Dự án 10 sân golf ở Quảng Bình – Làm sân golf hay chiếm đất?

clip_image001

TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Internet)

Đất sử dụng làm sân golf gây ô nhiễm môi trường gấp 5 – 8 lần so với sử dụng sản xuất nông nghiệp, theo Bộ Khoa học & Đầu tư. Còn trung bình một sân golf 18 lỗ tiêu thụ 150.000 m3 nước sạch/tháng, tương đương với 20.000 hộ gia đình sử dụng…

10 sân golf với tổng nguồn vốn tối thiểu 3.000 tỷ đồng

Ngày 14/8 vừa qua, đại diện tỉnh Quảng Bình và Tập đoàn FLC đã ký bản ghi nhớ cam kết đầu tư tổ hợp 10 sân golf tại Quảng Bình, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch Quảng Bình 2015, báo Thanh Niên dẫn nguồn FLC News cho hay.

Dự kiến, Tổ hợp 10 sân golf sẽ được xây dựng dọc theo bờ biển từ TP. Đồng Hới, qua huyện Quảng Ninh, đến điểm cuối là xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy. Bình quân mỗi sân golf có 18 lỗ, tương đương với tổng nguồn vốn đầu tư tối thiểu là 3.000 tỷ đồng. Diện tích đất dành cho tổ hợp sân golf này khoảng 1.000 ha, theo FLC News.

clip_image002Tổng nguồn vốn đầu tư tối thiểu cho dự án tổ hợp 10 sân golf tại Quảng Bình là 3.000 tỷ đồng (Ảnh: FLC News)

Ông Đặng Tất Thắng Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn FLC khẳng định, nếu được chấp thuận đầu tư, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành sau 3 năm. Trước mắt, một số sân đầu tiên cùng khoảng 500 phòng khách sạn sẽ đi vào hoạt động sau 1 năm.

Cứ mỗi sân golf sẽ kèm theo một resort đẳng cấp 5 – 6 sao để phục vụ khách du lịch và các golf thủ lưu trú, nghỉ dưỡng…”, và Tập đoàn FLC cam kết sẽ sử dụng 90% lao động từ địa phương, ông Thắng cho hay.

Được biết, trước khi Hội nghị ngày 14/8 diễn ra, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành 34 dự án du lịch kêu gọi đầu tư tại địa phương giai đoạn 2015-2020, với tổng số vốn lên tới hơn 22.900 tỷ đồng, tương đương 1,063 tỷ USD.

Ông Trương An NinhChánh Văn phòng, người phát ngôn UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tổ hợp sân golf sẽ thu hút khách du lịch hạng sang đến với Quảng Bình, kéo dài thời gian lưu trú. Làm tổ hợp sân golf cũng giúp nâng cao giá trị sử dụng cho dải sa mạc cát ven biển này. “Thảm cỏ xanh, rừng cây của sân golf sẽ chống được nạn cát bay, cát chạy, bảo vệ mùa màng, nhà cửa của người dân phía trong, ven các đồi cát”, ông Ninh nói trên báo VnExpress.

Vì sao dự án sân golf luôn bị phản đối?

Ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan chủ trì về các quy hoạch sân golf – cho biết chưa nhận được tờ trình của tỉnh Quảng Bình về dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, theo thông tin từ báo Người Lao Động.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, phải xem xét đề xuất của Quảng Bình. “Phải kiểm soát chặt việc xin đất làm sân golf, tránh đến lúc không hiệu quả lại chuyển sang khu đô thị, resort…”, ông Phúc nói.

Chủ tịch tổng hội Xây dựng Việt Nam – ông Trần Ngọc Hùng cũng có cùng ý kiến trên khi cho rằng tỉnh Quảng Bình phải đưa ra quy định rất cụ thể, buộc nhà đầu tư phải cam kết không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng từ dự án sân golf sang kinh doanh BĐS hay vì mục đích khác, xin điều chỉnh quy hoạch để dành đất để đầu cơ.

clip_image004Phối cảnh dự án Quần thể sân golf và resort 3.500 tỷ đồng tại Bình Định. FLC được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 24/4/2015. (Nguồn: FLC News)

Theo Thời báo Ngân hàng, quy hoạch sân golf của Thủ tướng là đến năm 2020 cả nước có 96 sân golf nằm trên địa bàn 34 tỉnh, thành phố.

Trong đó: Vùng Trung du miền núi Bắc Bộ có 14 sân; Đồng bằng sông Hồng có 19 sân; Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ có 30 sân; Tây Nguyên có 7 sân; Đông Nam Bộ 22 sân và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long 4 sân.

Đáng chú ý là xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An có trên 2.000 ha đất tự nhiên thì hơn 1.500 ha đã được các nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục đo đạc, trong đó có tới 5 dự án sân golf, theo thông tin từ Saigon Houses. Với 7 sân golf – huyện Cần Giuộc trở thành huyện có mật độ sân golf lớn nhất cả nước!

Theo đó, ông Trần Ngọc Hùng cho biết, trong số sân golf bổ sung vào quy hoạch, không có tên dự án của tỉnh Quảng Bình, theo thông tin từ báo Đất Việt. Ngoài ra, từ trước khi có công bố chính thức của tỉnh vào ngày 14/8, ông Hùng nhấn mạnh UBND Quảng Bình cần chứng minh tính hiệu quả và tác động của dự án tới điều kiện phát triển kinh tế- xã hội- chính trị của địa phương.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, việc xây dựng đến 10 sân golf với lý do để thu hút khách du lịch thì cần thận trọng, vì khó có sự bùng nổ khách du lịch chất lượng cao, theo VOV – Miền trung.

Theo báo Nhịp cầu Đầu tư, việc hòa vốn cho một dự án golf là không đơn giản. Lấy ví dụ, một sân golf 18 lỗ như sân golf Phan Thiết, muốn lấy lại vốn, trung bình phải có ít nhất 30.000 lượt người chơi/năm. Còn muốn có lợi nhuận 10% thì phải là 33.000 lượt người chơi/năm.

Ông Thiên cũng cho biết làm sân golf chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường, có ảnh hưởng rất lớn đối với vùng ven biển, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Theo báo cáo của Bộ Khoa học & Đầu tư, xét về góc độ tài nguyên môi trường, để bảo vệ loại cỏ của sân golf cần một lượng hóa chất rất lớn, vì thế, đất sử dụng làm sân golf gây ô nhiễm môi trường gấp 5 – 8 lần so với sử dụng sản xuất nông nghiệp.

Kết quả khảo sát ở khu vực Đông Nam Á cho thấy, mỗi ha sân golf sử dụng đến 1,5 tấn hoá chất/năm. Về nước sạch, trung bình một sân golf 18 lỗ tiêu thụ 150.000 m3 nước sạch/tháng, tương đương với 20.000 hộ gia đình sử dụng, theo thông tin từ Saigon Houses.

Ông Võ Lê Tuấn – Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Long An chỉ rõ, xây sân golf sẽ khiến đất nông nghiệp bị bao chiếm nhiều nhất. “Sân golf chủ yếu phục vụ cho tầng lớp thượng lưu! Tôi cho rằng, một số nhà đầu tư có nhu cầu thực sự. Nhưng phần lớn đăng ký diện tích đất nhiều, nói để làm sân golf, nhưng đằng sau chủ yếu là đầu tư biệt thự, nhà vườn, khu nghỉ dưỡng, du lịch, cần thiết cho thuê lại để tạo lợi nhuận. Vì chỉ có dự án sân golf mới có được diện tích lớn, chứ nếu đăng ký làm nhà máy, doanh nhiệp thì đất không được nhiều!”, ông Tuấn nói trên Saigon Houses.

Trong khi nhiều tỉnh vẫn đang thiếu đất xây dựng các công trình an sinh xã hội, phục vụ đời sống như trường học, bệnh việnthì đất lại được dùng để xây dựng sân golf. Lý do xây dựng để phát triển du lịch, tạo công việc cho nhân công địa phương thường được đưa ra khi công bố dự án lên tới hàng nghìn tỷ.

Thực tế cho thấy, diện tích sân golf rất lớn, từ 100 ha trở lên, nhưng lại chỉ phục vụ cho 1 số ít người thuộc đối tượng khách hạng sang. Trong khi đó, số đông nông dân bị thu hồi đất sản xuất được tạo việc làm thì lại không đáng kể, và cũng chỉ có khả năng trở thành lao động bậc thấp trong hệ thống sân golf nói trên. Do đó, việc chấp nhận các dự án sân golf là bất lợi hơn so với các dự án công nghiệp, dịch vụ và giáo dục khác.

Phan A tổng hợp

Nguồn: https://daikynguyenvn.com/viet-nam/du%CC%A3-an-10-san-golf-o-quang-binh-lam-san-golf-hay-chiem-dat.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn