Có hay không tranh chấp quyền lợi trong việc Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng kiện GS Nguyễn Đăng Hưng?

Nguyễn Q. Thắng (Nhà biên khảo)

Tôi quen GS Nguyễn Đăng Hưng (GS NĐH) đã lâu, đã quan tâm đến việc làm của ông từ những năm 1990, ngày ông đi về Việt Nam mở các lớp cao học giúp đỡ đào tạo người thầy cho ngành chuyên môn của ông tại ĐH Bách khoa Tp HCM.

Nghe tin ông bị Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng (HT ĐH TĐT) kiện về tạp chí “Asia-Pacific Journal of Computational Engineering (APJCEN)”, tôi đã theo dõi sát vụ việc này. Để tìm hiểu nguyên do vụ kiện, tôi đã trao đổi rất nhiều với ông Hưng yêu cầu ông cho biết bằng cớ về lập trường của bị đơn.

Bài viết này là kết quả nghiên cứu của chúng tôi sau khi đọc hết các tài liệu, phần lớn chưa công bố.

*

Trong một cuộc phỏng vấn do báo Pháp luật Tp HCM thực hiện (10/8/2014) về việc Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng kiện ông Nguyễn Đăng Hưng, PGS TS Lê Chí Hiếu (ĐH Tổng hợp Greenwich), thành viên Ban Biên tập (BBT) Tạp chí APJCEN đã phát biểu: “Tôi nghĩ vấn đề mâu thuẫn về quyền lợi liên quan tới sở hữu tạp chí APJCEN là gốc của vụ kiện. Nhìn chung các tạp chí khoa học quốc tế thì NXB sẽ chỉ định tổng biên tập và chính NXB là chủ thực sự của tạp chí khoa học. ĐH, viện và trung tâm nghiên cứu nơi mà tổng biên tập làm việc không tham dự và tác động vào hoạt động chuyên môn và khoa học của tạp chí mà hãy để NXB, tổng biên tập và ban biên tập chủ động quản lý và điều hành các hoạt động của tạp chí”.

PGS TS Lê Chí Hiếu đã có ý kiến rất xác đáng, nhất là khi ông nêu rõ thực chất vấn đề là HT ĐH TĐT muốn giành quyền chủ quản tờ tạp chí. Quyết tâm này đã được phơi bày ngay từ đầu trong thư điện tử gởi cho ông Nguyễn Đăng Hưng. Thật vậy, trong thư ngày 7/2/2013 [1] HT ĐH TĐT đã tỏ rõ là diễn trình thành lập APJCEN với sự hỗ trợ của Nhà xuất bản Springer là không hợp ý ông và ông chỉ muốn: “Thành lập một tạp chí tiếng Anh có tầm quốc tế của Trường đại học Tôn Đức Thắng và tạp chí này thuộc về Trường đại học Tôn Đức Thắng”.

Sau này, sau khi thấy Hợp đồng chính thức giữa Tổng biên tập (TBT) Nguyễn Đăng Hưng và Springer [2] khẳng định ở điểm 2, chính Springer mới là chủ sở hữu của tạp chí APJCEN, HT ĐH TĐT tìm cách nói lách đi một tí nhưng ý chí làm chủ không hề thay đổi. Chẳng hạn khi cố vấn cao cấp của ông không chịu vi phạm hợp đồng để làm theo ý ông, thì trong thư bảo đảm có nội dung khai chiến [3], ông tuyên bố thẳng thừng:

Trường đại học Tôn Đức Thắng (ĐH TĐT) là đơn vị sáng lập tạp chí và GS (NĐH) là người được nhà trường phân công (bổ nhiệm) là TBT theo hợp đồng”.

Nên chú ý một điểm quan trọng rằng ông đòi là đơn vị sáng lập có quyền phân công bổ nhiệm TBT.

Chúng ta cũng biết, khi có quyền bổ nhiệm thì đương nhiên có quyền bãi nhiệm và chi phối toàn bộ Ban Biên tập (BBT). Thật vậy, ai cũng biết chính TBT là người thành lập BBT, phân phối trách nhiệm các thành viên trong BBT.

Cho nên cái mà HT ĐH TĐT khẳng định ở đây chính là quyền chủ quản trá hình.

Để biện minh cho quyền này, trong hồ sơ nguyên đơn tại Tòa án Quận 9, HT ĐH TĐT cho rằng vì bản đề cương gởi cho nhà xuất bàn Springer có ghi hai việc:

a.       Đại học chủ nhà tương lai là ĐH TĐT




b.      Tổng Biên tập tương lai sẽ là GS TS Nguyễn Đăng Hưng




 



Từ đó, một cách đơn phương, HT ĐH TĐT đã suy diễn cho mình vai trò “là đơn vị sáng lập tạp chí và GS (NĐH) là người được nhà trường phân công (bổ nhiệm) là TBT theo hợp đồng”.



Trong thư bảo đảm từ nhiệm ngày 23/3/2014 [4], GS NĐH đã phải phản ứng ngay: 



ĐH TĐT đã phân công (bổ nhiệm) tôi là Tổng Biên tập (TBT) qua văn bản nào và trên cơ sở gì? Hợp đồng tôi ký với ĐH TĐT chưa hề nhắc tới từ TBT!



ĐH TĐT có cơ sở nào để tự phong cho mình là nhà sáng lập và việc phân công bổ nhiệm là việc của ban biên tập gồm 40 nhà khoa học tăm tiếng được Nhà xuất bản danh giá SPRINGER tín nhiệm. ĐH TĐT không thể tự nhận cái của người khác và ĐH TĐT không có tư cách chuyên môn, uy tín khoa học gì để phân công bổ nhiệm các chuyên gia khoa học cao cấp cả. Các nhà khoa học thế giới sẽ nghĩ gì nếu họ biết ông đòi quyền phân công bổ nhiệm họ?



Với trách nhiệm của TBT, tôi không thể viết ra trên bài xã luận APJCEN số đầu tiên vài dòng ngoại giao để thoả mãn đòi hỏi của ông vì việc này vi phạm điều khoản quan trọng nhất của hợp đồng song phương mà chúng tôi đã ký với SPRINGER”.





Cho đến nay, HT ĐH TĐT hay các luật sư thừa hành vẫn không có câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi trên mà ngược lại còn liên tục trách cứ ông NĐH đã “bội ước” khi từ chối công nhận vai trò “nhà sáng lập bổ nhiệm TBT”.





Điều lạ lùng khó hiểu là một năm trước đó – ngày 15/3/2013 [5], HT ĐH TĐT đã đồng ý tiếp tục cộng tác ngay cả khi ông NĐH đã nói không với đòi hỏi ĐH TĐT“nhà sáng lập bổ nhiệm TBT”. Thật vậy, trong e-mail trên đây ta thấy khi HT ĐH TĐT đưa ra yêu sách:





Tổng biên tập, Phó tổng biên tập đều là người của ĐH TĐT; và hai nhà khoa học này thực hiện việc kết nối với Springer để cho ra đời tạp chí theo nhiệm vụ mà ĐH TĐT giao cho họ. ĐH TĐT phải được minh định là cơ quan sáng lập tạp chí. Dùng câu chữ gì cũng được, nhưng tinh thần này cần phải được khẳng định”.



Ông NĐH đã minh bạch trả lời:



“…Chính ban biên tập (gồm 40 nhà khoa học quốc tế) mà tôi là đại diện cùng với SPRINGER sáng lập ra tờ báo chứ không ai khác. Mọi đề đạt khác sẽ phủ nhận công ơn đóng góp của 40 nhà khoa học bè bạn của tôi, như thế là làm việc không có trước có sau, ăn xổi ở thì với các nhà khoa học ngay trong số đầu. Chuyện này tôi không bao giờ làm, với bất cứ giá nào! Tôi đã trình bày rõ ràng, báo khoa học là của các nhà khoa học! SPRINGER là nhà xuất bản, nhà quảng bá mà các nhà khoa học thế giới đều thừa nhận chứ ĐH TĐT thì có ai biết đâu?



…Cũng nói rõ với anh là ban biên tập tự động thành lập qua bàn thảo của các nhà khoa học, TBT là người được các nhà khoa học tín nhiệm chứ không ai đưa ra, thậm chí bổ nhiệm cả…”





Thật không thể rõ ràng hơn. Ông NĐH đã nói không, ngay từ ngày có ký kết với Springer là ĐH TĐT sẽ không bao giờ là “nhà sáng lập bổ nhiệm TBT” cả!



Và khi HT ĐH TĐT trả lời: “Thôi được thày ạ! Cứ làm như thày đã sắp xếp (như trong email này của thày) đi, để có thể ra được Tạp chí. Những vấn đề còn lại, để sau; chúng ta lúc nào có thời gian sẽ nói chuyện thêm”, thì đây chỉ là kế sách hoãn binh mà thôi.





THÀNH VIÊN SÁNG LẬP ĐỒNG HÀNH HAY NGƯỜI SÁNG LẬP CHỦ QUẢN?



Quyết tâm tự nhận vai trò nhà sáng lập chủ quản còn tỏ rõ qua tài liệu sau đây [6] tìm thấy trên Website của ĐH TĐT: “Phía LHU (một đối tác Đài Loan) rất thú vị khi biết TDTU (ĐH TĐT) đã thành lập tạp chí quốc tế Asia Pacific Journal on Computational Engineering và được xuất bản bởi nhà xuất bản nổi tiếng Springer”.



Trong hồ sơ nguyên đơn cũng như qua luật sư của mình trên các cơ quan thông tin đại chúng, HT ĐH TĐT thường dựa vào những luận cứ không sát với sự thật. Thí dụ ông dựa vào báo Lao Động ra ngày 11/7/2013 [7], trong đó ông NĐH có viết:



“Hiện nay, ĐH TĐTthành viên sáng lập, sẽ đứng ra đảm đương việc thực hiện bản in, hỗ trợ tổng biên tập thông qua một ban thư ký thường trực, nhất là tạo điều kiện phòng ốc để APJCEN có đại bản doanh tại Việt Nam”.



Xin bạn đọc chú ý ở đây có từ “thành viên sáng lập” chứ không có từ “nhà sáng lập bổ nhiệm TBT”. Hai vai trò này khác hẳn nhau. Thật vậy, là thành viên sáng lập, ĐH TĐT đã song hành cùng cố vấn cao cấp của mình để cùng Springer sáng lập ra APJCEN. Ngay từ đầu đã có logo của ĐH TĐT trên trang nhà của APJCEN và có một ban thư ký gồm các cộng tác viên của TBT đặt trụ sở tại trường ĐH TĐT, trường cũng đã được giao phó việc thực hiện bản in. Đó chính là vai trò Đại học liên kết ban đầu (University affiliation) mà Hợp đồng sáng lập đã ghi nhận [2]. Vai trò này không phải là cơ quan chủ quản, không được quyền can dự vào sự điều hành hay bổ nhiệm nhân sự của tạp chí.



clip_image001



Tóm lại khi tự nhận mình là “nhà sáng lập bổ nhiệm TBT”, HT ĐH TĐT đã cố tình giành quyền chủ quản, đã tạo ra một sự cố tranh giành quyền lợi, ngay ngày APJCEN vừa chào đời. Và cũng bởi vì muốn tránh sự tranh chấp có hại cho tương lai, TBT bắt buộc phải thông báo cho Ban Biên tập APJCEN [8], tiến đến quyết định di dời đại bản doanh đi chỗ khác và tìm Đại học liên kết đồng hành an toàn hơn.



CÓ HAY KHÔNG VIỆC ĐH TĐT BỎ TIỀN RA LÀM TẠP CHÍ APJCEN?



Trong đơn kiện gửi tòa án ngày 1/7/2014, HT ĐH TĐT đòi GS NĐH “bồi thường thiệt hại tổng số tiền hơn 461.364.522 VNĐ mà trường cho rằng, đã chi để thực hiện công việc xây dựng tạp chí APJCEN”.



Điều lạ lùng là hồ sơ đính kèm đơn kiện không có một hóa đơn nhỏ nào minh chứng cho chi tiêu trực tiếp cho tạp chí APJCEN. Làm sao có được, vì APJCEN là của Springer và nhà xuất bản đã đầu tư 100% cho tờ báo. Còn vấn đề lương bổng trong quá trình cộng tác của ông NĐH, không thể nghĩ rằng sau bao ngày tháng làm việc, ĐH TĐT có thể đòi lại tiền lương và phủ nhận sạch trơn đóng góp của ông NĐH như vậy?



Thực chất vấn đề là HT ĐH TĐT đòi lại tiền lương về một hợp đồng lao động đã được thanh lý theo thoả thuận [8] có văn bản và chữ ký của đôi bên. Như vậy HT ĐH TĐT và các luật sư của ông đã vi phạm luật lao động. Trên thực tế, hành động này còn mang một tội danh khác là tội BỘI ƯỚC. Thật vậy, trên thoả thuận chấm dứt hợp đồng, ông NĐH nghi rõ bằng chữ viết tay [9]: “KHÔNG CÓ GÌ PHẢI BÀN GIAO VÀ TRÁCH NHIỆM LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG VIỆC”.



Đòi lại toàn bộ tiền lương cho một bản hợp đồng đã được hai bên đồng thuận và ký kết thanh lý, liệu có hợp lý không?



Nhân nói chuyện tiền lương, xin ghi rõ ở đây: TBT tạp chí APJCEN và phần lớn các tạp chí khoa học, là một vị trí công tác không có thù lao.



Tóm lại, khi liên tục đòi hỏi là “nhà sáng lập bổ nhiệm TBT”, HT ĐH TĐT đã tạo ra một sự tranh giành lợi ích với Nhà xuất bản Springer và hậu quả là việc đổ vỡ mối tương quan cộng tác với cố vấn cao cấp của mình, GS NĐH.



Còn vụ kiện thì chỉ là một hành động quấy rầy, thậm chí có thể xem là bôi nhọ, không dựa trên một cơ sở nào đáng kể cả.



N.Q.T.



Tp HCM ngày 10/3/2015





Chú thích





[1] Thư điện tử đêm giao thừa



http://www.ndanghung.com/wp-content/uploads/e-mail-29-tet-cho-LVD.pdf



[2] Hợp đồng sáng lập APJCEN TBT-Springer

http://www.ndanghung.com/.../APJCE-Agreement-Springer_NDH...



[3] Thơ bảo đảm của LVD

http://www.ndanghung.com/wp-content/uploads/thư_LVD1.pdf



[4] Thư từ nhiệm của NĐH



http://www.ndanghung.com/wp-content/uploads/Kính-gởi-TS-Lê-Vinh-Danh.pdf



[5] E-mail LVD đồng ý khi NĐH nói khg



http://www.ndanghung.com/wp-content/uploads/E_MAIL-15_3_13_-LVD-OK.pdf



[6] Triển vọng hợp tác TDTU và LHU



http://education.atem.vn/news/251/trien-vong-hop-tac-nghien-cuu-voi-truong-dai-hoc-khoa-hoc-va-ky-thuat-lunghwa.html



[7] http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/do-cac-nha-khoa-hoc-viet-nam-de-xuong-va-dieu-hanh-127205.bld



[8] Thư TBT NĐH gởi cho Springer và BBT APJCEN



http://www.ndanghung.com/wp-content/uploads/Letter-to-Springer-anh-board_modifications.pdf



[9] Thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động TĐT-NĐH

http://www.ndanghung.com/.../upl.../thoa-thuan-nghi-viêc.jpg



Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn