Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Không nên kéo dài một dự án quá nhiều vi phạm


Chí Nhân - Lê Quân
i Viết
Có thể hiểu Thủ tướng muốn có thêm các cơ sở khoa học trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng nhiều chuyên gia vẫn có ý kiến không đồng tình việc Thủ tướng yêu cầu thẩm định lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án lấp sông Đồng Nai.
Dư luận không đồng tình trước quyết định cho đánh giá lại báo cáo tác động môi trường của dự án - Ảnh: Diệp Đức Minh

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), thắc mắc: “Tôi không hiểu rõ việc đánh giá lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là như thế nào? Đó là đánh giá lại trên bản cũ hay là cho doanh nghiệp làm lại ĐTM mới rồi sẽ đánh giá trên bản mới đó. Nếu cho đánh giá lại ĐTM hiện tại thì rõ ràng là không nên vì sẽ mất đi ý nghĩa khi rất nhiều nhà khoa học đã lên tiếng và chỉ ra hàng loạt sai sót. Đến Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cũng vào cuộc, cũng đã chỉ ra những sai sót về pháp lý, về khoa học... thì bây giờ cho đánh giá lại là đánh giá theo kiểu nào nữa. Tôi cũng không hiểu là những phân tích về ĐTM trước đó đã được công bố còn khiếm khuyết gì? Chưa đầy đủ chỗ nào?”.



Description: ấp sông Đồng Nai làm dự án: Không nên kéo dài một dự án quá nhiều vi phạm - ảnh 2
Tôi có thắc mắc là vì sao Bộ lại kiến nghị cho đánh giá lại tác động môi trường một dự án đã triển khai, đã lấp rất nhiều đất xuống sông rồi còn đánh giá lại gì nữa. Việc lấn diện tích mặt sông làm dự án để tiết kiệm đất là một lập luận không thể chấp nhận do diện tích mặt nước mặt sông rất ít. Cái cần nghiên cứu, đánh giá là vấn đề chỉnh trị sông chứ không phải lấp sông làm nhà
Description: ấp sông Đồng Nai làm dự án: Không nên kéo dài một dự án quá nhiều vi phạm - ảnh 3

TS Đào Trọng Tứ (Cố vấn Mạng lưới sông ngòi VN)

Các chuyên gia cũng cho rằng, nếu làm lại ĐTM như trường hợp của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thì lại càng không thỏa đáng vì trường hợp đó dự án còn trên giấy. Và kết quả là có làm lại thì một dự án xâm hại tự nhiên cũng không thể có một ĐTM “đủ chuẩn” để có thể được thông qua. Còn trường hợp này là dự án đã triển khai rồi thì càng không thể làm lại ĐTM.

Sẽ không chính xác
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng nếu giao Bộ TN-MT thẩm định lại ĐTM, đánh giá tác động dòng chảy của dự án này, dư luận sẽ không khỏi có những lo ngại về kết quả thẩm định.
“Người dân sẽ không hiểu vì sao phải chạy theo ĐTM của một dự án mà cả nội dung lẫn trình tự, thủ tục đều trái quy định của luật Tài nguyên nước, luật Bảo vệ môi trường. Giả sử kết luận thẩm định ấy xuôi chiều theo hướng có lợi cho dự án để dự án được tiếp tục triển khai thì điều đó sẽ nêu gương xấu cho các tỉnh thành có sông ngòi chảy qua, nêu gương xấu cho xã hội về việc chấp hành pháp luật, và chắc chắn sẽ khiến người dân đàm tiếu, bất bình”, ông Thuyết nói. Ông cũng nêu ý kiến: “Việc lấn dòng chảy của một dòng sông liên tỉnh, có tầm quan trọng như sông Đồng Nai là không chấp nhận được. Bản thân dự án đã vi phạm pháp luật rồi, chỉ có hướng xử lý đúng đắn nhất là hủy bỏ dự án, xử phạt và yêu cầu trả lại nguyên trạng cho dòng sông chứ không thể chạy theo một việc đã sai phạm rõ ràng”. Ông Thuyết cho rằng, lẽ ra Bộ TN-MT cần có động thái cương quyết hơn ngay từ đầu, chứ không để dây dưa đến nay.

TS Đào Trọng Tứ, Cố vấn Mạng lưới sông ngòi VN (VRN), phân tích: “Tỉnh Đồng Nai phải báo cáo lên Bộ TN-MT trước khi đổ đất xuống sông khi ấy việc đánh giá, thẩm định mới thuộc Bộ. Còn bây giờ, tỉnh đã làm thẩm định rồi, Bộ lại trình Chính phủ cho Bộ TN-MT thẩm định lại, như vậy là theo quy trình nào? Nếu vậy, nhà đầu tư phải làm lại ĐTM trong khi dự án đã thực hiện. Bên cạnh đó, dự án đến nay đã đổ lấp sông rất nhiều, hiện trường đã thay đổi thì không thể làm lại ĐTM, đánh giá tác động dòng chảy chính xác. Do vậy, không cần khâu thẩm tra lại. Bản thân Bộ TN-MT, với thẩm quyền của mình lẽ ra cần đưa ra quan điểm xử lý cương quyết hơn là lại kiến nghị ĐTM”.

“Tôi có thắc mắc là vì sao Bộ lại kiến nghị cho đánh giá lại ĐTM một dự án đã triển khai, đã lấp rất nhiều đất xuống sông rồi còn đánh giá lại gì nữa. Việc lấn diện tích mặt sông làm dự án để tiết kiệm đất là một lập luận không thể chấp nhận do diện tích mặt nước mặt sông rất ít. Cái cần nghiên cứu, đánh giá là vấn đề chỉnh trị sông chứ không phải lấp sông làm nhà”, TS Tứ chia sẻ.

“Lấn tới 1/3 sông thì tắc nghẽn dòng chảy rồi”


Cho thực hiện tiếp sẽ tạo tiền lệ xấu 
TS Đào Trọng Tứ dự đoán và lo lắng việc giao Bộ TN-MT chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan thẩm định lại ĐTM, tác động dòng chảy của dự án có khả năng xảy ra một trong số các trường hợp: Một là, ĐTM, đánh giá tác động dòng chảy gây ảnh hưởng lớn lên dòng sông, môi trường nên không thể tiếp tục triển khai dự án thì tức là thừa nhận tỉnh làm sai, phải có hình thức kỷ luật rõ ràng. Nhưng “kịch bản” hai là ĐTM, tác động dòng chảy không lớn thì có cho dự án tiếp tục thực hiện hay không? Nếu cho thực hiện tiếp, sẽ tạo tiền lệ xấu cho các địa phương khác, dư luận không tốt. Thứ ba, có thể đây là cách “ban kiếm tự xử”, tạo đường lui cho UBND tỉnh Đồng Nai đối với dự án này.

Là một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thủy lợi và từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, GS-TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi VN, nói: “Tôi có thể hiểu là Thủ tướng muốn có thêm những cơ sở khoa học trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Việc tính toán về mặt khoa học cũng không khó, chỉ cần đưa cho các nhà khoa học chuyên sâu là ra được ngay vì số liệu thủy văn, công thức, mô hình... đều đã có sẵn hết rồi. Còn nếu Thủ tướng chỉ nói chung chung đánh giá lại xem có ảnh hưởng gì không thì người ta cũng có thể nói là không ảnh hưởng gì. Còn ở góc độ là một người có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy về thủy lợi, tôi cho rằng đã lấn tới 1/3 sông thì coi như là làm tắc nghẽn dòng chảy rồi”.
Ông Hồng phân tích tắc nghẽn thì có nhiều cách hiểu. Lưu lượng nước xuống phía dưới ít, làm nước ở phía trên dâng cao hơn hạ lưu sẽ gây xói lở hai bên. Rồi phù sa giảm thì hạ lưu cũng sẽ xói tiếp mà việc này chỉ cần một vài năm sau sẽ thấy. Không phải chỉ vận tốc dòng chảy mà bùn cát xuống ít cũng gây ra xói lở. Sông cần bùn cát và nếu không đủ thì nó phải ngoạm 2 bên bờ bù vào cho đủ (khái niệm “nước đói” mà các chuyên gia hiện nay thường dùng - PV). Đó là về mặt lý thuyết. Trên thực tế, chúng ta cũng có không ít bài học kinh nghiệm. Cụ thể như trước đây Hàn Quốc có gợi ý về việc phát triển thành phố ven sông Hồng ở Hà Nội. Các nhà khoa học đã phản đối việc này rất mạnh với lý do nếu làm như vậy là chúng ta làm cứng hóa bờ sông giống như trường hợp ở Đồng Nai bây giờ. Mà nếu cứng hóa bờ sông của Hà Nội thì phải cứng hóa xuống tận Hưng Yên, Thái Bình rồi ra tận cửa biển để 2 bên bờ sông không bị xói lở. Cuối cùng Chính phủ không duyệt kế hoạch đó vì lo sợ nếu làm như vậy sẽ “tốn không biết bao nhiêu là tiền”.
“Trở lại với trường hợp của Đồng Nai, nếu họ làm như vậy thì phải cứng hóa cả Bình Dương và TP.HCM. Mặt khác, về mặt nhận thức nếu Đồng Nai làm được là các thành phố ven sông khác cũng sẽ đua nhau làm. Cụ thể như trường hợp của Bình Dương, họ lấp cả con rạch mười mấy mét giờ bắt khôi phục lại thì chỉ còn vài ba mét. Chính vì vậy, nếu Thủ tướng không dừng thì nó sẽ kéo theo dây chuyền nhiều chuyện không hay như thế”, GS Hồng nói.
“Dòng sông nó không biết nói chứ nó mà nói được thì nó sẽ bảo chúng ta đừng làm như thế. Vì nếu chúng ta làm thì sẽ sớm lãnh hậu quả thôi”, ông kết luận.
C.N. – L.Q.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn