DIỄN BIẾN BẤT NGỜ CỦA CUỘC ĐẤU GIÁ TRANH “GẠC MA – VÒNG TRÒN BẤT TỬ”

CÔNG TY VĂN HÓA SÁNG TẠO TRÍ VIỆT- FIRST NEWS
11 H Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM
Tel: 8233860-8227980 – Fax: 8224560
Website: www.firstnews.com.vn
TP. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 06 năm 2015 
DIỄN BIẾN BẤT NGỜ CỦA CUỘC ĐẤU GIÁ TRANH “GẠC MA – VÒNG TRÒN BẤT TỬ” 
THƯỢNG TỌA THÍCH THANH PHONG
TRỤ TRÌ CHÙA VĨNH NGHIÊM
ĐẤU GIÁ BỨC TRANH
GẠC MA – VÒNG TRÒN  BẤT TỬ 400 TRIỆU


  • Tiến sĩ Tô Văn Trường: “Bức tranh có ý nghĩa thực sự như một Vòng Hoa Bất Tử tưởng nhớ đến các Liệt sĩ Gạc Ma”.
  • Ông James G. Zumwalt: “Sự kiện thương tâm tại đảo Gạc Ma rất có thể sẽ diễn ra một lần nữa”.
  • Thượng Tọa Thích Thanh Phong, Trụ trì Chùa Vĩnh Nghiêm: Tôi thấy đây là cuộc đấu giá tranh sơn dầu ý nghĩa nhất từ trước tới nay ở Việt Nam. Tôi xin được tặng bức tranh ý nghĩa và quí giá này cho toàn thể dân tộc Việt Nam”. 
Sau khi VTV và các báo đài đưa tin chính thức, cuộc đấu giá bức tranh Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử để ủng hộ gia đình 64 liệt sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh tại đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào ngày 14/3/1988) nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/2015 đã có những diễn biến bất ngờ, lượng người đấu giá qua điện thoại và đến xem bức tranh ngày càng nhiều, mức đấu giá cũng tăng vượt cấp so với tuần trước. Nhiều hãng thông tấn nước ngoài rất quan tâm như Đài Truyền Hình NHK của Nhật ngỏ ý muốn bay vào TP. HCM đưa tin tường thuật buổi đấu giá hiếm có này.
Sau mức giá 200 triệu đồng mà ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đưa ra vào tuần trước với mong muốn nếu chiến thắng sẽ dành tặng bức tranh này cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, First News – Trí Việt tiếp tục cập nhật các mức giá mới:
  • Cộng đồng Cựu sinh viên Học viện Kỹ thuật Châu Á tại Việt Nam AITA-VN gồm trên 3.000 nhà khoa học, thạc sĩ, tiến sĩ hiện đang đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng ở các doanh nghiệp, tập đoàn ở Việt Nam và trên thế giới do Tiến sĩ Tô Văn Trường hiện đang công tác tại Ban Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu Khoa học Trọng điểm cấp Nhà Nước KC08/11-15, nguyên Viện Trưởng Viện Qui hoạch thủy lợi Miền Nam, là đại diện đã đấu giá bức tranh 300 triệu đồng. Cộng đồng cựu sinh viên AIT tại Việt Nam nhiều năm qua đã có nhiều hoạt động đóng góp vì biển đảo Việt Nam, đã trực tiếp đi tặng quà cho bộ đội và chiến sĩ tại Trường Sa. Cộng đồng AITA-VN mong muốn tặng bức tranh này cho Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tiến sĩ Tô Văn Trường đã xúc động nói lên cảm nhận về bức tranh: “Tôi thấy bức tranh được ra đời rất đúng lúc trong giai đoạn này có ý nghĩa thực sự như một Vòng hoa bất tử. Bằng ngôn ngữ “biểu tượng”, Họa sĩ  Bùi Lệ Trang đã khéo léo thể hiện một “trận chiến” dưới dạng một vòng  cung, một chiến lũy “nước” ở trung tâm bức họa; giống như một vòng hoa lớn được đan kết bằng những con người đang giương cao 3 lá cờ Tổ quốc (quá khứ, hiện tại và tương lai) trong trận chiến “quyết tử cho Tổ quc quyết sinh”,  dưới làn đạn dày đặc của quân thù.
Biểu tượng “người chiến sỹ cầm Cờ đỏ sao vàng, không vũ khí trong tay với trái tim rỉ máu”, có lẽ đây là phần thể hiện cảm xúc tinh tế nhất mà họa sĩ Bùi Lệ Trang muốn chuyển tải đến người xem. Nó thể hiện  ý chí sắt đá và tinh thần quật cường, bất diệt của dân tộc ta, không khuất phục trước bất kỳ kẻ thù nào, được trang bị vũ khí tối tân đến mấy (những họng súng đang nhả đạn). Đây cũng là thông điệp hòa bình của Việt Nam ta gửi cho thế giới thông qua biểu tượng “đường chân trời hình vòng cung, biển xanh, mây trắng”.
  • Ông James G. Zumwalt, nhà nghiên cứu và phân tích quân sự, con trai của cố Đô đốc Hải quân Mỹ Zumwalt, là người rất ngưỡng mộ và có tình cảm đặc biệt với người lính Việt Nam. Tác giả Zumwalt đã qua Việt Nam trên 60 lần gặp và phỏng vấn các tướng lĩnh Việt Nam để thực hiện cuốn sách viết về ý chí và tinh thần chiến đấu quả cảm, thông minh của những người lính QĐND Việt Nam đã được xuất bản ở Mỹ với tên gọi Bare Feet – Iron Will và xuất bản ở Việt Nam với tên gọi Chân trần – Chí thép. Từ Virginia, Washington DC, ông James G. Zumwalt đưa ra mức giá là 17.000 USD (tương đương 350 triệu đồng) và muốn chuyển bức tranh về Mỹ. Ông James G. Zumwalt là người nước ngoài đầu tiên viết về trận hải chiến Gạc Ma với tên bài The Massacre “Not Heard Around the World” “Cuộc thảm sát thế giới chưa từng được biết” đăng trên nhiều tờ báo uy tín ở Mỹ vào tháng 8 năm 2014. Ông chia sẻ: “Tôi thực sự ngạc nhiên khi biết đoạn Clip thảm sát này do chính thủ phạm là Hải quân Trung Quốc công bố, với góc nhìn của một chuyên gia quân sự, tôi thấy hành động này của Trung Quốc là tôn vinh chiến công tấn công giết hại 64 người lính Việt Nam có chủ đích và chuẩn bị trước tại đảo san hô Gạc Ma của Việt Nam, trong khi phía Việt Nam hoàn toàn bất ngờ. Và phía Trung Quốc muốn đe dọa và khẳng định là sự kiện Gạc Ma sẽ rất có thể diễn ra một lần nữa với các đảo còn lại của Việt Nam”.   
  • Tin mới nhất và có lẽ cũng là bất ngờ nhất là Thượng tọa Thích Thanh Phong, Ủy viên thường trực HĐTS Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì Tổ đình chùa Vĩnh Nghiêm TP. Hồ Chí Minh, Cố vấn Trung tâm VHPGVN Franken, CHLB Đức, kiêm Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm TP. Nürnberg đã thay mặt chùa Vĩnh Nghiêm và các tăng ni phật tử Giáo Hội Phật Giáo VN chính thức tham gia đấu giá bức tranh với giá 400 triệu đồng và mong muốn tặng bức tranh này cho toàn thể dân tộc Việt Nam.
Thầy Thích Thanh Phong xúc động chia sẻ lý do Thầy đấu giá: Tôi thấy đây là cuộc đấu giá tranh sơn dầu ý nghĩa nhất từ trước tới nay ở Việt Nam. Tôi đã lặng người không nói lên lời khi xem đi xem lại nhiều lần đoạn Video do Trung Quốc công bố gần đây về trận chiến tàn sát 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam trên đảo Gạc Ma. Tôi đã mất ngủ nhiều đêm và thường nói chuyện với các tăng ni phật tử về nỗi đau khôn nguôi này. Chắc chắn nhiều người sẽ hỏi vì sao một vị trụ trì chùa lại quan tâm đến đảo Gạc Ma? 
Lịch sử phát triển của chùa Vĩnh Nghiêm gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Trong sử sách còn ghi rõ: Năm 1282, trước thảm họa ngoại xâm, quân Nguyên – Mông chuẩn bị xâm chiếm nước Nam, Ngài đã chủ trì Hội nghị Bình Than để lấy ý kiến toàn dân trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Năm 1284, trước khi cuộc chiến tranh diễn ra, Ngài chủ trì Hội nghị Diên Hồng, lấy ý kiến các vị Bô lão, những người đứng đầu các Bộ lạc. Toàn thể hội nghị già trẻ, gái trai đều một lòng tung hô quyết chiến.
Năm 1285, với tinh thần bảo vệ dân tộc, Tổ quốc của toàn dân, Ngài đã lãnh đạo và chiến thắng cuộc xâm lăng Nguyên – Mông lần thứ nhất.
Với ý đồ bành trướng Phương Nam, Quân Nguyên- Mông vượt biển chiếm Chiêm Thành, làm bàn đạp thôn tính Đại Việt, Trần Nhân Tông lại một lần nữa lãnh đạo cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, chiến thắng kẻ thù lần thứ hai năm 1288.
Là hậu duệ của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, tôi luôn ghi nhớ lời di chúc của ngài: “…Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: “Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu mai sau”.
Tinh thần và truyền thống tốt đẹp đó của Phật Hoàng Trần Nhân Tông rất cần truyền lại cho thanh niên và mọi người dân Việt Nam hiện nay.
Tôi đã tâm đắc và suy nghĩ rất nhiều khi đọc một bài báo gần đây “Khóc cho bóng đá – Ai khóc cho ngư dân?”. Điều đau lòng nhất là truyền thông Việt Nam và các mạng xã hội đang tập trung và những vấn đề giải trí, showbiz nhất thời, vô thưởng vô phạt, thậm chí tiếp tay bức tử những con người vô tội đáng thương như cô bé nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai chịu không nổi phải uống thuốc diệt cỏ tự tử. Còn những vấn đề quan trọng của đất nước liên quan trực tiếp tới mạng sống của ngư dân và chiến sĩ bộ đội ta đã và đang giữ đảo bám biển thì lác đác lâu lâu mới có một nhà báo, một tờ báo quan tâm tới.
Tôi rất nể phục tinh thần quả cảm quyết giữ lá cờ dân tộc, tổ quốc dù trên ngực nhuốm máu cho đến phút cuối cùng của các chiến sĩ Gạc Ma trên bức tranh. Với tất cả lòng thành, tôi thay mặt chùa Vĩnh Nghiêm và các tăng ni phật tử tham gia cuộc đấu giá tranh rất ý nghĩa này với mức giá 400 triệu và xin được tặng thêm 64 phần quà cho các gia đình liệt sĩ Gạc Ma. Nếu đấu giá thành công, tôi xin được trao tặng bức tranh đặc biệt này cho toàn thể dân tộc Việt Nam. Trong dịp 27/7 này tôi sẽ cùng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vận động tất cả tăng ni phật tử và các chùa trên khắp Việt Nam làm lễ cầu siêu cho 64 liệt sĩ Gạc Ma nói riêng và tất cả các liệt sĩ, nghĩa sĩ đã ngã xuống vì sự độc lập và tự do của dân tộc Việt Nam, trong đó có các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống ngoại xâm 17/2/1979 và các liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ không thành đảo Hoàng Sa năm 1974. Tôi nghĩ đã là những người lính Việt Nam ngã xuống để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ biên cương hải đảo của tổ quốc thiêng liêng thì dù ở bất kỳ ở giai đoạn nào, thể chế nào cũng cần được tri ân và tôn vinh. Đã lâu lắm rồi, những liệt sĩ, tấm gương anh hùng Việt Nam như Lê Đình Chinh, Nguyễn Bá Lại, Hoàng Thị Hồng Chiêm… cũng ít được nhắc đến vào những ngày Thương binh liệt sĩ. Trong tất cả các nghĩa trang liệt sĩ từ ngày lập quốc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bia khắc ghi câu: “Đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh xương máu của mình vì nền độc lập và tự do của dân tộc”.     
Hiện tại, bức tranh “Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử” có kích thước 1.6×2.2m, được vẽ bằng chất liệu sơn dầu vẫn đang được đấu giá cho đến  ngày 24/07/2015. Theo Ban tổ chức, số tiền thu về sẽ được Thiếu tướng Lê Mã Lương trực tiếp đi cùng với đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân trao cho 64 gia đình liệt sĩ. Bên cạnh đó, người đấu giá thành công sẽ được Ban Tổ chức mời tham gia trong chuyến đi này, cũng như tham gia chuyến thăm các đảo Trường Sa sắp tới. 
Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn