Biển Đông – Cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á (Kỳ 4)

Bill Hayton

Phan Văn Song dịch

Hoàng Việt hiệu đính

Chương 2

Bản đồ và đường vẽ:

từ 1500 đến 1948

(Maps and Lines: 1500 to 1948)

Vào tháng 1 năm 2008, trong tầng hầm có kiểm soát độ ẩm và ánh sáng của Thư viện Bodleian ở Oxford, cách quần đảo Trường Sa khoảng 5 500 hải lí, Robert Batchelor mở một tài liệu khiến hiểu biết lịch sử của chúng ta về Biển Đông thay đổi tận gốc rể. Đó là một bản đồ, dài một mét rưởi ngang một mét bao gồm khu vực mà bây giờ chúng ta gọi là Đông Á và Đông Nam Á: từ Nhật Bản ở phía Đông Bắc cho tới Sumatra và Timor ở phía Nam. Đó cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Trong suốt 350 năm nằm trong thư viện, nó đã được nhiều người ngưỡng mộ vì các cảnh ‘sơn thuỷ’ tinh tế, biển màu xanh nhạt viền với tre, thông và cây đàn hương; đồi núi, sông suối và cây cối được vẽ ra như thấy trong đời thực. Nhưng điều Batchelor phát hiện ra mà chưa người nào khác nhận thấy trong nhiều thế kỷ, đó là một mạng lưới các đường nhạt tỏa ra từ cảng Tuyền Châu ở phía Nam Trung Quốc. Các đường đó nối Tuyền Châu với hầu hết các cảng trong vùng: từ Nagasaki đến Manila, Malacca và xa hơn nữa. Đáng ngạc nhiên hơn, mỗi tuyến đường được đánh dấu với các hướng dẫn hàng hải: góc hướng theo la bàn Trung Quốc và các chỉ dẫn về khoảng cách.

Điều mà Batchelor, một sử gia người Mỹ, đã phát hiện ra là một tài liệu hướng dẫn về các tuyến đường giao thương lớn của Châu Á. Nó xoá đi hình ảnh từng có về Trung Quốc thế kỷ XVII như một cường quốc hướng nội, cô lập. Thay vào đó, nó cho thấy một Trung Quốc can dự với biển và thông qua biển, đi tới thế giới rộng lớn hơn. Đó cũng là một hình ảnh của một khu vực không có rối ren vì biên giới chính thức, ở đó các vương quốc và thái ấp đều có dính dáng với nhau. Bản đồ đó là sản phẩm của thời đại khi mà biên giới giữa vua chúa (rulers) có tính chất hoàn toàn khác biệt với biên giới phân chia khu vực này hiện nay. Nhưng nó được vẽ vào một thời điểm mà bản chất của những biên giới đó bắt đầu thay đổi do các cuộc tranh giành giữa các đế quốc, và các cuộc tranh luận giữa các nhà tư tưởng ở phần bên kia trái đất. Những cuộc tranh giành và bàn luận đó đã đặt nền tảng cho luật quốc tế hiện đại và cũng áp đặt những ý tưởng mới về ranh giới vốn vẫn tiếp tục gây phiền nhiễu các vùng biển của Biển Đông ngày nay.

Gốc gác của chính bản đồ này làm sáng tỏ điều đó. Nó cho thấy Châu Âu và Châu Á đã trở nên nối kết mạnh mẽ dường nào, ngay cả vào khoảng năm 1600. Bản đồ được tặng cho Bodleian năm 1659 sau khi chủ nhân của nó, John Selden, một trong những nhà luật học quan trọng nhất ở nước Anh vào thế kỷ XVII qua đời. Trong di chúc của mình, Selden cho biết bản đồ đã được một thuyền trưởng người Anh lấy được dù ông không nói đó là thuyền trưởng nào. Sau nhiều năm nghiên cứu cần mẫn, Robert Batchelor tin rằng ông đã biết rõ chuyện. Vào mùa hè năm 1620, một con tàu của Công ty Đông Ấn (EIC) Anh tên Elizabeth, dừng lại ở Đài Loan và phát hiện trong số các hành khách của một tàu chở khách của Trung Quốc hoặc Nhật Bản có một hoa tiêu Bồ Đào Nha và hai linh mục Tây Ban Nha. Thuyền trưởng tàu Elizabeth, Edmund Lenmyes, dùng điều này để biện minh cho việc chiếm giữ con tàu cùng với hàng hóa và, Batchelor tin rằng, cả bản đồ này[1] Selden nói trong di chúc của mình rằng thuyền trưởng Anh (dù ông ta là ai) đã treo giá chuộc thật cao nhưng từ chối trả lại cho chủ sở hữu của nó. Thuyền trưởng đó ắt hẵn phải thấy ra ngay lập tức giá trị của bản đồ đó.

Chúng tôi không biết Selden thu được bản đồ bằng cách nào nhưng ông từng là một nghị sĩ Quốc hội và quen biết nhiều nhà đầu tư quan trọng trong công ty Đông Ấn của Anh.[2] Robert Batehelor tin rằng bản đồ đã tới Anh vào năm 1624 sau một hành trình dài và khó khăn. Có lẽ nó đã được bán như chiến lợi phẩm hoặc làm quà tặng cho một người bảo trợ có ảnh hưởng. John Selden là một người nhận lí tưởng. Ông ở ngay trung tâm của giới tinh hoa chính trị và kinh doanh của nước Anh và là người đi đầu về tư duy pháp lí. Hiện nay ông được biết đến nhiều nhất do việc đưa ra một số các lập luận pháp lí đầu tiên cho các nước yêu sách vùng lãnh hải quanh bờ biển của mình. Điều ít được biết đến là đóng góp của Selden, một nền tảng quan trọng của luật quốc tế, bắt đầu với một cuộc tranh cãi về một loại cá nhỏ có dầu. Số phận của cá trích Châu Âu bị cuốn vào cuộc tranh giành để tiếp cận Châu Á. Đó là một trận chiến về tự do trên biển, tự do giao thương và thống trị kinh tế của thế giới, một cuộc chiến vốn bắt nguồn từ những khám phá một thế kỷ trước.

******

Việc Vasco da Gama đến Ấn Độ tháng 5 năm 1498 bắt đầu tốt đẹp nhưng, như một ví dụ nhỏ về những gì sắp đến, các mối quan hệ nhanh chóng xấu đi. Việc ông là người đầu tiên đi tàu một mạch từ Châu Âu tới tạo nên sự nổi tiếng ban đầu, nhưng quà tặng Bồ Đào Nha ông mang đến đã không gây ấn tượng với người Zamorin ở Calicut. So với lụa, ngà và vàng mà người Zamorin đã quen, các thứ dâng tặng của da Gama gồm áo choàng đỏ, mũ nón, dầu và mật ong trông giống như một sự xúc phạm. Tệ hơn nữa, các thương gia Arab và Ba Tư, vốn từng dàn xếp việc giao thương của Calicut với Châu Âu nhận ra mối đe dọa da Gama sẽ gặp phải nên đã lập mưu đưa ông chạy ra khỏi thành phố. Người Zamorin đuổi ông đi và do thiếu hiểu biết về gió mùa, da Gama đã phải gánh chịu một chuyến đi khủng khiếp trên đường trở về Bồ Đào Nha, mất đi hai phần ba đội thuỷ thủ của mình. Tuy nhiên, ông đã mang gia vị về đủ vượt hơn chi phí phải trả cho chuyến đi và người bảo trợ của ông, vua Manuel, đã rất hài lòng. Bằng cách đi tàu vòng qua Châu Phi, các thương gia Bồ Đào Nha bây giờ có thể đánh vào phía sườn người Arab thiếu chung thuỷ và cũng có thể phá vỡ thế độc quyền thương mại mà các thương gia của Venice được hưởng trước đây nhờ thòng lọng của họ treo trên vùng Đông Địa Trung Hải.

Vận chuyển gia vị và các thứ xa xỉ khác từ Châu Á đến Châu Âu chỉ với một chuyến đi biển thì rẻ và an toàn hơn nhiều so với dùng các tuyến đường Arab-Venice truyền thống kết hợp nhiều chuyến đi ngắn với đoàn lữ hành đường bộ lại với nhau. Người Bồ Đào Nha trong các chiếc tàu vuông (carracks) hiện đại - có thể mang cả hàng hóa lẫn súng lớn nhanh chóng đến khống chế giao thương. Chỉ trong một vài năm họ đã có một căn cứ ở Goa và tìm ra được đường vượt qua Calicut, xuyên vịnh Bengal và đến eo biển Malacca: cửa ngõ vào các đảo Gia vị (Spice Islands). Thật không may, vua Malacca không muốn cho họ đi qua. Sự cai trị của ông phụ thuộc vào việc đánh thuế giao thương đi qua giữa hai khu vực mà bây giờ chúng ta gọi là Indonesia và Malaysia. Malacca là cảng trung chuyển mới của khu vực, thừa kế của Phù Nam và đối thủ của Majapahit. Thành phố này tràn ngập các thương nhân nước ngoài làm môi giới mua bán giữa quê nhà của họ và phần còn lại của thế giới. Nó chứa ít nhất 100.000 cư dân và người quá cảnh, trong đó có người Malaysia, Tamil, Gujaratis, Java, Trung Quốc và Luçoes - thương nhân từ Luzon.

Sứ thần Bồ Đào Nha đã gặp nhà vua vào năm 1509, trao tặng một lô quà tặng ấn tượng hơn lô hàng mà Vasco da Gama mang đến thập kỷ trước và đồng hương của ông đã được cấp một 'nhà xưởng’ để tiến hành giao thương ở đó. Tuy nhiên, các thương nhân khác - đặc biệt người Gujaratis phản đối và thuyết phục nhà vua bắt giữ các tín đồ Kitô vì tội phản quốc. Tháng 6 năm 1511, tàu chiến Bồ Đào Nha đến dưới sự chỉ huy của Đô đốc Afonso de Albuquerque. Khi cuộc đàm phán kéo dài, gián điệp của ông thu thập thông tin tình báo về phòng thủ của thành phố và gầy dựng những người đồng cảm trong các thương nhân Trung Quốc. Nhà vua từ chối thả tù nhân, do đó trong ngày lễ Saint James, de Albuquerque tấn công. Sau hai tuần, nhà vua chạy trốn và ngày 10 tháng 8 năm 1511 Malacca rơi vào tay Bồ Đào Nha. Vùng đất này vẫn tiếp tục nằm dưới sự kiểm soát của họ trong 130 năm tiếp theo.

Trong số người của đội tàu de Albuquerque có một một sĩ quan 31 tuổi tên Ferdinand Magellan. Có lẽ sau cuộc chiến trên, ông lang thang trên các đường phố của thành phố và gặp người Luçoes cùng với những câu chuyện của họ. Mười năm sau, sau khi đã chuyển lòng trung thành sang Tây Ban Nha, Magellan khởi hành từ phía Đông cố đi tới Luzon và các mỏ vàng ở đó vào năm 1521, ông trở thành người Châu Âu đầu tiên đến Châu Á qua ngã Thái Bình Dương. Như trong những chuyến đi trước, ban đầu việc tiếp đón khá nồng ấm: chúa đảo Cebu và hầu hết thuộc hạ ông dường như cải sang đạo Thiên Chúa. Theo học giả Antonio Pigafetta, cùng đi với Magellan, thì người dân đảo đã đưa ra đồ sứ tốt nhất của mình, bằng chứng cho thấy họ đã giao dịch với Trung Quốc. Magellan đến với đức tin và súng đạn nhưng ông đánh giá thấp sự miễn cưỡng thần phục của những cư dân trên đảo với Chúa Giêsu hay Tây Ban Nha. Chỉ một tháng sau, vào ngày 27 tháng 4 năm 1521, Magellan đã bị chém chết trên đảo Mactan.

Người Bồ Đào Nha chẳng thân thiện hơn mấy. Họ phái một đội tàu để chặn Magellan, cuối cùng phát hiện ra một số người sống sót của đoàn người đi trên tàu Trinidad ngoài khơi đảo gia vị Tidore, và nhanh chóng bỏ tù họ. Sau khi phấn đấu hết mình để đi đến các đảo Gia vị (đảo Moluccan hoặc đảo Maluku như chúng ta biết ngày nay) từ phía Tây, người Bồ Đào Nha đã không trao lợi thế của họ cho những kẻ xâm phạm đến từ hướng khác. Đây chỉ là một trong rất nhiều bất đồng giữa hai đế quốc theo đạo Kitô. Để giải quyết chúng, vua Tây Ban Nha, Charles V, đã gã chị gái của mình cho vua Bồ Đào Nha và ba năm sau cưới em gái Isabella của anh rể mới. Một kết quả về sau của các hôn ước sắp xếp này là Hiệp ước Zaragoza 1529. Lần đầu tiên, người ngoài khu vực đã vẽ một đường qua khu vực Đông Nam Á, chia nó ra cho các đế quốc Châu Âu. Mặc dù việc làm bản đồ là không chính xác, dẫn đến việc người Bồ Đào Nha vẫn giữ các đảo Gia vị thuộc vùng đất mà về sau thành Indonesia và người Tây Ban Nha giữ lại khu vực sẽ trở thành Philippines. Năm thế kỷ sau đó sự phân chia này vẫn còn tồn tại. Cuộc nổi dậy của người theo đạo Hồi ở miền Nam Philippines và việc Philippines vẫn tiếp tục đòi chủ quyền tỉnh Sabah của Malaysia, ngăn chặn việc hai nước đạt được thỏa thuận biên giới ở Biển Đông, là bắt nguồn từ Hiệp ước Zaragoza này.

Người Bồ Đào Nha đã đến Malacca tìm kiếm đậu khấu, hạt nhục và đinh hương nhưng tình cờ thấy chính mình ở ngay cửa ngõ vào vùng đất bí ẩn mà người Châu Âu sau đó gọi là ‘Cathay’. Với Malacca nắm trong tay lại không có lực lượng quân sự nào có thể ngăn họ tiến về phía Đông, chắc chắn không phải từ Trung Quốc nhà Minh. Sau 30 năm các đô đốc thái giám sử dụng nền ngoại giao pháo hạm thế kỷ trước, hải quân đã bị mục ruỗng đi. Triều đình đã trở nên quan tâm hơn các đe dọa ở biên giới phía Bắc và cuộc khủng hoảng tài chính trong nước. Nhà Minh là nền kinh tế đầu tiên trong lịch sử phát hành tiền giấy - và là nền kinh tế đầu tiên hứng chịu nạn lạm phát phi mã. Tiền không có giá trị nên không thể giữ hải quân tiếp tục hoạt động.

Trong những thập kỷ sau đó, khi đội tàu chính thức suy sụp, khu vực không chính thức của tư nhân đã xuất hiện để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu và cung cấp thị trường cho lụa và đồ sứ ở những nơi như Cebu. Vào thời điểm đó ở Trung Quốc giao thương được coi là một doanh nghiệp của nhà nước thấm đượm với các nghi lễ 'triều cống'. Tuy nhiên, tỉnh Phúc Kiến đã trở nên nổi tiếng với buôn lậu. Tàu thuyền tỉnh này mang hàng hóa đi khắp khu vực và cũng đã mang đi hàng ngàn người Phúc Kiến thiết lập hoạt động kinh doanh tại các cảng xa xôi. Họ đã tạo ra các phố Tàu (Chinatowns) nhỏ đầu tiên quanh bờ Biển Đông.[3] Chính một vài người trong số này đã giúp người Bồ Đào Nha tại Malacca - cả trong chiến trận lẫn sau đó.

Được người Phúc Kiến cổ vũ, người Bồ Đào Nha chú tâm vào việc tìm kiếm các nguồn lụa và đồ sứ. Chính người Bồ Đào Nha là những người đầu tiên đã cho vùng biển phía Đông của Malacca cái tên mà chúng ta biết ngày hôm nay: Mare da China hay Biển [của] Trung Hoa. Về sau, khi họ tiến về phía Nhật Bản, họ nhận ra rằng cần phải phân biệt ‘Biển Trung Hoa’ với vùng biển dọc theo bờ biển phía Đông của Trung Quốc. Đối với người Trung Quốc ‘Biển Trung Hoa’ chỉ là ‘biển [hải]’ hay đối với người có học là Biển Nam - Nam Hải.

Các hoa tiêu địa phương không có bản đồ theo nghĩa mà người Châu Âu hiểu từ này - chỉ là kiến thức tích lũy viết dưới hình thức sổ tay chỉ dẫn (rutters): các hướng dẫn đi tàu từ nơi này đến nơi khác. Những sổ tay này cũng chứa ít nhiều điều hoang đường - đặc biệt là về Vạn Lí Thạch Đường (万里石塘/Wan-li Shi-tang). Theo một tài liệu Trung Quốc năm 1178 - “Lĩnh ngoại đại đáp” (嶺外代答: Thông tin về vùng bên kia rặng núi) của Chu Khứ Phi (周去非), đó là một bờ đá dài trong vùng biển gần nơi nước đổ xuống địa ngục. Được các hoa tiêu tư vấn, các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha cũng đã tin chuyện Vạn Lí Thạch Đường, một quần đảo rộng lớn gồm các rạn san hô, đảo nguy hiểm trải dài dọc theo bờ biển của vùng đất mà ngày nay là Việt Nam. Người Bồ Đào Nha triển khai các công cụ tốt nhất mà khoa học thời Phục Hưng có thể cung cấp nhưng họ cũng đã bị lừa. Một Vạn Lí Thạch Đường hình cánh buồm đã được sao đi chép lại trên tất cả các bản đồ của khu vực trong suốt 300 năm sau đó cho đến khi cuộc khảo sát vào cuối những năm 1700 và đầu những năm1800 cho thấy, ngoài quần đảo Hoàng Sa ở đầu phía Bắc của nó, Vạn Lí Thạch Đường không thực sự tồn tại. Trong 300 năm việc tin tưởng sai lầm vào sự tồn tại của quần đảo này đã ngăn hầu hết những người đi biển không mạo hiểm đi vào trung tâm của Biển Đông.

‘Trung Hoa’ mà người Bồ Đào Nha đã tới được trong những năm đầu thế kỷ 16 không phải là một đất nước thống nhất[4] và phần lớn bờ biển phía Nam nằm ngoài tầm kiểm soát của các vua nhà Minh ở Bắc Kinh. Người Bồ Đào Nha thấy giao dịch với từng thương nhân ở Phúc Kiến dễ dàng hơn nhiều so với các cơ quan triều đình thiếu thân thiện đóng ở cảng nhập chính thức của Quảng Châu. Trung Quốc vào thời điểm này hết sức cần tới một mặt hàng đặc biệt mà người Bồ Đào Nha đã ở đúng ngay vị trí để cung ứng. Siêu lạm phát trước đó đã khiến các thương nhân quay lưng với tiền giấy và đòi phải thanh toán bằng bạc. Nguồn bạc gần nhất chỉ cách xa một cánh buồm ở Nhật Bản nhưng quan hệ giữa hai nước đã xấu đến nỗi năm 1549 triều đình nhà Minh đã cấm việc đi lại trực tiếp giữa hai nước. Người Bồ Đào Nha đã có mặt đúng ngay vào thời điểm thích hợp để trở thành người trung gian – làm con thoi qua lại giữa Nagasaki và Macao, dùng bạc Nhật Bản mua lụa Trung Quốc.[5]

Năm 1567 hoàng đế nhà Minh cuối cùng đã thừa nhận bất lực trong việc kiểm soát chống buôn lậu và ngừng - tại tỉnh Phúc Kiến - lệnh cấm chính thức giao thương tư nhân. Kết quả là một sự bùng nổ thương mại - khoảng 200 ghe thuyền xuôi Nam mỗi lần có gió mùa.[6] Lần đầu tiên, đội tàu thương mại lớn của tư nhân Trung Quốc bắt đầu vượt trội đội tàu của những thương nhân Đông Nam Á vốn đã khống chế ‘giao thương Trung Quốc’ thiên niên kỷ trước. Học giả người Đức Angela Schottenhannner đã cho thấy sự thay đổi này được phản ánh ra sao trong ngôn ngữ: từ hải thương (海商/hai shang) – giao thương biển - bắt đầu xuất hiện trong các văn bản của Trung Quốc lần đầu tiên và thậm chí cả ý nghĩa của từ hải (海/hai) để chỉ biển trong tiếng Trung cũng thay đổi. Trước đó từ này ngụ ý là nơi gặp gỡ giữa nền văn minh và cái chưa biết. Từ giữa thế kỷ XVI trở đi nó mất ý nghĩa thần bí đó và tiến triển thành một mô tả đơn giản về địa lí.[7]

Một cải cách tiếp theo của nhà Minh đã làm thay đổi không những Trung Quốc mà cả thế giới. Năm 1570 chính phủ đã lâm vào điều không thể tránh khỏi và ra lệnh rằng thuế cũng phải trả bằng bạc. Nhưng đơn giản là không có đủ bạc ở Trung Quốc, hay Nhật Bản, đáp ứng được nhu cầu. Giá cả tăng hơn mức có thể chi trả. Việc phát hiện ra mỏ bạc lớn nhất thế giới tại Potosi cách xa 20 000 km, nằm trên vùng cao núi Andes (Nam Mĩ) do Tây Ban Nha kiểm soát, đã cứu vãn nhà Minh.

Hiệp ước của Zaragoza đã cho phép người Tây Ban Nha giữ tiếp vị trí của họ ở Philippines và năm 1571 những người thừa kế của Magellan thành lập một cơ sở kinh doanh ở Manila. Họ nắm được tin giá bạc tăng vọt phía bên kia biển và do đó bắt đầu cuộc ‘giao thương Acapulco’ (cảng biển chính ở Mexico). Trong hơn một thế kỉ, mỗi năm thuyền buồm đã vận chuyển khoảng 150 tấn bạc từ Mexico qua Thái Bình Dương đến Manila, ở đó bạc được bán để mua vàng, lụa, gốm sứ từ Trung Quốc. Tương tự như vậy một lượng lớn bạc đi về phía Đông từ Potosi, qua ngã Châu Âu. Giá bạc ở Trung Quốc - tính so với vàng - gấp đôi giá ở Châu Âu. Chỉ việc vận chuyển bạc ở Andean tới Trung Quốc, đổi nó lấy vàng và bán lại vàng đó ở Châu Âu, đế quốc Tây Ban Nha có thể kiếm được lợi nhuận khổng lồ - và chi trả cho các cuộc chiến tranh ở Châu Âu.[8] Đồng thời các tầng lớp trên ở Châu Âu nhanh chóng phát triển thị hiếu xa hoa về lụa và đồ sứ Trung Quốc.

Đối mặt với một ‘cơ hội bạc’ như vậy, dân số người Hoa ở Manila phồng lên, đạt tới 10.000 trong vòng 30 năm. Hầu hết số người này đều có gốc gác từ bốn thị trấn thuộc vùng Tấn Giang (Jinjiang) tỉnh Phúc Kiến.[9] Manila đã trở thành một điểm dừng quan trọng trên con đường giao thương phía Đông quanh Biển Đông. Cùng với bạc, người Phúc Kiến vận chuyển về quê những hạt giống theo đúng nghĩa đen cho sự phát triển tương lai của miền Nam Trung Quốc. Người Tây Ban Nha mang ngô, khoai lang và đậu phộng từ Nam Mỹ tới và nông dân khám phá ra rằng tất cả các thứ này đều mọc tốt trong đất ở miền Nam Trung Quốc dẫn đến một cuộc cách mạng nông nghiệp và sự gia tăng nhanh chóng về dân số.

Dù tốt hơn hay tồi tệ hơn, từ đó bờ biển Trung Quốc đã được tích hợp vào nền kinh tế toàn cầu. Mạng lưới người Hoa, Malay, Arab và Châu Âu đã truyền tác động của những khẩu pháo và tiền tệ tới khắp thế giới. Đến cuối thế kỷ XVI, đế quốc hợp nhất Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha thống trị nền giao thương của Châu Âu với Châu Á. Nhưng đế quốc này đã mục ruỗng từ bên trong. Năm 1581, sau hai thập kỷ bất ổn và đè nén, các nhà cai trị của bảy tỉnh Hà Lan tuyên bố độc lập với những nhà cai trị Tây Ban Nha ở Habsburg. Để đáp trả, người Bồ Đào Nha đã cố cắt đi việc cung cấp các loại gia vị Châu Á. Phản ứng của Hà Lan làm rung chuyển thế giới. Điều họ cần tới là một bản đồ tốt.

Đáp trả cho lời cầu nguyện đấng toàn năng (theo thần học John Calvin) của họ là Jan Huyghen van Linschoten, một người Hà Lan đã từng đi tới Tây Ban Nha khi còn là một thiếu niên và từng cùng với người Bồ Đào Nha đi tàu giữa các tiền đồn của họ ở Goa, Malacca và Macao (chỗ neo tàu gần Quảng Châu nhất mà người Bồ Đào Nha thuê được từ chính quyền Trung Quốc). Ông cần mẫn sao chép các bản đồ và hướng dẫn đi tàu của họ cho đến khi rương tàu của ông, trên thực tế, nắm giữ các chìa khoá đến Châu Á. Năm 1594, sau một cuộc hành trình đầy nguy hiểm trở lại Hà Lan, ông đã giao các thứ cho một đồng hương, Cornelis de Houtman, người mà năm sau tổ chức chuyến đi đầu tiên của người Hà Lan đến Đông Nam Á. Chuyến đi đó là một thảm họa. Hai phần ba người trong đoàn bị thiệt mạng, de Houtman xúc phạm Quốc vương xứ Banten, ra lệnh giết người và hãm hiếp và cố thoát chết trở về. Tuy nhiên, ông đã chứng minh rằng người Hà Lan có thể giao thương độc lập với các đảo Gia vị.

Năm 1596 Jan Huyghen chia sẻ hiểu biết của mình với Châu Âu. Quyển Itinerario - câu chuyện về chuyến đi - và bản đồ của ông (đã nhanh chóng được dịch sang tiếng Anh và tiếng Đức) phá vỡ sự độc quyền kiến thức của Bồ Đào Nha về cách lái tàu trên các tuyến đường gia vị thế nào.[10] Đối với các doanh nghiệp Bắc Âu, điều này là một cơ hội kép - một dịp may để vừa tới Habsburgs vừa tạo ra của cải cá nhân. Ngày 31 tháng 12 năm 1600, Nữ hoàng Anh Elizabeth cấp cho 216 quý tộc và thương gia một Giấy phép Hoàng gia thành lập Công ty Đông Ấn (East India Company hay EIC). Hai năm sau, tại Amsterdam, một công ty Hà Lan tương đương là Công ty Đông Ấn Hà Lan (Vereenigde Oostindische Compagnie hay VOC , được tạo thành từ việc sáp nhập sáu công ty nhỏ. VOC vừa là một công ty thương mại vừa là một cánh tay của nhà nước được cấp giấy phép đặc biệt để chống lại Bồ Đào Nha. Nhưng người Bồ Đào Nha không từ bỏ dễ dàng. Cuộc thi thố giữa hai nước này cuối cùng dẫn đến ‘thế chiến’ thứ nhất, định hình lại Đông Nam Á và cho chúng ta hệ thống luật biển quốc tế làm nền tảng cho cuộc xung đột ở Biển Đông cho đến ngày nay.


[1] Robert Batchelor, ‘The Selden Map Rediscovered: A Chinese Map of East Asian Shipping Routes, c. 1619’, Imago Mundi, vol. 65 (2013), 37-63. For an alternative account of how the map might have reached England see Timothy Brook’s Mr. Selden’s Map of China: The Spice Trade, a Lost Chart and the South China Sea (Rotterdam, 2014).

[2] David Sandler Berkovwtz, John Selden’s Formative Years: Politics and Society in Early Seventeenth-Century England (Cranbury, New Jersey, 1988).

[3] Roderich Ptak, ‘Ming Maritime Trade to Southeast Asia 1368-1567: Vision of a “System”, In Claude Guillot, Denys Lombard and Roderich Ptak (eds), From the Medoterranean to the China Sea (Weisbaden, 1998), 157-92.

[4] Roderich Ptak, ‘Portugal and China: An Anatomy of Harmonious Coexistence (Sixteenth ans Seventeenth Centuries)’, in Laura Jarnagin, Culture and Identity in the Luso-Asian World: Tenacities & Plasticities (Singapore, 2012) (Portuguese and Luso-Asian Legacies in Southeast Asia, 1511-2011, vol. 2), 225-44.

[5] Léonard Blussé, “No boat China. The Dutch East India Company and the Changing Pattern of the China Sea Trade 1635-1690’, Modern Asian Studies, vol. 30 (1996), 51-76.

[6] Ibid.

[7] Angela Stottenhammer, “The Sea as Barrier and Contact Zone: Matitime Space and Sea Routes in Traditional China”, in Angela Stottenhammer and Roderich Ptak (eds), The Perception of Maritime Space in Traditional Chinese Sources (Wiesbaden, 2006), 3-13.

[8] Dennis O. Flynn and Arturo Giráldez, ‘Born with a “Silver Spoon”: The Origin of World Trade in 1571’, Journal of World History, vol. 6 (1996), 201-21.

[9] Léonard Blussé, ’Chinese Century. The Eighteenth century in the China Sea Region’, Archipel, vol. 586(1999), 107-29.

[10] Cornelis Koeman, Jan Huygen van Linschoten (Coimbra, 1984)

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn