Từ những bộ sách giáo khoa và sách kiếm hiệp đến quan niệm của người dân Trung Quốc về vấn đề biển Đông

 Nguyễn Hoa Lư

NHL: viết xong bài này, đọc lại, chìm vào sự tủi nhục và… hân hoan. Tủi nhục vì đâu thì đọc xong bài này các bác sẽ hiểu. Còn hân hoan vì lòng biết ơn đảng trong tôi trào dâng như nước triều lên! Nếu không kiên cường đi theo ánh sáng của chủ nghĩa Mác Lenin thì chắc chắn tôi ôm chiếu vào nằm chung phòng với nhạc sĩ Việt Khang rồi! Cám ơn đảng vinh quang. Mọi việc đã có đảng lo rồi. chúng ta cứ tha hồ mà hót thật véo von nhé!


1. Những nhận định và các vấn đề đặt ra từ các sự kiện của Trung Quốc Trên biển Đông
1.1 Theo dòng sự kiện
Năm 1904, đích thân hoàng đế nhà Thanh huy động một lực lượng các giáo sĩ, những người tài giỏi về thiên văn và toán pháp, điền dã thực hiện công trình “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”. Trong công trình đồ sộ này không hề có thông tin gì về các quần đảo ở biển Đông, người Trung Quốc thời đó chỉ nhận đất đai tới cực nam là đảo Hải Nam [1].
Năm 1906, Trung Quốc xuất bản cuốn “Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư”, trong sách viết: “Điểm cực nam của Trung Quốc là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam) tại vĩ tuyến 18 [2]. Một cuốn giáo khoa khác của Trung Quốc xuất bản năm 1912 thể hiện biên giới nước này chỉ tới đảo Hải Nam [3].
Tháng 12/1947, chính phủ của Trung Quốc khi đó in tấm bản đồ với “đường chữ U” gồm 11 đoạn. Bản đồ “Đường chữ U” sau này được CHND Trung Hoa kế thừa, dù hai đoạn đã được bỏ đi năm 1953 như là sự nhượng bộ đối với Việt Nam ở khu vực vịnh Bắc Bộ [4].
Năm 1949, CHND Trung Hoa kiểm soát rất ít trong số 4 quần đảo, bãi ngầm tại biển Đông. Năm 1951, Trung Quốc đã chính thức đưa ra yêu sách về chủ quyền của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng bị nhiều quốc gia khác phản đối.
Ngày 19-20/1/1974, hải quân Trung Quốc đã dùng vũ lực, chiếm đánh và giành quyền kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Trước thời điểm này, Hoàng Sa thuộc quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa [5].
Sáng ngày 14/03/1988, các tàu chiến của Trung Quốc bất ngờ nổ súng vào hai tàu vận tải của Việt Nam đang làm nhiệm vụ ở đảo Gạc Ma, thuộc khu đảo Sinh Tồn. 64 người lính Việt nam hy sinh, Trung Quốc chiếm giữ đảo Gạc Ma từ đó [6].
Từ năm 1999, Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm tàu bè đánh bắt cá trên biển Đông, từ đầu tháng 5 đến tháng 8 hàng năm [7].
Tháng 7/ 2012, Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Từ đó, Trung Quốc liên tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm các trường học, sân bay, bến cảng [8].
Tháng 5/2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong vòng hai tháng rưỡI [9].
Đầu năm 2015, Trung Quốc tiến hành xây dựng một loạt các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam [10].

1.2 Các nhận định và một số vấn đề về giáo dục chủ quyền biển đảo
Từ các sự kiện trên, có thể tóm lược trong hai nhận định sơ bộ sau:
i/ Cho đến nửa đầu thế kỷ 20, Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ xuất hiện trong các địa đồ hay thư tịch của Trung Quốc [11]. Ở Việt Nam, riêng cá nhân nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đang lưu giữ 90 bản đồ cổ chứng minh sự kế thừa liên tục chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa từ hơn 500 năm trước [12].
ii/ Trong dăm năm gần đây, các động thái của Trung Quốc trên biển Đông ngày càng quyết liệt, phức tạp, đáng lo ngại. Đã có nhiều tuyên bố của Việt nam, Mỹ và các nước khác về những hành động này của Trung Quốc. Gần đây nhất, chiều ngày 5/6 năm 2015, Quốc hội Việt Nam đã có cuộc họp kín về vấn đề biển Đông [13].
Dưới góc độ giáo dục, khi dạy học cho học sinh, sinh viên về chủ quyền biển đảo, những nhà giáo dục không thể không quan tâm nghiên cứu và tìm hiểu ba vấn đề sau:
(1) Chính phủ Trung Quốc, với những hành động trên biển Đông ngày càng quyết liệt, bất chấp những phản đối của quốc tế, họ đã giải thích với 1,34 tỷ người dân như thế nào? Cụ thể hơn, vấn đề biển Đông được ngành Giáo dục Trung Quốc đem vào giảng dạy ở các trường phổ thông như thế nào?
(2) Ngoài những trang sách giáo khoa và các chương trình tuyên truyền thuần túy, văn học và phim ảnh giải trí Trung Quốc đã “lồng ghép” vấn đề biển Đông như thế nào?
(3) Phản ứng của người dân Trung Quốc trước hành động của chính phủ trong các tranh chấp trên biển Đông ra sao?
Trong lúc thực tế đang diễn biến phức tạp, để trả lời các câu hỏi trên cần có những nghiên cứu chuyên sâu về nhiều mặt của các nhà khoa học lớn. Bài viết này chỉ đưa ra một vài liên kết, bình luận từ các dữ liệu của học giả Đinh Kim Phúc và một khảo cứu của Andrew Chubb thuộc trung tâm Perth Uasia Centre, đại học Tây Úc.
2. Những cuốn sách giáo khoa và kiếm hiệp Trung Quốc
2.1 Những bộ sách giáo khoa địa lý
Mục này tham khảo tài liệu của học giả Đinh Kim Phúc được báo Tuổi Trẻ giới thiệu ngày 9/6/2014 [14]. Đã từ hàng chục năm, chương trình biển đảo được [TQ] đưa vào trong các bộ sách dạy trong các trường học.
Bộ SGK THPT của Nhà xuất bản Giáo Dục Nhân Dân (tái bản lần thứ 18, năm 2011) đưa quần đảo Trường Sa của Việt Nam (trang 84), viết:
Quần đảo Nam Sa (Trường Sa) là một quần đảo nằm ở phía nam của Nam Hải. Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các đảo xung quanh. Điều này có đầy đủ căn cứ lịch sử và pháp lý. Nhiều sự thật lịch sử cho thấy từ trước đến nay, quần đảo Nam Sa là một bộ phận thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên, kinh doanh khai thác trên quần đảo này, và cũng là nước thực hiện chủ quyền sớm nhất trên quần đảo này”.

Hình 1: Sách giáo khoa Địa lý và giáo trình Trung Quốc
Quyển I SGK địa lý lớp 8 của Nhà xuất bản Giáo Dục Nhân Dân (tái bản năm 2011) viết “vùng biển Nam Hải (biển Đông của Việt Nam) không chỉ có nhiều ngư trường và mỏ dầu nhất mà còn là nơi có sản lượng cá và dầu khí lớn nhất” ở Trung Quốc. SGK này còn miêu tả “quần đảo Tây Sa” là khu vực có khí hậu nóng ẩm, cây cối um tùm, phong cảnh tuyệt đẹp, khu vực xung quanh là một trong những ngư trường quan trọng nhất biển Đông.
Quyển II SGK địa lý lớp 8 của Nhà xuất bản Giáo Dục Hồ Nam (tái bản năm 2011) dành hẳn phần “đọc hiểu” về “quần đảo Tây Sa”. Trung Quốc miêu tả rằng đây là một trong bốn quần đảo lớn nhất nằm trên biển Đông. Trung Quốc còn tuyên truyền rằng đã cho đặt “trung tâm hành chính” tại đảo Vĩnh Hưng (đảo Phú Lâm của Việt Nam), nơi có diện tích 1,68 km2.
Quyển III bộ SGK THCS Nhà xuất bản Giáo Dục Nhân Dân (tái bản năm 2005) ghi rõ cực nam Trung Quốc nằm ở bãi ngầm James, Trung Quốc có đường bờ biển dài hơn 18.000 km và sở hữu hơn 5.000 đảo lớn bé ở biển Đông, cực nam đến cực bắc Trung Quốc trải dài gần 50 vĩ độ.
Quyển IV SGK địa lý THCS của Nhà xuất bản Giáo Dục Nhân Dân (tái bản năm 2004) còn nhấn mạnh: biển Đông là một khu vực có diện tích đánh bắt cá lớn nhất trong số các vùng biển mà Trung Quốc cho rằng mình có chủ quyền.
2.2 Các giáo trình cho lưu học sinh
Phần lớn lưu học sinh học tập tại Trung Quốc đều được học môn cơ bản “Khái quát Trung Quốc” (môn học bao gồm địa lý, lịch sử, văn hóa Trung Quốc) [15]. Trong giáo trình này ghi rằng cực nam Trung Quốc nằm ở bãi đá ngầm Tăng Mẫu (có tên tiếng Anh là bãi ngầm James). Các bản đồ minh họa trong giáo trình này còn chú thích rằng cả một khu vực biển Đông rộng lớn đều thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Tương tự, trang 1 và 2 giáo trình Khái quát Trung Quốc dành cho sinh viên nước ngoài (NXB Đại học Bắc Kinh, tái bản năm 2007) còn trắng trợn tuyên bố biển Đông cùng với hàng ngàn đảo lớn nhỏ là một trong bốn vùng biển lớn nhất mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ.
Cuốn Văn hóa Trung Quốc – giáo trình Hán ngữ đối ngoại (NXB ĐH Ngôn Ngữ Bắc Kinh, tái bản năm 2006) cũng khẳng định cực nam của Trung Quốc nằm ở bãi ngầm James. Các giáo trình trên tuy khác nhau về hình thức trình bày, nhưng đều khẳng định luận điệu của Trung Quốc về cực nam và về “đường lưỡi bò”.
2.3 Sách giáo khoa không phải là chuyện nội bộ của một quốc gia
Năm 2001, hiệp hội Cải cách giáo trình sử chí Nhật Bản xuất bản bộ sách giáo khoa lịch sử gồm tám cuốn. Bộ sách sau đó được Tokyo cho phép sử dụng chính thức trong các trường học thì một làn sóng phản đối dữ dội nổi lên ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Dân Hàn Quốc ầm ầm xuống đường, Seoul đe doạ cấm nhập khẩu các sản phẩm văn hoá Nhật vào Hàn Quốc. Sự việc nghiêm trọng đến mức thủ tướng Nhật lúc đó là ông Koizumi phải đứng ra điều trần [16].


Hình 2: Dân chúng Hàn Quốc xuống đường vì bộ sách giáo khoa Nhật Bản
Năm 2014, khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, giám đốc của Viện lịch sử quốc gia Ukraine Volodymyr Vyatovich nói với truyền thông nước này rằng cuộc chiến tranh vệ quốc giai đoạn 1941-1945 (một phần của Chiến tranh Thế giới II) sẽ được gỡ bỏ khỏi sách giáo khoa lịch sử Ukraine. Tuyên bố này khiến Moscow hết sức giận dữ[17].
Hàng chục năm nay, bộ Giáo dục Trung Quốc đã dạy cho học sinh nước mình ý thức về “chủ quyền không thể chối cãi đối với Hoàng Sa, Trường Sa”. Các nhà Giáo dục Việt Nam cần có những hành động thỏa đáng về điều sai trái này. Càng để lâu, hậu quả càng khó lường.
3. Đạo mộ bút ký
3.1 Từ bộ tiểu thuyết võ hiệp
“Đạo mộ bút ký” là bộ tiểu thuyết gồm 9 cuốn, tác giả Nam Phái Tam Thúc, xuất bản năm 2011. Từ khi xuất hiện, “Đạo mộ bút ký” đã thu hút sự chú ý của hàng vạn độc giả và trở thành một trong những cuốn sách có lượng tiêu thụ lớn nhất tại Trung Quốc [18].
Cuốn sách được một trang web “chào mời” người đọc trẻ bằng những lời lẽ đầy hấp dẫn như sau:“Năm mươi năm trước, một nhóm kẻ trộm mộ trên Trường Sa đào được một bộ sách lụa Chiến quốc, trên quyển sách đã hư hỏng có ghi chép lại vị trí một khu mộ cổ Chiến quốc rất kì lạ, nhưng những kẻ trộm này lại gặp phải chuyện kì quái trong lòng đất, hầu như toàn bộ đều chết sạch.
Năm mươi năm sau, cháu trai của một trong số những kẻ trộm mộ đó phát hiện bí mật này từ ghi chép để lại của ông nội cậu. Cậu cùng một nhóm trộm mộ cao thủ tiến vào tìm bảo vật. Nhưng không ai ngờ, cổ mộ này lại có nhiều chuyện nhiều chuyện quái dị như vậy: Thất tinh nghi quan, Thanh nhãn hồ thi, Cửu đầu xà bách…
Chủ nhân của ngôi mộ thần bí này rốt cuộc là ai? Bọn họ có thể tìm được quan tài thực sự hay không? Tại sao trong mộ có nhiều bí ẩn không thể phá giải như vậy? Con thuyền mộ kì lạ dưới đáy biển, thần mộc vạn năm trên Tần Lĩnh cùng Thiên cung tuyết mộ trên núi non trùng trùng điệp điệp mới được phát hiện kia có quan hệ gì với cổ mộ này? Phía sau những bí ẩn này đến tột cùng cất giấu câu đố nghìn xưa nào?” [19].
Năm 2014, tập đầu của “Đạo mộ bút ký” được dịch và in ở Việt Nam.

Hình 3: Đạo mộ bút ký, tập 1. Sách xuất bản bất hợp pháp
Ngày 25/5/2015, Bộ Thông tin-Truyền thông có văn bản thu hồi cuốn sách. Lý do: trong sách có chi tiết các nhân vật là người Trung Quốc đi tìm mộ cổ qua “đảo Tiên Nữ” (trùng với tên đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và “cụm đảo Thất Liên” (tên Trung Quốc đặt cho 7 đảo thuộc nhóm An Vĩnh, ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) [20].

3.2 Đến bộ phim với dàn diễn viên sáng giá
Cuốn sách giấy đã bị thu hồi nhưng bản điện tử (trọn bộ) thì tràn ngập trên nhiều trên mạng. Hơn thế nữa, bộ tiểu thuyết đang được dựng thành phim truyền hình nhiều tập. Dự kiến bộ phim gồm 8 phần, mỗi phần gồm 12 tập, phát sóng trong 8 năm liên tiếp. Các trang mạng rầm rộ quảng cáo. “Ngay khi mới khởi động, phim đã gây được tiếng vang lớn do quy tụ dàn diễn viên nam sáng giá” [21].
Kênh 14.vn, một trang web được tuổi teen Việt Nam yêu thích đăng tít lớn “Trai đẹp trên “Đạo mộ bút ký” để tóc theo xì tai… Hàn Quốc” [22].


Hình 4: Quảng cáo phim “Đạo mộ bút ký”
3.3 Trí tưởng tượng và sự thật lịch sử
Tháng 5/2009 chính phủ Trung Quốc chính thức công bố với thế giới về đường lưỡi bò chín đoạn. Công bố của Trung Quốc bị nhiều nước lên án, không công nhận. Ngày 5/12/2014, Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức bác bỏ yêu sách trên của Trung Quốc [23]. Có nhiều lý giải về lịch sử đường 9 đoạn nhưng nhiều tài liệu khẳng định rằng tác giả có tên Hồ Tấn Tiếp, phác họa lần đầu tiên vào tháng 12/1914 trên bản đồ tư nhân của mình.  Đến tháng 12 năm 1947 đường 9 đoạn được một viên chức của chính phủ Trung Hoa dân quốc tên Bạch Mi Sơ chính thức vẽ vào vùng Biển Đông nhưng tác giả không nêu rõ trong bản đồ nào [24].
Như vậy, sau 85 năm, những ý tưởng riêng của một cá nhân đã trở thành sự thật lịch sử của một quốc gia! Với cách thức này, sẽ không có gì lạ lùng nếu 85 năm sau, một hậu duệ nào đó của người Trung Quốc “đột ngột” đào được một ngôi mộ cổ của các nhân vật trong “Đạo mộ bút ký”! Những ngôi mộ cổ đó nằm trên những hòn đảo mà Việt Nam có chủ quyền 500 năm nay.
4. Quan điểm của người dân Trung quốc về các tranh chấp trên biển Đông
4.1 Tư liệu từ một nghiên cứu độc lập
Toàn bộ mục này dựa trên bản khảo sát dư luận Trung Quốc về các tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông được Trung tâm Perth USAsia Centre công bố vào tháng 11/2014 [25].
Bản nghiên cứu dài 69 trang, gồm 9 chương. Các nhà nghiên cứu phỏng vấn hơn 1.400 người dân thuộc nhiều tầng lớp khác nhau ở năm thành phố lớn của Trung Quốc. Cụ thể: Bắc Kinh (286 người), Thượng Hải (286 người), Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông – 290 người), Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên 281 người) và Trường Sa (tỉnh Hồ Nam – 270 người).
Bản khảo sát đã đưa ra một số kết quả đáng chú ý về quan điểm của người dân đối Trung Quốc với tranh chấp biển của nước này. Ở đây chúng tôi giới thiệu 5 kết quả quan trọng nhất.

Hình 5: Ý kiến của người dân Trung Quốc với các động thái của chính phủ trên biển Đông và biển Hoa Nam
Kết quả 1: Trong số 9 vấn đề quan trọng nhất mà Trung Quốc đang phải đối mặt, những người được khảo sát chỉ xếp tranh chấp biển ở vị trí thứ 6 (51,2%), sau tham nhũng (84,3%), chênh lệch khoảng cách giàu nghèo (79,7%), an toàn thực phẩm và thuốc men (73,1%), các vấn đề xã hội và đạo đức (55,1%) và ô nhiễm môi trường (52,9%).

Kết quả 2: Những người được khảo sát lại có xu hướng ủng hộ các biện pháp giải quyết hòa bình hơn là dùng vũ lực quân sự. Hai biện pháp nhận được sự ủng hộ thấp nhất là sử dụng quân đội (30,9%) và gác tranh chấp, cùng khai thác (30,2%). Biện pháp được ủng hộ nhiều nhất là tuyên truyền quốc tế (84,9%). Các biện pháp tiếp theo là như tiến hành các hoạt động thể hiện chủ quyền, áp dụng cấm vận kinh tế với các nước yêu sách, bày tỏ sự phản đối của công chúng, sử dụng các biện pháp ngoại giao, sử dụng tòa trọng tài Liên Hợp Quốc, nhân nhượng qua đàm phán, thận trọng chờ thời cơ.

Kết quả 3: Đa số người trả lời khảo sát bày tỏ mức độ hài lòng cơ bản đối với cách xử lý của chính phủ trong vấn đề biển đảo, ở Biển Đông là 3,7/6 điểm. Trong số các ý kiến hài lòng, một số đánh giá cao quyết tâm của lãnh đạo trong việc bảo vệ yêu sách của Trung Quốc. Trong số người được hỏi, nhiều ý kiến ca ngợi nỗ lực của chính phủ trong việc tránh xảy ra xung đột, duy trì hòa bình và an ninh cho khu vực. Tỷ lệ dân chúng bày tỏ sự bất mãn đối với chính sách của chính phủ ở Biển Đông chỉ là 6% .

Kết quả 4: Người dân Trung Quốc bày tỏ sự tin tưởng khá lớn vào khả năng của quân đội Trung Quốc trong việc “chiếm lại” các hòn đảo tranh chấp với tỉ lệ ở Điếu Ngư là 87% và ở Biển Đông là 85% (nếu có sự dính líu của Mỹ vào, tỉ lệ lòng tin giảm tương ứng ở từng khu vực là 74% và 72,8%).

Kết quả 5: Về độ tin tưởng của người dân đối với các yêu sách của Trung Quốc, đa phần ý kiến trả lời đều bày tỏ sự đồng thuận cao và cho rằng các thực thể tranh chấp như Điếu Ngư, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, bãi cạn Scarborough và đường lưỡi bò đều thuộc về Trung Quốc.

4.2 Bình luận
Trung Quốc hiện đại đã áp dụng một bài học cổ (mà người Việt nam cũng rất quen thuộc). Ông Tăng Sâm thời Xuân Thu là người đức hạnh và hiếu học. Lần đó, có người chạy đến báo mẹ ông rằng: “Tăng Sâm giết người.” Bà mẹ nói: “Chẳng khi nào con ta lại giết người”. Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt cửi. Một lúc lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người.” Bà mẹ không nói gì, cứ tiếp tục dệt cửi. Một lúc lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ sợ cuống cuồng, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn.
Từ các kết quả của nhà nghiên cứu của Andrew Chubb thuộc trung tâm Perth Uasia Centre, đại học Tây Úc, ta nhận thấy rằng bài học cổ xưa của người Trung Quốc được áp dụng với mức độ thâm hiểm hơn nhiều lần.
5. Kết luận
Thật đáng ngạc nhiên, rằng từ triều Nguyễn đã có sách giáo khoa dạy các kiến thức về địa lý. Đó là cuốn “Khải đồng thuyết ước” năm 1841 viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, tác giả là Phạm Vọng, Ngô Thế Vinh viết [26]. Theo GS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đó là bản sách viết tay sớm nhất triều Nguyễn. Trong cuốn sách này có bản vẽ bản đồ Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là quanh hai điểm này còn có thêm những chấm tròn nhỏ, thể hiện những đảo nhỏ xung quanh. Dưới phần ghi Hoàng Sa và Trường Sa có ghi hai chữ là quốc nội, nghĩa là thuộc về Việt Nam.
Giáo dục chủ quyền biển đảo ở thời hiện đại chưa bao giờ khó khăn, phức tạp như hiện nay. Khi những dồng cuối này viết ra, trên bản tin ngày 6/6/2015 của tờ Tiền phong [27] có bài: “Tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam”, viết rõ: “Ngày 15/6, Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, tàu Trung Quốc tiếp tục có hành động ngang ngược, phi nhân tính khi tấn công đe dọa tính mạng, cướp tài sản tàu cá của ngư dân Việt Nam”. Chúng tôi vào trang web của Bộ ngoại giao [28], ở mục tìm kiếm đưa vào dòng chữ “phản đối Trung Quốc”, có 718 mục thỏa yêu cầu.


Hình 6: Trang web bộ Ngoại giao ngày 16/6/2015
Đầu năm 2015, Sở Giáo dục – đào tạo TP Ðà Nẵng in gần 100.000 cuốn sách giáo khoa sách giáo khoa Lịch sử Ðà Nẵng dành cho học sinh THPT và THCS [29]. Đó chỉ là một bước đi ban đầu của một địa phương. Giáo dục chủ quyền biển đảo đặt ra vô vàn những thách thức trước mắt và lâu dài mà ngành cho ngành Giáo dục. Đó là bổn phận với đất nước, với tổ tiên và với muốn đời con cháu mai sau.
Tài liệu tham khảo:
N.H.L.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn