Họ nghĩ gì khi vào Lăng Bác

Nguyễn Đình Cống

Từ khi có Lăng Bác Hồ, mỗi dịp người dân ở các địa phương về Hà Nội lần đầu tiên thường có kế hoạch viếng Lăng Bác. Trước mỗi lần có việc long trọng của đất nước thường có các đoàn quan chức cấp cao của Đảng và Nhà nước đến đặt vòng hoa và vào Lăng. Nhiều đoàn nước ngoài đến Việt Nam cũng được sắp xếp kế hoạch thăm Lăng. Theo tuyên truyền thì việc viếng Lăng là một nhu cầu tâm linh cấp thiết của hàng nhiều chục triệu dân Việt. Bạn có tin như vậy không, nếu không tin thì cứ đến quảng trường Ba Đình để chứng kiến cảnh các đoàn người xếp hàng vào Lăng từ ngày này qua ngày khác.

Năm 1994, lúc còn làm Chủ nhiệm khoa ở trường Đại học Xây dựng, sau khi tiếp nhận lớp sinh viên cử tuyển KV 7 nhập trường (sinh viên các vùng sâu, vùng xa được tuyển vào đại học không phải thi), tôi đã dẫn “đoàn các sinh viên ở vùng sâu, vùng xa mới về nhập học ở Hà Nội” đi viếng Lăng Bác và tự cho là đã làm được một điều rất có ý nghĩa. Tôi cũng đã có nhiều dịp dẫn một số bà con đi viếng và có cơ hội trao đổi ý kiến với nhiều người sau khi họ đi viếng về. Theo tôi, tâm tư, tình cảm của những người đi viếng Lăng không giống nhau, có thể chia ra ba loại chính. Loại 1 gồm những người thành tâm, họ xem việc viếng Lăng là một hạnh phúc, một nghĩa vụ. Loại 2 đi viếng Lăng chủ yếu để thỏa trí tò mò, đi xem một công trình lịch sử như nhiều công trình khác. Loại 3 đi theo phong trào, theo một cái mốt hiện thời, ở các địa phương về thủ đô mà chưa vào Lăng Bác thì mang tiếng với bà con, xem như chưa đến Hà Nội. Tôi cứ băn khoăn về câu “Viếng Lăng Bác là một nhu cầu…”. Nếu như trước đây cứ theo đúng di chúc, hỏa thiêu, không làm lăng thì liệu có nhu cầu đó hay không. Nếu không thì nhu cầu đó là thuộc loại nhu cầu do con người tạo ra, rồi người này theo người khác mà thành phong trào chứ không phải nhu cầu tự thân, càng không phải nhu cầu cấp thiết. Đối với các đoàn nước ngoài, nghe đâu phần lớn kế hoạch vào Lăng là theo gợi ý của chủ nhà và cũng đã có một số đoàn từ chối.

Thôi thì nhân dân mỗi người có ý kiến riêng của mình. Tôi chỉ hơi tò mò muốn biết xem những cán bộ cao cấp của Đảng nghĩ gì khi cùng nhau xếp hàng vào Lăng. Không ít người trong số họ mỗi năm phải vào Lăng nhiều lần. Nhân ngày Quốc khánh 2015, sáng 1 tháng 9, một số khá đông các cán bộ cao cấp, đương chức và nghỉ hưu, lập thành đoàn của Nhà nước vào Lăng viếng Bác. Họ cùng đi với những người rất quen nhưng ít khi dám nói thật lòng với nhau là đang nghĩ gì. Không dám nói thật lòng mà lại quan sát để đoán người khác đang nghĩ về mình như thế nào, đang có mưu toan gì. Tôi chưa có dịp nào chuyện trò hoặc phỏng vấn những người như vậy, chỉ quan sát nét mặt, cử chỉ của họ trên truyền hình để đoán mà thôi. Họ không thuộc vào một trong ba loại người đã kể ở trên. Phần nhiều họ vào Lăng một cách thành thục với nét mặt thờ ơ, có người còn cúi mặt xuống như đang hối tiếc vì mất thì giờ vô ích. Tôi cứ nghĩ vẩn vơ, hay là đề nghị Chủ tịch nước nhờ các nhà ngoại cảm tiếp xúc với vong linh Bác để hỏi xem cảm tưởng, nguyện vọng của Bác khi có các đoàn vào Lăng. Bác vốn thích cần kiệm liêm chính nên chắc sẽ cho rằng không nên tổ chức các đoàn cán bộ đi viếng như vậy vì chỉ nặng về hình thức và lãng phí. Thì trong Di chúc Bác cũng đã viết: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân” và muốn được hỏa táng. Trong các đoàn đi viếng chắc cũng có nhiều người biết như vậy nhưng không ai dám nói ra công khai và đề nghị giảm bớt, họ sợ sẽ bị một ai đó lợi dụng việc này để lên án lòng không trung thành và tìm cách lật đổ. Ôi, khi sự dối trá và sợ hãi bao trùm thì phần lớn năng lượng, trí tuệ của con người chỉ lo tập trung cho việc đó, còn đâu cho sự sáng tạo. Tôi mong ước, trong Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XII sắp tới hoặc trong một kỳ họp của Quốc hội có đại biểu đề nghị đem hỏa táng hoặc địa táng thi hài của Bác, vừa là để nghiêm chỉnh thực hiện di chúc của Người, vừa tránh tốn kém công quỹ trong việc bảo quản thi hài, vừa phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc là được mồ yên mả đẹp, không bị động mồ, động mả. Nhân dân ta rất kiêng kỵ việc động mồ động mả vì như thế sẽ ảnh hưởng rất xấu đến con cháu, dòng tộc. Nói rằng để thi hài Bác cho nhân dân đến viếng vì đó là nhu cầu thì e rằng ngụy biện là chính và xét ra đó là việc làm lợi ít hại nhiều.

N. Đ. C.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn