Nói thật cho nhau nghe! (Kỳ 12)

Mạnh Trí (Biên tập)

16- Câu chuyện thứ 16: Việt Nam là đất nước của “Lạm phát”!

Mồng 10 Tết Ất Mùi 2015 vừa qua, nhóm biên tập chúng tôi lại về HĐ thăm và dự cuộc giao lưu đầu xuân của nhóm “trí thức làng” ven đô. Chủ đề bàn thảo hôm nay được các bạn ấy đề xuất là “Mở rộng từ điển Tiếng Việt cho từ Lạm phát”. Rất rôm rả và cũng rất thú vị! Sau đây là phần biên tập của chúng tôi về nội dung tranh luận của nhóm.

Theo Từ điển Tiếng Việt (của nhóm cố GS Hoàng Phê) thì từ Lạm phát được định nghĩa là: “Phát hành tiền giấy vượt quá mức nhu cầu lưu thông hàng hóa, làm cho đồng tiền mất giá”.

Chúng ta đã từng được học môn Kinh tế chính trị học, và đã được nghiên cứu hiện tượng lạm phát của thế giới (tất nhiên chủ yếu là qua sách báo) thì đều hiểu đây là một hiện tượng trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng của nền kinh tế, với đối tượng lạm phát là Tiền. Từ đây, chúng ta cũng đã nhận ra các dấu hiệu cơ bản như: - Bao trùm là một hiện tượng bùng phát bất thường về số lượng (với đồng tiền) – Vượt quá khả năng và điều kiện bảo đảm cho việc tăng phát đó (bảo đảm bằng hàng hóa) – Vượt quá nhu cầu, không xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn (lưu thông hàng hóa) – Vượt quá tầm kiểm soát, quá ngưỡng cho phép (của cơ chế quản lý nền kinh tế) – Hậu quả là giảm sút giá trị của đối tượng tăng phát (mất giá đồng tiền).

Thế mà trong sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) hiện nay, chủ yếu là sau đổi mới, chúng ta thấy trong nhiều lĩnh vực khác cũng có những hiện tượng tương tự, tức là cũng có những biểu hiện, những dấu hiệu bản chất như trên (nếu không để ý đến sự khác nhau về đối tượng). Và người Việt ta, không ai bảo ai, lập tức mở rộng khái niệm “Lạm phát” cho toàn bộ đời sống XH. Sự mở rộng này đã lấy các dấu hiệu trên làm tiêu chí nhận dạng đối với hiện tượng “Lạm phát” khác lĩnh vực Tiền.

Đúng, rất đúng đấy. Này nhé, “lạm phát” đại học, “lạm phát” tướng lĩnh, “lạm phát” học vị, học hàm (ThS, TS, PGS, GS), “lạm phát” các danh hiệu nhà nước (anh hùng, ND, ƯT, ...), “lạm phát” khen thưởng, “lạm phát” tệ nạn xã hội, “lạm phát” bắt bớ, tù đày, “lạm phát” phục hồi lễ hội, “lạm phát” văn hóa “tâm linh”, “lạm phát” các cuộc thi, các giải thưởng, “lạm phát” các chương trình Truyền hình trực tiếp hoành tráng, “lạm phát” các hoạt động văn hóa ngoại lai, “lạm phát” bia rượu, “lạm phát” gian dối, lừa đảo, “lạm phát” các lời răn dạy của lãnh đạo, “lạm phát” nghị quyết, chỉ thị, luật lệ, “lạm phát” nghèo đói, “lạm phát” bất công, “lạm phát” tham nhũng, “lạm phát” quan chức hư hỏng, “lạm phát” gái Việt lấy chồng ngoại, “lạm phát” lao động xuất khẩu, v.v. và v.v.

Không biết có nước nào loạn xị “lạm phát” như nước mình không nhỉ? Đấy là điều bình thường, ở đâu chả vậy, hay là nỗi lo buồn, là thách thức, là điều đáng xấu hổ chỉ riêng cho Việt Nam chúng ta?

Chúng ta thử phân tích, lý giải một vài cái sự “lạm phát” để xem hình hài chúng nó ra sao, chúng nó sinh ra từ đâu, với mục đích gì, chúng nó có hại như thế nào, và làm sao để chấm dứt?

Lạm phát đại học

“Lạm phát” đại học (ở đây chỉ bậc ĐH, tức là bao gồm tất cả các trường ĐH và Cao đẳng) là lĩnh vực liên quan đến con cháu chúng ta, mà xem ra số đông các gia đình đều đang quan tâm. Hiện nay cả nước có 412 các trường ĐH & CĐ, trong đó khối ngoài công lập là 62, khối trường quân đội và công an là 35, khối trường ĐH công lập cấp tỉnh là 24 (chưa kể đến khối CĐ nghề mới phát triển). Ngoài các chỉ tiêu đào tạo chính quy tập trung rất lớn, lại còn các chỉ tiêu đào tạo tại chức cũng không hề ít, với đa dạng và rối rắm các loại hình, các dạng học, các kiểu học: từ xa, liên kết, liên thông, văn bằng 2...

Về mặt số lượng, 412 trường với hơn 90 triệu dân thì không phải là nhiều, nếu so với Mỹ, Trung quốc, Singapore,... Nhưng phải gọi đúng là “lạm phát” ĐH, vì đó là một sự bùng nổ bất thường về số lượng trường, nếu ta đối chiếu với nhu cầu, với điều kiện, với khả năng kiểm soát, quản lý, và nhìn lại sự “mất giá” nặng nề đã xảy ra cho ĐH Việt Nam.

Con số 412 trường, với hàng mấy trăm chuyên ngành đào tạo, không phản ánh đúng nhu cầu thật về nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam. Đúng vậy, đã nhiều năm nay rồi, rất nhiều trường ĐH, CĐ có tuyển được đủ chỉ tiêu đâu, thậm chí không tuyển được đầu vào, rất nhiều chuyên ngành coi như đóng cửa vì không có người học, trong đó đặc biệt khó khăn là các trường ngoài công lập, sau đó là khối các trường của tỉnh.

– Đã nhiều năm nay rồi, có rất nhiều sinh viên (SV) ra trường mà không xin được việc làm, chẳng hạn năm 2014 vừa rồi con số đó đã đến 26,5%. Rất nhiều SV ra trường không kiếm được việc làm đành phải đầu quân vào đội ngũ “cửu vạn”, mà thực chất là thất nghiệp! Và cũng là số liệu năm 2014: cả nước có đến 72 ngàn cử nhân và cả Thạc sỹ đang thất nghiệp!

Như vậy đúng là việc mở ra nhiều trường ĐH, CĐ với vô cùng nhiều chuyên ngành không phải xuất phát từ nhu cầu đích thực về nguồn nhân lực. Chúng ta còn nhớ vào thời điểm giữa thập niên 2000, việc mở thêm các trường tăng nhanh đến chóng mặt, chẳng hạn 2 năm 2006-2007 tăng thêm đến 97 trường (trong đó có 70 ĐH)! Trong khi nhu cầu các loại nhân lực khác vẫn rất thiếu (ví dụ công nhân kỹ thuậi), nhưng nhà nước (cả TW và tỉnh) cứ nỗ lực hết sức để mở ĐH, và con em nhân dân thì cứ đổ xô thi vào ĐH!

Trong khi đó thì các điều kiện cơ bản, rất cơ bản, để mở trường và bảo đảm trường hoạt động có chất lượng và hiệu quả, thì vô cùng bất cập. Trước hết phải nói đến đội ngũ giảng viên (GV), vừa thiếu lại vừa yếu thật sự. Trong một báo cáo của Bộ GD&ĐT đã nêu rõ về số lượng GV mới đáp ứng được 60% nhu cầu, tỷ lệ SV/GV còn cao so với chuẩn thế giới (VN 28, TG 15 – 20, Mỹ dưới 10). Nhưng có lẽ gay gắt nhất là chất lượng quá yếu về trình độ chuyên môn, khoa học, chưa vượt qua được cái ngưỡng nợ “cơm chấm cơm” - Cử nhân dạy ĐH! Nhiều trường ĐH (cả mới mở và trường cũ) vẫn không có GV trình độ Tiến sỹ (TS) mà chỉ lèo tèo vài ba Thạc sỹ (ThS) mới, thậm chí toàn cử nhân! Tỷ lệ bình quân TS/GV của ĐH Việt Nam còn quá thấp (10,4%, ở phương Tây là 70%). Chả hiểu mấy năm gần đây, tình hình có chuyển biến gì đáng kể không, nhất là sau kế hoạch đào tạo 20.000 TS và tăng tốc đào tạo ThS? Phải kể thêm, số các PGS, GS đang công tác ở bậc ĐH còn ít so với số lượng được phong hàm (chỉ có 4155/ 11.097 = 37,4%), lại còn bị “pha loãng” do khá nhiều vị chỉ làm quản lý và các công việc khác không phải là giảng dạy và nghiên cứu khoa học...! Số liệu năm 2014 còn cho biết thêm là ở các trường ĐH, CĐ, tỷ lệ GS, PGS/ GV chỉ chiếm 5,6% ( 4.155/ 74.630), như “muối bỏ biển” mà thôi!

Thậm chí, có trường ngoài công lập sau khi được phép mở và thông báo tuyển sinh thì mới tá hỏa ra là chưa có một GV cơ hữu nào, mà toàn đi thuê, đi mượn! Đội ngũ GV chỉ có như vậy thì “dạy còn chưa nổi, chưa xong”, chứ nói chi đến nghiên cứu khoa học – một chức năng đặc trưng và không thể thiếu của bậc ĐH!

– Điều kiện tiếp theo và cũng rất quan trọng để phát triển ĐH là cơ sở vật chất. Hiện nay có đến hàng trăm trường được đánh giá là thiếu và yếu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học, từ phòng ốc, lớp học đến thư viện, phòng thí nghiệm, phòng thực hành,... và ngay cả đất để xây trường. Chẳng hạn, nhiều trường không có thư viện, dù là thư viện truyền thống, 119 trường không có thư viện điện tử, chỉ có 39% số thư viện hiện có đáp ứng đúng tiêu chuẩn, và tính bình quân thì phải đến 20 SV mới có 1 chỗ ngồi ở thư viện. Hay là về phòng thí nghiệm, phòng thực hành thì mới đáp ứng được 40% nhu cầu, trong đó dưới 25% là có thiết bị tốt, và chỉ 15% tạm phục vụ được yêu cầu nghiên cứu khoa học của thầy và trò.

Quỹ đất của các trường hiện đang thiếu rất nhiều so với yêu cầu xây dựng nhà. Tại thời điểm này vẫn còn nhiều trường (ngoài công lập) chưa có đất để xây trường, phải đi thuê để có chỗ đặt lớp, văn phòng, chứ chưa nói đến phòng thí nghiệm, thư viện, sân tập... Các trường khác vẫn còn thiếu diện tích để xây dựng tiếp, bổ sung. Ví dụ, nếu tính bình quân số m2 đất/SV, thì ở ĐH Luật Hà Nội mới có 0,7 m2, ĐH Xây dựng HN mới có 0,84 m2, ĐH Kinh tế Tp HCM mới có 0,54 m2,... Và để đạt được bình quân chung 55 m2/SV (tiêu chuẩn qui định) thì cả nước còn thiếu đến 12.000 ha cho quỹ đất của các trường ĐH, CĐ.

Với những điều kiện bất cập như vậy thì chất lượng (đào tạo và nghiên cứu khoa học) của các trường ĐH Việt Nam đã đạt được đến mức nào?

Trước hết phải đối chiếu với đòi hỏi của thị trường nhân lực trong nước. Không thể nói khác được, không thể tự sướng, không thể tự đánh bóng tô hồng sai sự thật, vì thực tiễn luôn phơi bày công khai, ai mà chẳng thấy. Nhìn vào chất lượng SV tốt nghiệp đi tìm việc làm, nếu có đôi chút châm chước thì ta nói: chỉ ở mức Trung Bình, còn nếu nghiêm túc hơn thì phải nói: Thấp, Dưới Trung Bình! Bởi cứ như các thông tin từ các nhà tuyển dụng thì có đến 50% SV tốt nghiệp phải đào tạo lại. Các em còn có rất nhiều lỗ hổng, nhược điểm rất cơ bản, như: nặng về nắm lý thuyết, yếu về kỹ năng thực hành, thiếu tính sáng tạo, yếu về khả năng giao tiếp, yếu khả năng làm việc độc lập hoặc theo nhóm, yếu về ngoại ngữ, và còn yếu cả tin học! Con số SV tốt nghiệp không tìm được việc làm tương đối cao cũng phải nhìn từ lý do này nữa. Đó là chưa kể đến chất lượng nghiên cứu khoa học cùng các sản phẩm sản sinh ra từ đây trên thị trường khoa học và công nghệ trong và ngoài nước, thì quả là thấp kém, không đáng nói ra!

Còn nếu so với thế giới thì hơi khó nói đẹp được. Không nước nào công khai tuyên bố, nhưng hình như rất ít nước công nhận trình độ đào tạo ĐH của ta là đúng chuẩn, và càng không đánh giá cao trình độ ĐH của ta. Cứ theo như công bố xếp hạng ĐH từ một tổ chức Văn hóa - Khoa học nước ngoài thì: Việt Nam chỉ có duy nhất ĐHQG Hà Nội đã từng được lọt vào tốp 1000 trường ĐH tốt nhất thế giới. Và gần đây, một công bố khác trong xếp hạng ĐH của khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam cũng mới chỉ có 7 ĐH được lọt vào tốp 100 trường ĐH tốt nhất khu vực (ĐHQG Hà Nội, ĐHBK Hà Nội, ĐHBK Tp HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Nông Lâm Tp HCM, ĐH Kinh tế Tp HCM, và ĐH Lạc Hồng)! Và nhìn tổng thể thì vẫn là một bức tranh buồn!

– Tôi xin nêu một ý kiến hơi trái chiều với những đánh giá trên. Đã có chuyên gia GD ĐH nói rằng: ĐH của chúng ta đâu chỉ là để đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao, mà còn có mục tiêu Dân trí nữa chứ, các trường ĐH phải phân ra nhiều tầng, nhiều loại. Do đó số lượng ĐH (& CĐ) như vậy đâu phải là nhiều. Hàng năm mới chỉ có khoảng 40% học sinh tốt nghiệp PTTH được vào học ĐH, vẫn còn hàng mấy trăm ngàn các em lông bông, chờ năm sau lại thi. Thế giới đã có nhiều nước chuyển sang ĐH đại chúng, chứ không bó hẹp ở mức ĐH tinh hoa như ban đầu nữa. Các loại hình ĐH cộng đồng ở nhiều nước, mà tôi đã được dịp tham quan, chính nhằm đáp ứng mục tiêu Dân trí của nền GD ĐH đại chúng đấy. Vậy là ta chưa đủ cơ sở để nói Việt Nam đang “lạm phát” ĐH!

– Ý kiến trên rất đáng để chúng ta nghiên cứu, nhưng có lẽ đó là vấn đề khác rồi: Xác định lại mục tiêu của GDĐH Việt Nam. Vấn đề này sẽ được bàn thảo vào một dịp khác, về chủ đề Triết lý GD Việt Nam, Cách mạng (đổi mới, cải cách) GD Việt Nam. Còn bây giờ chúng ta cứ tranh luận tiếp theo hướng cũ, vẫn coi mục tiêu của GD ĐH Việt Nam là nguồn nhân lực chất lượng cao, đúng như Nhà nước đã xác định trên “giấy trắng mực đen” rồi.

Mà cho dù là có thêm mục tiêu Dân trí đi nữa, thì vẫn không có thứ ĐH nào lại úi xùi, lèm nhèm, nhếch nhác, “không ra trường, không ra lớp, không ra thầy, không ra trò” như nhiều trường ĐH ở ta hiện nay. Cho nên vẫn cứ là “lạm phát” ĐH!

Vậy thì Việt Nam “lạm phát” ĐH để làm gì? Ai chủ trương? Ngay cả người dân thường cũng đã nhận ra điều này, và đã kêu cứu nhiều lần rồi, mà sao người ta không chịu thay đổi?

Nói vui thì “Bắc thang lên hỏi ông Trời”! Nhưng hãy cứ tạm gác lại băn khoăn này đã, lát nữa chúng ta sẽ quay lại vấn đề này.

Lạm phát tướng lĩnh

– Một cái sự “Lạm phát” tiếp nữa, cũng rất nóng trên dư luận, đó là “Lạm phát” tướng lĩnh. Đây cũng là vấn đề nhạy cảm, đụng chạm đến nhiều quan chức chóp bu, đụng chạm đến cả thể chế chính trị hiện hành nữa. Chả thế mà đã có sự đe nẹt, thậm chí là ngăn chặn, trừng phạt đối với những tờ báo “lề phải” dám nói sự thật (báo Người cao tuổi là một bị can điển hình).

– Chúng ta đang thực thi quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp một cách đàng hoàng. Bằng tư duy khoa học, chúng ta đang tìm cách lý giải các vấn đề của thực tiễn, mà các căn cứ, các chứng cứ đều đã hiện diện đầy đủ và rất phong phú trên internet cả. Chúng ta đâu có xuyên tạc, bịa đặt mà không dám lên tiếng? Chúng ta không nói thì dân cũng đã biết hết các thông tin, chỉ có sự đánh giá là còn khác nhau nên cần trao đổi.

– Tôi xin cung cấp vài số liệu mà tôi có được nhờ xem mạng internet và cũng moi thêm được ở thằng cháu đang ở cấp hàm “chuẩn tướng” (đại tá chờ lên thiếu tướng) để các bạn có căn cứ mà bàn thảo. Số tướng đang tại ngũ hiện nay của quân đội VN là 435: 1 đại tướng, 7 thượng tướng, 62 trung tướng và 365 thiếu tướng. (Số tướng đã mất và nghỉ hưu là 985: 11 đại tướng, 34 thượng tướng, 249 trung tướng và 691 thiếu tướng). Nên nhớ là năm 1975 chúng ta mới có hơn 30 tướng của quân đội. Còn số tướng của Công an thì tôi biết không được chi tiết: đang tại chức có 100 tướng: 1 đại tướng, 5 thượng tướng, 15 trung tướng, và 79 thiếu tướng, và đang có xu hướng tăng nhanh, đòi tăng nhiều hơn.

– Ta cứ hãy phân tích kỹ vấn đề đối với tướng quân đội, vì hai bên Công an và Quân đội đều bị chi phối bởi những luật và lệ gần như nhau cả thôi mà. Trước hết, tôi thấy sự tăng số tướng QĐ Việt Nam là không bình thường: nhanh quá và nhiều quá, so với số quân, so với số dân, so với nhiệm vụ quốc phòng, và so tương quan với các nước khác,…

Qua 2 cuộc kháng chiến 30 năm, đến năm 1975 mà ta mới chỉ có 30 tướng các cấp hàm. Thế mà sau 40 năm hòa bình (1975 – 2015), số tướng tại ngũ đã là 435 (gấp hơn 14 lần). Với số tướng này chỉ đảm nhiệm chỉ huy quân số thường trực khoảng 455 ngàn người, bình quân 1046 quân/1 tướng, chưa kể dưới trướng mỗi vị tướng này còn cơ man nào là tá, là úy?! Ta thử so với Trung quốc: Với 1,3 tỷ dân, quân đội Trung quốc có 2,3 triệu quân thường trực, mà họ chỉ có 191 tướng. Chỉ cần so như vậy thôi cũng đủ thấy Việt Nam “lạm phát” quá đáng các tướng lĩnh! Một sự lãng phí, một sự phô trương, không có ý nghĩa thực tiễn đối với sự trưởng thành của quân đội, đối với nhiệm vụ quốc phòng hiện nay !

Nhiệm vụ quốc phòng hiện nay đâu có cần đến số tướng lĩnh nhiều như vậy, phong nhiều tướng chả để làm gì? Ngoài tướng cầm quân, lại còn các loại tướng khác nữa chứ: tướng văn phòng, tướng y nghiệp, tướng làm báo, tướng làm văn nghệ, tướng làm kinh tế… và cũng không phải chỉ vài ba vị đâu! Không biết quân đội các nước khác có vậy không?

Lương và các chế độ ưu đãi của tướng cao ngất đến đâu, lấy từ nguồn nào, liệu tiền đóng thuế của dân có chịu nổi không, hay lại phải đi vay để nuôi tướng và nuôi quân?

– Quân đội có làm kinh tế mà, nghe nói làm ăn được lắm, chắc là cũng gánh đỡ cho ngân sách quốc gia được khá nhiều đấy. Nhưng chuyện này ai mà biết rõ được, vì là vùng cấm mà, nên ta đừng bàn. Hãy trở lại mạch ý đang bàn dở của chúng ta!

Như vậy là không phải do yêu cầu chỉ huy quân trong các nhiệm vụ quốc phòng mà phải cần tăng nhanh và nhiều tướng đến thế đâu!

Chính vì tăng nhanh và nhiều nên chất lượng tướng Việt Nam hiện nay là thấp, rất thấp, tức là “mất giá” so với trước, và cách xa đòi hỏi của hiện tại. Có người dân đã nhận xét tướng ngày nay không đạt đúng tiêu chuẩn đức và tài, không có công trạng xứng với cấp hàm! Dân chỉ cần nhìn vào lời họ nói, bài vở họ viết, và nhất là việc họ làm là có thể thấy được cái Tâm và cái Tầm của họ thôi mà. Hình như mạng xã hội đã từng sờ đến gáy của nhiều vị tướng, kể cả các đại tướng Thanh, Quang. Thực tế là ngày nay dân không kính trọng và tin yêu tướng như ngày trước, mà rất coi thường vì nhiều quá và tầm thường quá!

– Nhiều chuyện liên quan đến tướng lĩnh Việt Nam (nhiều lắm đấy), cả tướng Quân đội, cả tướng Công an, ta sẽ bàn sau, nhưng đến đây thì đã có thể kết luận: Việt Nam “lạm phát” tướng lĩnh!

– Khoan đã nào, chúng ta phải đặt ra câu hỏi để lát nữa mới bàn được chứ: Ai chủ trương “lạm phát” tướng? Và ẩn sau chủ trương đó là cái gì, nếu không phải là một thủ đoạn chính trị? Không có chủ trương thì làm sao tạo ra được “thị trường Sao và Vạch” , tạo ra cơ hội kiếm chác cho loại “Cò cao cấp”, như báo Người cao tuổi đã dám xăm soi, và liền bị bịt mồm, bị hạ đổ !

Thôi được, chúng ta ghi nhận đề xuất này, rất trúng đấy. Nhưng bây giờ ta hãy chuyển sang cái “trò ảo thuật” thứ ba: “lạm phát” học vị, học hàm.

Lạm phát học vị, học hàm

– Có lẽ chỉ cần nhìn đến bộ phận đỉnh cao (TS, PGS, GS) là cũng đủ thấy rõ! Và đương nhiên chuyện “lạm phát” này có liên quan đến chuyện “lạm phát” ĐH đã bàn ở trên.

Sau đợt phong học hàm GS, PGS năm 2014, tôi có đọc được ý kiến của GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh GS nhà nước, nói đại ý rằng: Làm gì có chuyện “lạm phát” GS, PGS, như ai đó đã góp ý. Thấy ý kiến hơi lạ, tôi liền vào mạng để tìm hiểu thêm, đồng thời cũng tranh thủ gặp một số nhân vật “trong cuộc” để kiểm chứng.

Đúng tắp phải không nào, té ra chính ông Nhung “Lạy ông tôi ở bụi này” và phải mang tội “Chỉ đường cho hươu chạy”, “Vạch áo cho người xem lưng”! Vì ông ấy nói ra nên mới có thêm nhiều người tò mò, muốn biết sự thật. Không phải chỉ mình anh sục tìm thông tin đâu nhé, hầu như tất cả “dân có chữ” như chúng ta, đều có phản ứng tương tự. Vừa buồn, vừa tức, vừa xấu hổ cho cái xã hội đương đại này ở Việt Nam!

Như trên mạng internet đã đăng tải thì tính đến cuối năm 2014 cả nước đã có 11.097 nhà giáo được phong hàm GS, PGS, trong đó có 1.628 GS và 9.469 PGS. Trong tổng số này chỉ có 4.155 vị giảng dạy ở ĐH, CĐ, tức là chỉ có 37,4%, số còn lại đông hơn thì làm quan chức, làm quản lý ở các ngành, các cấp không liên quan đến giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Con số 4.155 GS, PGS giảng dạy so với tổng số GV bậc ĐH quả là quá ít (4.155/ 74.630 = 5,56%), do đó tác động thúc đẩy chất lượng ĐH (giảng dạy và nghiên cứu khoa học) là rất hạn chế!

Nếu so với số dân thì ở Việt Nam cứ gần 1 vạn dân (0,8 vạn) mới có 1GS, PGS. Nếu so với số sinh viên (gần 2 triệu) thì ở VN phải khoảng 480 SV mói có 1 GS, PGS giảng dạy (là tính bình quân, chứ SV làm gì được học PGS, GS!). So với thế giới thì ta đang thua xa, ví dụ ở Đức thì hai con số trên là 3 GS/1 vạn dân, và 59 SV/1 GS (ở Đức và nhiều nước không có PGS).

Như vậy là ở Việt Nam đang rất thiếu GS (và PGS), đang rất cần có thêm nhiều nhà giáo có trình độ đó, để chủ yếu là cung cấp cho các trường ĐH, CĐ, chứ không phải để làm quan! Do đó con số TS, PGS, GS như hiện nay đã có là nhiều (hình như số này của Việt Nam nhiều nhất Đông Nam Á thì phải?), và phải gọi là “lạm phát” vì không xuất phát từ nhu cầu đích thực của nền GD ĐH.

– Dư luận nói Việt Nam “lạm phát” TS, PGS, GS chủ yếu là vì nó không phục vụ cho nhu cầu phát triển và nâng cao chất lượng bậc ĐH (như ý kiến trên), và chất lượng thấp, không đúng chuẩn.

Này nhé, với học vị TS, dù ta đang rất thiếu so với nhu cầu ở bậc ĐH (mới chiếm 10,4% số GV), nhưng lại cho đào tạo ồ ạt, nhất là số đông lại đào tạo trong nước bằng hình thức tập trung trá hình, tức cũng là tại chức. Hơn nữa lại phải dựa trên cái nền ĐH yếu kém như trên đã nói rồi đấy, cái nền ĐH này đã đẻ ra vô tội vạ các ông bà cử nhân và tiếp lên là các vị ThS rất không đáng tin cậy về trình độ! Do đó chất lượng TS trong nước thực chất là thấp, lem nhem, thua PTS ngày trước là cái chắc. Trong số TS mới thì có lẽ đáng điểm mặt về trình độ là với diện học ở nước ngoài về mà thôi (nhưng họ lại ít trở về)!

Với các học hàm PGS, GS được phong mấy đợt gần đây đều có vấn đề về chất lượng, về trình độ chuẩn, rất không đáng tin cậy, và càng không dám lên mặt tự hào về sự giỏi giang của người Việt! Có người đã dám nhận xét là bát nháo, phong lấy được, chạy theo số lượng. Họ còn dám khẳng định là ở đây cũng đã “ngửi thấy mùi thị trường”, giống như thị trường “sao và vạch” bên tướng lĩnh! Nếu đọc lại các tiêu chí về chuyên môn, và xem xét lại cách thức tuyển, chọn, xét ở các cấp Hội đồng trong thực tiễn triển khai, thì không thể tin là chuẩn xác được! Chỉ xin hỏi các vị: lấy đâu ra số giờ dạy, số luận văn Ths, số luận án TS, số bài báo khoa học đăng tải ở tạp chí chuyên ngành có uy tín của nước ngoài... mà các vị đích thực làm được, không ngụy tạo, không nhờ vả, không chạy chọt, nếu các vị đang làm quan chức quản lý các ngành, khi công việc sự vụ hàng ngày của các vị đã luôn đầy ắp rồi, đến mức “nghẹt thở”, không còn thì giờ chăm sóc gia đình, như chính vợ con các vị thường phàn nàn với hàng xóm, bạn bè? Còn các vị đang giảng dạy trên lớp của ĐH thì có hơi khác, cơ hội để làm thật (dạy thật, hướng dẫn thật, nghiên cứu thật, viết báo thật) luôn có ngay bên cạnh, nhưng vấn đề ở đây lại là chất lượng có thật không, đánh giá có nghiêm túc và chặt chẽ không, có châm chước không, và nhìn tổng thể lại thì có đáng tầm GS (PGS) hay không? Dù ở Việt Nam hay ở nước ngoài thì đã là hàm GS (PGS) thì phải là dạng trí tuệ thông thái. Ngu ngơ, ngô nghê, chỉ biết chung chung và nông choẹt thì sao gọi là thông thái? Và đã là hàm GS (PGS) thì ngoài độ uyên thâm, sâu sắc về chuyên ngành hẹp của mình, nhất định phải có một cái nền (“phông”) chung tối thiểu về tri thức khoa học phổ thông, về phương pháp tiếp cận khoa học, về tri thức xã hội. Không thể có loại GS (PGS) chỉ “giỏi” về chuyên môn hẹp mà lại dốt về những tri thức chung, bởi suy cho cùng thì chính những tri thức chung mới tạo ra cái nền tảng ban đầu vững chắc cho tri thức chuyên ngành.

Lô gích của vấn đề đã rất rõ ràng: chất lượng cử nhân quá non yếu thì làm sao đào tạo được ThS ra hồn, không có ThS chuẩn thì làm sao có được TS giỏi, không có TS giỏi thì không thể có các GS (PGS) thực chất. Chỉ có dùng phép “biến hóa thần thông” của ma quỷ thì mới có thể biến các TS dởm, giả, “ốm yếu”, thành các nhà “thông thái” mang danh GS (PGS) được mà thôi!

Nếu các GS (PGS) của ta là giỏi thật thì sao sự tác động từ trí tuệ uyên bác của họ đối với nền khoa học nói riêng và đối với sự phát triển KT-XH của đất nước nói chung lại yếu đến thế, mờ nhạt đến thế?! Đóng góp của họ đối với khoa học thế giới thì càng rõ là không đáng kể! Chúng ta cứ vào mạng mà xem, các thống kê về các bài báo khoa học có giá trị, các công trình khoa học được xếp hạng, thì mới thấy xấu hổ cho Việt Nam, vì đóng góp quá khiêm nhường! Người ta đã tính ra cứ 11 TS Việt Nam mới có 1 bài báo khoa học, trong khi ở các nước khác thì chỉ 1 TS đã có từ chục bài trở lên!

– Tôi đã đọc lướt danh sách các vị GS và PGS được phong mấy đợt gần đây. Đa số các vị tôi không quen biết, nhưng có đến vài ba chục vị thì tôi biết, thậm chí biết rất rõ quá trình học tập từ khi họ còn học ở bậc phổ thông. Tôi đã từng nói chuyện đời thường với nhiều vị, và cũng từng đàm đạo về học thuật nữa, cả lúc họ mới có học vị TS và cả khi họ đã có hàm GS, PGS. Tôi thật sự ngỡ ngàng, vì thấy có quá nhiều sự tầm thường về trí tuệ ở những người được mang danh là hiền tài, là nguyên khí quốc gia, được coi là thông thái nhất thiên hạ. Sự hiểu biết của họ, ngay trong chính chuyên ngành của mình, vừa nông, vừa thiếu cập nhật, vừa không chuẩn xác. Chả hiểu trong các công trình khoa học của họ thì độ uyên bác đến đâu? Tôi càng thấy lạ vì trong đó có không ít trường hợp như là có dấu hiệu đặc biệt của một sự vượt trội đột biến về mức độ thông tuệ (như kiểu “thần đồng”). Tôi biết rất rõ khi các vị ấy học phổ thông, học ĐH, rồi học nghiên cứu sinh đều chỉ ở mức rất tầm thường, “cho đỗ thì được đỗ, đánh trượt cũng không oan”! Với trí tuệ ấy, mà sao quay đi ngoảnh lại chỉ hơn chục năm mà các vị ấy đã có hàm PGS, rồi GS?! Trên đời này, chỉ có rất ít những trí tuệ trác việt mới làm nên được sự đột biến như vậy, người bình thường thì không thể! Soi đuốc mà tìm trên khắp thế giới chắc cũng chỉ thấy được vài người! Vậy thì nước ta phải thông báo ngay cho Liên Hiệp Quốc biết để vinh danh và phát huy!

– Lại còn chuyện này nữa các bạn ạ, tôi đọc trên mạng mới biết trên thế giới không có cái gọi là “khoa học an ninh” tách bạch riêng thành một chuyên ngành hẳn hoi (như Toán học, Sinh học, Tin học,...). Ở các nước chỉ có chuyện vận dụng các khoa học chuyên ngành vào hoạt động an ninh (như an ninh mạng, an ninh hàng không, an ninh lương thực...), giống như các lĩnh vực khác thôi. Thế mà ở Việt Nam ta có đến mấy chục vị PGS, GS đi theo chuyên ngành “Khoa học an ninh”. Phải chăng là một sự bày đặt cho nó có vẻ oai, hoành tráng? Và cũng liên quan đến các GS, PGS đi theo “khoa học an ninh”, tôi thấy bên cạnh hầu hết các vị đều là nhà giáo dạy ở các trường của ngành Công an, thì trong đó lại có vài vị là Giám đốc Công an tỉnh, tức không phải nhà giáo, và quá bận với hàng núi công việc sự vụ hàng ngày rồi thì đâu còn cơ hội, còn thời gian để làm khoa học?! Đúng là chuyện hài hước của giới khoa học Việt Nam.

– Phải nói ngay đến cái vòng luẩn quẩn của Giáo dục và Khoa học Việt Nam: Cử nhân dốt – ThS tồi - TS dởm – GS, PGS non yếu – TS tồi – ThS dởm - Cử nhân dốt! Chả hiểu các nhà quản lý vĩ mô ngồi ở bàn giấy trên cao có nhìn rõ cái “Đèn cù” này không nhỉ, hay chỉ nghĩ đến các bài ca “tự sướng” để rung đùi vênh vang với thiên hạ, để khoe khoang những cái không thực chất, không thực có, nhằm tự “đánh bóng” thể chế và ru ngủ cộng đồng dân cư?!

– Ông Nhung cố chứng minh là Việt Nam không “lạm phát” GS, PGS với cái lý là số lượng đâu có nhiều so với thế giới và so với nhu cầu. Nhưng vấn đề ở đây lại là chất lượng thấp và “sai địa chỉ”, nên vẫn đúng là đích danh “lạm phát” rồi, không cãi được đâu!

Lạm phát danh hiệu

– Ngay cả đến chuyện rất quan trọng mà lâu nay mọi người vẫn coi là chuyện nghiêm túc nhất, thậm chí là thiêng liêng, đó là việc phong tặng các danh hiệu Nhà nước, trong đó đỉnh cao nhất là Anh hùng, mà người ta cũng đã dám toan tính “lạm phát”, và họ đã làm được! Sao Anh hùng nhiều thế mà khí thế của đất nước lại chả anh hùng chút nào, lại đang trở nên hèn yếu, khiếp nhược hơn mọi thời kỳ lịch sử đã qua? Sao lại có Anh hùng gian dối, man trá? Sao Thầy thuốc ưu tú (TTƯT), Thầy thuốc nhân dân (TTND) nhiều thế mà ngành Y tế lại bí bét, tha hóa đến mức tệ hại? Sao Nhà giáo ưu tú (NGƯT), Nhà giáo nhân dân (NGND) nhiều thế mà ngành Giáo dục mãi vẫn lạc hậu, chất lượng giáo dục càng ngày càng giảm sút, khó mà vượt lên? Sao có quá nhiều đơn vị và cá nhân được đón nhận các loại Huân chương cao nhất, nhì mà chả thấy đất nước khởi sắc lên thêm chút nào?...

Và nhìn vào diện mạo thật của các Anh hùng, các TTƯT, TTND, NGƯT, NGND... mới phong vài ba chục năm gần đây, thì làm sao mà tin được ở bản lĩnh của các vị trước các thách thức của tình thế đất nước? Đáng nhẽ ở đó phải là những nhân cách lớn để cộng đồng ngưỡng vọng, để lớp trẻ tìm thấy lý tưởng, tìm thấy niềm tin và hy vọng. Thì ở đây mọi người lại chỉ có những cảm xúc bình thường, tầm thường, không để lại bất cứ một dấu ấn nào! Chính vì “lạm phát” nên các Danh hiệu cao quý ấy đang trở thành Danh hão, không thực chất và không có tác dụng tích cực, như mong muốn của người dân! Tất nhiên trong đó vẫn có những tấm gương đáng trân trọng, đáng học, nhưng thiểu số thì làm được gì?

– Ai mà chả biết Danh hiệu là do con người đặt ra, tiêu chuẩn để công nhận Danh hiệu cũng do con người đặt ra và do con người vận dụng. Mà con người ở đây chắc không phải là Dân rồi. Thế thì người ta muốn vận dụng thế nào mà chả được. Tôi phải nói thẳng thắn điều này, vì đó là sự thật của mọi sự bình chọn hiện nay ở nước ta. Sau đợt phong tặng NGND, NGƯT của ngành GD&ĐT năm 2014, tôi có đọc được một bài viết trên mạng xã hội dưới tiêu đề “Thế nào là tài năng sư phạm?”. Trong bài báo ấy, có một ý liên quan đến vấn đề chúng ta đang bàn về “lạm phát” danh hiệu cao quý, đại ý: Có nhiều trường hợp không xứng đáng, và có tình trạng lệch đối tượng (cán bộ quản lý quá nhiều) là do không coi “Tài năng sư phạm” là tiêu chí cốt lõi nhất, hoặc là cố tình hiểu sai nội hàm của tiêu chí cốt lõi này! Như vậy có nghĩa là sự vận dụng tùy tiện, người ta có thể bẻ vênh cả tiêu chuẩn, cốt sao đạt được cái dụng ý đã định sẵn rồi!

Lạm phát lễ hội

– Quá nhiều chuyện “lạm phát”, chúng ta không sao phân tích hết được đâu, xin tạm dừng ở đây, được không các bạn?

– Xin cho tôi được nói thêm vài ý đã! Rất dễ nhận diện ra các hiện tượng “lạm phát” bằng những dấu hiệu đã nêu ở trên. Nhưng cần nhấn mạnh lại dấu hiệu cốt lõi nhất là: không vì nhu cầu đích thực của thực tiễn nên phải hy sinh đòi hỏi về chất lượng của đối tượng tăng phát. Và cũng cần chỉ ra một cách thẳng thắn mục đích thật sự của việc “lạm phát” đó, về bản chất là một thủ đoạn chính trị. Tôi chỉ xin phép liên hệ rất nhanh việc “lạm phát” phục hồi các lễ hội, và “lạm phát” các cuộc thi, các giao lưu nghệ thuật hoành tráng.

Hồi xưa, ngay sau Cách mạng Tháng 8 và trong Cải cách ruộng đất thì người ta cho xóa sạch, phá sạch, với cái lý luận cực đoan vô thần. Còn bây giờ thì người ta lại cho phục hồi vô tội vạ, vô điều kiện (dễ đến 200% - 300%!), đến mức cả nước có đến 8.000 lễ hội đủ các kiểu, bất biết giá trị văn hóa là cái gì và có hay không, với cái lý là tôn trọng văn hóa tâm linh, là phục hồi văn hóa truyền thống! Thực chất đó là những việc làm rất thiếu trí tuệ, rất thiển cận và thực dụng, chỉ cốt làm cho dân “ngoan” hơn và ngu hơn, rất nguy hại!

Và cũng chưa thời nào lại có lắm cuộc thi, lại thường xuyên có quá nhiều buổi giao lưu nghệ thuật hoành tráng, như ba chục năm đổi mới vừa qua. Rất tốn kém, rất lãng phí tiền bạc, sức lực, thời giờ,... của rất nhiều người, mà tác dụng giáo dục thì lệch lạc, toàn chạy theo xu hướng thẩm mỹ và nghệ thuật lai căng, kệch cỡm! Thực chất đó là thủ đoạn ru ngủ nhân dân, đặc biệt là với lớp trẻ, hòng mong cho số đông người quên đi cái thực trạng u ám, đau buồn, để họ không còn thì giờ mà nghĩ đến những tổn thất, những sai lầm, suy thoái,... đang hiện hữu!

– Thế là được rồi nhé, xin tạm sơ kết phần bàn thảo đã hơi dài, gần cả buổi sáng nay. Lạm phát trong kinh tế đã từng làm cho nhiều quốc gia chao đảo, rối ren, chí ít thì cũng làm người dân phải khổ sở, điêu đứng, nhất là với người dân lao động nghèo. Việt Nam chúng ta không phải là ngoại lệ. Nhưng ở đó chủ yếu chỉ là nỗi khổ về vật chất, và khi kinh tế được phục hồi thì sự ổn định sẽ trở lại. Còn “lạm phát” mở rộng ra đa lĩnh vực như Việt Nam ta thời nay thì tai họa đó còn khủng khiếp gấp nhiều lần, không chỉ là vật chất, mà là một sự mất mát vô hạn, và không thể phục hồi. Những thứ bị mất đó lại vô giá, vì đó là những giá trị tinh thần, văn hóa cốt lõi nhất, bản sắc nhất của dân tộc. Những “vết sẹo tinh thần” đó không thể trở về lành lặn! Đau đớn lắm, nhức nhối lắm, bởi vì từ đó mà chúng ta sẽ mất đi vài ba thế hệ, đất nước sẽ tiếp tục tụt hậu lại nhiều thập kỷ, và kéo dài “tuổi thọ” của một đất nước anh hùng mà nghèo đói và lạc hậu! Lạm phát hay “Lạm phát” là các hiện tượng xã hội, do con người chủ trương, con người thực hiện, do đó bao giờ cũng có mục đích, hoặc công khai hoặc ngấm ngầm. Và tất cả các mục đích ấy đều xấu xa, gây tổn hại cho cộng đồng, cho đất nước! Việt Nam đón năm Con Dê trong nỗi niềm như vậy đó, chứ đâu có phải là năm phát vượng của Tài – Lộc – Phúc – Thọ như người ta chúc nhau!

– Tất nhiên là còn nhiều ý chúng ta chưa bàn đến hoặc chưa bàn rõ đấy chủ tọa ạ, chẳng hạn tác hại, cách nào để hạn chế và chấm dứt...?

– Vâng, đúng là vậy. Xin khất lại lần trao đổi tiếp vào tháng 5 nhé.

Chúng ta tạm chia tay ở đây, và hẹn gặp lại tại Sầm Sơn!

Tháng 3 năm 2014

M.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn