PHÁ GIÁ ĐỒNG NGUYÊN

Lê Minh

Như chúng ta đã biết, hôm nay Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (tức Ngân hàng Trung ương) lại phá giá đồng Nhân dân tệ hay còn gọi là đồng Nguyên. Đây là lần thứ ba trong tuần này Trung Quốc phá giá đồng nội tệ và nay đồng Nguyên đã mất 4,4% giá trị của nó so với đồng dollar Mỹ. Theo The New York Times, đó là vụ phá giá nghiêm trọng nhất của đồng Nhân dân tệ trong hàng chục năm nay. Tờ báo có uy tín này của Mỹ cũng nhận xét rằng, động thái trên của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc chứng tỏ giới lãnh đạo Bắc Kinh đang hết sức quan ngại về thực trạng kinh tế của nước này và có thể nói là họ đang ở trong tình trạng hoảng loạn. Mới chỉ cách đây hai tháng Bắc Kinh tìm cách nâng giá đồng Nhân dân tệ để ngăn chặn thoát vốn, thì nay họ phải chấp nhận phá giá đồng tiền này. Bloomberg mới nêu thêm một lý do nữa khiến Trung Quốc phá giá đồng NDT, đó là dự trữ ngoại tệ của họ giảm nghiêm trọng, từ 315 tỷ USD trong tháng bảy, nay chỉ còn có 3650 tỷ mà thôi.

Một điều đáng chú ý là trong suốt hơn hai mươi năm qua, đồng Nhân dân tệ chỉ lên giá so với với các ngoại tệ khác, hoặc chí ít là ổn định. Nếu vào đầu những năm 90 tỷ giá hối đoái là 1 USD = 8 Nguyên thì nay sau ba lần phá giá trong tuần này một dollar Mỹ vẫn chỉ ăn 6,4 Nguyên. Nhưng Bắc Kinh không thể không phá giá đồng nội tệ của mình sau khi các dữ liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc cho thấy là xuất khẩu của nước này giảm 8,3% trong tháng Bảy. Tiếp sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc vào tháng trước, đó là một lời cảnh báo nghiêm khắc đối với Trung Nam Hải về thực trạng kinh tế của đất nước mà họ đang lãnh đạo và quản lý.

Xuất khẩu là một trong ba trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc. Hai trụ cột còn lại là đầu tư và tiêu thụ nội địa, nhưng cả hai đều có vấn đề. Các tập đoàn siêu quốc gia đang dần dần rút lui khỏi thị trường Trung Quốc, trong khi đó tiêu thụ nội địa vẫn hết sức èo uột mặc dù chính phủ trung ương ở Bắc Kinh ra sức kêu gọi tăng cường sức mua của người dân Trung Quốc. Sự sụp đổ của thị trường bất động sản Trung Quốc bắt đầu cách đây hai năm là một bằng chứng hùng hồn về cái mà nhiều nhà kinh tế có tên tuổi trên thế giới gọi là nền kinh tế bong bóng. Theo The New York Times, sản xuất xi măng, kính và thép đã giảm 5%, 13,5% và 1,8% trong tháng bảy, mức kỷ lục trong nhiều năm nay.

Bằng việc phá giá đồng Nhân dân tệ các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh tìm cách hạ giá hàng xuất khẩu nhằm duy trì thị phần của hàng hóa Trung Quốc trên thị trường thế giới, mà trước hết là ở Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật và các nước phương Tây khác. Đối với Trung Quốc, thị trường Mỹ cực kỳ quan trọng. Theo ông Nguyễn Xuân Nghĩa, một chuyên gia kinh tế người Việt có tên tuổi ở Mỹ, GDP của nước này là khoảng 18.000 tỷ USD, trong đó chỉ có 12% (khoảng 1500 tỷ) là nhập khẩu. Ba nước xuất khẩu sang Mỹ hàng đầu là Trung Quốc, Nhật và Đức. Người Mỹ tiêu thụ khoảng 19% hàng xuất khẩu của Trung Quốc, 18% hàng xuất khẩu của Nhật và 9% - của Đức. Trong bối cảnh ảm đạm của kinh tế thế giới thì Mỹ là điểm sáng nhất, mặc dù nước này còn chưa hoàn toàn khắc phục được những hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế 2008-2009.

Việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ là một phần của cuộc chiến ngoại tệ đã kéo dài từ mấy năm nay. Hãy còn quá sớm đề kết luận là động thái tuyệt vọng này của Trung Quốc sẽ đem lại hiệu quả và đưa nền kinh tế nước này thoát ra khỏi vòng suy thoái. Trên thực tế, nền kinh tế Trung Quốc tuy lớn, nhưng có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng. Mà những vấn đề này không thể giải quyết triệt để bằng các biện pháp tiền tệ như bơm tiền, tăng giảm lãi xuất chiết khấu hay điều chỉnh tỷ giá hối đoái. Để làm được điều đó, Trung Quốc phải chấp nhận cải cách kinh tế và chính trị một cách triệt để, chứ không phải chữa cháy như hiện nay.

Viết từ Saint Petersburg

L.M.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn