‘Trận chiến’ mới của nước Việt và thời ra ngõ gặp… Giáo sư

Kỳ Duyên

Thời thế nước Việt đang rất cần những người lãnh đạo, biết tạo nên… thời thế.

Chỉ còn vài ngày nữa, đất nước sẽ diễn ra một sự kiện lớn – kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9, ngày mà cách đây đúng 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đo bằng tầm tư duy thời đại

70 năm với đời người đã là thuộc hàng xưa nay hiếm.

Nhưng 70 năm với một đất nước vẫn là quá non trẻ, nhất là đất nước ấy mới chập chững đi trên con đường phát triển của nền kinh tế thị trường được gần 30 năm. Và đang trên hành trình hội nhập thế giới hiện đại. So với nhiều nước trên thế giới có hàng mấy trăm năm buôn có bạn bán có phường, dày dạn kinh nghiệm, thì một đất nước nền hòa bình non trẻ, kinh tế thị trường còn non trẻ hơn, chỉ có vũ khí thô sơ dám đánh thắng những đế quốc, và đang mày mò làm ăn, quả thực, đó là sự đáng trân trọng.

Nhưng không ai có thể sống mãi bằng quá khứ.

clip_image001

70 năm với một đất nước vẫn là quá non trẻ, nhất là đất nước ấy mới chập chững đi trên con đường phát triển của nền kinh tế thị trường được gần 30 năm. Ảnh minh họa

Trong nền văn học Việt Nam, có một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng – “Ăn mày dĩ vãng” của một nhà văn, cũng là một người lính đặc công – Chu Lai. Câu chuyện của người lính và thông điệp trong tác phẩm xuất bản năm 1991, gần ¼ thế kỷ, có gì đó rất gần gũi với số phận và vị thế của “người lính nông dân – dân tộc VN hôm nay, rằng không thể gặm nhấm mãi bằng quá khứ chiến tranh, dù hào hùng đến đâu, để mang “hành trang” đó bước vào thời hòa bình. Khi mà trận chiến thị trường vốn khắc nghiệt không kém chiến trường, đòi hỏi trí tuệ, học vấn và sự hiểu biết “luật chơi”.

Người viết bài tâm đắc với những chia sẻ của GS Vũ Minh Giang, tại cuộc tọa đàm trực tuyến của Tuần Việt Nam (ngày 24/8), nhan đề “Gặm nhấm quá khứ không phải con đường trị quốc” khi ông cho rằng, thời buổi bây giờ chỉ khoe khoang thành tích trong quá khứ thì sẽ ngủ quên trong hào quang quá khứ và sẽ bị tụt hậu ngày càng xa so với thế giới. “Ăn mày dĩ vãng” không phải là con đường đưa đất nước đi lên và chắc chắn đó không phải là điều chúng ta mong đợi.

Đặc biệt, ông dẫn chứng về những đánh giá của giới sử học Pháp trong một hội nghị quốc tế, khi họ cho rằng con đường cải cách là cách đi thông minh và cần tới tầm nhìn của giới lãnh đạo, biết mình lạc hậu để cải đổi.

Và nếu với cái nhìn soi chiếu như vậy, đổi mới ở VN, theo GS Vũ Minh Giang, là một cuộc cải cách sâu sắc.

Nhưng trước yêu cầu hội nhập quốc tế, của ASEAN, và của TPP trong tương lai không xa, thì với người viết bài này, những thành tựu của đổi mới 30 năm qua, cho dù có rất nhiều sự thay đổi về diện mạo lẫn chất lượng vật chất cuộc sống, đâu đâu cũng thấy xây cho nhà cao, cao mãi, thì thành tựu đó cũng đang dần trở thành… quá khứ. 

Nước Việt vẫn đang đứng trước những thách thức không nhỏ.

Mặc dù, tại cuộc họp đánh giá về những biến động của kinh tế thế giới gần đây tác động đến nền kinh tế VN, người đứng đầu CP nhận định, chưa có dấu hiệu gì lớn làm đảo lộn kinh tế vĩ mô, buộc VN phải điều chỉnh mục tiêu. Dù vậy, những diễn biến hết sức khó lường của kinh tế khu vực và thế giới nếu không nắm chắc, ứng phó không tốt, không chủ động thì VN không tận dụng được những cơ hội mới (VietNamNet, ngày 25/8).

Sứ mệnh hội nhập hiện đại đòi hỏi chiến lược của đất nước không chỉ đo bằng các chỉ số, mà đo bằng tầm tư duy của… thời đại.

Liệu nước Việt có thể dấn thân vào TPP nay mai với một vị thế tự tin, khi mà hành trang còn “trĩu nặng” những âu lo của sự phát triển kinh tế - XH, khi phải so bề cao thấp với những láng giềng châu Á và khu vực?

Khi mà chỉ còn ít tháng nữa, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) – khối kinh tế khu vực của các quốc gia thành viên ASEAN sẽ thành lập, nước Việt đứng ở đâu trong cộng đồng này? Mà theo một báo cáo vừa được cơ quan thống kê ASEAN công bố, giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước ASEAN năm 2014 đạt 2,57 nghìn tỷ USD, tăng trưởng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng của VN năm 2014 đạt 6%, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của ASEAN, nhưng lại…  thấp hơn so với mức bình quân 6,6% của nhóm các nước CLMV (gồm Campuchia, Lào, Myanmar và VN) (theo NĐH - Tạp chí điện tử Nhịp sống số, ngày 24/8).

Nhưng TPP không phải là ASEAN, nên những thách thức của sự hội nhập hẳn còn cam go hơn nữa, tựa như trong truyền thuyết Sơn tinh - Thủy tinh, phải có voi chín ngà, gà chín cựa ngựa chín hồng mao. Nghĩa là sự cố gắng đều phải vượt bậc, thể hiện cả tài trí lẫn năng lực hành động hơn người.

Theo các chuyên gia kinh tế, và nhất là theo Luật sư Eric C. Emerson (Hãng luật Steptoe & Johnson), có ba thách thức với nước Việt khi tham gia TPP.

clip_image002

Nước Việt sẽ… trèo qua ba ngọn núi này như thế nào đây để phát triển với những giá trị văn minh, văn hóa của thời đại? Ảnh minh họa: Zing.vn

Thứ nhất là lĩnh vực pháp lý. Do hệ thống các quy định của VN nhìn chung còn kém phát triển.

Thứ hai, các ngành công nghiệp địa phương của VN cần cam kết giảm thuế, tăng sự cạnh tranh nhập khẩu.

Thứ ba, kinh tế VN sẽ phải đối mặt với đòi hỏi từ các nước TPP về việc mở rộng cửa hơn nữa cho đầu tư nước ngoài ở những lĩnh vực như viễn thông và dịch vụ tài chính. Thỏa mãn những yêu cầu này sẽ là thách thức về mặt kinh doanh và chính sách công.

Nước Việt sẽ… trèo qua ba ngọn núi này như thế nào đây để phát triển với những giá trị văn minh, văn hóa của thời đại?

Chợt nhớ nhận định của GS Trần Ngọc Vương tại tọa đàm trực tuyến của Tuần Việt Nam, khi ông cho rằng có hai điều quyết định:

Đó là tầm nhìn của lãnh đạo. Nhìn lại lịch sử VN và thế giới sẽ thấy, các giai đoạn quan trọng, nếu không có vĩ nhân ra tay thì hiệu quả sẽ rất thấp.

Đó là người lãnh đạo phải đại diện cho lương tri cộng đồng. Trí tuệ và cái tầm của giới lãnh đạo chính là điều mà nhân dân, đất nước này luôn quan tâm tìm kiếm và tha thiết mong xuất hiện. Nếu không có những yếu tố đó, mọi sự đổi mới đều bị kìm hãm, bị đánh lạc và bị chuyển sang một quỹ đạo khác.

Cả hai điều đều quá lớn, và cũng khó như thể… tìm kim

“Hiếu” đại học để làm gì?

Giữa bối cảnh đó, cả XH như vừa …. “lên đồng” trước một sự kiện lớn của ngành GD – kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia (kết hợp tuyển sinh ĐH) – kỳ thi đầu tiên theo chủ trương “2 trong 1”, cũng là kỳ thi mà lần đầu tiên báo chí, các trang mạng XH phải dùng những cụm từ rất ấn tượng “chứng khoán tuyển sinh”, “vỡ trận” mới miêu tả được hết cái sự nóng bỏng của không khí thi cử.

Người viết không bàn về kỳ thi này, dù đây là chủ trương đúng của ngành GD, nhưng sự “vỡ trận” lại rơi vào thiết kế kỹ thuật – điểm yếu nhất – gót chân Asin ở bất kỳ kỳ thi nào.

Cũng không bàn về cái sự “quan liêu bao cấp” của quản lý GD nhà nước trong công tác tuyển sinh – lẽ ra phải là việc của các trường ĐH hoàn toàn có khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm XH. Khiến cho không ít câu hỏi nghi vấn đặt ra – liệu có vấn đề nhóm lợi ích ở đây?

clip_image003

Nhiều sinh viên du học sang các nước phải “bị” đào tạo lại, gây ra sự lãng phí tiền bạc không ít. Ảnh minh họa: Thetreeacademy.edu.vn

Cũng không bàn về cái sự “vỡ trận” bởi những bất cập của hệ thống IT của ngành GD ở những giây phút đầu, do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng chỉ “tin cậy” Viettel. Do lợi ích? Hay do Cục Công nghệ Thông tin không đủ… trọng lượng với chính Bộ GD nhiều năm nay?

Mà chỉ xin bàn về chuyện “hiếu” ĐH của người Việt.

Từ xa xưa, người dân Việt vốn có truyền thống hiếu học và rất trọng thi cử. Cái sự hiếu học đó từng đi vào văn học dân gian: Sáng trăng sáng cả vườn chè/ Một gian nhà nhỏ đi về có nhau/ Vì tằm tôi phải chạy dâu/ Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay/ Chồng tôi thi đỗ khoa này/ Bõ công kinh sử từ ngày lấy tôi… …Tôi hằng khuyên sớm khuyên trưa/ Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng/ Một quan là sáu trăm đồng/ Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi/ Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy/ Hai bên có lính hầu đi dẹp đường/ Tôi ra đón tận gốc bàng/ Chồng tôi xuống ngựa cả làng ra xem/ Đêm nay mới thật là đêm…

Nhưng ở thời kim tiền này, cái sự hiếu học ấy phải nâng cấp theo thời đại – “hiếu” ĐH. Ngày xưa, giáo dục tinh hoa, cử nhân, trạng nguyên là của hiếm. Chứ ngày nay, thời giáo dục đại chúng, cử nhân, TS, ThS, GS cứ… ra ngõ là gặp. Nếu biết rằng, cả nước có tới 24.300 TS, 101.000 ThS. Nếu biết rằng, theo TS Nguyễn Khắc Hùng (Học viện HCQG) ở hàm Thứ trưởng trở lên, số quan chức có trình độ TS ở VN cao gấp 05 lần Nhật Bản, một quốc gia phát triển. Nếu biết rằng, có dạo, Thủ đô HN có dự kiến “phổ cập” TS cho các cán bộ quan chức diện Thành ủy quản lý, v.v.

Có điều, hiện tượng “hiếu” ĐH thái quá đó, liệu có góp phần không nhỏ vào sự… thất nghiệp hay không? Bởi theo VnExpress, ngày 20/7, thống kê của Viện Khoa học lao động và Xã hội cho biết, trong 03 tháng đầu năm, cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp, tăng 114.000 người so với cùng kỳ năm 2014. Số lao động trình độ ĐH, sau ĐH thất nghiệp tăng từ hơn 162.000 lên gần 178.000 người; tăng khoảng 16.000 so với cùng kỳ năm 2014. Lao động tốt nghiệp CĐ thất nghiệp tăng từ 79.000 người lên hơn 100.000; lao động không có bằng cấp từ gần 630.000 lên 726.000. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất lại nằm ở… nhóm có trình độ CĐ chuyên nghiệp và CĐ nghề, tương ứng là 7,2% và gần 6,9%. Nhóm không có bằng cấp, chứng chỉ tỷ lệ này chỉ ở mức 1,97%.

clip_image004

Ảnh: VietNamNet

Nhưng những điều sau đây rất đáng nghĩ. Bởi chất lượng và hiệu quả đào tạo chưa tương thích với nhu cầu phát triển kinh tế - XH. Cho dù không thể phủ nhận sự đóng góp của GD về nguồn nhân lực cho thị trường lao động suốt 70 năm qua.

Đó là nổi bật nhất có 03 điểm bất cập:

1)- Mặc dù có tới hơn 400 trường ĐH, CĐ cả nước, cho đến nay bằng cấp của VN vẫn chưa được các trường ĐH trên thế giới công nhận. Nhiều sinh viên du học sang các nước phải “bị” đào tạo lại, gây ra sự lãng phí tiền bạc không ít.

2)- Số lượng GS, TS của VN khá đông, nhưng năng suất khoa học khá thấp. Theo số liệu của GS Nguyễn Văn Tuấn từ năm 2014,  cho thấy  năm 2013 số PGS VN cao hơn Thái Lan gấp 1.6 lần, số GS VN cao hơn Thái Lan 2.2 lần. Nhưng từ năm 2009-2013, VN công bố được có 7.227 bài báo, còn Thái Lan công bố được 27.200 bài. Như vậy, số bài báo khoa học của VN chỉ bằng 26% của Thái Lan! Tính trung bình, mỗi GS Thái Lan công bố 1.68 bài báo khoa học trong 05 năm, còn VN thì 0.32 bài, một khác biệt tới 5.2 lần.

3)- Số lượng GS, TS nhiều như thế, nhưng hầu hết các phát minh, sáng chế lại thuộc sở hữu của các nhà “khoa học chân đất”. Có cảm giác các GS, TS đang mũ ni che tai trước thời cuộc? Còn các nhà khoa học chân đất lại thà đốt lên một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối. Mà cuộc gặp mặt của người đứng đầu CP mới đây với 63 nhà “khoa học chân đất” với những chế tạo, sáng chế cho mình và cho cộng đồng, như một minh chứng, vừa vui vừa buồn, vừa cười, vừa muốn… mếu.

Như công trình nghiên cứu bào chế thuốc mỡ sinh cơ chữa bỏng và vết thương lâu liền; máy vò chè cải tiến; hệ thống chưng cất tinh dầu quế bằng hơi nước; máy ép sợi bán tự động; lò sấy buồng đốt hình trụ bằng thép. Thậm chí có cả sáng chế máy đánh bắt ngao, mà tác giả là một cô nữ sinh – Trần Thị Lan Anh, lớp 11A6, Trường THPT Tây Tiền Hải (Tiền Hải, Thái Bình).

Vậy “hiếu” ĐH như vậy để làm gì?

Tại tọa đàm trực tuyến nói trên, GS Vũ Minh Giang chia sẻ một điều ông tâm đắc, và điều đó, cũng đang… chia sẻ với thực trang “hiếu” ĐH ở nước Việt. Đó là khi năm 2009, ông có cơ may được diện kiến Thủ tướng Lý Quang Diệu khi ông Lý Quang Diệu đến thăm VN. Điều khiến ông suy nghĩ rất nhiều, là khi vị Thủ tướng đất nước nhỏ bé mà hùng cường này cho rằng, VN có hai nguồn tài nguyên vô cùng quý giá là nhân lực và cơ hội. Nhưng thật đáng tiếc, VN lại là nước lãng phí hai nguồn tài nguyên này vào bậc nhất thế giới. Lãng phí tiền bạc cũng xót xa, nhưng lãng phí cơ hội thì một đi không trở lại, còn lãng phí nguồn lực con người thì không bao giờ bứt phá vươn lên được.

Người Việt trẻ “hiếu” ĐH bởi tin rằng cơ hội tìm việc làm sẽ dễ hơn. Tin rằng bằng cấp càng cao, càng dễ thăng quan tiến chức. “Hiếu” ĐH và cao hơn ĐH còn là để… làm quan.

Các trường ĐH cũng “hiếu” ĐH, mở rộng ngành nghề tràn lan bất chấp nhu cầu XH có thực ra sao, còn bởi chính… nồi cơm của các trường.

Quản lý GD cấp nhà nước cũng cần “hiếu” ĐH để thực hiện mục tiêu chính trị của họ về số sinh viên/đầu dân, bất cần biết XH cần những gì.

Cả XH “hiếu” ĐH nhưng đều nhằm mục tiêu chính mình, mà không phải mục tiêu cho một XH phát triển ra sao. Sự lãng phí nằm ngay trong cái tưởng là nhu cầu phát triển.

70 năm thành lập nước, 30 năm đổi mới. Và chỉ còn không đầy 05 năm nữa, VN phải cơ bản trở thành nước CNH, HĐH – những con số hối thúc bước chân của nước Việt phải vừa vững chãi vừa gấp gáp.

Thời thế nước Việt đang rất cần những người lãnh đạo biết tạo nên… thời thế.

K.D.

Nguồn: https://kimdunghn.wordpress.com/2015/08/29/tran-chien-moi-cua-nuoc-viet-va-thoi-ra-ngo-gap-giao-su/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn