Ngưng hay không dự án lấn Sông Đồng Nai

Kính thưa các nhà khoa học cùng tất cả quý vị kiến nghị dừng dự án lấp sông Đồng Nai. Dù rất cảm phục quý vị nhưng cũng xin nói ngay rằng quý vị là những người ngây thơ có một. Quý vị có phản đối kiểu gì thì người ta vẫn cứ lấp, phản đối ít thì người ta lấp từ từ, phản đối nhiều thì người ta lấp nhanh, phản đối cực nhiều thì người ta lấp cực nhanh. Bằng chứng là hiện tại ai phản đối cứ phản đối mà ai lấp vẫn cứ lấp. Cách đây mấy năm người ta (trong đó có tướng Giáp) phản đối việc đập nhà Quốc hội cũ, xây nhà Quốc hội mới, kết quả là nhà Quốc hội bị đập cái rụp và nhà Quốc hội mới mọc lên nhanh như trong cổ tích. Tháng trước phản đối xây khu tượng đài 1400 tỷ, chính quyền Sơn La như được truyền thêm sức mạnh, ngay lập tức ra tuyên bố sẽ xây khu tượng đài đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Mấy tháng gần đây gần như tháng nào Đảng ta cũng đề nghị với Trung Quốc là “giữ nguyên hiện trạng”, “không làm phức tạp thêm tình hình”, kết quả là sau mỗi lần đề nghị, Trung Quốc lại lấn thêm một hòn đảo, xây thêm một đường băng. Ngay hôm nay (16-09-2015) ông Nguyễn Xuân Phúc lại đề nghị với Bắc Kinh rằng “không làm phức tạp thêm tình hình, rằng Việt Nam bao giờ cũng quý trọng tình hữu nghị Việt-Trung... thì một đường băng mới của Trung Quốc tại Trường Sa lại sắp sửa hoàn thành...

Người Việt chúng ta rồi sẽ có ngày chết không có đất chôn, thưa quý vị!

Bauxite Việt Nam

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-09-15

clip_image001

Hiện chủ đầu tư vẫn tiếp tục đổ đất đá xuống sông với những khối đá rất to để hoàn thành việc lấn sông. Photo Hoang Truong/vnexpress

Dự án lấn Sông Đồng Nai gây quan ngại gần đây tại Việt Nam và cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Có ý kiến yêu cầu phải ngưng ngay lại, trong khi đó phía cơ quan chức năng vẫn chần chừ.

Ngưng lại

Mạng lưới Sông Ngòi Việt Nam vào cuối tháng 8 vừa qua ra thông cáo báo chí kêu gọi chấm dứt dự án lấn sông Đồng Nai. Diễn đàn này lặp lại quan điểm nói không với dự án, đề nghị chấm dứt dự án và trả lại nguyên trạng cho dòng sông Đồng Nai.

Đây là lần thứ hai Mạng lưới Sông Ngòi Việt Nam ra thông cáo báo chí về dự án lấn sông Đồng Nai. Thông cáo báo chí thứ nhất ra ngày 23 tháng 3 năm nay bày tỏ lo ngại sâu sắc và kiến nghị việc rút giấy phép dự án.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, cố vấn Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam, cho biết những cơ sở để yêu cầu phải ngưng dự án lấn sông Đồng Nai lại:

“ Dự án này đã vi phạm một số luật đã hình thành tại Việt Nam như Luật Tài Nguyên Nước, Luật Phòng chống Thiên tai…; tức là dự án này trước tiên đã vi phạm những qui định trong các bộ luật rồi thì những cái đánh giá tác động môi trường, và diễn giải những tác động đó theo cách nào đi nữa cũng không có giá trị. Do đó Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam yêu cầu phải chấm dứt dự án này, trả lại hiện trạng cho dòng sông.”

Thông cáo báo chí của Mạng lưới Sông Ngòi Việt Nam nêu rõ dự án lấn Sông Đống Nai vi phạm nghiêm trọng nhiều điểu khoản trong các luật của Việt Nam gồm Luật Tài Nguyên nước năm 2012, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014, Luật Đê Điều năm 2006, Luật Phòng chống Thiên tai năm 2013, Luật Xây Dựng năm 2003 và Nghị định Quản lý Lưu vực Sông  số 120/2008/Nđ-CP.

Theo Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam thì 5 bộ luật vừa nêu là 5 bộ luật quan trọng và Dự án Lấn sông Đồng Nai vi phạm.

Cũng theo Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam thì dự án này gây lo lắng và bức xúc dư luận xã hội vì những tác động ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của hơn 20 triệu người đang sinh sống và phụ thuộc nguồn nước tại lưu vực Sông Đồng Nai. Đây là một lựu vực sông được đánh giá có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế- xã hội và sinh kế của 11 tỉnh thành Nam bộ.

Một cư dân Đồng Nai nói đến tác động của hoạt động can thiệp vào dòng chảy tự nhiên của con sông Đồng Nai cũng như công tác đánh giá tác động môi trường của cơ quan chức năng như sau:

“Là người dân Đồng Nai tôi hiểu được con sông Đồng Nai không chỉ là nguồn sống cho dân Đồng Nai mà cho cả người dân vùng Đông Nam bộ - các tỉnh lân cận Bình Dương, Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh… Hằng triệu người đang phụ thuộc vào dòng sông này. Dòng sông như dòng sữa khổng lồ của người mẹ cho hằng triệu đứa con. Do vậy nếu dòng sông này bị tắc nghẽn hay đổi dòng, hoặc nếu có vấn đề gì thì đời sống của hằng triệu người nương vào dòng sông này cũng bị đảo lộn.

Với tư cách là một người dân chứ không phải chuyên gia tôi cho rằng cái gì tự nhiên vốn có đều phải được tôn trọng. Kiến thức hữu hạn của chúng ta không thể tác động vào tự nhiên một cách tự động. Điểm thứ hai nữa là báo cáo đánh giá tác động môi trường của Việt Nam mang tính hình thức. Trước đây Viện Môi trường ở thành phố Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Văn Phước chủ trì từng làm rất “ẩu và láo” (đánh giá tác động môi trường) cho dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Nên những đơn vị tư vấn của Việt Nam mà thuộc Nhà nước không được chuẩn xác. Vì nằm trong một hệ thống như thế nên thực sự không có được tính độc lập, sẽ thiên vị cho đơn vị làm kinh tế. Chính người làm kinh tế bỏ tiền ra thuê đơn vị làm đánh giá tác động môi trường nên ý kiến không có sự độc lập. Một khi thiên về giá trị kinh tế thì môi trường bị hủy hoại. Khi tác động vào dòng sông Đồng Nai như thế này thì gây tác động lớn đến dòng chảy tự nhiên. Tôi không tin tưởng vào những chuyên gia trong nước vì không đủ tầm để làm việc như thế. Nếu Nhà nước (Việt Nam) có quan tâm đúng mức thì cần phải có nhóm chuyên gia nước ngoài có ý kiến về vấn đề “chỉnh, trị” dòng sông. Phải mời các chuyên gia nước ngoài tham gia vào hội đồng phản biện và thông tin phải  công khai, minh bạch. Lúc đó dân mới yên tâm. Bây giờ thì dân không yên tâm và mất niềm tin vào hệ thống”.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cũng nêu ra những tác hại của dự án lấn sông Đồng Nai như sau:

“ Thứ nhất sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho những hoạt động khác, ví dụ chỗ này lấn sông được, thì chỗ khác cũng lấn sông được. Như vậy dòng sông sẽ bị thu hẹp và đến một lúc nào đó người ta sẽ không kiểm soát được tất cả những tác hại diễn ra trong tương lai.

Chúng tôi cũng nhận thấy rằng sông Đồng Nai là một sông liên tỉnh có vai trò quan trọng trong cấp nước sinh hoạt, nước tưới tiêu, cũng như giao thông, môi trường cho nhiều triệu người từ trên thượng nguồn cho đến Sài Gòn. Do đó việc xây dựng làm thay đổi dòng chảy trên sông ở thượng nguồn hay hạ nguồn cần có sự đồng thuận giữa các tỉnh vì có sự tác động lẫn nhau. Dự án này chưa có ý kiến đánh giá của các tỉnh khác, đặc biệt của Sài Gòn nơi có hằng triệu người đang sử dụng nguồn nước sông Đồng Nai. Dự án này sẽ gây ra những hệ lụy mà chưa có thể đánh giá một cách đầy đủ; mặc dù có thể nói được một khi thu hẹp dòng chảy sẽ tạo nên những thay đổi về yếu tố thủy văn và các vấn đề về môi trường.”

clip_image003

Khi dự án mở rộng đắp đất bờ sông Đồng Nai được thực hiện, hàng nghìn tấn đất đá đổ xuống lòng sông.(vietnamnet)

Chờ thẩm định

Trong khi Mạng lưới Sông Ngòi Việt Nam nêu rõ quan điểm về việc phải cho ngưng dự án lấn sông Đồng Nai lại, thì phía Bộ Tài Nguyên Môi trường đang tiến hành tổ chức thẩm định lại đánh giá tác động môi trường của dự án.

Ông Nguyễn Vũ Trung thuộc Cục Thẩm định & Đánh giá Tác động Môi trường của Bộ Tài Nguyên- Môi trường cho biết:

“Việc đánh giá tác động môi trường ĐTM là chỉ làm việc dự báo thôi; thế thì trong quá trình có những vấn đề chưa chắc chắn như báo cáo nêu thì phải tiếp tục nghiên cứu …

Không thể nói cái này có tác động gì hay không có tác động gì, bởi vì toàn bộ điều kiện tự nhiên để nghiên cứu dòng chảy đến nay số liệu vẫn không đầy đủ. Tất cả vấn đề chưa chắc chắn đó thì cơ quan nhà nước và chủ dự án có trách nhiệm nghiên cứu tiếp, đề xuất biện pháp để cuối cùng quyết định thôi; chứ bây giờ Bộ Tài nguyên- Môi trường đứng trên phương diện về môi trường, còn việc đánh giá mô hình dòng chảy là việc của bên ngành thủy lợi cũng như các chuyên ngành khác.

Bộ Tài nguyên- Môi trường thứ nhất không phải cơ quan quản lý và thứ hai chuyên môn không sâu nên chúng tôi không thể quyết vấn đề đó được mà chỉ làm sao cho tốt nhất thôi.!”

Giáo sư Ngô Đình Tuấn, chủ tịch Hội dồng Khoa học, Viện Tài nguyên nước và Môi trường Đông Nam Á, cũng cho biết

“Dự án này thế nào đến nay chưa có kết luận, còn đánh giá tác động môi trường còn nhiều thiếu sót nên chúng tôi chỉ có ý kiến về những gì thiếu sót và có ý kiến phải làm như thế nào cho đúng. Chứ còn cách ai làm như thế nào chúng tôi không biết. Chúng tôi chịu trách nhiệm với phó thủ tướng là nói lên những gì còn thiếu sót, cái gì là ưu điểm, phải điều chỉnh như thế nào. Còn điều chỉnh hay không là việc của ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Họ chưa làm xong, chưa tính xong được nên phải chờ. Chúng tôi chỉ ra những điểm căn bản và có văn bản gửi cho phó thủ tướng”.

Phó giáo sư Lê Kim Truyền, phó chủ tịch Hội Đập Lớn & Phát triển Nguồn nước của Việt Nam cũng cho biết việc hội của ông chưa chính thức có đánh giá về tác động của dự án lấn sông Đồng Nai đối với dòng chảy này:

“ Hội chưa có hội thảo bàn về vấn đề đó. Cá nhân thì người này có ý kiến, người kia có ý kiến nhưng chưa tổ chức hội thảo bàn về vấn đề đó. Tôi chỉ trao đổi cá nhân những ý kiến khác nhau thôi chứ không có tập hợp nên chưa thể nói xu hướng thế nào, thế nào!”

Báo mạng Thanh Niên hôm ngày 11 tháng 9 trích dẫn ý kiến của một chuyên gia tại Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng khi UBND tỉnh Đồng Nai được phép làm lại đánh giá tác động môi trường cho một dự án tư nhân khiến nảy sinh nhiều nghi vấn. Thứ nhất kinh phí đển làm đánh giá tác động môi trường như thế lấy từ đâu? Và bất cứ từ nguồn nào cũng là từ tiến thuế của dân đóng góp thôi. Thứ hai, sau khi giới chuyên gia chỉ ra những thiều sót, sai lầm về mặt khoa học phải ngưng dự án thì việc cho làm lại đánh giá tác động môi trường phải chăng là cách ‘bịt những lỗ hổng’ bằng cách ‘làm đẹp’ lại số liệu!

Xin được nhắc lại Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai và tháng 7 năm ngoái phê duyệt dự án lấn sông Đồng Nai của Công ty Cổ phần Toàn Thịnh Phát. Dự án có qui mô diện tích hơn 84 ngàn mét vuông, trong đó hơn 77 ngàn mét vuông là lấn sông, chạy dọc theo sông Đồng Nai dài hơn 1,3 kilomet, từ Công viên Nguyễn Văn Trị- đối diện với UBND tỉnh Đồng Nai, cho đến cầu Rạch Cát, thuộc phường Quyết Thắng. Dự án được khởi công vào tháng giêng năm nay và đổ đất đá lấn mặt sông. Nơi lấn hẹp nhất là 30 mét và nơi rộng nhất là 100 mét.

Sông Đồng Nai dài 586 kilomet, lưu vực rộng 38600 kilomet vuông. Lưu vực này chỉ sau lưu vực Sông Cửu Long và sông Đồng Nai là con sông nội địa dài nhất Việt Nam.

G.M

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ScienceAndEnvironment/dongnai-riverside-fill-project-09142015075053.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn