời “xui dại” của ông Mai Liêm Trực!

Cho nên, mọi chuyện cứ tù mù cho nó lành. Tù mù là tấm khiên che cho họ an toàn; che cho họ không bị sứt mẻ tài sản; che cho họ tiếp tục đứng trên đầu dân, hút máu của dân; che cho họ dùng bạo lực để trấn áp những tiếng nói trái chiều; che cho họ có thể rao giảng đạo đức xã hội chủ nghĩa. Ông cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền há chẳng đanh thép lên án bọn tham nhũng, và khi mới bị phát hiện chính ông tham nhũng, lại tuyên bố nhà cửa, lâu đài của ông là do ông “lao động đến thối cả móng tay” đó sao?! “Nói lấy được” là phản ứng không thể khác!

Trong tình hình đó, dễ hiểu là không thiếu những tiếng nói quyền uy đòi “kiểm soát thông tin xuyên tạc về lãnh đạo trước Đại hội Đảng”, thực hiện những “biện pháp kiểm soát chặt chứ không nên thả nổi thông tin trên mạng như hiện nay”. Như một sự trêu ngươi, mặc cho chủ nhân của những phát biểu đó là những người “có gang có thép”, trang mạng đăng những thông tin “nhạy cảm” kia vẫn dễ dàng truy cập! Và, chắc chỉ trùng hợp thôi, trong Hội nghị tổng kết công tác 2014 và triển khai nhiệm vụ 2015 của Văn phòng Chính phủ ngày 15/1/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: “Không thể ngăn cấm thông tin trên mạng xã hội”!

Mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm của “một bộ phận không nhỏ” trong giới cầm quyền không phải ngẫu nhiên: nó là kết quả tất yếu của một thể chế. Thì thay đổi thể chế! Chết chết, “diệt chuột” như thế thì có mà “vỡ bình”! Chỉ mới mấy ngày trước đây, ngài Tổng (Bí thư) đã kiên quyết: “Đổi mới chính trị không phải thay đổi chế độ chính trị”. Chẳng phải hai năm trước, nhiều trí thức chân thành nói lên ý kiến tâm huyết để sửa chữa Hiến pháp nhưng trái ý ngài, thì ngài quy cho là “suy thoái về nhận thức tư tưởng, đạo đức, lối sống” và đòi xử lý họ, đó sao!

Nhưng cái khiên tù mù chỉ kéo dài bi kịch của dân tộc, chứ không thể ngăn “bình” vỡ. Ngày hội “Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời” cho toàn dân tộc nhất định sẽ tới!

Bauxite Việt Nam

TT - Trước tình trạng nhiễu loạn thông tin trên mạng hiện nay, Tuổi Trẻ trao đổi với ông Mai Liêm Trực - nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính viễn thông.clip_image002

Ảnh: Nguyễn Khánh. Ông Mai Liêm Trực là một trong những nhà quản lý tiên phong mở cửa đưa Internet vào Việt Nam.

* Thưa ông, trên các trang mạng hiện nay bên cạnh những thông tin tích cực, hữu ích thì cũng có không ít thông tin thất thiệt, vô bổ. Vậy làm thế nào có thể sàng lọc, nhận biết những thông tin tốt, loại bỏ thông tin xấu?

- Giải pháp hàng đầu là chúng ta phải dùng thông tin đúng đắn để phản ứng nhanh nhạy và đầy đủ. Tôi nói ví dụ trước đây xuất hiện tin đồn trên mạng là chủ tịch BIDV bị bắt. Đối với loại tin đồn như vậy, chỉ cần ông chủ tịch BIDV xuất hiện trên báo là dẹp bỏ được ngay. Nếu cần thì cơ quan chức năng như công an, Ngân hàng Nhà nước... có thông tin chính thức. Các bên liên quan không nên im lặng khi xuất hiện thông tin thất thiệt, sai sự thật vì chỉ có thông tin mới giải tỏa được thông tin.

Hay trường hợp ông Nguyễn Bá Thanh trên mạng nói này nói nọ, nhưng khi Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương công bố thông tin chính thức thì mọi việc rõ ràng. Chính những bác sĩ có uy tín nói ra để xã hội yên lòng. Cá nhân tôi mong ông Nguyễn Bá Thanh khỏe lại và chính ông sẽ nói ra.

* Đúng là phải chủ động thông tin để dẹp bỏ tin đồn thất thiệt. Nhưng giờ đây có nhiều loại thông tin xuyên tạc, kích động được dàn dựng và thường xuất hiện mỗi khi có các sự kiện chính trị quan trọng. Ông nhìn nhận như thế nào về hiện tượng này?

- Cơ chế tin đồn thường ẩn danh, thời xưa thì truyền miệng, sau đó truyền đơn, bây giờ có Internet thì truyền qua mạng. Một mặt chúng ta cần thấy đây là hiện tượng bình thường, nên quen với chuyện đó và đừng nên quá để ý, lo lắng để rồi bị chi phối, dẫn dắt bởi các loại tin đồn.

Đứng trước một thông tin nào đó cần bình tĩnh suy xét, tìm hiểu qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là các kênh chính thức và có dẫn nguồn rõ ràng.

Mặt khác, các cơ quan chức năng và chính những người trong cuộc cần chủ động đấu tranh với tin đồn thất thiệt. Nếu cứ im lặng thì tin đồn sẽ làm xã hội phân tâm.

Nhiều lần tôi nói với những người có trách nhiệm rằng không nên né tránh những gì mà chúng ta thường cho là “nhạy cảm”. Càng không nên né tránh các loại thông tin xấu độc, xuyên tạc, vu khống. Nếu là tôi thì sẽ “chơi bài ngửa”, không có úp mở gì.

Trong lĩnh vực thông tin, chúng ta có khoảng 800 cơ quan báo chí, hơn 18.000 nhà báo, ai nói gì mình phải nói lại chứ. Tôi nhớ khi ta chưa có Internet, Tổng cục Bưu điện được giao phát hành báo chí ra nước ngoài rất vất vả, một cân báo đưa lên máy bay là 10 USD, chưa kể đưa ra nước ngoài rồi ai phát hành?

Bây giờ hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài có thể đọc báo điện tử trong nước để cập nhật tin tức hằng ngày, hằng giờ. Với lực lượng báo chí hùng hậu như vậy, để xuất hiện khoảng trống thông tin, để cho thông tin xấu, độc chen vào thì tôi nghĩ rằng trước hết phải xem lại cách thông tin của chính chúng ta.

* Thưa ông, nói lại nhưng phải nói sao cho thuyết phục chứ không phải nói lấy được?

- Tất nhiên. Theo tôi ít nhất có hai điều kiện.

Thứ nhất, thẳng thắn đấu tranh với những thông tin sai trái nhưng không được áp đặt, không quy chụp. Thông tin một chiều, theo một mẫu câu thì tính thuyết phục rất thấp.

Thứ hai, cái gì mình đúng thì kiên quyết bảo vệ, nhưng không vì thế mà giấu cái sai, cái dở của mình. Càng công khai, minh bạch càng đẩy lùi được hiện tượng “nhiễu” thông tin.

Một vấn đề quan trọng nữa, như tôi đã nói bản thân Internet không xấu, chỉ có con người lợi dụng Internet. Vì vậy chăm lo giải quyết tốt các vấn đề trong đời sống thật chính là giải quyết ở gốc những vấn đề phát sinh trên không gian mạng.

* Giả sử xuất hiện tin đồn thất thiệt liên quan đến ông thì ông sẽ ứng xử như thế nào?

- Ông bà ta dạy “Cây ngay không sợ chết đứng”. Nếu thông tin đó chỉ một vài người nói thì không đáng quan tâm. Nếu nhiều người nói, tôi sẽ nói lại bằng cách chính thức hoặc không chính thức. Chắc chắn là tôi không thể im lặng. Phải giải tỏa thông tin và chúng ta cũng phải tin vào lòng dân. Người dân biết hết.

* Ngoài việc chủ động thông tin và hoàn thiện hành lang pháp lý về quyền tiếp cận thông tin, ông có đề xuất giải pháp cụ thể nào khác không?

- Việc căn cơ trước mắt và cũng cho lâu dài là nâng cao dân trí, để tự mỗi người dân khi ngồi trước màn hình máy tính biết chọn lọc thông tin, biết tự bảo vệ mình trong không gian sống mới.

Việc tiếp theo là những giải pháp về hành chính và pháp lý. Tôi ủng hộ xử lý nghiêm, nhưng không chỉ bằng biện pháp hành chính mà bằng cách thức kiện ra tòa để tòa phân xử. Ví dụ như người nào tung tin có bom làm chuyến bay ngừng lại, cơ quan quản lý xử phạt theo quy định nhưng chính hãng hàng không là bên bị thiệt hại nhiều nhất phải kiện chứ.

Cuối cùng là giải pháp kỹ thuật nhưng không nên lạm dụng. Trên bình diện rộng, đâu thể chặn hết mà thật ra cũng không chặn được. Khi xuất hiện trang WikiLeaks, nhiều quốc gia mạnh về công nghệ đã muốn chặn nó nhưng không thể, vì về mặt kỹ thuật thì sẽ có ngay rất nhiều trang web “nhân bản” WikiLeaks. Điều chúng ta có thể, tôi muốn nói lại một lần nữa, chỉ có thông tin mới giải tỏa được thông tin.

* Internet mang đến không gian sống mới như ông nói ở trên, nghĩa là đòi hỏi cách tiếp cận mới đối với cuộc sống con người, trong đó có cách tiếp cận thông tin?

- Không thể giữ cách quản lý như cũ. Đất nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh ác liệt, hi sinh lớn lao, nên việc chúng ta lo lắng cho an ninh quốc gia là một lo lắng đúng đắn và chính đáng. Cách thức chúng ta quản lý trước đây thường rất chặt, ví dụ mỗi lần ai đó ra nước ngoài thì phải trả lời câu hỏi có mang tài liệu, bản đồ gì không. Nhiều nơi treo biển cấm quay phim, chụp ảnh. Bây giờ thời đại đã khác.

Tôi nói ví dụ như ta sử dụng Google Map hay Google Earth, rất dễ dàng để khám phá các tòa nhà, hình ảnh và địa hình, kể cả các địa danh nhạy cảm. Rõ ràng cách chúng ta tự bảo vệ mình phải khác trước vì thời đại đã thay đổi. Tôi rất tiếc là những biện pháp đưa ra cho các vấn đề hôm nay đây đó vẫn giữ cách làm cũ.

Một vấn đề khác là với dòng chảy thông tin trên mạng hiện nay, tôi có cảm giác chúng ta lo ngại và suy diễn quá lớn. Việc cần hơn là khơi dòng và nắn dòng thông tin bằng cách tiếp cận mới.

Trong đó không thể thiếu một hành lang pháp lý ngày càng được hoàn thiện để người dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin của mình, đồng thời đòi hỏi những người có chức vụ, quyền hạn và các cơ quan quyền lực nhà nước ngày càng thực hiện đầy đủ hơn trách nhiệm giải trình.

VÕ VĂN THÀNH thực hiện

Nguồn:http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150115/khong-up-mo-de-dep-nhieu-loan-thong-tin/699048.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn