NGHỊCH LÝ NHÂN SỰ

Nguyễn Thị Từ Huy

Phần I

Đánh giá về năng lực của đảng viên, đặc biệt là của các đảng viên đứng ở cương vị quản lý các cấp, hiện nay có hai luồng ý kiến khác nhau, khác đến mức đối lập nhau. Không cần phải so sánh các tin tức trên hai luồng báo chí đối lập (lề phải/lề trái) để có nhận xét này. Chỉ cần đọc báo chính thống cũng thấy được sự mâu thuẫn trong đánh giá về năng lực lãnh đạo và quản lý của hệ thống cán bộ.

Một mặt, bản thân các đảng viên tự coi mình là những người xuất sắc. Họ tự coi mình là « những người con ưu tú của dân tộc », đưa dân tộc « đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác » ; điều này được ghi trong hầu như các sách của nhà nước khi đánh giá về vai trò của đảng, và được ghi trên các khẩu hiệu chăng đầy các đường phố mỗi dịp lễ lạt, kể cả không lễ lạt.

Mặt khác, không ít người nhìn các đảng viên như là các tội phạm lịch sử đã đẩy dân tộc vào những thảm cảnh : nghèo đói, lạc hậu, giáo dục băng hoại, văn hóa suy đồi, tài nguyên kiệt quệ, đất nước lệ thuộc vào Trung Quốc. Nghĩa là xét về năng lực lãnh đạo và quản lý họ là những người rất kém cỏi. Kém cỏi thì mới để xảy ra tình trạng như vậy.

Tại sao cùng một đối tượng mà lại nhận được những đánh giá trái ngược đến như vậy ?

Ai trả lời được câu hỏi này ?

Khi bắt đầu viết blog này tôi đã tự nhủ mình rằng đây sẽ là không gian của các câu hỏi, rằng tôi sẽ đảm nhận cái vai trò của người đặt câu hỏi. Và hy vọng sẽ nhận được câu trả lời từ trí tuệ của mọi người, trong đó hy vọng lớn nhất đặt vào các bạn sinh viên, những người mà trong bối cảnh của nền giáo dục hiện nay chỉ được dạy cho cách học thuộc lòng, bị bắt phải học thuộc lòng, chứ không được dạy cho cách đặt câu hỏi, và cách tự tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi, tức là tự tìm kiếm cách giải quyết các vấn đề của cuộc sống thực tế.

Trở lại với câu hỏi trên đây và hai luồng ý kiến đối nghịch trên đây, bản thân tôi dĩ nhiên chẳng thể nào có được câu trả lời đầy đủ.

Ở đây, xin nhắc lại, tôi chỉ tập trung vào một điểm : ý kiến đánh giá về năng lực quản lý và lãnh đạo của đảng, mà đảng thì không trừu tượng, trái lại đảng hiện thân trong các thành viên của đảng, nghĩa là nói đến đảng là nói đến các đảng viên.

Và tôi giới hạn vấn đề vào một điểm nhỏ hơn nữa : LỰA CHỌN người để kết nạp đảng viên và để đặt vào vị trí quản lý. Về thời gian, chỉ xét từ thời điểm Việt Nam bắt đầu xây dựng và phát triển đất nước một cách độc lập, tức là từ sau 1975 ; bởi vì chính từ thời kỳ này mới có thể đánh giá năng lực quản lý và lãnh đạo công cuộc tái thiết và phát triển quốc gia trong hòa bình, về mọi mặt : kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa học…, nghĩa là bài này không đề cập đến thời kỳ chiến tranh.

Đảng viên cho rằng những người được lựa chọn là những người xuất sắc, có nghĩa là bản thân họ là những người xuất sắc. Trái lại, nhận định của một bộ phận xã hội cho rằng những người được đảng lựa chọn là kém năng lực. Nhận định này dựa trên tình trạng bê bối và băng hoại toàn diện của xã hội Việt Nam hiện nay.

Ta thử xét từ góc độ nhìn nhận của những người đảng viên.

Để công bằng thì phải nói rằng, trước khi việc bổ nhiệm nhân sự được tiến hành theo cách thức mua bán như hiện nay, tiêu chí lựa chọn của đảng quả là từng dựa trên năng lực, đảng đã muốn chọn những người xuất sắc, dĩ nhiên là xuất sắc theo thang đánh giá của đảng, trong đó có điều kiện về lý lịch và nhân thân. Lấy ví dụ về trường hợp kết nạp sinh viên vào đảng : người ta không chọn sinh viên kém để cho vào đảng. Để được vào đảng sinh viên phải thuộc diện xuất sắc, và theo tiêu chí hiện hành thì đó là những sinh viên được điểm cao, có hạnh kiểm tốt. Tuy nhiên điểm của sinh viên lại tùy thuộc vào cách dạy, cách ra đề và cách đánh giá bài thi của giáo viên. Do vậy, trên thực tế, giữa một sinh viên đạt điểm cao và một sinh viên đạt điểm trung bình, khó biết được trên thực tế ai giỏi hơn ai. Với cách đánh giá kiểu bộ đề, bài văn mẫu, hiện nay, thì phẩm chất được đánh giá cao là trí nhớ tốt, khả năng học thuộc lòng, chứ không phải sự thông minh, sáng tạo và năng lực tư duy độc lập. Tuy vậy, không loại trừ việc những sinh viên đạt điểm cao là những sinh viên giỏi thực sự.

Và tiêu chí hạnh kiểm tốt ở trường học chúng ta đồng nghĩa với khả năng vâng lời, ở trình độ sinh viên thì đó là khả năng trung thành với lý tưởng của đảng. Các phẩm chất được dạy ở trường: yêu tổ quốc, yêu đồng bào, khiêm tốn, thật thà, dũng cảm (tất cả mọi học sinh đều phải học thuộc lòng, vì năm điều này được dán trong mọi trường học), trên thực tế bị xếp ở dưới cái yêu cầu phải trung thành với đường lối và nghị quyết của đảng. Càng về sau, yêu cầu trung thành với đảng càng trở thành tiêu chí thiết yếu trong việc lựa chọn cán bộ cho bộ máy nhà nước.

Trên thực tế, đảng cũng đã chọn được những người có năng lực, và có đạo đức. Bởi như đã nói, đảng không phải là cái gì trừu tượng, mà là từng đảng viên cụ thể, ở những vị trí cụ thể, và ở những địa phương cụ thể. Những con người cụ thể đó vẫn có thể có những cách làm việc, ứng xử riêng của mình, cho dù hiện nay bộ máy gần như muốn đồng hóa tất cả.

Hãy nhìn trường hợp Bí thư Hội An, ông Nguyễn Sự. Người đàn ông gầy gò đi một chiếc xe máy cũ tàng. Ông là người đã giữ linh hồn cho Hội An. Theo một cách khác, cũng có thể nói ông là người mang lại linh hồn cho Hội An, đã biến Hội An thành một thành phố được du khách yêu thích bậc nhất ở Việt Nam, vì đến Hội An họ nhìn thấy lịch sử, quá khứ, nhìn thấy các giá trị tinh thần. Lịch sử, quá khứ, bản sắc, các giá trị tinh thần là những thứ mà các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn đang mất dần. Sự biến dạng của chùa Trăm Gian là nỗi đau của người Hà Nội. Và Thương xá Tax đang là nỗi đau của người Sài Gòn. Phá hết, hủy hoại hết như vậy thì làm gì còn lịch sử !!! Một dân tộc sẽ như thế nào nếu không có ký ức lịch sử ? Ông Nguyễn Sự không chỉ làm cho Hội An trở thành điểm du lịch yêu thích, ông đã giữ lại ký ức lịch sử cho không chỉ người Việt Nam. Du khách Nhật, du khách Trung Quốc, du khách Pháp đến Hội An đều có thể tìm lại hình ảnh tiền nhân của mình qua các dấu tích để lại ở thành phố nhỏ bé này, nó nhỏ đến mức gây cảm giác luyến tiếc cho những người dạo phố. Đó là cảm giác mà tôi đã có khi đến Hội An. Tôi đã ước gì Hội An rộng hơn, lớn hơn, có nhiều phố xá hơn, để có thể bù đắp thêm phần nào cho sự xuống cấp về tinh thần và văn hóa của đa số các thành phố khác trên đất nước này.

Tuy nhiên, chính ở điểm này mà ta có thể đặt vấn đề ngược lại. Có thể vì Hội An nhỏ như thế nên ông Nguyễn Sự mới giữ được nó như thế. Ở một thành phố lớn, nơi có nhiều quyền lực kinh tế xâu xé lẫn nhau, ông Nguyễn Sự có làm được điều mà ông đã và đang làm cho Hội An ?

Trường hợp Bí thư Hội An cho thấy rằng không phải toàn bộ đảng viên hay toàn bộ những người đang làm việc cho bộ máy đảng đều là những người thiếu năng lực quản lý hay thiếu đạo đức. Trong bộ máy vẫn còn có những người làm việc cho các giá trị chung của cộng đồng, và có đủ khả năng để làm việc đó. Nhưng những người như thế rất hiếm hoi. [Mở ngoặc để nêu một câu hỏi : tại sao, điều gì trong thể chế này không tạo điều kiện để có nhiều người như thế, trái lại khiến cho họ rơi vào tình trạng hiếm hoi, đơn độc, và ngày càng hiếm hoi hơn ? Câu hỏi này sẽ dẫn tới câu hỏi khác (mà câu trả lời không phải là mục đích của bài này) : một thể chế chính trị như thế nào thì khuyến khích được những người như ông Sự phát triển và tạo điều kiện cho họ xuất hiện phổ biến trong xã hội ?]

Nói về trường hợp ông Nguyễn Sự để tự nhắc nhở rằng : cần phải chống lại cỗ máy phi nhân của cơ chế độc đảng hiện hành, nhưng sẽ sai lầm nếu chống lại con người. Nếu một số lãnh đạo trong các cơ chế độc tài có thể từ bỏ lợi ích của mình (trường hợp gần đây nhất là Then Sen, hiện là đương kim tổng thống Miến Điện) là bởi họ có khả năng nhận ra tính phi nhân của bộ máy đang mang lại lợi ích cho riêng cá nhân họ nhưng lại làm hại cho cộng đồng của họ. Và họ nhận ra được điều đó nhờ phần nhân tính ở trong họ, vì họ là con người, và cái phần con người đó khiến họ có đủ lý trí và sức mạnh để tách ra khỏi bộ máy.

Câu hỏi là : trường hợp ông Nguyễn Sự rất hiếm hoi, vậy có nghĩa là việc ông được lựa chọn không đại diện cho cách lựa chọn người để kết nạp đảng viên và bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo các cấp ?

Paris, 19/10/2014

(http://www.rfavietnam.com/node/2263)

____

Phần II

Xin nhắc lại câu hỏi ở cuối phần trước của bài này :

Trường hợp ông Nguyễn Sự rất hiếm hoi, vậy có nghĩa là việc ông được lựa chọn không đại diện cho cách lựa chọn người để kết nạp đảng viên và bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo các cấp ?

Câu trả lời có thể gây ngạc nhiên : kể cả trong bối cảnh mua bán chức quyền hiện nay, đảng vẫn tìm đến những người có năng lực và đạo đức để mời họ vào đảng, với điều kiện là những người đó không biểu hiện các quan điểm khác với quan điểm của đảng. Dĩ nhiên, với đối tượng này đảng bị từ chối nhiều, nhưng cũng không ít người nhận lời.

Trên thực tế, không thể phủ nhận rằng, dù không phải là tất cả thì có một bộ phận đảng viên là những người có năng lực, có trình độ, được đào tạo, hoặc nói theo cách mà họ tự nhìn nhận về mình : họ là những người xuất sắc. Điều này có thể gây ngạc nhiên cho những ai đang nhìn thấy đảng viên như những người yếu kém về năng lực quản lý; nhưng những điều tiếp theo đây sẽ có tác dụng làm giảm sự ngạc nhiên. Những suy nghĩ trong bài này chỉ giới hạn ở bộ phận đảng viên có năng lực.

Vấn đề sẽ là : vì sao những người được lựa chọn vốn là những người xuất sắc mà kết quả công việc của họ lại có thể khiến cho họ bị đánh giá là kém cỏi trong việc điều hành, quản lý, và vì thế phải chịu trách nhiệm lịch sử trước sự suy thoái của dân tộc ? Tại sao họ lại cùng nhau đưa cả đất nước vào tình trạng chung thảm hại hiện tại ?

Dưới đây là một lý giải, dĩ nhiên chỉ mang tính phiến diện.

Đảng vẫn tìm đến những người có năng lực và đạo đức để mời họ vào đảng, NHƯNG với các điều kiện của đảng : phải tham gia một khóa học « cảm tình đảng », sau khi kết thúc khóa học này phải viết một bài thu hoạch và chính dựa trên bài thu hoạch này mà đảng sẽ quyết định có kết nạp hay không. Ngay từ bước đầu tiên của lớp « cảm tình đảng » này người đảng viên tương lai đã buộc phải lựa chọn giữ lại « năng lực » nào cho mình và phải đánh mất những năng lực nào của mình. Còn muốn làm lãnh đạo, phải học một khóa ở trường đảng Nguyễn Ái Quốc. Và từ lúc đó, mọi nguyên tắc đạo đức không còn quan trọng nữa trước sự trung thành đối với đảng. Trước sự đồng hóa của đảng, trước cám dỗ về lợi ích vật chất có được nhờ đảng, bao nhiêu đảng viên giữ được bản lĩnh của mình như ông Nguyễn Sự ? Đã có nhiều bài trên báo chính thống nói thẳng rằng ông Nguyễn Sự là trường hợp hiếm hoi trong hàng ngũ lãnh đạo hiện thời. Vả chăng, một mình ông Nguyễn Sự cũng không thể cải thiện guồng máy chung của đảng; tâm huyết của ông, bản lĩnh của ông, đạo đức của ông cũng không ngăn cản được các cán bộ ngay trong thành phố Hội An của ông tham nhũng, vi phạm pháp luật, nghĩa là tha hóa và làm hại người khác, làm hại lợi ích chung để củng cố lợi ích riêng : tại thời điểm này đang diễn ra vụ việc Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP.Hội An bị thụ án vì lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản (tham khảo thêm thông tin cụ thể : http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141004/tam-giam-chi-cuc-truong-thi-h...).

Trở lại với thực tế của guồng máy đảng để thấy rằng : không ít người có năng lực nhận lời vào đảng. Họ có lý do để tự nhận rằng họ là những người xuất sắc, họ có lý do để nói rằng đảng cũng muốn tập hợp những người xuất sắc vào hàng ngũ của đảng. Nhưng điều mà có lẽ họ không nhận thấy, đó là sự xuất sắc của họ đã mất đi cùng với các lợi ích mà họ nhận được từ đảng.

Hoặc, cũng có thể nhìn theo cách khác : họ đã không dùng sự xuất sắc để phát triển các năng lực của chính họ, và phát triển cộng đồng chung. Trái lại sự xuất sắc của họ chỉ dùng vào việc phát triển lợi ích vật chất cho cá nhân họ và bảo vệ lợi ích của đảng và bảo vệ sự tồn tại vững chắc cho đảng, bởi lợi ích của đảng cũng là lợi ích của chính họ (cần xác định lại điều này : đảng chính là các đảng viên).

Đáng nói hơn, họ dùng sự xuất sắc của họ để làm lụn bại khả năng trí tuệ của những người khác, bằng cách tạo ra những môi trường trong đó năng lực trí tuệ không thể phát triển được, bởi đó là những môi trường nơi tự do bị bóp nghẹt, nơi các điều kiện sống và điều kiện làm việc bị bóp nghẹt. Không phải là họ không hiểu, trái lại họ hiểu rất rõ nhưng chủ động tạo ra môi trường như vậy nhằm hủy diệt các nguồn lực trí tuệ của quốc gia chỉ với mục đích duy nhất là bảo vệ lợi ích vật chất của họ, với cái giá là năng lực trí tuệ của chính họ cũng cùn mòn đi, tiêu biến đi. Cần hiểu rằng giờ đây, ý thức hệ thuở ban đầu hoàn toàn không còn nữa khi mà bản thân người lãnh đạo cao nhất của đảng thừa nhận rằng chủ nghĩa xã hội là một thứ ảo vọng mà đến « cuối thế kỷ » này cũng chưa thể thấy mặt mũi nó ra sao. Lý tưởng đã hoàn toàn biến mất, cái còn lại chỉ là sức mạnh quái đản của lợi ích vật chất trong một xã hội tiêu thụ.

Điều này góp phần lý giải vì sao Việt Nam càng ngày càng sa sút trên nhiều phương diện, nhưng sự tồn tại của đảng không hề bị đe dọa. Các đảng viên xuất sắc đã dùng sự xuất sắc của họ để làm cho đất nước suy vong, làm băng hoại môi trường học thuật, làm cho trí tuệ của người dân sa sút, và để củng cố sức mạnh của đảng.

Chúng ta thấy rằng các giải pháp được lựa chọn để giải quyết các vấn đề của đất nước này hầu như luôn là những giải pháp đảm bảo cho quyền lợi vật chất của người có quyền quyết định, và quyền lợi của họ lại đi ngược với quyền lợi chung. Do đó mới có chuyện hết công ty này đến công ty kia thua lỗ đến trăm nghìn tỷ này đến trăm nghìn tỉ khác, công ty thua lỗ nhưng các cá nhân lãnh đạo công ty thì được lợi. Do đó mới có chuyện hàng bao nhiêu đại học không đủ tiêu chuẩn vẫn cứ được thành lập, đại học sa sút nhưng những người ký quyết định lập trường thì có lợi. Rồi hàng bao nhiêu dự án thua lỗ trên đất nước này, dự án thì lỗ nhưng người ký quyết định dự án thì lãi. Logic là như vậy, ai cũng có thể tìm thấy vô vàn dẫn chứng cho cái logic này.

Hãy xem xét một lĩnh vực cụ thể là giáo dục. Giám đốc của các đại học quốc gia, hiệu trưởng của các trường đại học, họ có kém không ? Không, không thể nói rằng tất cả họ đều kém cỏi. Trái lại, đa số họ đều là những người có năng lực. Nhưng tại sao giáo dục lại thảm hại đến như vậy, đến mức chính họ là những người đầu tiên gửi con cái đi học nước ngoài ? Bởi lẽ họ đã không dùng trí tuệ của họ, sự xuất sắc của họ để xây dựng một nền giáo dục tiến bộ và hiệu quả, vì chính điều đó làm tổn hại đến đảng của họ, tức là làm tổn hại đến quyền lực và lợi ích vật chất của họ. Trường học càng thối nát, càng trì trệ, giáo viên càng lạc hậu, càng phục tùng, học sinh/ sinh viên càng kém hiệu biết, càng ngoan ngoãn thụ động, thì lợi nhuận của họ càng lớn, quyền lực của họ càng ổn định. Từ đó, phần nào có thể thấy động cơ làm việc của họ là gì, và ý nghĩa của đời sống đối với họ là gì...

Hoặc nhìn sang một lĩnh vực khác mà đại diện là Vinashin và Vinalines. Không thể nói các lãnh đạo của Vinashin và Vinalines là những người kém cỏi. Các công ty này thua lỗ không phải vì năng lực quản lý của người lãnh đạo kém, mà là vì « năng lực » quản lý được dùng cho việc phát triển túi tiền cá nhân nhờ vào sự thua lỗ của công ty.

Câu hỏi là : tại sao các đảng viên « xuất sắc » của Việt Nam không làm lợi cho mình dựa trên sự phát triển của đơn vị, dựa trên sự lớn mạnh của công ty, mà lại làm lợi cho mình dựa trên sự phá sản của công ty ? Tại sao mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung lại được họ xây dựng thành một mối quan hệ mâu thuẫn, lợi ích riêng hủy hoại lợi ích chung ? Tại sao họ không đặt hai loại lợi ích này trong một mối quan hệ tương hỗ, cả hai cùng phát triển ?

Mong muốn các đảng viên (đặc biệt là các đảng viên cao cấp) biết đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích của đảng và lợi ích cá nhân phải chăng chỉ là một mong muốn huyễn tưởng ? Nó tạo ra một viễn cảnh cũng mang tính chất ảo như cái viễn cảnh chủ nghĩa xã hội mà thôi. Không cần đảng đặt quyền lợi của dân tộc cao hơn quyền lợi riêng của đảng, chỉ cần các đảng viên đặt quyền lợi dân tộc ngang bằng quyền lợi riêng của mình, thì có lẽ Việt Nam đã có một hình ảnh khá hơn rất nhiều hình ảnh mà ngày nay chúng ta đang có.

Liệu các đảng viên, nhất là các đảng viên ở cương vị lãnh đạo cao cấp (cũng như mọi người nói chung trong xã hội hiện thời) có thể xoay chuyển tí ti não bộ của mình để điều chỉnh tí ti chiều hướng suy nghĩ : gắn lợi ích của mình với lợi ích của dân tộc, và không để cho hai loại lợi ích này trở thành đối nghịch, không để cho lợi ích cá nhân đi ngược lại với lợi ích dân tộc. Chỉ cần một tí ti xoay chuyển đó thôi, vận mệnh của xứ sở này sẽ khác nhiều lắm.

Xin nhắc lại, câu hỏi của tôi là : giữa hai giải pháp, 1) vừa làm lợi cho bản thân vừa làm lợi cho đất nước và dân tộc, 2) làm lợi cho bản thân và làm hại đất nước và cộng đồng, tại sao các đảng viên xuất sắc của Việt Nam lại chọn giải pháp 2, nên khiến cho Việt Nam rơi vào tình trạng bi đát hiện nay ? Nghịch lý là các đảng viên càng « xuất sắc » thì đất nước càng thê thảm.

Một câu hỏi khác, không phải là không liên quan đến câu hỏi trên đây : tại sao cùng một mô hình chế độ chính trị độc tài cộng sản, nhưng đảng cộng sản Trung Quốc, với những vấn nạn mà nó tạo ra vẫn có thể đưa Trung Quốc trở thành một sức mạnh kinh tế, quân sự và khoa học ; trong khi đó đảng cộng sản Việt Nam cùng các đảng viên của mình lại đẩy Việt Nam vào tình trạng lạc hậu, nghèo đói, chậm tiến, suy thoái gần như toàn diện, không có một thành tựu nào đáng kể, và đang lệ thuộc càng ngày càng sâu sắc vào Trung Quốc ???

Paris, 30/10/2014

(http://www.rfavietnam.com/node/2271)

______________

Phần III

Một trong những câu hỏi ám ảnh tôi là : Tại sao Liên Xô và các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũ có thể từ bỏ cái hệ thống phản nhân đạo này, từ bỏ chế độ cộng sản chủ nghĩa, để hòa nhập vào dòng chảy chung của nhân loại, trong khi đó ở Việt Nam, xiềng xích của chủ nghĩa cộng sản chưa biết bao giờ mới được tháo bỏ ?

Xung quanh câu hỏi lớn này, có nhiều câu hỏi nhỏ hơn, ở cấp độ thấp hơn. Ở đây tôi chỉ đưa ra một trong số đó : Tại sao trong bộ máy lãnh đạo cấp cao của một số nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây lại có thể xuất hiện những người có khả năng đưa ra những quyết định làm thay đổi thể chế một cách ôn hòa, tránh đổ máu cho dân tộc, và giúp đất nước phát triển trong hòa bình, chẳng hạn như Gorbachov ở Nga ?

Dĩ nhiên, sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau, nghĩa là có nhiều lý do khác nhau. Dưới đây tôi đưa ra một lý do, mà tôi tìm thấy trong cuốn sách đã từng giới thiệu với độc giả, cuốn « Giai cấp mới » của Djilas.

Djilas giải thích nguồn gốc đặc quyền đặc lợi của giai cấp lãnh đạo và các thành phần của đảng cộng sản như sau :

« Giữa cao trào công nghiệp hoá, sau khi đã mở tung cánh cửa của đủ mọi thứ đặc quyền đặc lợi, Stalin bắt đầu đưa ra các mức lương chênh lệch nhau một trời một vực. Ông ta hiểu rằng không thể thực hiện được tiến trình công nghiệp hoá nếu như giai cấp mới không nhận được quyền lợi về mặt vật chất, nếu không cho nó quyền sở hữu tài sản. Nếu không có công nghiệp hoá thì giai cấp mới cũng khó mà sống còn được: không có nguồn sống và cũng chẳng thể tìm được sự biện hộ về mặt lịch sử. »

Chính đoạn văn này giúp tôi hiểu vì sao nước Nga vẫn chọn được những lãnh đạo có ý thức tự tôn dân tộc và có ý thức về danh dự quốc gia. Và ý thức về danh dự quốc gia và tự tôn dân tộc chính là động cơ thúc đẩy những người lãnh đạo hành động vì lợi ích của đất nước.

Bởi vì, như Djilas cho ta thấy, dù sao đảng cộng sản Nga cũng tạo đặc quyền đặc lợi bằng chênh lệch lương, Tức là người hưởng đặc quyền đặc lợi dù sao vẫn còn có ý thức tự trọng và danh dự, họ cảm thấy danh dự của họ được tôn trọng bằng mức lương mà họ nhận được. Dù sao, trong trường hợp này, bất công không phải là nguồn gốc của sự đánh mất ý thức về lòng tự trọng.

Trong trường hợp Việt Nam, sự dối trá bị đẩy tới cực điểm khi mà đặc quyền đặc lợi của giai cấp mới không dựa trên mức lương. Nếu xét mức lương được quy định trên giấy tờ, thì ta sẽ không thấy có bất công. Ta sẽ có cảm giác là cả xã hội công bằng như nhau, lương thấp như nhau, từ người lãnh đạo cấp cao nhất, đến lãnh đạo bậc trung đến người nhân viên quèn.

Tuy nhiên, chênh lệch trong mức thu nhập thực tế thì không thể nào đo được. Và cũng chẳng ai biết mức thu nhập thực tế của quan chức là bao nhiêu. Và thu nhập « thực tế » này có được là do tham nhũng, là do ăn cướp của công, cắt xén tài sản quốc gia, là do ăn hối lộ lẫn nhau và ăn hối lộ của nhân dân. Sở dĩ có thể tham nhũng và ăn hối lộ là do những sơ hở của cơ chế được những người quản lý cố tình tạo ra và cố tình duy trì. Lãnh đạo Việt Nam mỗi khi có chuyện gì bị phát hiện liền đổ lỗi cho sự yếu kém về quản lý. Nhưng họ biết rõ đó là sự yếu kém cố tình, họ chủ động tạo ra sự yếu kém đó, chứ nếu muốn họ hoàn toàn có thể quản lý rất giỏi. Nhưng nếu không « yếu kém » thì họ không tham nhũng được. Vì thế họ cố tình trở nên « yếu kém » và khuyến khích sự «yếu kém » của toàn bộ hệ thống. Chính điều này khiến cho con người trong xã hội Việt Nam hiện nay tha hóa một cách cùng cực, tha hóa không có điểm dừng. Cả xã hội không còn giữ được nền tảng đạo đức, giả dối trở thành bản chất không những của chế độ, mà còn đang dần dần trở thành tính cách của cả dân tộc.

Và chính ở đây ta tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi : tại sao trong hàng ngũ lãnh đạo của nước Nga độc tài cộng sản có thể xuất hiện những người dám từ bỏ hệ thống vì lợi ích của dân tộc như Gorbachov, và những người như thế không thể tìm thấy trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam hiện nay ?

Bởi vì cơ chế trả lương cao như một đặc quyền đặc lợi dù sao vẫn đảm bảo được một số điều : cho phép tuyển chọn được những người có năng lực thực sự, và cho phép họ giữ ý thức về lòng tự trọng. Còn cơ chế lương thấp và tạo đặc quyền đặc lợi bằng các lỗ hổng quản lý cố ý và khuyến khích tham nhũng sẽ khiến cho những người được tuyển chọn vào vị trí lãnh đạo là những người chấp nhận tha hóa, trên thực tế đã bị tha hóa và không còn ý thức về nhân phẩm và tự trọng. Càng giữ vị trí càng cao thì mức độ tha hóa càng lớn, lòng tự trọng càng bị triệt tiêu. Đối với những người không còn tự trọng cá nhân thì tự tôn dân tộc, danh dự quốc gia cũng không là gì hết đối với họ.

Hậu quả như thế nào, người Việt Nam đã chứng kiến đủ : trong khi người Việt được chỉ đạo lên sân khấu ca hát nhảy múa về chủ đề biển đảo, thì lãnh đạoTrung Quốc cho mang vật liệu ra xây dựng thành phố trên đảo ; trong khi dàn khoan Trung Quốc đâm thẳng vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam thì tướng lĩnh Việt Nam tươi cười gọi Trung Quốc là bạn...

Và chúng ta cũng hiểu tại sao Liên Xô, dù gặp khó khăn do chính mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa vẫn có thể tiến hành công nghiệp hóa, còn Việt Nam, sau gần nửa thế kỷ công nghiệp hóa, sau hơn ba mươi năm đổi mới và cải cách kinh tế, sản phẩm mơ ước vẫn chỉ là cái đinh ốc. Những người cộng sản Việt Nam hiện nay, nhất là nhừng người đứng ở hàng ngũ lãnh đạo các cấp, hầu như không có biểu hiện cho thấy rằng họ nghĩ đến lợi ích dân tộc và lợi ích quốc gia. Họ không thiếu tiền, họ chỉ thiếu ý thức về danh dự quốc gia và thiếu lòng tự tôn dân tộc. Bởi nếu họ có nghĩ chút ít đến thể diện quốc gia thì họ đã sản xuất được cái đinh ốc từ lâu. Nhưng các tập đoàn khổng lồ của nhà nước thì cho bốc hơi (đúng ra thì cho vào túi cá nhân của những người điều hành tập đoàn, và cho vào túi của những người đứng đằng sau bộ máy điều hành tập đoàn) hết trăm nghìn tỉ này đến trăm nghìn tỉ khác, không có tỉ nào đầu tư vào đinh ốc.

Trong đại hội sắp tới của đảng cộng sản Việt Nam, có ai nghĩ đến cái nghịch lý nhân sự này không ?

Paris, 30/3/2015

N.T.T.H.

Nguồn: http://www.rfavietnam.com/node/2518

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn