Bạo lực ở đâu ra (1)

Đoan Trang

Ở đâu ra cái lệ công dân đi nước ngoài về thì Bộ Công an chặn lại ở sân bay, không cho làm thủ tục nhập cảnh, rồi đưa vào phòng kín lục đồ (lưu ý rằng công dân đó không hề có dấu hiệu vi phạm hành chính), hỏi vặn vẹo “đi đâu về, gặp ai, làm việc với ai, để làm gì...”?

Đã thế, khi người nhà và bạn bè của công dân đó đến sân bay chất vấn, làm rõ tình hình, thì chối quanh, kêu “không biết, không nghe thông tin gì”. Đỉnh cao của sự dối trá, trơ trẽn là Bộ còn giật dây, chỉ đạo công an cửa khẩu làm thủ tục xác nhận việc công dân “mất tích”.

Mặt khác, Bộ bố trí cho lính lác ra đánh trộm hành khách trên sân bay. Được sự bảo kê của an ninh sân bay, đám lính thường phục thò tay bấm huyệt, véo đùi, đấm vào bụng và sườn, đạp chân... nói chung đều là “đánh dưới thắt lưng” để tránh bị mọi người phát hiện, nhất là tránh bị ghi hình.

Tôi đã chứng kiến tất cả những cái đó. Cũng như mọi người khác, tôi chẳng lạ, chẳng ngán gì những trò bần tiện của “quý Bộ”. Nhưng điều làm tôi kinh sợ, là với não trạng ấy, với cung cách làm việc ấy của lực lượng bảo vệ chế độ, thì bạo lực là không tránh khỏi trong xã hội này và không có dấu hiệu chấm dứt. Và khi nhìn vào những gương mặt như những nhân viên CA trong mấy bức hình này, ngồi đối diện với những người như thế, tôi lại càng thấy lo ngại, vì một ý nghĩ rất tiêu cực: Hình như ở Việt Nam, có những người mà thật sự, bạo lực là ngôn ngữ duy nhất mà họ hiểu được.

clip_image001

clip_image002

clip_image003

Họ sẽ không bao giờ hiểu và tiếp nhận nổi những điều bình thường như “nhân quyền”, “thượng tôn pháp luật”, “tinh thần khoan dung”, “bác ái”, “tình người”, v.v. Nếu ta nói với họ về dân chủ, tự do, đạo của người quân tử... họ sẽ chẳng hiểu gì.

Nhưng nếu ta bảo họ “yêu nước là yêu Đảng, yêu CNXH; bọn chống đảng, kêu gào dân chủ là bọn phản động, phải tiêu diệt”, thì họ hiểu ngay, vì đấy là thứ ngôn ngữ duy nhất lọt vào tai, thấm vào đầu họ hàng ngày.

Tương tự, nếu ta bảo họ “mày là thằng mặt l.”(2), thì họ hiểu ngay lập tức.

Thế này thì hỏi làm sao ở Việt Nam, bạo lực lại phổ biến đến như thế, và sẽ còn phổ biến.

Đ.T.

Nguồn: https://www.facebook.com/pham.doan.trang

(1) Đầu đề của BVN

(2) Ở chỗ này, trên trang Facebook, tác giả có nói thêm: “Anh Pham ơi, mình phân tích logic với ngụy biện cho nó thì nó không hiểu nhưng mà mình bảo nó "mày là thằng mặt l." thì nó hiểu ngay và luôn. Từ đó suy ra là lời Ông Cụ dạy cán bộ ngày xưa đúng thật, viết lách nói chuyện gì thì cũng cứ phải thật bình dân, dễ hiểu”.

Phụ lục

1. Bạo lực liên tiếp diễn ra tại sân bay Nội Bài

Thảo Gạo

clip_image004

Thanh niên mặc áo đỏ trong hình là người đã vặn tay và tát tác giả bài viết, và đây là nụ cười của anh ta khi bị mọi người hỏi "sao đánh con gái".

22h00, tại sảnh A2, khu T2, cảng sân bay Quốc tế Nội Bài

Những người đi đón Tiến sỹ Nguyễn Quang A đang ngồi nói chuyện để quên đi hiện thực chua chát thì đột nhiên vang lên tiếng hét: “Đánh người, đánh người…”. Mọi người vội vã lao ra, thấy một tên to khỏe mặc áo trắng đang đánh Lưu Văn Minh (tức Dustin Bý) ngay trước cửa WC của sân bay, hắn túm cổ và đấm túi bụi vào đầu Minh. Ngay lập tức khoảng ba, bốn tên mặc thường phục và năm, sáu tên mặc quân phục lao vào đó, có lẽ để đánh hôi cũng như để ngăn nhóm người bảo vệ Minh. Những người nhanh chân nhất trong nhóm người đi đón ông Quang A chạy về phía Minh để bảo vệ bạn mình, đồng loạt hô to yêu cầu an ninh sân bay bảo vệ người dân. Còn các anh an ninh có mặt tại đó khéo léo vây bọc để cho kẻ áo trắng tẩu thoát.

Theo lời kể của Minh thì anh bị tấn công khi đang rửa tay trong toilet, lúc đó anh không để ý nên bị tấn công từ phía sau. Khi kẻ hành hung anh tháo chạy, bạn bè của Minh và người chứng kiến yêu cầu lực lượng an ninh, mà cụ thể là đội phó đội an ninh sân bay Nội Bài, lập biên bản tại hiện trường. Tuy nhiên các nhân viên công quyền từ chối, thậm chí thách thức người dân bằng giọng điệu: “Muốn lập biên bản thì về đồn làm việc”.

Rõ ràng sự quanh co chối tội và thái độ bất hợp tác với người dân của lực lượng an ninh tại sân bay Nội Bài cho thấy những sự việc diễn ra đều nằm trong tính toán của họ. Kẻ hành hung cũng không phải ai xa lạ, chính là người của họ.

Trước đó, khoảng 20h00

Khi nhóm người thân và bạn bè ông Nguyễn Quang A giơ biển được làm bằng giấy A3 đón ông (nội dung của biển gồm có: Chúng tôi đón Tiến sỹ Nguyễn Quang A; Chúng tôi tìm Tiến sỹ Nguyễn Quang A mất tích từ 9h00 sáng;…) thì ngay lập tức bị một lũ người lực lưỡng từ nhiều phía lao vào cướp, chúng giằng xé giấy đồng thời giở thói côn đồ với những người này. Chúng thụi vào bụng anh Lã Việt Dũng, đấm mạnh vào ngực anh Trịnh Anh Tuấn (tức Gió Lang Thang), bóp tay cô Đặng Bích Phượng và giật điện thoại chú Nguyễn Kim Môn (nhưng không được)... Trong cơn hỗn loạn, với đội ngũ hơn 10 người mặc thường phục của chúng, lại được những kẻ mặc quân phục ngang nhiên làm lơ, thì những người khác đều bị đánh, đẩy, đấm…

Cả hai sự việc trên đều diễn ra trong chớp nhoáng, chúng dàn quân, thu quân nhanh chóng, bố trí nhiều máy quay ở nhiều vị trí, tất cả các máy quay đều cùng một hãng Sony vẫn thường thấy lực lượng an ninh sử dụng từ trước đến nay.

Có mặt cùng nhóm đi đón ông Quang A đầu tiên, từ 16h00, người viết chứng kiến gần như toàn bộ diễn biến sự việc. Khi nhận được thông tin mất tích của ông A, nhóm bạn bè của ông có mặt tại Đồn Công an Cửa khẩu sân bay Nội Bài để hỏi về sự việc thì nhận được câu trả lời: “Không biết, không có thông tin gì” từ nhân viên trực ban. Cả nhóm nhanh chóng rời đến sân bay, gặp hỏi bất cứ nhân viên an ninh nào gặp được để xin hướng dẫn và hỗ trợ, những câu trả lời nhận được luôn là: “Không biết, không có thông tin. Đề nghị xuống đồn công an cửa khẩu sân bay Nội Nài trình báo”. Điều tệ hại hơn, khi yêu cầu những nhân viên an ninh hướng dẫn đó chịu trách nhiệm về những gì mình nói bằng một biên bản, ghi rõ tên và số hiệu của họ thì y như rằng họ lảng tránh, bỏ đi ngay.

Tiếp tục nỗ lực trong vô vọng, bạn bè của ông A thay nhau gọi điện đến đường dây nóng của Đồn Công an Cửa khẩu Sân bay Nội Bài và Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài để được trợ giúp. Thậm chí hai con trai ông phải bất đắc dĩ tiến hành khai báo với đồn công an sân bay Nội Bài rằng bố mình bị mất tích để cơ quan chức năng vào cuộc. Tuy nhiên, thái độ của cơ quan công quyền vẫn là dửng dưng, không hợp tác. Dù bên cạnh đó, dùng phần mềm di động, con trai ông A đã xác định được bố mình có mặt trong khu vực sân bay. Và trò chuyện qua điện thoại, ông A cũng cho biết ông chưa làm thủ tục nhập cảnh, đang bị câu lưu bởi lực lượng an ninh trong khu vực sân bay.

Sau này, qua lời kể của ông, cách mà A67 – Tổng cục an ninh – đối xử với ông khi ông bị “mời làm việc” riêng trong một phòng, suốt hơn 15 giờ, cũng không lấy gì làm thân ái. Bọn họ cũng giật điện thoại của ông khi ông sử dụng, cũng dọa dẫm khi ông không hợp tác…

Bạn đọc có thể đặt câu hỏi là ông Nguyễn Quang A đã làm gì để bị đối xử như vậy? Để những người đến đón ông, dù cư xử đúng khuôn khổ pháp luật, bị đối xử bất công và đầy bạo lực như vậy?

clip_image005

Hơn nửa đêm, an ninh mới chấm dứt câu lưu TS. Nguyễn Quang A.

Có phải bạo lực nhằm vào người bảo vệ nhân quyền?

Tiến sỹ Nguyễn Quang A, 69 tuổi, là một trí thức - doanh nhân nổi tiếng. Tốt nghiệp ngành điện tử - viễn thông tại Hungary, ông từng là sáng lập viên Công ty máy tính Truyền thông Điều khiển 3C (năm 1987), Ngân hàng VP Bank (năm 1993). Năm 2007, cùng với tám gương mặt trí thức nổi bật tại Việt Nam, ông thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển IDS. Viện này đã "bị" ông tuyên bố tự giải thể năm 2009 để phản đối Quyết định 97 của Thủ tướng, mà theo IDS là một quyết định "phản tiến bộ, phản khoa học, phản dân chủ, chẳng khác nào thể hiện chính sách ngu dân".

Là một doanh nhân thành đạt, những năm gần đây, TS. Nguyễn Quang A còn nổi lên như là một trí thức hàng đầu đấu tranh cho dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam. Ông tham gia nhiều chuyến đi vận động quốc tế (chi phí đều do ông tự bỏ tiền túi trang trải); có mặt tại nhiều hội nghị, hội thảo và diễn đàn quốc tế để thảo luận về tình hình nhân quyền Việt Nam; dịch rất nhiều sách, tài liệu về chính trị và chính sách công, từ tiếng Hung và tiếng Anh. Và đặc biệt, ông luôn dành sự ủng hộ nhiệt thành cho khối xã hội dân sự "không được thừa nhận" ở trong nước (theo blogger Đoan Trang).

Vụ câu lưu ông của A67 được cho là liên quan sự trở về của ông sau chuyến công tác châu Âu và Mỹ dài ngày. Khi ông xuống máy bay, khoảng 9h30 ngày 1/9 thì ông bị mời vào làm việc với lý do “hộ chiếu hết hạn”. Sau đó là một loạt lý do khác thay thế khi ông cho biết hộ chiếu của ông vẫn còn giá trị thêm 5 năm. Suốt 15 tiếng đồng hồ làm việc, phía an ninh Việt Nam muốn ông nói rõ ông đã đi đâu, gặp ai – những thông tin ông đã chia sẻ rất rõ ràng trên facebook. Tuy nhiên trước sự lạm quyền của an ninh, ông từ chối không hợp tác và không ký biên bản.

Những gì diễn ra cho thấy sự hèn hạ và bẩn thỉu của an ninh Việt Nam khi đối phó với những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền. Trước đó, vào khoảng tháng 5, ông Mai Xuân Dũng, trưởng nhóm thiện nguyện Cứu lấy Dân oan, trở về sau một đợt tập huấn về Truyền thông tại Singapore cũng bị câu lưu, những người thân của ông đến đón ông cũng bị đánh đập bởi những kẻ mặc thường phục được bảo kê kia.

Và một khi chính những lực lượng được mặc định vai trò là bảo vệ người dân lại quay lưng với dân chúng thì những người dân thường, những người yếu đuối sẽ đoàn kết nhau lại để bảo vệ chính mình.

T.G.

Nguồn: https://www.danluan.org/tin-tuc/20150903/thao-gao-bao-luc-lien-tiep-dien-ra-tai-san-bay-noi-bai

2. 'Thật đáng xấu hổ...'

Thư của Dân biểu Liên bang Alan Lowenthal gởi Chủ tịch Trương Tấn Sang

clip_image007

DÂN BIỂU QUỐC HỘI LIÊN BANG HOA KỲ ALAN LOWENTHAL

Bản dịch thư gửi Chủ tịch nước CHXHCNVN Trương Tấn Sang

v/v Trả tự do cho Tù Nhân Lương Tâm nhân dịp “Quốc khánh 2/9”

------------------------------------------------------------

Ngày 2 tháng 9, 2015

Ngài Trương Tấn Sang

Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

c/o Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ

1233 20th Street NW, Suite 400

Washington, DC 20036

Kính gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang,

Trong lúc Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ân xá cho hơn 18,000 tù nhân để chào mừng “Kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh”, tôi vô cùng thất vọng khi thấy không có một nhà hoạt động chính trị hoặc tù nhân lương âm nào có tên trong số những tù nhân được nhận ân xá.  Tôi xin kêu gọi Ngài hãy lập tức trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm, bao gồm Mục sư Nguyễn Công Chính, Linh mục Nguyễn Văn Lý, nhạc sĩ Việt Khang, blogger Tạ Phong Tần và Trần Huỳnh Duy Thức, nhà đấu tranh dân oan Trần Thị Thúy, và những nhà hoạt động trẻ như  Đinh Nguyên Kha, Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu, và Nguyễn Đặng Minh Mẫn.

Thật là đáng xấu hổ khi những công dân Việt Nam đã chọn thực thi những quyền căn bản của họ như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do lập hội sẽ phải tiếp tục bị giam cầm bởi Chính phủ Việt Nam trong khi đó những người đã bị kết án tội phạm hình sự thì được nhận ân xá.  Đây là một chính sách không công bằng và coi thường quyền con người của công dân Việt Nam.  Nếu Việt Nam muốn xây dựng quan hệ với cộng đồng quốc tế và nhận được quy chế thương mại thuận lợi qua Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì chính quyền Việt Nam cần phải chứng tỏ sự nghiêm túc trong việc tôn trọng các định mức và giá trị con người của quốc tế.

Việt Nam không thể tiếp tục bắt giữ và giam cầm những công dân của mình chỉ vì họ thực thi những quyền căn bản của họ trong khi chính quyền tiếp tục tuyên bố tôn trọng nhân quyền.  Một lần nữa, tôi trân trọng kêu gọi Ngài hãy lập tức trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm và cảm ơn sự quan tâm của Ngài đến vấn đề này.

Trân trọng,

(đã ký)

Alan Lowenthal

Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ

Nguồn: http://www.ijavn.org/2015/09/that-ang-xau-ho-thu-cua-dan-bieu-lien.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn