Đôi điều lạm bàn về lịch sử hiện đại Việt Nam từ sau Tháng 8 năm 1945

Trần Quí Cao

Đặt vấn đề

Đảng Cộng Sản Việt Nam (viết tắt: đảng CSVN) thường nói đảng CSVN có vị thế chính đáng để lãnh đạo đất nước lâu dài. Chính nhân dân Việt Nam đã chọn đảng CSVN, chớ không chọn ai khác, làm lãnh đạo, vì trong bảy chục năm qua Đảng đã tổ chức và lãnh đạo nhân dân giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, và do đó Đảng có công lao trời biển đối với đất nước.

Các thành tích lớn Đảng CSVN thường nêu lên là:

1) Lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành độc lập từ tay phát xít Nhật.

2) Khi Pháp quay lại Đông Dương, Đảng CSVN đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc Kháng chiến chín năm giành độc lập từ Pháp.

3) Khi Pháp thua trận Điện Biên Phủ phải rút khỏi Đông Dương, nước Việt Nam bị chia thành hai miền Nam, Bắc theo các thể chế khác nhau, Đảng CSVN đã lãnh đạo nhân dân tiếp tục công cuộc giành độc lập bằng cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.

4) Sau khi thống nhất đất nước bằng bạo lực cách mạng “hai mười năm nội chiến từng ngày”, Đảng CSVN tiếp tục lãnh đạo toàn diện nhân dân xây dựng nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa phát triển mọi mặt và có vị trí quốc tế quan trọng.

Về lý thì vậy, nhưng trên thực tế chưa bao giờ trong nước có một cuộc hội thảo khoa học đúng nghĩa về những chủ đề trên. Các thành tích mà Đảng CSVN tự hào đã mang lại những hậu quả gì cho dân tộc? Những hội thảo, hội nghị được gọi là “khoa học” nhưng lại mang tính phong trào, nghĩa là tổ chức nhân dịp những ngày đại lễ mừng chiến công của Đảng, và chỉ có mục đích chứng minh cho lập luận của Đảng CSVN. Ai cũng biết, các hội thảo, hội nghị như vậy không hề có tính khoa học , bởi vì chúng thiếu mất hai khâu quan trọng là khách quantrung thực.

Loạt bài viết này có thể xem như một tổng hợp các quan điểm, cách nhìn khác với quan điểm chính thống, nhằm phân tích xem cuộc “Cách mạng Tháng Tám”, cuộc “Kháng chiến chín năm”, cuộc “Kháng chiến chống Mỹ cứu nước” và sự lãnh đạo toàn diện đất nước dưới chế độ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Đảng CSVN đã thực sự mang lại những gì cho dân tộc này.

Bài 1. Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Thế chiến thứ 2 là cuộc chiến giữa phe Trục dẫn đầu bởi các nước Đức, Ý, Nhật và phe Đồng Minh dẫn đầu bởi các nước Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga. Thế chiến 2 bắt đầu năm 1939 và kết thúc năm 1945 với sự đầu hàng của Nhật và Đức.

Những năm đầu Thế chiến, phe Trục thắng liên tiếp trên các mặt trận lớn. Pháp bị Đức đánh bại và đầu hàng. Nước Pháp suy yếu, khiến chính quyền Pháp tại Đông Dương cũng yếu theo. Năm 1941 Nhật tấn công và phá hủy gần như toàn bộ Hạm đội Mỹ đóng tại Trân Châu Cảng, căn cứ hải quân chính của Mỹ tại Thái Bình Dương. Từ đó Nhật hùng cứ Thái Bình Dương và sau đó chiếm đóng Bán đảo Đông Dương.

Vào thời điểm ấy, Việt Nam đúng là đang bị một cổ hai tròng. Tuy nhiên, hai tròng đó đang dần dần được cởi bỏ bởi:

a) Sự đấu tranh bền bỉ của dân tộc Việt Nam trong 80 năm dưới sự đô hộ của Thực dân Pháp, và

b) Mâu thuẫn của hai phe trong thế chiến thứ hai

Tại Đông Dương mâu thuẫn này được thể hiện bởi tranh chấp Pháp Nhật, để cuối cùng, Nhật đảo chính Pháp vào tháng 3/1945. Lúc này “tròng Pháp”, đã được cởi bỏ. Tròng còn lại, “tròng Nhật”, thực ra đang ngày càng yếu ớt vì Nhật đang rơi vào thế hạ phong. Nhiều nhà quan sát và hoạt động chính trị đã nắm rõ tình hình và thấy trước hướng biến thiên thời cuộc sắp tới. Dù đã lật đổ Pháp và đang nắm quyền cai trị Đông Dương, Nhật chắc chắn sẽ nhanh chóng bại trận trước phe Đồng Minh. Lúc đó Đông Dương sẽ có khoảng trống quyền lực trước khi Pháp kịp quay trở lại. Những phe phái chính trị tại Việt Nam đã vạch ra kế hoạch nắm thời cơ giành độc lập.

Thời kỳ này, Đảng Cộng sản đang hoạt động ngoài vòng pháp luật. Họ tích cực chuẩn bị cho thời cơ “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (tựa một bài báo của ông Trường Chinh).

Lúc đó, một nhóm các nhà hoạt động xã hội có tâm huyết gồm các ông Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh… bàn bạc rồi tìm cách thuyết phục vua Bảo Đại lập Chính phủ để chuẩn bị tuyên bố độc lập khi Nhật đầu hàng. Việc này cũng phù hợp với nhu cầu của Nhật là lập một Chính phủ người Việt cho danh chính ngôn thuận với phong trào Đông Á do Nhật khởi xướng từ những năm trước.

Đây là nguồn gốc của sự ra đời Chính phủ Trần Trọng Kim, được thành lập ngày 17/4/1945.

Dù được hình thành dưới thời Nhật chiếm Đông Dương, nội các Trần Trọng Kim thực chất là một Chính phủ lợi dụng thời cơ phát sinh từ mâu thuẫn giữa phe Đồng minh và phe Trục trong Thế chiến thứ 2 để mưu cầu độc lập cho Việt Nam. Chính phủ gồm các nhà hoạt động chính trị, xã hội đương thời, hầu hết là những trí thức có trình độ học vấn cao và tư cách đáng kính trọng.

Bốn tháng sau, ngày 15/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng.

Trong thời gian ngắn ngủi đó, Chính phủ Trần Trọng Kim đã lầm được những việc quan trọng:

1) Thiết lập một Chính phủ Việt Nam thống nhất, tạo điều kiện và thúc đẩy quần chúng tham gia các sinh hoạt chính trị công khai, chuẩn bị tinh thần hướng giành độc lập dân tộc.

2) Thu hồi các thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và, quan trọng hơn, sáp nhập được Nam Kỳ trở lại thành một phần của nước Việt Nam thống nhất.

3) Xác nhận nền độc lập của Việt Nam ngày 18/8/1945

4) Chuyển đổi thành công nền giáo dục từ hệ thống dùng tiếng Pháp sang hệ thống dùng tiếng Việt từ bậc tiểu học tới bậc đại học. Điều này rất quan trọng nhằm phổ biến kiến thức văn hóa, khoa học, kỹ thuật… cho dân chúng để nâng cao dân trí. Nó cũng nhắm vào mục tiêu nung đúc tinh thần tự chủ của dân tộc, chuẩn bị cơ sở mềm tiếp nhận độc lập khi Nhật đầu hàng.

Trong điều kiện khó khăn như vậy và trong một thời gian ngắn như vậy, các thành quả nói trên thực đáng kinh ngạc và khâm phục. Không phải là một Chính phủ có tâm huyết với nền độc lập dân tộc và tương lai phát triển đất nước, không thể làm được. Nếu so sánh những kỳ tích trong bốn tháng đó với những gì chính quyền của Đảng CSVN làm trong 40 năm sau khi nước nhà thống nhất, ta sẽ thấy sự khác biệt không chỉ ở thành quả, mà rõ rệt hơn, ở đẳng cấp của tri thức và ở tấm lòng của Chính phủ Trần Trọng Kim đối với vận mệnh đất nước và dân tộc Việt Nam.

Trên thực tế, Chính phủ Trần Trọng Kim đã thực sự điều hành đất nước một cách tự chủ, trong đó có việc sáp nhập các phần lãnh thổ trước đây bị chia cắt vào một quốc gia thống nhất, và, sau ngày Nhật đầu hàng Đồng Minh, Việt Nam đã thực sự độc lập. Chỉ cần tranh thủ sự công nhận của cộng đồng quốc tế là hoàn tất mọi thủ tục về pháp lý của một Nhà nước độ lập.

Ngày 17/8/1945, hai ngày sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng, Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức tập họp các công chức làm lễ mừng độc lập và thống nhất lãnh thổ. Tuy nhiên, trong ngày lễ đó, phe Việt Minh chiếm diễn đàn và tuyên bố giành chính quyền tại Hà Nội. Do không muốn tranh giành, có thể tổn đến hại sự đoàn kết dân tộc trong hoàn cảnh nền độc lập nước nhà đang trong thế rất chông chênh, Chính phủ Trần Trọng Kim đồng ý giao chính quyền cho Việt Minh và vua Bảo Đại thoái vị ngày 25/8/1945. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, ông Hồ Chí Minh tuyên bố nước Việt Nam độc lập tại một cuộc mít tinh ở vườn hoa Ba Đình, nơi sau này được đổi tên thành Quảng trường Ba Đình. Ngày 2/9 sau này được chọn là ngày Quốc khánh của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Như vậy, chúng ta có thể thấy:

Cách mạng Tháng Tám thực chất là một cuộc cướp quyền điều hành đất nước của Chính phủ Trần Trọng Kim do ông Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam tiến hành.

Chính phủ Trần Trọng Kim lúc đó thực chất là Chinh phủ của một nước Việt Nam độc lập và thống nhất, có chính quyền Trung ương tập quyền trên suốt lãnh thổ Việt Nam.

Chính phủ Trần Trọng Kim là Chính phủ gồm những người ưu tú của đất nước, sau bốn tháng thành lập, đã có những thành quả cực kỳ to lớn, nhưng đã bị Việt Minh vu cáo là tay sai Nhật. Chính phủ đó, trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng, đáng lẽ ra phải được ủng hộ để đối phó hữu hiệu với nguy cơ xâm lược ngoại bang, lại bị lật đổ.

Việt Minh lúc ấy, do Đảng Cộng sản thao túng, tranh cướp chính quyền, nên, Cách mạng Tháng Tám đã phá vỡ cơ hội đoàn kết và hợp tác giữa các thành phần và đảng phái dân tộc nhằm đấu tranh với Pháp đang tìm cách quay lại Đông Dương.

Ai cũng thấy chính sách đối với thuộc địa sau năm 1945 của Pháp là thiển cận và không hợp thời. Lúc đó, nếu phải đối diện với một nước Việt Nam đoàn kết vì mục đích độc lập, tự do thì chúng có hung hăng đến mấy cũng không dám nổ súng tái xâm lược nước ta. Cuộc chiến chống Pháp giành độc lập chẳng những đã cướp đi hàng triệu sinh mạng và tài sản mà còn đánh mất đi những cơ hội lịch sử quý hơn vàng để chấn hưng đất nước.

Cách mạng Tháng Tám là điểm khởi đầu cho một tâm lý chính trị rất xấu là giành quyền điều hành đất nước bằng bạo lực thay vì cạnh tranh lành mạnh, hợp tác xây dựng một nhà nước dân chủ đa nguyên để mọi thành phần dân tộc có thể góp sức phục vụ đất nước. Kể từ đó, lịch sử chính trị Việt Nam bị chi phối rất nặng nề bởi chế độ độc tài toàn trị, trong đó, quyền lợi dân tộc, vận mệnh đất nước được/bị xếp dưới quyền lợi của Đảng.

Vậy thì, Cách mạng Tháng Tám đem lại phúc hay họa cho dân tộc Việt Nam? Điều này thiết tưởng chẳng cần phải nói trắng ra, tôi nghĩ rằng, mỗi người dân bình thường trong chúng ta đều có sẵn câu trả lời cho chính mình.

T.Q.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn