Khóc cho bóng đá, ai khóc cho ngư dân?

“Thua một trận bóng, mất một huy chương ở một kỳ SEA Games ta có thể lấy lại ở những mùa sau. Nhưng cái chân của ngư dân bị gãy thì mãi mãi là nỗi đau, nỗi đau ấy là nỗi đau của cả dân tộc”.

Trong hai ngày qua, có hai sự kiện tôi đặc biệt quan tâm. Một là câu chuyện U.23 Việt Nam bị Myanmar đánh bại tại bán kết SEA Games 28, hai là chuyện ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc xịt vòi rồng đến gãy chân. Đó đều là hai tin buồn, và tôi tin ai là người Việt Nam cũng đều có cảm xúc ấy. Thế nhưng, hai câu chuyện tưởng chừng không liên quan nhưng qua đó thấy sự “thiên lệch” rõ ràng: Báo chí, mạng xã hội ầm ầm khóc cho đội tuyển U.23 thua trận, nhưng chẳng mấy ai khóc cho ngư dân mình.
Các cầu thủ nhận được sự cảm thông từ người hâm mộ - Ảnh: Độc Lập
Các cầu thủ nhận được sự cảm thông từ người hâm mộ – Ảnh: Độc Lập

Trên mạng xã hội, trên nhiều tờ báo mạng, thường trực ở trang chủ là hình ảnh các cổ động viên khóc vì U.23 Việt Nam thua trận. Khóc từ Singapore cho đến Hà Nội, rồi khóc vào tận Sài Gòn, già khóc, trẻ khóc, trái gái ôm nhau khóc vì tiếc cho một trận đấu bóng đá.
Đó là điều dễ hiểu, ai cũng buồn, tôi cũng buồn vì đội nhà thua. Nhưng phải chăng chúng ta đang làm quá? Phải chăng chúng ta lại “lên đồng” (tôi mượn chữ của tác giả Bùi An) vì một trận đấu bóng?
Trong khi đó, hình ảnh ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc xịt vòi rồng đến gãy chân thì chỉ dừng lại ở một vài bản tin, dăm ba người lướt qua, rồi dăm ba người chia sẻ trên mạng xã hội. Dòng tin thời sự này bỗng “chìm nghỉm” dưới cơ số status xót thương cho bóng đá tại SEA Games 28.
Trong những ngày này, Biển Đông vẫn luôn dậy sóng, Trung Quốc vẫn từng ngày xây dựng đảo nhân tạo, vẫn ngang nhiên thách thức, ra sức chèn ép ngư dân ta. Đây không phải là lần đầu, nhiều lần ngư dân ta đã tố cáo tàu Trung Quốc đuổi tàu cá của ngư dân Việt Nam trên chính ngư trường Việt Nam. Và đến nay thì đỉnh điểm, nhìn hình ảnh ngư dân Quảng Ngãi chân bị gãy phải bó bột, rồi lời kể về sự hung hăng của tàu Trung Quốc xịt vòi rồng, cướp hải sản, đập phá đồ đạc tôi không thể nào không ấm ức được.
Bị tàu Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng hồi 7.6, ngư dân Bùi Tấn Đoàn bị gãy chân trái, giờ chỉ nằm một chỗ - Ảnh: Hiển Cừ
Bị tàu Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng hồi 7.6, ngư dân Bùi Tấn Đoàn bị gãy chân trái, giờ chỉ nằm một chỗ – Ảnh: Hiển Cừ
Tôi còn nhớ, năm trước trên mạng xã hội người ta ầm ầm lên tiếng phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, lúc đó tôi thấy tự hào về những thế hệ biết lo cho đất nước. Nhưng dường như tất cả chỉ chạy theo phong trào, Trung Quốc ngày càng ngang ngược, vẫn xây đảo nhân tạo, vẫn đánh đuổi ngư dân ta nhưng lúc này mọi người dường như đã “quên”?Khóc vì một trấn đấu bóng không có gì sai, nhưng dường như truyền thông đang làm quá và chúng ta cũng thế, chúng ta khóc quá nhiều cho một điều suy cho cùng chỉ là một tấm huy chương thể thao.
Một trận bóng thua, mất một huy chương ở một kỳ SEA Games ta có thể lấy lại ở những mùa sau. Nhưng cái chân của ngư dân bị gãy thì mãi mãi là nỗi đau, nỗi đau ấy là nỗi đau của cả dân tộc.
Theo Khánh Hưng (*)
(*)Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người viết tự do tại TP.HCM

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/toi-viet/khoc-cho-bong-da-ai-khoc-cho-ngu-dan-574207.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn