Nhiều sai phạm nghiêm trọng của Đoàn Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông thanh tra Báo Người cao tuổi

Báo Người cao tuổi

Bài in trên Báo Người Cao tuổi số 1549 ra ngày 10-2-2015

Quy trình và trong quá trình thanh tra 64 ngày làm việc chính thức (thời gian kém 4 ngày tròn 3 tháng) tại Báo Người cao tuổi, Đoàn Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền Thông có nhiều sai phạm, thanh tra trái Luật Thanh tra, các Nghị định, Thông tư của Chính phủ và của Thanh tra Nhà nước, trái Luật Báo chí sửa đổi, các Nghị định của Chính phủ, Luật Khiếu nại, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, Quyết định số 588/2004 của Bộ Công an, Nghị định số 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ...

Tiến hành thanh tra đơn vị trực thuộc, không thông báo cho cơ quan chủ quản của báo. Vụ việc chưa được giải trình đã kí kết luận và họp báo đưa tin quy chụp, trái pháp luật, vi phạm Bộ luật Hình sự, bôi nhọ danh dự Báo Người cao tuổi.

Cần khẳng định đây là Đoàn Thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông, được thành lập theo Quyết định số 1634/QĐ-BTTTT ngày 7/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Thanh tra đột xuất Báo Người cao tuổi.

Theo quy định, Đoàn Thanh tra phải tuân thủ theo Luật Thanh tra và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về thanh tra. Trong 64 ngày làm việc Đoàn đã vi phạm khoản 1 Điều 7 về Nguyên tắc hoạt động thanh tra, không tuân theo pháp luật, không bảo đảm chính xác, thiếu khách quan, thiếu trung thực, không công khai, dân chủ. Ngày 5/1/2015 Đoàn Thanh tra có Văn bản số 08/CBC-ĐTT thông báo kết thúc thanh tra tại Báo Người cao tuổi. Thông báo này có nội dung “Trong quá trình xây dựng kết luận thanh tra, nếu cần xác minh hoặc cung cấp thêm thông tin, tài liệu để làm rõ nội dung trước khi kết luận thanh tra, yêu cầu Báo Người cao tuổi cung cấp đầy đủ kịp thời”.

Sự thực sau thông báo này, Báo Người cao tuổi không nhận được bất kì thông tin hay yêu cầu giải trình nào của Đoàn Thanh tra, ngày 31/1/2015 Đoàn mới có cuộc làm việc chính thức với Báo Người cao tuổi (thông báo những nội dung về sai phạm của việc thực hiện pháp luật về báo chí) yêu cầu ngày 3/2/2015 phải nộp báo cáo giải trình (chỉ trong 1 ngày làm việc phải giải trình trên 52 nội dung gồm nhiều nhóm vấn đề không có trong nội dung đề cương thanh tra đột xuất. Các bài thanh tra nêu ra, đến nay đã quá thời hiệu (90 ngày) theo Điều 9 Luật Khiếu nại, Báo Người cao tuổi không nhận được đơn thư khiếu nại của các tổ chức và cá nhân có liên quan khiếu nại. Ngay Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ quản, quản lí và giám sát hoạt động của báo chí, trong suốt 2 năm qua cũng chưa một lần nhắc nhở, hoặc nêu về các ý kiến khiếu nại của các tổ chức và cá nhân, có liên quan đến nhóm các bài báo mà Đoàn Thanh tra liệt kê trong 64 ngày thanh tra tại Báo Người cao tuổi. Để có kết luận khách quan đúng pháp luật, đúng sự thực, căn cứ mục a, khoản 1 Điều 57: Quyền của đối tượng thanh tra được “Giải trình về vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra”; Căn cứ khoản 2 Điều 58: Nghĩa vụ của đối tượng thanh tra được: “Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn Thanh tra, thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra, thành viên khác của Đoàn Thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp”.

Báo Người cao tuổi có Công văn số 32/CV-BNCT ngày 4/2/2015 gửi Đoàn Thanh tra kiến nghị cần có thời gian giải trình theo (Điều 7, Điều 57 và 58 Luật Thanh tra) và Báo sẵn sàng hợp tác với Đoàn để có kết luận ban hành đúng quy định của Luật Thanh tra.

Rất tiếc là kiến nghị theo đúng pháp luật của Báo Người cao tuổi đã không được Đoàn Thanh tra chấp nhận, đến nay Báo Người cao tuổi chưa được giải trình. Đoàn Thanh tra chưa đưa ra các văn bản pháp lí theo pháp luật để kết luận các sai phạm của Báo Người cao tuổi thì không thể có kết luận vội vàng, quy chụp trái pháp luật, như công bố của Đoàn Thanh tra với các cơ quan báo chí sáng ngày 9/2/2015. Báo đã có văn bản giải trình ngày 6/2 và gửi vào 8 giờ sáng ngày 9/2/2015 tới Bộ Thông tin và Truyền thông. Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Cù Thị Hậu thay mặt cơ quan chủ quản cũng có văn bản khiếu nại gửi ông Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị tạm hoãn thông báo kết luận thanh tra và nêu những sai phạm của Đoàn Thanh tra tại Báo Người cao tuổi mà không thông báo cho cơ quan chủ quản biết. Tại cuộc họp báo này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã không nêu rõ lí do vì sao Báo Người cao tuổi và Hội Người cao tuổi, cơ quan chủ quản của Báo lại không đến họp. Đoàn Thanh tra đã nhận được Công văn của Hội Người cao tuổi và của Báo Người cao tuổi trước khi cuộc họp báo diễn ra nhưng không cung cấp hoặc công bố lí do giải trình của Báo Người cao tuổi để các cơ quan báo chí biết. Do đó, thông tin do Đoàn Thanh tra đưa ra là thông tin một chiều có tính chất áp đặt và quy chụp, trái các Luật Thanh tra, Luật Báo chí và Luật Khiếu nại…

Vi phạm Luật Thanh tra và các Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011, số 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 của Chính phủ và Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ

Về thông báo thanh tra: Đoàn Thanh tra đã không thực hiện quy định tại khoản 2, Điều 20 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP: Trưởng đoàn Thanh tra có văn bản gửi đối tượng thanh tra (kèm theo đề cương yêu cầu báo cáo) ít nhất trước 5 ngày, trước khi công bố quyết định thanh tra; văn bản yêu cầu phải nói rõ cách thức báo cáo, thời gian nộp báo cáo. Các bài báo thanh tra nêu trong đợt gia hạn thanh tra đều không có đơn thư khiếu nại hoặc tố cáo của tổ chức, cá nhân. Đoàn Thanh tra không thực hiện Điều 21 Nghị định 86/2011/NĐ-CP quy định: “Đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo được gửi cho đối tượng thanh tra trước ngày công bố quyết định thanh tra”; vi phạm Điều 24 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP quy định: Trước khi Kết luận chính thức, nếu thấy cần thiết, người ra quyết định thanh tra lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn hoặc gửi dự thảo Kết luận thanh tra cho đối tượng thanh tra. Việc giải trình của đối tượng thanh tra được thực hiện bằng văn bản và có tài liệu chứng minh kèm theo.

Trong suốt 64 ngày làm việc, Đoàn Thanh tra chỉ thu thập tài liệu, không yêu cầu Tổng Biên tập hay các cán bộ, phóng viên liên quan đến những bài báo được giải trình nêu trong biên bản ngày 31/1/2015.

Thanh tra chuyên ngành về nội dung báo chí nhưng Đoàn Thanh tra lại vi phạm Luật Báo chí và Luật Khiếu nại

Trong 5 bài viết đăng trên Báo Người cao tuổi mà Đoàn Thanh tra cho rằng có dấu hiệu tiết lộ bí mật Nhà nước gồm: 3 bài về Kết luận Thanh tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam; bài về ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra có tài sản khổng lồ và bài về ông Hoàng Thái Dương, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Thanh tra Chính phủ.

Căn cứ Điều 4, khoản 1 Điều 5 và các Điều 7, 8, 9, 10 Luật Báo chí sửa đổi; Căn cứ các Điều 9, 13, 14, 15, 29 Luật Khiếu nại, cả 4 bài báo Đoàn Thanh tra trích dẫn trên, bài đăng lâu nhất ngày 15/1/2014, bài gần nhất ngày 18/6/2014 đến nay đã 13 tháng và 8 tháng, không có đơn khiếu nại của các cơ quan và các cá nhân có liên quan, khiếu nại theo Luật Báo chí và Luật Khiếu nại. Như vậy theo Luật Báo chí, các nội dung tin bài đã đăng không bị khiếu nại nghĩa là Báo Người cao tuổi đăng có cơ sở. Chính Bộ Thông tin và Truyền thông hằng tuần hằng tháng đều có giao ban báo chí song những nội dung trên đều không phát hiện ra chẳng lẽ bây giờ tự nhiên lại phát hiện ra và nhóm bài này đều có liên quan đến ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và ông Hoàng Thái Dương, Vụ trưởng vụ Tổ chức Cán bộ của Thanh tra Chính phủ, trong khi hai ông này và chính cơ quan Thanh tra Chính phủ cũng không có văn bản nào khiếu nại về việc Báo Người cao tuổi làm lộ bí mật Nhà nước trong 5 bài báo này.

Ngày 2/10/2013 Thanh tra Chính phủ kí Kết luận số 2181/KL-TTCP về thanh tra Tập đoàn Điện lực, ngày 15/10/2013 Thanh tra Chính phủ họp báo nội dung thanh tra Tập đoàn Điện lực đã được công khai, hàng loạt báo đã phỏng vấn ông Ngô Văn Khánh và đăng tin bài từ ngày 16/10/2013. Ngày 15/1/2015 tức là sau 103 ngày kết luận về Thanh tra Tập đoàn Điện lực, Báo Người cao tuổi mới viết bài, do đó không vi phạm Quyết định số 588/QĐ-BCA (A11). Mặt khác, tại Quyết định số 588/QĐ-BCA (A11) không có khái niệm dự thảo kết luận trong danh mục tài liệu mật của Thanh tra Chính phủ. Báo Người cao tuổi thực hiện đúng khoản 6 Điều 5 Nghị định 51/2002 /NĐ-CP ngày 26/4/2002 và Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28/12/2000 “Đối với các văn kiện, tài liệu của các tổ chức, tài liệu, thư riêng của các các nhân có liên quan đến các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, cơ quan báo chí có quyền khai thác theo nguồn tin của mình và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung thông tin đó”.

Bài “Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh kê khai…?” số 35 (1352) ngày 28/2/2014 có nội dung về tài sản của ông Ngô Văn Khánh, Theo Đoàn Thanh tra Báo vi phạm tại khoản 8 Điều 1 Quyết định số 588/2004.QĐ-BCA (A11) ngày 25/6/2004.

Về việc này, Báo không khai thác hồ sơ cán bộ của ông Ngô Văn Khánh thì không sai phạm. Mặt khác, theo Nghị định 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 thay thế Nghị định 37/2007/NĐ-CP ngày 9/3/2007 có hiệu lực từ tháng 9/2013 đã có quy định về công khai tài sản thì thông tin về tài sản từ bản kê khai tài sản đã bị vô hiệu hóa.

Bài “Lộ rõ việc bao che không xử lí kỉ luật ông Hoàng Thái Dương…” số 97 (1414) ngày 18/6/2014. Theo Đoàn Thanh tra có những thông tin trong bài giống như trong Dự thảo Báo cáo kết quả giải quyết tố cáo của đồng chí Hoàng Thái Dương.

Báo Người cao tuổi đăng theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Minh Mẫn tại thời điểm ông Nguyễn Minh Mẫn quyền Vụ trưởng Vụ III Thanh tra Chính phủ. Báo đã thẩm định thông tin người tố cáo là có thật, nội dung tố cáo là có thật, đã được Thanh tra Chính phủ kết luận tại một số văn bản nhưng người tố cáo vẫn cho là có dấu hiệu bao che, do đó tiếp tục tố cáo lên Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ngày 2/8/2013, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thành lập Đoàn Kiểm tra là có thực.

Với hồ sơ của các phóng viên đi điều tra các vụ việc có liên quan trên, hiện Báo Người cao tuổi đã có giải trình (ngày 6/2/2015) và có hồ sơ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện đúng Luật Thanh tra, Luật Báo chí, Luật Khiếu nại và Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, để có kết luận công khai, minh bạch, trung thực, khách quan và đúng pháp luật

Nguồn: http://www.trannhuong.com/tin-tuc-19071/nhieu-sai-pham-nghiem-trong-cua-doan-thanh-tra-bo-thong-tin-va-truyen-thong-thanh-tra-bao-nguoi-cao-tuoi.vhtm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn