Trao đổi thêm với ông Vũ Ngọc Hoàng

Nguyễn Đình Cống

Ngày 16 tháng 6 tôi có đăng bài Cảm nghĩ về bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng, trong đó có nhận xét là ông Hoàng chỉ mới kể ra những hậu quả nguy hại của nhóm lợi ích và chủ nghĩa tư bản thân hữu mà chưa đề cập đến vấn đề: “Trong thời buổi hiện nay, tại Việt Nam nguồn gốc nào sinh ra và nuôi dưỡng bọn nhóm lợi ích, cơ chế nào sinh ra bọn tham nhũng và bảo vệ chúng nó…”. Gần đây Ngọc Thịnh viết bài phỏng vấn: Ủy viên TƯ Đảng Vũ Ngọc Hoàng: “Lợi ích nhóm làm đất nước tụt hậu, văn hóa xuống cấp, niềm tin bị mất”, đăng trên Một Thế Giới, Bauxite Việt Nam đăng lại ngày 9 tháng 7. Bài viết cho biết ông Hoàng đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi, có khen, có chê, có cả cắt xén. Không biết trong những ý kiến ông Hoàng nhận được có bài của tôi không, nếu không có thì thật đáng tiếc cho ông. Tuy vậy tôi đọc thấy một ý có liên quan đến lời nhận xét của mình nên muốn trao đổi thêm.

Trong các vấn đề ông Hoàng đưa ra, về ý kiến cắt xén có đoạn sau: “[…] có ý kiến nói rằng lợi ích nhóm như thế là đừng đổ lỗi cho chủ nghĩa tư bản, không phải chủ nghĩa tư bản sinh ra mà ở Việt Nam là do chủ nghĩa xã hội sinh ra.”.Rồi ông Hoàng nói rõ ý kiếncủa ông: “[…]nó không phải do chủ nghĩa tư bản và càng không phải chủ nghĩa xã hội sinh ra. Thực tế lợi ích nhóm là một thứ tha hóa, thoái hóa”.
Ý kiến “Ở Việt Nam nhóm lợi ích do chủ nghĩa xã hội sinh ra”, không biết là của ai chứ không phải của tôi. Làm sao nó có thể sinh ra được cái gì khi bản thân chủ nghĩa xã hội chưa tồn tại. Trong bài “Cảm nghĩ về bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng”, tôi nêu ý kiến: “Chính sự độc quyền toàn trị của Đảng Cộng sản theo đường lối chuyên chính vô sản, chính Chủ nghĩa Mác – Lênin đã sinh ra và nuôi dưỡng bọn này”. Có thể ông Hoàng đã biết ý kiến đó nhưng trình bày chệch đi thành chủ nghĩa xã hội.
Ông Hoàng cho rằng: “Lợi ích nhóm là một sự tha hóa, thoái hóa”. Điều đó là đúng, là nguyên nhân gần, nguyên nhân trực tiếp. Tôi chỉ muốn tìm, muốn hỏi: Sự tha hóa, sự thoái hóa ấy từ đâu mà có, cái gì sinh ra nó, cơ chế nào nuôi dưỡng nó? Trong một loạt bài viết trước đây tôi có nêu ý kiến cho rằng: “Nguyên nhân gốc, nguyên nhân cơ bản của nhiều tệ nạn trong xã hội Việt Nam hiện nay là sự kết hợp, sự cộng hưởng giữa một bên là những tính cách yếu kém của nền văn hóadân tộc(tham lam, ích kỷ, bè phái…), một bên là những độc hại trong Chủ nghĩa Mác – Lênin (đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản,…)”. Tôi thấy nguyên nhân gốc đó cũng đúng cho sự tha hóa, thoái hóa, của lợi ich nhóm, của chủ nghĩa tư bản thân hữu.
Năm 2010, trước khi Đảng họp Đại hộiXI, trên trang Ba Sàm có đăng bài Bốn phe phái trong nền chính trị Việt Nam (Bauxite Việt Nam gần đây có đăng lại) chỉ ra rằng trong bốn phe đó có “phe nhóm lợi ích”. Rõ ràng là “nhóm lợi ích” sinh ra từ trong chế độ, từ trong Đảng.
Ở các chính quyền cộng sản, kể cả ở Liên xô và các nước Đông Âu trước đây, việc hình thành những nhóm đặc quyền đặc lợi, những ông vua Cộng sản của từng vùng là chuyện bình thường. Ở Việt Namtrong thời bao cấp cũng thế. Chỉ khi phát triển kinh tế thị trường thì một số nhóm đặc quyền đặc lợi mới phát triển thành nhóm lợi ích. Thực ra thì riêng sự độc quyền toàn trị của bất kỳ ai, của bất kỳ đảng nào cũng chưa đủ để sinh ra tham nhũng, chưa đủ để sinh ra nhóm lợi ích nếu con người không có lòng tham. Nhưng khốn nỗi, sự tham lam của con người thì ở nước nào, ở thời đại nào, dưới thể chế nào cũng có. Sự tham lam đó rất khó phát triển thành tham nhũng, không thể trở thành lợi ích nhóm dưới chế độ chính trị trong sạch, dân chủ, pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh, không có ai, không có tổ chức nào đứng trên pháp luật. Lòng tham của những người có quyền lực chỉ dễ dàng phát triển thành tham nhũng, thành lợi ích nhóm, thành chủ nghĩa tư bản thân hữu trong những chế độ độc tài thối nát, trong chế độ toàn trị của cộng sản theo đường lối chuyên chính vô sản.Như thế nói sự độc quyền toàn trị của Đảng Cộng sản sinh ra tham nhũng thì không có nghĩa là chỉ mình nó sinh ra mà phải kết hợp với lòng tham của con người. Cũng như nói mẹ sinh ra con thì không có nghĩa là chỉ có mẹ mà còn cócả bố nữa.
Ông Hoàng đã có sự sáng suốt và dũng cảm trong việc vạch ra những tác hại của “lợi ích nhóm”, nhưng chưa nêu thật đúng nguyên nhân cơ bản sinh ra chúng. Chưa thấy thật rõ nguyên nhân cơ bản để “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc” thì rồi có diệt trừ được nhóm này sẽ sinh ra nhóm khác, tinh ranh hơn, nguy hại hơn. Muốn trừ diệt được về cơ bản sự tham nhũng, nhóm lợi ích, ngăn ngừa sự phát triển “chế độ tư bản thân hữu” thì hay nhất, có hiệu quả nhất là Đảng phải tự đổi mới, từ bỏ độc quyền, từ bỏ chuyên chính vô sản và đấu tranh giai cấp, thực thi chế độ dân chủ với Tam quyền phân lập, nghĩa là phải thay đổi thể chế để có thể xây dựng một chính quyền trong sạch, vững mạnh. Điều này toàn dân đang mong đợi vào sự đổi mới tại Đại hội XII sắp tới.
Ông Vũ Ngọc Hoàng đã có bước đi ban đầu dũng cảm, rất mong ông có những bước đi tiếp dũng cảm hơn trên cơ sở dám nhìn thẳng vào sự thật theo tinh thần của Đảng từ Đại hội VI.
N. Đ. C.
Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn