Đại hội XII lựa chọn gì cho Tổ Quốc?

Nguyễn Trung

nguyentrung-vt.blogspot.com

Hà Nội, ngày 07-04-2015

Sự kiện giàn khoan HD 981 (bắt đầu từ 02-05-1914) và cách phản ứng của phía ta nói lên nhiều điều về những gì đã làm được và những gì không làm được. Những gì đã xảy ra một mặt phản ánh ý chí bất khả kháng của nhân dân ta trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia thiêng liêng, mặt khác tăng thêm nỗi lo của tôi về triển vọng Đại hội XII của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với vận mệnh đất nước trong tình hình mới. Đây là lý do trực tiếp nhất khiến tôi nêu lên trong 6 bài viết liên tiếp từ tháng 5 đến tháng 10-2014 những vấn đề lớn của đất nước đang đặt ra cho Đại hội XII sắp tới[1].

Tựu trung 6 bài viết này đặt vấn đề: Với cục diện quốc tế đa cực rất phức tạp, tình hình thế giới đã sang trang và có nhiều vấn đề mới nguy hiểm; tình hình đất nước cũng đã sang trang, với nhiều thách thức mới quyết liệt. Cả hai đặc điểm này đòi hỏi Việt Nam bắt buộc phải chuyển sang một giai đoạn phát triển mới và hoàn toàn khác. Vậy Đại hội XII lựa chọn những quyết sách nào cho đất nước?

Những gì mắt thấy tai nghe được, khiến tôi nghĩ: Cho đến thời điểm này, việc chuẩn bị Đại hội XII vẫn đi theo lối mòn cũ, trọng tâm chỉ đặt vào vấn đề nhân sự; còn việc tổng kết con đường phát triển của đất nước để vạch ra nhiệm vụ mới thật ra chỉ là thứ yếu, rất hình thức và hoàn toàn bất cập. Tuyệt nhiên tôi không thấy được có một nỗ lực nào của Đảng đặt ra cho toàn đảng và cả nước vấn đề: ”Cục diện thế giới đã sang trang, tình hình đất nước cũng sang trang, Việt Nam phải làm gì?” Trong khi đó thời gian còn lại cho chuẩn bị Đại hội XII chỉ còn khoảng 6 tháng. Vấn đề nhân sự càng choán hết năng lượng dành cho chuẩn bị Đại hội bao nhiêu, tôi càng lo lắng bấy nhiêu. Vì lẽ này, một lần nữa xin nêu lại vắn tắt một số vấn đề, mong đợi sự chú ý của toàn Đảng và cả nước.

Về tình hình thế giới đã sang trang

Điều nguy hiểm nhất là cục diện đa cực đang làm xuất hiện những cuộc chiến tranh lạnh cục bộ, một số nơi đi kèm cả chiến tranh nóng, với nhiều biến động khó lường. Trong tình thế này, nguy cơ những nước nhỏ bị biến làm con mồi, hoặc trở thành trận địa cho sự giành giật nhau giữa các nước lớn đang là hiện thực và đang có khuynh hướng trở thành các cuộc chiến tranh qua tay kẻ khác (các proxy wars). Tình hình Ukraina hiện nay là một trong những ví dụ nóng bỏng: Mất Krym, nội chiến và các tỉnh miền Đông ly khai, bản thân Ukraina có nguy cơ trở thành chiến trường của đụng độ trực tiếp giữa Nga và NATO… Với một số khác biệt có tính đặc trưng nhất định của vùng miền, những gì đang xảy ra ở Ukraina có thể được xem như một phiên bản khác của tất cả những gì đã diễn đi diễn lại ở Việt Nam gần hết nửa sau thế kỷ 20. Xin nhấn mạnh, trên thế giới hiện nay Ukraina không phải là ví dụ duy nhất.

Những gì đã xảy ra ở Việt Nam trong gần hết nửa sau thế kỷ 20 và ở Ukraina hiện nay nhắc đi nhắc lại lời cảnh báo: Mọi quyết định của nước nạn nhân (trong ví dụ mới đang bàn ở đây là Ukraina) nếu chỉ xuất phát từ ý thức hệ, hoặc chỉ là sản phẩm của những cảm xúc yêu, ghét, sợ, trong khi đó lại thiếu mất cái dĩ bất biến là vai trò quyết định của trí tuệ, ý chí và sự đồng lòng nhất trí với tất cả nghị lực bền bỉ của cả nước cho phép tạo ra được thế và lực đủ mạnh để bảo vệ thành công lợi ích quốc gia, hầu như chắc chắn sẽ chỉ đẩy quốc gia mình với thân phận là con tốt (the pawn) rơi vào cuộc (hoặc các cuộc) chiến tranh qua tay người khác.

Cuộc sống khách quan đặt ra câu hỏi: Trong bối cảnh quốc tế và thực trạng đất nước hiện nay, Đại hội XII làm gì để có thể mang lại cái dĩ bất biến nhất thiết phải có nói trên cho đất nước bây giờ và mai sau?

Trong khi đó, lịch sử Viêt Nam 70 năm qua cho thấy không có ý thức hệ nào, chữ vàng nào, động tác giả nào, và cả bất kể sự nhượng bộ tệ hại nào đi nữa có thể thay thế được cái dĩ bất biến phải có. Giữa lúc này, tình hình Biển Đông lúc âm ỉ, lúc đột biến, đang tiếp tục nóng lên từng ngày.

Về đất nước đã sang trang

Đánh giá kinh tế đất nước sau 30 năm đổi mới, từ chỗ phải ăn bo-bo (đương nhiên chủ yếu do sai lầm của Đảng) đến chỗ có được GDP p.c. năm 2014 là 2000 USD, có thể được xem đó là chặng đường đi từ khốn khổ đến lên tiên. Đấy là cách nhìn để tự sướng, so ta hôm nay với ta hôm qua.

Song kinh tế đất nước hiện nay đang đứng trước hàng loạt vấn đề:

- Khả năng phát triển theo chiều rộng đã hết, buộc phải tìm đường đi vào thời kỳ phát triển khác theo chiều sâu, nhưng đang có nhiều ách tắc lớn, nợ nần nhiều và hầu như chưa có sự chuẩn bị nào đáng kể cho đòi hỏi sống còn này;

- Cơ cấu kinh tế và thể chế điều hành hiện tại lạc hậu so ngay với các nước ASEAN6; năng lực cạnh tranh đang tụt; chênh lệch giàu nghèo trong nước ngày càng tăng; càng phát triển càng không bền vững và tiếp tục tụt hậu so với các nước; đồng thời tiếp tục ngày càng lệ thuộc;

- Nếu nhìn vào mục tiêu phải hoàn thành nhiệm vụ công nghiệp hóa vào năm 2020 là không khả thi; nhìn vào mọi nguồn lực huy động được 30 năm qua cho công nghiêp hóa của nước ta nhiều gấp đôi của Hàn Quốc trong 30 năm thực hiện công nghiệp hóa nước họ – nhưng ta không thành công và đang có nguy cơ bế tắc, trong khi đó Hàn Quốc thành công và đi lên được hiện đại; nếu nhìn vào con đường thoát khỏi khủng hoảng kinh tế mang tính cơ cấu kéo dài từ năm 2007 đến nay còn muôn vàn gian truân phía trước, nếu nhìn vào những cái giá phải trả khác (trên các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, môi trường, an ninh, quốc phòng.., trong các lĩnh vực đối nội và đối ngoại…) cho phát triển kinh tế 30 năm qua chưa biết đến bao giờ mới khắc phục được… nghiêm khắc thì phải nói: 30 năm qua là một thời kỳ phát triển kinh tế thất bại và phải trả giá đắt;

- Vân, vân…

Những vấn đề mới đặt ra

Về kinh tế

Kinh tế nước ta hiện nay đứng trước 2 vấn đề lớn, đó là: (1)kinh tế thế giới đang đi vào thời kỳ thay đổi cơ cấu rất sâu sắc trong một cục diện chính trị thế giới mới rất phức tạp; (2)kinh tế đất nước ta phải đi vào một thời kỳ phát triển mới giữa lúc đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện chưa có lối ra và chế độ chính trị hoàn toàn bất cập.

Nước ta đứng trước tình hình: Tiếp tục duy trì con đường phát triển với cơ cấu hiện nay, kinh tế nước ta ngày càng ách tắc, sớm muộn sẽ có những ngưỡng không vượt qua được, càng phát triển càng không bền vững, càng tụt hậu và lệ thuộc. Chưa tính đến biến đổi khí hậu đang làm gay gắt thêm đòi hỏi nước ta phải sớm thay đổi cơ cấu kinh tế và phương thức phát triển để thích nghi. Chưa tính đến những biến cố bất thường khác của những thách thức truyền thống và phi truyền thống khác có thể đặt ra cho nước ta.

Kinh tế thế giới trong bối cảnh chính trị hôm nay chỉ để ngỏ cho nước ta một con đường phát triển và phát triển bền vững. Đấy là phải tìm cách trả lời tốt nhất câu hỏi: Kinh tế thế giới đang có những đòi hỏi gì mà Việt Nam với mọi điều kiện địa lý tự nhiên, địa kinh tế và địa chính trị của mình có thể đáp ứng tốt nhất? Hội nhập, liên kết, liên minh như thế nào để phục vụ được mục tiêu kinh tế này?

Đương nhiên, câu trả lời chỉ có thể đi tìm được ở trong hướng: Việt Nam phải tạo ra cho mình một nền kinh tế làm ra được những sản phẩm hơn hẳn hoặc khác hẳn về chất lượng và cạnh tranh được – trong nông nghiệp, trong công nghiệp và trong dịch vụ nhất nhất đều phải như vậy, nhằm vào đúng những đối tượng tiêu thụ luôn luôn có đòi hỏi các sản phẩm sạch và có chất lượng cao. Không làm được như thế, Việt Nam không thể cạnh tranh được và tới lúc nào đó là hoàn toàn không thể cạnh tranh được ngay với tất cả các nước trong khu vực – với mọi hệ quả có thể tiên lượng được. Không làm được như thế, Việt Nam càng không bao giờ vào được thị trường Trung Quốc[2] – một đòi hỏi kinh tế / chính trị nước ta nhất thiết phải thực hiện bằng được để có thể tồn tại và phát triển được với tính cách là láng giềng của Trung Quốc. Không làm được như thế, nước ta cầm chắc phần thua trong nấc thang mới của tự do hóa thương mại ở phạm vi toàn thế giới hiện nay mà nước ta đã cam kết tham gia trong những ký kết song phương và đa phương mới đây nhất.

Nói ngắn ngọn, đó là con đường Việt Nam phải cắn răng chịu đựng mọi đau đớn và gian khổ, ra sức học lại và học cái mới, nỗ lực hết mức về mọi mặt, để trong khoảng một thời gian nào đó (ví dụ trong vòng một hoặc hai thập kỷ tới) có thể cải tạo được nền kinh tế hiện nay, và đồng thời từng bước tạo ra được một nền kinh tế khác hẳn. Nghĩa là tất yếu phải đi tới một nền kinh tế dựa trên phát huy yếu tố số một là nguồn lực con người, để mang lại cho đất nước nền kinh tế của sản phẩm sạch và chất lượng cao. Toàn bộ vấn đề này là nội dung cơ bản của sự phát triển bền vững. Tiếp tục bàn xuông mãi về hoàn thành công nghiệp hóa vào năm 2020 và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa như đang chuẩn bị cho Đại hội XII chỉ đồng nghĩa với tiếp tục kìm hãm đất nước một cách có ý thức.

Đại hội XII nhìn nhận nhiệm vụ xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển mới này như thế nào? Nhiệm kỳ khóa XII này Đảng phải làm gì để thực hiện được những bước đi đầu tiên nào của chiến lược phát triển này? Đất nước cần phải có một nền giáo dục và một thể chế chính trị nào để tạo ra được nguồn lực con người cho mục tiêu hình thành một nền kinh tế lấy sự phát triển con người làm động lực?..

Về chính trị

Cục diện quốc tế đa cực hiện có nhiều diễn biến khó lường và đòi hỏi các nước nhỏ, các nước yếu hơn phải xây dựng bằng được cho mình cái dĩ bất biến như đã nói ở trên.

Nhưng đồng thời cục diện quốc tế phức tạp và có nhiều cái nóng bỏng này càng thôi thúc cộng đồng các quốc gia trên thế giới chia sẻ đòi hỏi chung bức thiết về hòa bình, hợp tác và phát triển. Đây chính là xu thế vận động chủ yếu và quyết định của thế giới trong thế kỷ 21.

Đòi hỏi bức thiết nêu trên là cơ hội không gì so sánh được cho các nước nhỏ phát huy cái dĩ bất biến của mình, để nhờ đó tạo ra sức mạnh tự bảo vệ được mình và phát triển đất nước, đồng thời xây dựng được các liên minh / liên kết đem lại cho quốc gia mình thế đứng quan trọng, để không ai có thể ăn hiếp được mình trong cái trật tự quốc tế phức tạp hiện nay.

Cái khó của nước ta hiện nay là còn đứng rất xa cái dĩ bất biến lẽ ra phải có, giữa lúc chưa thoát ra được cuộc khủng hoảng toàn diện hiện nay. Nhưng cái khó lớn nhất là ĐCSVN – với tính cách là người độc nhất nắm quyền và phải chịu trách nhiệm toàn diện về vận mệnh đất nước – không đủ can đảm nói thẳng, nói thật với toàn Đảng và cả nước về cái khó này của đất nước. Không ít ý kiến cho rằng Đảng đang quay lưng hay vô cảm với khó khăn này của đất nước, chỉ lo việc ghế. Trong khi đó Đại hội XII được chuẩn bị với tất cả sự tuyên truyền cổ vũ rầm rộ bề ngoài mang tính phong trào, nhưng bên trong vấn đề nhân sự mới là việc quan trọng số một.

Bài học của quá khứ nhắc nhở: Đất nước đang trước nguy cơ quốc gia càng yếu kém, xu hướng tái diễn kịch bản Thành Đô càng gia tăng, với hệ lụy phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều trong cục diện quốc tế hiện nay.

Trong Đảng hiện nay và việc chuẩn bị cho Đại hội XII đang bàn luận gì để đánh giá hết được và tìm được lối ra khỏi khó khăn này?

Bước ngoặt 2016

Thừa nhận thế giới đã sang trang, thừa nhận tình hình Việt Nam đã sang trang, tất yếu phải thấy: Đất nước ta đang đứng trước bước ngoặt quyết liệt, đòi hỏi phải thay đổi toàn diện, cả kinh tế và chính trị, cả trong đối nội và đối ngoại, để đi vào một thời kỳ phát triển mới có nội dung mở ra sự đổi đời đất nước, ngõ hầu có thể tồn tại và phát triển được trong cái thế giới ngày càng quyết liệt của thế kỷ 21.

Hơn nữa, giới nghiên cứu đã thừa nhận quan hệ và mâu thuẫn Mỹ - Trung là một trong những nhân tố quyết định nhất chi phối những diễn biến của thế giới trong thế kỷ 21, trận địa chính của hợp tác hay tranh chấp giữa cặp đôi này là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó Biển Đông là điểm nóng nhất. Nhân tố Nga càng làm cho tình hình này phức tạp thêm. Vì vậy tất cả các nước trong khu vực đang phải thay đổi quyết liệt để thích nghi và ứng phó.

Tình hình đất nước ta và những đặc điểm mới của cục diện quốc tế như đã trình bày trên cho thấy bước ngoặt 2016 quyết liệt hơn rất nhiều và khác hẳn về chất so với bước ngoặt 1986. Thời cơ để nước ta trụ vững và phát triển được là rất lớn, song nguy cơ đầu hàng trước thách thức, chia rẽ hoặc đổ vỡ trong cải cách hoặc trong các chiến tranh qua tay người khác (các proxy wars) để trở thành nước chư hầu cũng nhạy cảm hơn bao giờ hết. Vì những lẽ này cái dĩ bất biến càng thêm trăm lần quan trọng đối với đất nước. Hơn bao giờ hết trí tuệ, ý chí và nghị lực của cả nước phải giương cao bằng được ngọn cờ dân tộc và dân chủ, để sớm tạo ra cho đất nước cái dĩ bất biến nhất thiết phải có này. Chậm một ngày, mọi nguy hiểm đối với đất nước lớn thêm một ngày.

Đại hội XII lựa chọn gì cho đất nước trước đòi hỏi sống còn này?

Hết

N.T.

Tác giả gửi BVN


[1] Tìm xem: nguyentrung-vt.blogspot.com, nhãn: A - 6 bài về Đại hội XII.

[2] Không thể xem trao đổi hàng hóa biên mậu và việc xuất khẩu tài nguyên sang Trung Quốc là việc thâm nhập, đi vào khai thác thị trưởng Trung Quốc.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn