Khủng hoảng Thị trường Trung Quốc: Ai được, ai mất?

Ngô Nhân Dụng
Kể từ ngày 12 tháng Sáu năm 2015, trong ba tuần giá trị các cổ phiếu ghi danh trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã sụt mất hơn một phần ba, giảm bớt 3,250 tỷ đô la. Con số này lớn bằng giá trị tất cả thị trường chứng khoán nước Pháp, hoặc 60% thị trường Nhật Bản. Ngày 9 tháng Bảy máu đã tạm ngưng chảy sau khi chính quyền “ra lệnh” cho giới đầu tư “phải mua” hoặc “không được bán.” Đảng Cộng sản Trung Quốc cố làm cho “thị trường ổn định.” Trong thực tế không còn thị trường nữa. Họ đang quay trở lại thời kinh tế chỉ huy.

Trong kinh tế thị trường, hàng triệu người quyết định mua hay bán, hành động hoàn toàn theo tính toán lợi ích của họ. Hàng triệu quyết định tư cộng lại đưa tới những chuyển động chung của các thị trường hàng hóa, dịch vụ. Sau cùng, những quyết định riêng đó giúp cho tiền vốn được vận dụng, đem dùng trong những hoạt động mang ích lợi cao nhất cho tất cả mọi người. Kinh tế chỉ huy thì ngược lại. Một số người tự coi họ biết cái gì ích lợi nhất cho tất cả mọi người. Họ quyết định sản xuất cái gì, đầu tư vốn liếng vào đâu. Hai cơ chế đưa tới những kết quả khác nhau, trong thế kỷ 20 loài người đã thí nghiệm và thấy chế độ nào tốt hơn.
Thị trường đưa tới thịnh vượng kinh tế vì mọi người tự do quyết định khi mua bán, trao đổi. Giá cả lên xuống là tín hiệu cho biết thế cân bằng giữa cung và cầu. Thị trường là một cơ chế tự điều chỉnh vì mọi người tính toán theo những tín hiệu của giá cả mà quyết định sản xuất hay tiêu thụ, mua hay bán. Thiếu điều kiện “tự do trao đổi” thì giá cả bị méo mó. Giá không còn là “tín hiệu” nữa, hiển nhiên là “không đáng tin”.
Sau hơn hai tuần lễ thị trường hỗn loạn, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tạm thời “xóa bỏ” cơ chế thị trường. Họ ra lệnh hệ thống ngân hàng của nhà nước phải cho những người mua cổ phiếu được vay tiền dễ dãi hơn. Hành động này chỉ thổi phồng một quả bóng đã quá căng, vì chính hiện tượng người ta vay nợ quá nhiều để mua cổ phiếu là một nguyên nhân gây ra cơn khủng hoảng. Trong cuối tuần đầu tháng Bảy, họ đưa thêm tiền cho các công ty môi giới chứng khoán và ra lệnh phải góp nhau hai chục tỷ đô la để mua các cổ phiếu của những công ty và ngân hàng lớn nhất do nhà nước điều khiển; mục đích là ghìm giữ một cách giả tạo không cho giá xuống, bảo vệ uy tín của Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường.
Sau hai biện pháp này, thị trường vẫn tiếp tục xuống trong ba ngày liền, họ phải làm mạnh tay hơn nữa: Ra lệnh những cơ sở đầu tư lớn không được bán cổ phiếu những công ty nào mà họ làm chủ trên 5% số cổ phần. Không cho bán ra, giống như bịt cái mạch máu không cho chảy ra nữa, cơn xuất huyết ngưng lại. Đồng thời, hơn một nửa các công ty ghi tên trên thị trường chứng khoán đã đình chỉ việc mua bán cổ phần của họ. Bởi vì nhiều công ty khi vay tiền đã dùng cổ phần của chính họ làm thế chấp. Khi cổ phần xuống giá, họ phải trả bớt nợ; cho nên ngưng mua bán thì giá không xuống được nữa, giữ nguyên giá trị khoản thế chấp! Nhờ các biện pháp mạnh này, chỉ số Thị trường Thượng Hải đã tăng lên gần 6% ngày Thứ Năm và 4.5% trong ngày Thứ Sáu, 10 tháng Bảy.
Bắc Kinh đã tạm thời ngăn không cho cơn sốt tăng nhiệt độ. Có thể nào cứu mạng bệnh nhân bằng cách bịt tắc mạch máu mãi được không? Lệnh cấm bán được thi hành trong sáu tháng, lệnh bắt buộc mua cũng sẽ chấm dứt. Sau sáu tháng, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Nhưng một hậu quả chắc chắn là chương trình cải tổ cơ cấu nền kinh tế Trung Quốc đã quay ngược chiều. Năm 2013, ông Tập Cận Bình đề ra chủ trương mới: Thị trường sẽ đóng vai trò trọng yếu trong việc phân bố tài nguyên kinh tế. Đây là chủ trương thị trường hóa, để thị trường dần dần thay thế vai trò điều động của nhà nước. Mục đích là cho kinh tế tăng trưởng nhờ sức tiêu thụ của người dân thay vì lệ thuộc các cuộc đầu tư của nhà nước trung ương và địa phương mà phần lớn chỉ phí phạm hoặc hoàn toàn vô ích. Trong ba tuần qua, chủ trương mới này đã bị hy sinh, để tạm thời ổn định thị trường. Việc này gây hậu quả lâu dài, vấn đề sẽ bàn trong một bài khác. Hậu quả trực tiếp của cơn khủng hoảng chứng khoán vừa qua là làm cho dân Trung Quốc mất niềm tin vào khả năng điều hành nền kinh tế của Đảng Cộng sản. Nhiều người sẽ oán trách giới lãnh đạo làm cho họ mất cả cơ nghiệp. Khi phân tích nguyên nhân gây ra cơn khủng hoảng, người ta còn thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nuôi dưỡng một cơ chế bất công hạng nhất. Họ tạo cơ hội cho một số người lợi dụng thị trường chứng khoán làm giàu, trong khi đa số dân đầu tư bị dẫn đi như một đàn cừu đến chỗ tán gia bại sản.
Một đàn cừu đầu tư chứng khoán
Giá chứng khoán sụp đổ từ giữa tháng Sáu 2015 vì trong năm qua đã lên cao một cách giả tạo. Bình thường, giá các cổ phiếu phản ánh kỳ vọng về lợi nhuận tương lai của các công ty. Từ hai năm nay, số sản xuất trong nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu trì trệ, vì hầu hết tùy thuộc hàng xuất cảng trong khi kinh tế thế giới đang trì trệ, khó bán hàng. Hơn nữa, trong các năm trước chính quyền muốn đạt tỷ lệ tăng trưởng 9%, 10% một năm, đã đổ tiền đầu tư vào việc xây dựng, đã tới lúc phải ngưng vì nhà máy mới dựng lên quá nhiều không đủ việc làm. Từ đầu năm 2015 lợi nhuận các công ty Trung Quốc đã giảm so với năm trước. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cũng thấp hơn, đang từ 9 hay 10% xuống 7%.
Trong tình trạng như vậy mà giá các cổ phiếu lại tăng lên hơn gấp đôi, ai cũng thấy có gì không bình thường. Từ tháng Năm 2015, một số công ty tài chánh quốc tế đã khuyến cáo thân chủ nên bán cổ phiếu Trung Quốc. Vì giá các cổ phần không phản ảnh tình trạng thật của các công ty. Giá lên hoàn toàn do tâm lý thúc đẩy, người đầu tư đua nhau mua mà không quan tâm đến thực tế lời lỗ trong tương lai. Giống như thị trường địa ốc ở Mỹ những năm 2006, 2007. Giá nhà tăng vọt nhờ người mua được vay tiền dễ dàng với lãi suất thấp; trong khi đó dân số không tăng, lợi tức đầu người cũng không tăng. Cứ như vậy, sẽ tới lúc giá phải xuống.
Yếu tố nào khiến cổ phiếu Trung Quốc lên cao bất thường trong năm qua?
Vì nhiều người trong guồng máy cai trị muốn đẩy thị trường lên. Họ dựa vào chủ trương “cải tổ” mà Đảng Cộng sản đã đề ra từ năm 2013: Thị trường hóa nền kinh tế. Những người muốn đẩy thị trường lên có mục đích riêng của họ, họ kiếm lợi rất nhiều khi bán vào lúc giá chứng khoán tăng lên, và biết tháo chạy ngay khi nó bắt đầu xuống. Trong tuần lễ đầu tháng Bảy khi thị trường suy sụp nặng, nhà nước đã tung tin sẽ điều tra và trừng trị những kẻ “đầu cơ trục lợi”. Mới đầu dân Trung Hoa trên mạng đã đổ tội cho người ngoại quốc bán non các cổ phiếu, sau đó chính quyền phải cải chính để đỡ mất uy tín.
Để đẩy cho thị trường chứng khoán lên, họ tích cực vận dụng guồng máy tuyên truyền của Đảng. Họ cổ võ việc mua chứng khoán để làm giàu, thực hiện “Trung Quốc Mộng” (中国). Trong tháng Tư năm 2015 có gần 20 ngàn trương mục mới mở ra để mua bán cổ phiếu; một cá nhân có thể mở 20 trương mục. Ai đã ra lệnh cho các báo, đài của Đảng Cộng sản làm công việc này? Những người đó có thể tự biện hộ rằng họ chỉ thi hành chủ trương “thị trường hóa kinh tế” của Đảng. Trong thực tế, họ coi những nhà đầu tư nhỏ như một đàn cừu được họ dẫn đi.
Một hành động khác thúc đẩy giá thị trường lên là hệ thống cho vay tiền để mua cổ phiếu, gọi là margin trading, tạm dịch là “Mua Bằng Nợ” tức vay tiền để mua chứng khoán (Hồng Kông và Hoa Lục dịch là “Bảo chứng kim giao dịch,” 证金交易). Đây là lối đầu tư đầy rủi ro dành cho giới chuyên nghiệp còn người bình thường không nên đụng vào. Trong năm qua số người mua cổ phiếu bằng tiền vay đã tăng thêm, thúc đẩy giá lên cao. Khi thị trường sụt mất một phần ba giá trị vào ngày Thứ Sáu 3 tháng 7, cơ quan điều hành thị trường của chính phủ còn nới lỏng điều kiện vay tiền mua cổ phiếu, thậm chí cho phép dùng nhà ở làm thế chấp khi vay. Không khác gì xúi người dân cầm nhà lấy tiền đánh bạc! Ngày Chủ Nhật, Nhân dân nhật báo loan tin lớn: “Các chuyên gia tin tưởng thị trường sẽ không xuống nữa”. Ngày Thứ Hai và Thứ Ba, thị trường vẫn xuống, sang Thứ Tư, Thượng Hải mất thêm 8%.
Vì Đảng Cộng sản thúc đẩy bằng báo chí và cho hệ thống cho vay dễ dãi, trong một năm qua số người Trung Hoa tham dự thị trường chứng khoán tăng vọt. Đầu tháng Sáu, giá trị các chứng khoán trong thị trường lên thành 10 ngàn tỷ mỹ kim, tăng thêm 6,7 ngàn tỷ tức là bằng trị giá tất cả thị trường Tokyo!
Thị trường chứng khoán Trung Quốc dao động mạnh hơn các nơi khác vì 80 đến 85% trong số những người mua bán cổ phiếu chỉ là những người dân bình thường. Tại các nước tiên tiến thì ngược lại, hơn 80% các vụ mua bán (transactions) là do giới chuyên nghiệp thuộc các công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư và công ty tài chánh lớn, họ quyết định theo tầm nhìn dài hạn; giới đầu tư lẻ chỉ chiếm 15% đến 20% các vụ mua bán mỗi ngày.
Nhiều doanh nghiệp nhà nước sẵn tiền chưa dùng tới cũng đi đầu tư vào địa ốc và chứng khoán. Năm nay, khi thị trường địa ốc đứng khựng, nhiều người trung lưu chuyển sang mua cổ phiếu. Các nông dân cho tới các sinh viên chưa ra trường cũng dùng điện thoại di động mua bán cổ phiếu. Họ coi như đem tiền đi đánh bạc; với niềm tin tưởng ngây thơ rằng giá cổ phiếu chỉ lên chứ không thể xuống. Cuối tháng Sáu vừa qua, số tiền nợ do các nhà đầu tư vay để mua cổ phiếu lên tới 2.200 tỷ đồng nguyên, khoảng 370 tỷ đô la Mỹ. Nhưng đó chỉ là tiền vay qua hệ thống chính thức, số tiền vay qua một “hệ thống xám” bên lề còn lớn hơn, cho nên tổng số có thể gấp đôi. Khi thị trường xuống và những người Mua Bằng Nợ không thể trả, quả bom nợ hơn 700 tỷ mỹ kim sẽ đe dọa cả hệ thống tài chánh; không khác gì quả bom nợ vay nhà.
Giới “đầu tư lẻ” hăng hái nhảy vào thị trường khi nó đang lên; lại vay thêm tiền để mua, góp phần thổi cho quả bong bóng chứng khoán càng phồng lên. Họ đã rơi vào một cái bẫy, sau đó gánh chịu phần lớn trong số mất mát hơn 3.200 tỷ đô la. Nhưng chắc chắn có những nhà đầu tư khác đầy đủ thông tin hơn, đã biết đường tháo chạy và kiếm lời lớn trước khi thị trường sụp đổ. Họ là những ai, chúng ta có thể biết được.
Hệ thống tài chánh Xám
Bên cạnh hàng trăm triệu nhà đầu tư lẻ còn có các đại gia và quan chức sử dụng các ngân hàng nhà nước hùn vốn lập ra những quỹ đầu tư lớn dưới nhiều hình thức mới. Theo luật lệ, các ngân hàng chịu sự kiểm soát của ngân hàng trung ương (gọi là Nhân dân Ngân hàng); các công ty môi giới và giao dịch chứng khoán do hai cơ quan khác giám sát. Các hình thức mới lập ra nhằm mục đích hoạt động bên ngoài hệ thống kiểm soát chính thức của nhà nước.
Các ngân hàng thương mại, trong đó có năm ngân hàng lớn của nhà nước, lập ra những công ty tín thác (trust, 信托公) để vay, cho vay và đầu tư ngoài luật lệ ngân hàng. Các quỹ tín thác thu hút thân chủ bằng lãi suất cao hơn, có khi lên trên 10% trong khi các ngân hàng thì bị nhà nước giới hạn, thường trả 3% một năm. Họ dùng tiền thu được mua cổ phiếu và đem cho vay. Đến ngày 31 tháng Ba, 2015, 68 quỹ tín thác ở bên Tàu làm chủ một số cổ phiếu trị giá lên tới 777 tỷ đồng nguyên (124 tỷ đô la). Chỉ trong ba tháng đầu năm giá trị những cổ phiếu của họ tăng thêm 225 tỷ đồng nguyên (36 tỷ mỹ kim), theo thống kê chính thức của Hiệp hội các Công ty Tín thác. Nếu lúc đó họ bán ra, mức lời là 33%, chỉ trong vòng ba tháng! Tại những thị trường bình thường trên thế giới khó ai đạt được lãi suất đó.
Trong các năm trước đây, các quỹ tín thác cũng bán các “lý tài sản phẩm” WMP để thu tiền đem cho các nhà đầu tư địa ốc vay mượn, hoặc cho các xí nghiệp vay ngắn hạn lấy suất lời rất cao. Gần đây thị trường địa ốc ngưng trệ cho nên họ chuyển hướng cho giới mua cổ phiếu vay. Các ngân hàng và quỹ tín thác lại gây thêm vốn qua nhiều hình thức mới hơn, để hoàn toàn nằm bên ngoài thẩm quyền của những cơ quan quản lý chứng khoán của nhà nước.
Một hình thức quỹ đầu tư khác là những Công ty Góp vốn Cổ phần (Cổ phần thất phối công ty, 股份匹配公司, stock-matching endowment firm). Các định chế này hợp tác với các ngân hàng trong việc mua bán cổ phiếu, bởi vì chính các ngân hàng này không được phép trực tiếp mua bán. Các ngân hàng nhỏ, các doanh nghiệp nhà nước dư tiền thành lập các “công ty thất phối” này để kiếm lời thêm. Mức lời cao hơn lợi suất khi làm ăn chính thức với các hoạt động bình thường của họ rất nhiều.
Cả ba định chế xám, các ngân hàng, công ty tín thác và công ty góp vốn, đều thu hút tiền của công chúng bằng cách phát hành những chứng chỉ gọi là “sản phẩm quản lý tài sản” (lý tài sản phẩm, 财产品,wealth management products, sau đây viết tắt là WMP cho tiện). Họ bán những “sản phẩm” này cho những người sẵn tiền mà không muốn hoặc không có thời giờ trực tiếp mua bán cổ phiếu. Thân chủ được hứa hẹn mức lời cao, ít nhất 2% cao hơn khi gửi ngân hàng. Nhưng mức độ rủi ro của các WMP cũng rất cao, vì hệ thống tài chánh xám dùng tiền gom được để đầu tư hoặc cho người ta vay đầu tư vào thị trường chứng khoán. Những người mua WMP không được thông báo đầy đủ để biết tiền của họ được dùng vào việc rất nhiều rủi ro. Trong hợp đồng họ ký vẫn có điều khoản nói rằng họ không có quyền khiếu nại nếu lợi suất hứa hẹn không đạt được. Ký kết như vậy, những người mua WMP phải đưa đầu chịu báng khi thị trường sụp đổ. Chỉ còn cách đi biểu tình phản đối, như đã xảy ra năm 2011.
Hệ thống tài chánh Xám dùng tiền thu được vừa đầu tư vừa cho các nhà đầu tư lẻ mua cổ phiếu bằng nợ. Họ không bị kiểm soát như các công ty môi giới chính thức, cho nên có thể cho vay số tiền lớn gấp 10 lần số vốn có sẵn. Những nhà đầu tư nhỏ không thể vay nợ các ngân hàng đành phải đi vay các quỹ tín thác.
Ngồi không kiếm lời dễ dàng
Các ngân hàng lớn của chính phủ Trung Quốc kiếm lời dễ dàng nhờ Hệ thống Xám. Thí dụ, Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China, BoC, 中国) hợp tác với một Công ty Góp vốn, do một doanh nghiệp nhà nước lập ra. Ngân hàng Trung Quốc bán các WMP cho thân chủ lấy 40 triệu nguyên, còn Công ty Góp vốn đóng thêm 20 triệu. Với 60 triệu đồng, Công ty Góp vốn đem cho các nhà đầu tư nhỏ vay, với lãi suất ít nhất là 15% một năm. Công ty Góp vốn trả cho Ngân hàng Trung Quốc 10%, chỉ hưởng 5% tiền lời. Ngân hàng Trung Quốc coi như ngồi không mà ăn 10% của con số 60 triệu!
Lý tài sản phẩm, WMP đầy rủi ro, vì hệ thống tài chánh Xám thu hút ngày càng nhiều vốn, số nợ của họ đối với những người mua WMP tăng lên đều đều trong khi khả năng kiếm lời sẽ có ngày đụng tới một giới hạn. Chính hệ thống này trong quá khứ đã thổi cho quả bóng địa ốc căng phồng lên, cho tới khi chính quyền thấy nguy hiểm phải kìm bớt lại.
Một nguồn gây rủi ro lớn là thời hạn chênh lệch giữa cửa vào và đường ra của vốn. Các WMP đều là những hợp đồng ngắn hạn, trong ba tháng, sáu tháng phải trả tiền lãi rồi tiền vốn. Trong khi đó tiền thu được nhờ bán WMP lại dùng mua cổ phần và trái phiếu là những chứng khoán dài hạn. Nghề quản lý tài chánh khắp thế giới đều biết rằng kỳ hạn chênh lệch (duration mismatch) tạo rất nhiều rủi ro. Khi nợ ngắn đáo hạn có thể thiếu tiền mặt để trả, lại không thể bán ngay các cổ phiếu hoặc trái phiếu vì gặp lúc chúng chúng đang xuống giá. Nhiều đại công ty đã phá sản chỉ vì “thiếu thanh khoản” mặc dù trong kế hoạch dài hạn thì vẫn có khả năng sinh lời! Điều nguy hiểm nhất là những người đầu tư vào các WMP không biết các rủi ro mà họ phải gánh.
Chính một vị chủ tịch của Ngân hàng Trung Quốc đã báo động rằng hệ thống phát hành các WMP là một thứ “kim tự tháp” (Ponzi scheme). Đó là lối người ta mời bá tánh góp vốn với hứa hẹn suất lời rất cao; mà trong thực tế họ chỉ lấy tiền của người góp sau trả cho người góp trước, chồng chất lên nhau. Khi nào số người góp thêm tiền giảm đi thì cả hệ thống sụp đổ.
Vụ thất bại của Ngân hàng Hoa Hạ (Huaxia,), năm 2011 đã gây sôi nổi một thời gian. Quỹ tín thác do ngân hàng này đứng đằng sau đã cho người đi bán các WMP, trong sáu tháng đầu năm đã thu vào (tức là đã mang nợ) 12 ngàn tỷ đồng nguyên (hơn 2 ngàn tỷ mỹ kim). Tháng 11, ngân hàng này không trả được tiền lời 11% đến 13% như họ đã hứa hẹn; các nhà đầu tư nhỏ mua WMP, nhiều người ở lớp tuổi 70, đã biểu tình phản đối. Vì vụ biểu tình diễn ra tại Thượng Hải nên cả thế giới biết tin. Cuối cùng, nhà nước phải đem tiền ra cứu chữa. Trước đó, một ngân hàng khác ở Hà Nam đã không trả được tiền vốn cho các thân chủ mua WMP, trị giá 430 triệu đồng nguyên. Nhưng vụ này nhỏ và diễn ra ở xa các trung tâm tài chính cho nên không gây tiếng vang.
Hệ thống tài chánh Xám là một quả bom nổ chậm đe dọa Trung Quốc. Nhưng chính quyền không thể khép họ vào trong vòng kỷ luật vì cả hệ thống ngầm này cũng giúp cho tiền vốn được luân lưu trong xã hội. Nếu chỉ có hệ thống chính thức do nhà nước điều khiển thì không làm được vì quá cứng nhắc. Việc kiểm soát hệ thống Xám cũng khó thực hiện vì đụng chạm quyền lợi của những người có thế lực lớn, trong đó có chính các ngân hàng do nhà nước làm chủ. Nhưng sau vụ khủng hoảng thị trường vừa qua, chắc Bắc Kinh sẽ quy định lại các hoạt  động của hệ thống xám này. Thời vàng son của các đại gia đỏ không thể kéo dài mãi.
Vì sao giá chứng khoán xuống thê thảm?
Các quỹ tín thác và quỹ góp vốn “thất phối” được các xí nghiệp và ngân hàng nhà nước khuyến khích. Chúng đều hoạt động ngoài tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhân dân cũng như các ủy ban điều hành thị trường. Hệ thống tài chánh xám giúp cho các ngân hàng lớn kiếm lời khi đầu tư vào thị trường chứng khoán, mà theo đúng quy chế họ không được phép trực tiếp đầu tư. Các ngân hàng lớn nắm đằng chuôi vì tất cả các hợp đồng ghi rõ rằng nếu các quỹ trên thất bại thì phải trả lại vốn cho các ngân hàng trước khi thanh toán cho các chủ nợ khác.
Hai ngân hàng lớn nhất là Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Giao thông (Bank of Communications, 交通) và ba ngân hàng nhà nước khác đều chuyển tiền qua hệ thống xám để tham dự vào thị trường chứng khoán.
Cả hệ thống nối kết này mới là những nhà “đầu tư lớn.” Họ vừa cho các nhà đầu tư nhỏ vay, vừa mua bà bán cổ phiếu. Khi tham dự vào thị trường, họ nhận được các thông tin xác thực và đầy đủ, họ thuê các chuyên gia tài chánh có tay nghề. Họ mua bán cổ phiếu một cách hợp pháp, để sinh lời, sinh lời lớn để đủ tiền trả lãi cho những thân chủ mua các WMP của họ.
Trong khi các nhà đầu tư nhỏ chạy đua nhau mua cổ phiếu thì những nhà “đầu tư lớn” chờ đợi, khi nào giá lên mới từ từ bán ra; nếu thấy giá sắp sụt thì bán gấp để chạy. Chính cuộc tháo chạy này cũng là một nguyên nhân khiến thị trường xuống quá nhanh. Vì vậy, sau một tuần suy sụp thì chính quyền cấm các đại gia không được bán.
Nhưng nguyên nhân đầu tiên gây ra tình trạng giá xuống cũng là các hành động của chính quyền. Đầu tháng Sáu thị trường bắt đầu xao động khi chính quyền bắt đầu lo quả bóng quá căng; họ ban ra hai lệnh mới để kìm hãm bớt cơn sốt tăng giá. Lệnh thứ nhất giới hạn số tiền vay nợ mua cổ phiếu thấp hơn, để giảm số người mua. Một lệnh khác ngăn bớt việc “bán non” (short-selling), tức là các nhà đầu tư “mượn” những cổ phiếu mình không có mà đem bán, hứa trả lại các cổ phiếu đó trong một thời gian ngắn. Những người bán non (short-sellers) nghĩ rằng một công ty nào đó sẽ xuống, họ mượn cổ phiếu công ty này từ kho dự trữ của các nhà môi giới, rồi bán ngay. Khi giá trị cổ phiếu đó xuống đúng như tiên đoán thì họ sẽ mua các cổ phiếu đó, đem trả lại cho chủ cũ. Người bán non kiếm lời tức khắc; nhưng nếu họ đoán sai sẽ phải chịu lỗ. Bán non là một loại giao dịch hợp pháp, có tác động hữu ích trong việc phân bố tài nguyên. Khi thị trường sắp hay đang xuống, việc bán non sẽ thúc đẩy cho tốc độ xuống mạnh hơn. Vì vậy, Bắc Kinh đã ngăn chặn bớt việc bán non để bảo vệ cho giá không xuống.
Nhưng hai lệnh cấm trên khiến nhiều người trong thị trường lo lắng. Họ lo ngại rằng chính bọn đầu cơ đã thổi cho thị trường lên một cách giả tạo để sau đó bán non kiếm lời. Chỉ những chuyên gia thông thạo tin tức mới hiểu rằng thị trường lên gấp đôi chỉ vì chế độ cho vay quá dễ dàng và được báo, đài của Đảng Cộng sản cổ võ; chứ không phải vì có ai đầu cơ thao túng.
Từ năm ngoái, khi thị trường đang lên mạnh, một số nhà đầu tư lớn đã bắt đầu bán nhiều cổ phiếu mà họ đang giữ, vì biết rằng quả bong bóng sẽ tới ngày xì hơi. Họ không dại gì mà đem bán quá nhiều cổ phiếu cùng một lúc khiến thị trường xuống giá đột ngột, thiệt hại cho chính họ. Nhưng khi thấy dấu hiệu thị trường xuống nhanh hơn, sau ngày 13 tháng Sáu, 2015, một số đại gia bắt đầu bán khiến nhiều đại gia khác lo, bắt đầu bán nhiều hơn.
Có nhiều con số cho thấy từ giữa năm 2014 các nhà đầu tư lớn bán cổ phiếu ngày càng nhiều hơn. Trước đó, các công ty đầu tư lớn mỗi năm thường bán đi số cổ phiếu trị giá tổng cộng là 100 tỷ nhân dân tệ. Trong năm 2014, số cổ phiếu họ bán ra lên tới 190 tỷ, gần gấp đôi. Họ bắt đầu mua vào ít, bán ra nhiều hơn. Phần lớn các vụ bán xảy ra vào cuối năm, vì riêng trong nửa sau của năm 2014, số bán ra cao hơn số mua vào 162 tỷ. Tức là trong sáu tháng đầu năm họ chỉ bán gần 30 tỷ.
Sang năm 2015, các đại gia bắt đầu tháo chạy nhanh hơn. Chỉ trong năm tháng đầu năm, số bán ra lên  tới 360 tỷ! Đó là thời gian giá lên cao nhất, khi chỉ số thị trường Thượng Hải đang tăng dần, tới mức tăng 150% so với năm trước. Những con số trên do David Cui, người nghiên cứu chiến lược đầu tư của Bank of America tại Hồng Kong cung cấp.
Tính từ các con số trên chúng ta thấy từ giữa năm 2014 đến cuối tháng Năm 2015, các “đại gia đầu tư” đã bán ra số cổ phiếu trị giá hơn 520 tỷ đồng nguyên, gần 90 tỷ mỹ kim, và họ bán khi thị trường đang lên. Không biết lúc họ mua các cổ phiếu đó giá bao nhiêu, nhưng giá bán phải cao ít nhất gấp hai hoặc gấp ba lần giá mua. Họ đã lời hơn 45 đến 60 tỷ đô la, trong vòng một năm! David Cui nhận xét: Thị trường chứng khoán đã chuyển một số tài sản từ những người dân ngoài phố vào túi của những người giàu có, là những nhà đầu tư lớn biết bán đúng lúc thị trường lên cao.
Khi các đại gia bắt đầu bán nhiều thì thị trường xuống mạnh hơn. Những nhà đầu tư lẻ mất tiền; các người vay nợ để mua cổ phiếu đứng tuyến đầu lãnh đạn. Khi giá cổ phiếu xuống, những công ty cho vay bắt họ phải trả bớt nợ để bù vào giá trị các cổ phiếu đã mất. Ở Trung Quốc, người vay tiền mua cổ phiếu bắt buộc phải tìm ra tiền trả bớt nợ khi nào giá trị đầu tư giảm bớt 50% hay  70%. Họ phải bán bớt cổ phiếu của mình đi để có tiền trả nợ. Cơn thác sụp giá lao xuống ngày càng mạnh hơn.
Thông thường, bất cứ nơi nào trên thế giới, khi trị giá cổ phần xuống thì người vay mua phải trả một phần tiền vay cho chủ nợ. Thí dụ, nếu có 100 đồng vốn, được vay thêm 100 đồng theo tỷ lệ 1/1 để mua cổ phiếu trị giá 200 đồng. Nếu giá cổ phiếu đó mất một phần tư, xuống chỉ còn 150 đồng, thì người vay phải trả cho chủ nợ 25 đồng. Khi đó số nợ còn 75 đồng trong khi vốn vẫn còn 75 đồng, giữ tỷ lệ 1/1 như cũ. Nếu giá xuống nữa, phải kiếm tiền trả bớt nợ lần nữa.
Người vay nợ kiếm đâu ra tiền để hoàn trả? Chính quyền Bắc Kinh gần đây đề nghị người ta gán nhà để trả nợ mua cổ phiếu, nhưng đối với dân Trung Hoa cái nhà không phải chỉ là một tài sản mà còn quý báu hơn nhiều. Bình thường, người ta bán bớt cổ phiếu mình đang có để trả nợ. Việc bán này tạo áp lực khiến giá các cổ phiếu bị đẩy xuống thêm. Đó là áp lực khiến thị trường đã xuống rồi còn xuống thấp nữa. Chính chế độ cho vay nợ dễ dàng là một nguyên nhân khác khiến thị trường xuống quá nhanh, gây ra cơn khủng hoảng. Không khác gì cơn khủng hoảng địa ốc năm 2007 ở nước Mỹ là do chính sách thả lỏng cho vay tiền mua nhà quá dễ dàng với lãi suất rất thấp. Ở Trung Quốc, chế độ vay nợ dễ dàng hơn.
Hệ thống tài chánh chông chênh và bất công
Sau vụ thị trường chứng khoán suy sụp, người dân Trung Quốc mất niềm tin vào thị trường và cũng không còn tin vào chế độ. Sau ba tuần lễ thị trường xuống dốc, Đảng Cộng sản loay hoay mất năm ngày mới ngăn được cơn xuất huyết thị trường. Mà ai cũng thấy các biện pháp cứu chữa đó hoàn toàn là tạm bợ, không phải là giải pháp lâu dài.
Người dân bắt đầu thấy rõ “mô hình Trung Quốc” mà họ tin tưởng chỉ là một tòa nhà chông chênh. Chế độ “tư bản nhà nước” đã đến lúc khựng lại, cho nên năm 2013 giới lãnh đạo mới phải công bố chương trình cải tổ, lấy thị trường làm động cơ chuyển các tài nguyên, thúc đẩy kinh tế phát triển theo một hướng mới. Nhưng sau hai năm thí nghiệm các cải tổ nho nhỏ, cả chế độ lại phải quay ngược chiều. Bây giờ họ dùng guồng máy nhà nước can thiệp tàn bạo vào thị trường, để cứu nó khỏi sụp đổ. Nhưng cũng là để tự cứu vãn uy tín của họ.
Hệ thống tài chánh Trung Quốc không những chênh vênh dễ đổ ngã mà còn tạo ra những bất công, bất công nuôi sẵn ngay trong cơ cấu. Bao nhiêu đại gia đã làm giàu nhờ chuyển tiền từ túi người dân tiết kiệm qua hệ thống xám với các “ngân hàng mà không phải ngân hàng,” qua thị trường chứng khoán. Cuối cùng chuyển tiền vào túi các đại gia. Nhiều người dân Trung Hoa đã mất tin tưởng vào Đảng Cộng sản, nay lại thêm một số người bất mãn, oán hận, vì họ bị mất tiền. Chỉ có khoảng 90 triệu dân Trung Quốc đầu tư trong thị trường chứng khoán (theo Tân Hoa Xã); nhưng dù chỉ một nửa những người đó mất cơ nghiệp và tiền dành dụm cả đời trong cơn bão chứng khoán vừa qua, thì cũng có tới 45 triệu người đang oán hận, thù ghét tập đoàn lãnh đạo. Họ sẽ nhận ra ngay là cả cơ chế kinh tế tài chánh chỉ chứng tỏ giới lãnh đạo vừa dốt nát về kinh tế thị trường vừa tàn nhẫn dung túng một thiểu số bóc lột người bằng cơ chế gọi là thị trường.
Dân Trung Quốc sẽ hỏi: Tại sao các đại gia kiếm lợi dễ dàng như vậy? Tại sao các con cừu non dễ bị lừa như vậy?
Câu trả lời, cuối cùng nằm trong cơ chế chính trị.
Nhược điểm lớn và dễ thấy nhất của hệ thống thị trường chứng khoán Trung Quốc là nó thiếu một hạ tầng cơ sở tối cần thiết, đó là thông tin. Người đầu tư vào cổ phiếu dựa trên các thông tin mà quyết định mua hay bán. Trong một nền kinh tế thị trường đích thực, các tin tức kinh tế được phơi bày công khai. Các công ty ghi tên trên thị trường phải công bố đầy đủ tình trạng lời lỗ của mình, mỗi ba tháng, tất cả mọi người được tham khảo. Các chuyên gia sẽ phân tích những thông tin tài chánh đó để “bán” cho các người đầu tư. Trên báo, trên đài, ai loan báo một bản tin hay nêu lời bình luận về thị trường đều có trách nhiệm, bị mọi người theo dõi, kiểm tra. Những báo, đài loan tin sai hoặc nói lời thiên vị sẽ bị công chúng trừng phạt ngay, bằng cách bỏ rơi họ. Những công ty thẩm lượng tín dụng cũng bị phán xét như vậy. Các nguồn tin đối nghịch được tự do phổ biến để rộng đường tính toán. Tất cả hạ tầng cơ sở thông tin này có mặt là nhờ quyền tự do báo chí, tự do phát biểu, tự do lập hội.
Thị trường Trung Quốc không có một hạ tầng cơ sở như vậy. Báo, đài nằm trong tay một đảng độc quyền và bị các quan chức cùng các nhà tài phiệt thao túng. Cho nên cả hệ thống kinh tế và tài chánh chỉ phục vụ một tầng lớp quý tộc mới, còn người dân bình thường bị hy sinh.
Chỉ nhìn vào một hiện tượng nhỏ là vụ thị trường suy sụp cũng cho thấy cả mô hình Trung Quốc không thể đứng vững. Nếu không thay đổi chính trị thì không thể nào đạt được tiến bộ kinh tế, như ông Tập Cận Bình đang “nuôi giấc mộng vàng”.
Những người dân Trung Hoa mua bán cổ phiếu thuộc lớp trung lưu. Dấn thân vào thị trường chứng khoán chứng tỏ họ là những người “tiên phong” dám đánh cá với cuộc đời. Họ đang nhìn ra là cả hệ thống kinh tế và chính trị hiện hành lập ra chỉ đánh lừa họ, để cho một thiểu số hưởng lợi. Chắc họ sẽ đứng dậy đòi thay đổi.
Người ta có thể đánh lừa một người suốt đời. Cũng có thể đánh lừa tất cả mọi người trong một giai đoạn nào đó. Nhưng không ai có thể đánh lừa tất cả mọi người mãi mãi được.
N.N.D.
Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn